Cuộc đời người bị cáo buộc lừa đảo 242 triệu USD bằng ‘tà thuật’
Bị cáo buộc dùng tà thuật lừa tiền ngân hàng, người đàn ông Mali bỏ túi hàng trăm triệu USD vẫn sống tự do ở quê hương.
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Hồi giáo Dubai tại UAE. Ảnh: BBC.
Vào một ngày tháng 8.1995, Foutanga Babani Sissoko bước vào trụ sở chính của Ngân hàng Hồi giáo Dubai (DIB) thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để yêu cầu vay tiền mua xe. Người quản lý đồng ý và được Sissoko mời về nhà ăn tối. Đó là mở đầu cho một trong những vụ lừa đảo táo bạo nhất mọi thời đại, theo BBC.
Trong bữa tối hôm đó, Sissoko nói với người quản lý ngân hàng, Mohammed Ayoub, rằng mình có quyền năng phép thuật và có thể nhân đôi giá trị khoản tiền. Để chứng minh, Sissoko mời Ayoub mang theo ít tiền mặt trong lần gặp tới.
Trong Hồi giáo, tà thuật bị coi là báng bổ thần thánh. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn tin vào nó, và Ayoub bị doanh nhân đầy huyền bí xuất thân từ một ngôi làng hẻo lánh tại Mali kia lôi cuốn.
Trong lần đến nhà Sissoko tiếp theo, Ayoub mang theo một ít tiền. Vừa đến nơi, một người đàn ông vọt khỏi phòng, hét lên vừa bị một hồn ma tấn công. Anh ta cảnh báo Ayoub không được làm phật lòng hồn ma nếu muốn tiền được nhân đôi.
Ayoub bèn để lại tiền trong phòng làm phép và chờ đợi. Ông nhìn thấy khói bốc lên, có ánh sáng phát ra, loáng thoáng tiếng nói của hồn ma, rồi khung cảnh rơi vào tĩnh lặng. Khoản tiền của Ayoub thực sự đã nhân đôi. Ayoub mừng rỡ và vụ gian lận bắt đầu từ đó.
“Ayoub thực sự tin vào tà thuật, rằng Sissoko biết cách nhân đôi tiền. Vì thế, ông ta đã lấy tiền của ngân hàng đưa cho Sissoko với kỳ vọng nhận lại gấp đôi”, Alan Fine, luật sư ở Miami, người được ngân hàng mời điều tra vụ việc, nói.
Vụ lừa đảo bí ẩn
Từ năm 1995 đến năm 1998, Ayoub đã chuyển tiền 183 lần vào tài khoản của Sissoko trên khắp thế giới. Sissiko cũng tiêu xài hàng triệu USD bằng thẻ tín dụng, tất cả đều được thanh toán bởi Ayoub.
Một trong những điều tài tình trong kế hoạch của Sissoko là ông ta không cần phải có mặt tại Dubai để nhận tiền từ Ayoub. Tháng 11.1995, vài tuần sau khi thực hiện trò ma thuật với Ayoub, ông ta đến một ngân hàng khác ở New York, Mỹ để mở một tài khoản ngân hàng.
“Ông bước vào Citibank, gặp một nhân viên giao dịch và kết thúc bằng việc kết hôn với cô ấy”, luật sư Fine nói. “Cô ta đã tạo thuận lợi cho chồng khi giao dịch với Citibank. Ông ta mở một tài khoản để chuyển hơn 100 triệu USD tới Mỹ”.
Theo hồ sơ vụ kiện giữa ngân hàng DIB với Citibank, hơn 151 triệu USD đã bị chuyển từ DIB tới tài khoản của Citibank không thông qua ủy quyền hợp pháp. Tuy nhiên, vụ kiện sau đó bị hủy, còn Sissoko trả công cho cô vợ mới hơn nửa triệu USD.
“Tôi không biết họ kết hôn theo chế độ pháp lý nào nhưng ông ta gọi cô ấy là vợ và cô ấy tự nhận mình là vợ ông ta”, Fine chia sẻ. “Cô ấy biết còn có nhiều người vợ khác nữa, một số đến từ Châu Phi, một số đến từ Miami và một số đến từ New York”.
Năm 1998, DIB đối mặt với tin đồn đang gặp rắc rối về nguồn tiền, khiến người dân kéo đến để rút tiền. Nhà chức trách Dubai bác bỏ tin đồn, cho rằng DIB gặp “một chút khó khăn nhưng không dẫn đến tổn thất tài chính các khoản đầu tư của ngân hàng và tài khoản người gửi tiền”. Nhưng điều này không đúng.
“Những người sở hữu DIB đã chịu thiệt hại rất lớn mà không được bảo hiểm đền bù”, Fine nói. “Ngân hàng chỉ được cứu khi chính phủ nước này quyết định can thiệp và đổi lại, họ đã phải từ bỏ rất nhiều cổ phần ngân hàng cho chính phủ”.
Bằng khoản tiền khổng lồ chiếm đoạt từ DIB, Sissoko hoàn thành ước mơ làm chủ một hãng hàng không ở Tây Phi. Ông ta mua một chiếc Hawker-Siddeley 125 và một đôi Boeing 727 cũ, mở đầu cho sự ra đời của hãng hàng không Air Dabia, đặt theo tên ngôi làng quê hương tại Mali.
Video đang HOT
Sissoko (giữa) đã chi hơn 100.000 USD tài trợ cho một ban nhạc trường học ở Miami. Ảnh: BBC.
Tuy nhiên vào tháng 7.1996, Sissoko mắc một sai lầm nghiêm trọng khi tìm cách mua hai chiếc trực thăng quân sự đã qua sử dụng.
“Sissoko giải thích muốn biến chúng thành trực thăng cứu thương. Tuy nhiên, đây là loại trực thăng cỡ lớn, không phải là loại thông dụng ở các bệnh viện và trung tâm y tế Mỹ”, Fine cho biết.
Do những chiếc trực thăng này có thể được cải hoán thành máy bay vũ trang nên cần loại giấy phép xuất khẩu đặc biệt. Nhân viên của Sissoko cố gắng đẩy nhanh tốc độ bằng cách hối lộ 30.000 USD cho một nhân viên hải quan và bị bắt. Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) cũng phát lệnh bắt giữ Sissoko. Ông ta bị bắt ở Geneva, nơi Sissoko vừa tới để mở một tài khoản ngân hàng khác.
Sissoko nhanh chóng bị dẫn độ về Mỹ, nơi ông ta kêu gọi những người ủng hộ có tầm ảnh hưởng lớn giúp đỡ mình. Nhiều nhà ngoại giao cam kết bảo vệ Sissoko đến mức thẩm phán chủ trì buổi điều trần choáng váng. Các luật sư đã bị sốc khi nguyên thượng nghị sĩ Mỹ Birch Bayh tuyên bố tham gia nhóm bào chữa cho Sissoko.
“Ai mà muốn dính dáng đến một người nước ngoài vô giá trị với nước Mỹ chứ?” Fine nói. “Tôi không biết câu trả lời nhưng rõ ràng câu hỏi này rất thú vị”.
‘Robin Hood thời hiện đại’
Theo hồ sơ tòa án ở Florida, chính phủ Mỹ muốn Sissoko ngồi tù, nhưng ông ta lại được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 20 triệu USD. Thời gian này, Sissoko vung tiền không tiếc tay.
Ông ta tặng xe Mercedes hoặc Jaguar, trang sức và quần áo cho các thành viên nhóm bào chữa. Sissoko tiêu nửa triệu USD chỉ trong một cửa hàng trang sức và hàng trăm nghìn USD ở nhiều nơi khác. Ông thậm chí bỏ ra tới 150.000 USD ở một cửa hàng thời trang nam.
“Ông ta ra đại lý ôtô mua vài chiếc một lúc, trở lại sau một tuần và tiếp tục tiêu xài như vậy. Cứ như thể tiền chỉ là nước”, Ronil Dufrene, người đã bán cho Sissoko 30-35 chiếc xe, cho hay.
Sissoko trở thành người nổi tiếng ở Miami. Dù có nhiều vợ, nhưng điều đó không ngăn ông ta lấy thêm một số người nữa. Ông ta thuê 23 căn hộ trong thành phố cho các bà vợ.
“ Tay chơi là từ thích hợp để miêu tả Sissoko, bởi anh ấy đẹp trai và thanh lịch, có phong cách thời trang tuyệt vời và mạnh tay xài tiền ở Miami”, Makan Mousa, em họ của Sissoko, cho biết.
Sisoko cũng bỏ ra số tiền lớn làm từ thiện. Ngày xét xử đang tới gần và ông ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ hình ảnh đẹp trước công chúng. Mousa từng chứng kiến anh họ tài trợ 413.000 USD cho một dàn nhạc trường trung học đang cần tiền tới New York dự cuộc diễu hành nhân Lễ Tạ ơn.
Giáo sư H. T. Smith, một luật sư biện hộ khác, nhớ lại thứ năm nào Sissoko cũng lái xe quanh thành phố tặng tiền người vô gia cư.
“Khi đó tôi nghĩ, liệu đây có phải phiên bản Robin Hood hiện đại không? Tại sao người ta ăn cắp tiền rồi lại đi quyên tặng? Thật khó hiểu”, ông nói. “Báo Herald đã làm một phóng sự ngay sau khi ông ấy rời Miami, tôi không muốn phóng đại nhưng họ ước tính đã cho đi khoảng 14 triệu USD trong 10 tháng. Như vậy Sissoko từ thiện hơn một triệu USD mỗi tháng”.
Alan Fine cho rằng Sissoko làm thế để duy trì hình ảnh người đàn ông quyền lực và giàu có nhằm quảng bá bản thân. Bất chấp những nỗ lực giữ gìn hình ảnh, Sissoko bỏ ngoài tai lời khuyên của các luật sư và nhận tội trong phiên tòa. Có lẽ ông ta làm vậy để ít bị hỏi các vấn đề tài chính.
Sissoko bị tuyên án 43 ngày tù và phải bồi thường 250.000 USD. Khoản tiền phạt được tính cho Ngân hàng Hồi giáo Dubai, dù họ không hề biết gì về điều này. Sau khi thực hiện một nửa bản án, Sissoko được trả tự do sớm và đổi lại, ông ta tài trợ một triệu USD xây dựng khu trại cho người vô gia cư. Phần còn lại của án phạt được thay thế bằng phương pháp quản thúc tại gia ở Mali. Thế là Sissoko về quê và được chào đón như người hùng.
Cũng trong thời gian này, các kiểm toán DIB nhận thấy các dấu hiệu tài chính bất ổn. Người quản lý ngân hàng, Ayoub, cảm thấy lo lắng và sốt ruột khi Sissoko ngừng trả lời điện thoại.
Cuối cùng ông ta thú nhận với đồng nghiệp, cho biết đã bị lừa 890 triệu AED, tương đương 242 triệu USD. Ayoub bị kết án ba năm tù tội gian lận.
Còn Sissoko thì chưa bao giờ thực sự đối mặt với công lý. Một tòa án Dubai xét xử vắng mặt ông ta ba năm tù về tội gian lận và thi hành tà thuật. Interpol cũng ban hành lệnh bắt giữ và đến nay ông ta vẫn đang bị truy nã.
Trong hồ sơ các phiên toà xét xử vắng mặt Sissoko, bao gồm một phiên ở Paris, luật sư của ông ta tuyên bố thân chủ chỉ là “vật tế thần” cho các hành vi của Ayoub và tiền của ngân hàng thực sự đã đi vào nơi khác, nhưng tòa án bác bỏ và kết án Sissoko tội rửa tiền.
Từ năm 2002 đến 2014, Sissoko là đại biểu quốc hội Mali, do đó ông ta có quyền miễn trừ, không bị bắt giam hay bị truy tố. 4 năm nay, khi không còn là nghị sĩ, Sissoko vẫn được chính quyền bảo vệ do Mali không ký hiệp định dẫn độ với bất kỳ nước nào. Ngân hàng Hồi giáo Dubai hiện vẫn theo đuổi vụ án này.
“Giờ tôi nghèo rồi”
Brigitte Scheffer, phóng viên BBC bay đến Bamako, thủ đô của Mali, để tìm những người quen biết Sissoko. Một thợ may giọng đầy trìu mến khi nhắc đến ông.
“Lần cuối tôi gặp ông ấy là hai hoặc ba năm trước, tôi đã may một vali quần áo cho ông ấy. Nếu không đi quyên góp và làm từ thiện, ông ấy sẽ không thấy hạnh phúc, con người của ông ấy là như vậy”, cô nói.
“Ưu điểm của ông ấy là khi mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, bạn có thể mong đợi ông ấy tặng quà. Sissoko luôn muốn giải quyết khó khăn cho mọi người. Còn khuyết điểm, là thay vì bảo người ta sự thật, ông ấy luôn khiến người khác ảo tưởng”, Lukali Ibrahim, tài xế của Sissoko nhận xét.
Một thợ kim hoàn ở chợ luôn miệng khen ngợi Sissoko hào phóng, thường xuyên mua quà tặng bạn bè. Scheffer tìm tới ngôi làng Dabia gần biên giới Mali với Guinea và Senegal, nơi Sissoko đang sinh sống, vào một ngày đầu năm 2018.
Sissoko kể đã từng có trong tay 400 triệu USD nhưng giờ chỉ là người nghèo. Ảnh: BBC.
“Tên tôi là Sissoko Foutanga Dit Babani. Cô biết không, ngày tôi ra đời, làng xóm quanh đây chìm trong biển lửa. Dân làng la hét ầm ĩ, ‘Marietto đã hạ sinh một cậu con trai.’ Đám cháy cứ thế càn quét dữ dội, thiêu rụi hết những bụi cây xung quanh”.
Tiếp đó, ông nhắc đến những nỗ lực gây dựng lại ngôi làng, bắt đầu từ năm 1985, và số tiền ông kiếm được. Có thời điểm, ông đã sở hữu đến 400 triệu USD. Tuy nhiên, ông cho rằng khoản tiền 242 triệu USD từ Ngân hàng Hồi giáo Dubai là một “câu chuyện điên rồ”.
“Phía ngân hàng nên giải thích rõ tại sao họ có thể làm mất tới ngần ấy tiền. Thật không dễ dàng gì mà số tiền 242 triệu USD cứ thế không cánh mà bay. Đây là điểm mấu chốt. Ayoub không được phép một mình chuyển tiền. Khi ngân hàng thực hiện chuyển tiền, bắt buộc phải có nhiều người ký lệnh”, ông nói.
Khi được hỏi về việc sử dụng tà thuật, Sissoko phủ nhận, tuyên bố nếu “ai thực sự có năng lực đó, thì cớ gì phải đi làm kiếm sống mà có thể chỉ ở một chỗ và trộm tiền của tất cả các ngân hàng trên thế giới”.
“Giờ tôi hết giàu rồi, nghèo rồi”, Sissoko trả lời khi Scheffer hỏi có còn giàu không.
Bất chấp lệnh truy nã của Interpol, Sissoko vẫn ung dung tự tại hơn 20 năm, dù cuối cùng cũng phung phí hết tiền bạc và không bao giờ được rời khỏi Mali. Ông ta chưa phải ngồi tù ngày nào vì vụ gian lận sử dụng tà thuật.
Theo Nguyễn Vân (VnExpress)
Báo nước ngoài nói về dịch vụ "cưới giả" ở Việt Nam
Mới đây, tờ Channel New Asia (CNA - Singapore) đã có một bài viết về sự phát triển của dịch vụ "cưới giả" ở Việt Nam mà nguyên nhân chính là do nhiều người trẻ muốn làm dịu đi áp lực cưới xin từ gia đình hoặc để tránh xung đột giữa các gia đình vốn không đồng ý với cuộc hôn nhân của con mình.
Chiếc váy cưới trắng lộng lẫy, các bàn tiệc chật kín khách mời,... - nhìn vào bên ngoài, đám cưới của Kha (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, tuyệt vời về mọi mặt. Thế nhưng, có một sự thật đen tối chỉ có mình cô dâu mới biết: cô đang mang bầu 3 tháng, đây là đám cưới giả với chủ rể là diễn viên được thuê. Tất cả chỉ để gia đình không bị mất mặt trước bạn bè và họ hàng.
"Cha mẹ tôi sẽ cảm thấy xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu nếu tôi có thai mà không cưới", Kha kể lại 1 tháng sau đám cưới giả của mình. Được biết, cha đẻ của con cô - 1 người đàn ông đã có gia đình - đã chi 1.500 USD (hơn 34 triệu đồng) cho đám cưới này.
Kha và chú rể "hờ" chưa bao giờ kết hôn một cách chính thức. Thế nhưng, cô vẫn biết ơn anh vì đã "hoàn thành trách nhiệm" trước bạn bè và người thân của cô.
"Nó như là chết đuối vớ được phao vậy", cô chia sẻ.
Cha mẹ Kha vẫn chưa biết về sự thật đằng sau đám cưới xa hoa. Tuy nhiên, nói với CNA, cô dự định kể lại với họ rằng cô bị "chồng" bỏ. Theo Kha, thà làm mẹ độc thân do ly hôn còn hơn là có con mà không có chồng.
Khoảng cách thế hệ
Ở Việt Nam, quan niệm về tình yêu và các mối quan hệ đang thay đổi rất nhanh. Tuy nhiên, dù tư tưởng có hiện đại tới đâu, những người trẻ vẫn phải "đau đầu" với các thủ tục hôn nhân truyền thống, nhất là từ gia đình và xã hội.
"Nhiều người không để dũng cảm để sống đúng với bản thân mình, họ phải đối mặt với các quan niệm, lễ nghi, văn hóa và tư tưởng truyền thống", nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyen Duy Cuong cho biết.
Dù có tư tưởng cấp tiến, nhiều người trẻ ở Việt Nam vẫn "đau đầu" với các thủ tục hôn nhân truyền thống
Đó là lý do khiến Huong và bạn trai Quan phải tìm đến dịch vụ cho thuê khách mời đám cưới: gia đình Quan phản đối Huong bởi vì cô đến từ một vùng quê nghèo còn cha mẹ Huong, vì nghe lời bà thầy bói, lại bắt con phải lấy chồng ngay trong năm Đinh Dậu.
Vì thế, cặp đôi này đã tổ chức một đám cưới giả tại quê nhà của Huong ở Nghệ An. Theo CNA, các khách mời đám cưới là "xịn" còn bên nhà trai bao gồm cha, mẹ, các bác các chú, các cô các dì và bạn bè của Quan đều là diễn viên được thuê.
"Thật là tốt khi chỉ cần bỏ ra một chút tiền là mọi người đều vui vẻ. Chúng tôi đã giải quyết được câu chuyện đau đầu này trong hòa bình" Quan giải thích về đám cưới mà anh buộc phải giấu kín, không để bố mẹ mình biết.
Ông Nguyen Xuan Thien - người sáng lập Vinamost, một trong những công ty chuyên tổ chức đám cưới giả và cho thuê khách mời đám cưới - tuyên bố, trong năm qua, công ty của ông đã thực hiện hàng ngàn "vở kịch cưới xin". Ông còn tiết lộ rằng việc làm ăn đang ngày càng phát triển khi ngày nay, Vinamost có đội ngũ 400 người đóng vai "quan viên hai họ" để cho thuê, nhiều hơn gấp hàng chục lần so với một thập kỷ trước.
Tuy nhiên, chính ông Thien cũng cảm thấy băn khoăn về áp lực xã hội đè lên vai những người trẻ.
"Chúng tôi khá là lo lắng, việc này giống như bệnh viện điều trị bệnh tật vậy. Chúng tôi đang giúp các cô dâu và gia đình của họ. Tuy nhiên, đáng lẽ ngành nghề này không nên phát triển lớn như vậy", ông Thien nhận định.
Theo Danviet
Đốt tiền để châm thuốc hút, 2 cán bộ Trung Quốc lĩnh quả đắng Hai cán bộ quản lý đô thị Trung Quốc vừa bị sa thải sau khi video họ đốt tiền châm thuốc hút được đăng tải và lan truyền nhanh chóng trên Internet khiến dư luận phẫn nộ. Cảnh tượng cán bộ đô thị Trung Quốc đốt tiền giả châm thuốc hút. Theo SCMP, vụ việc xảy ra ở miền Nam Trung Quốc. 2...