Cuộc đối đầu kịch tính giữa Nga và châu Âu về năng lượng
Việc tập đoàn Gazprom tuyên bố chưa thể nối lại hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 ngay sau khi nhóm G7 có kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga đã đánh dấu thêm một bước leo thang giữa hai bên trong cuộc đối đầu về năng lượng.
Chỉ vài tiếng trước khi mở lại tuyến đường ống dẫn khí, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã bất ngờ tuyên bố không thể khởi động lại việc vận chuyển khí đốt một cách an toàn cho đến khi khắc phục được sự cố rò rỉ dầu được tìm thấy trong một turbine quan trọng.
Thông báo của Gazprom cho biết: “Việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sẽ ngừng hoàn toàn cho tới khi sự cố với hệ thống được giải quyết”. Gazprom đang tiến hành bảo trì đường ống với sự hợp tác của nhà sản xuất turbine Siemens.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cũng đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng gián đoạn có thể xảy ra nhiều hơn với việc vận chuyển khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1.
“Hiện chỉ có một turbine đang hoạt động. Chúng tôi không có thiết bị dự phòng. Không phải lỗi của Gazprom mà do tài nguyên bị thiếu. Do đó, độ tin cậy của toàn bộ hệ thống đang bị đe doạ”.
Thông báo được Gazprom đưa ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi đường ống này theo kế hoạch sẽ hoạt động trở lại để cấp khí đốt cho Đức. Trước đó, ngày 31/8, Gazprom bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 trong 3 ngày để tiến hành bảo trì và mở cửa trở lại vào ngày 2/9 nếu không có sự cố phát sinh.
Video đang HOT
Trước động thái ngừng cấp khí đốt của Nga, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Moscow đang “lấy năng lượng làm vũ khí” để gây áp lực lên các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, Washington và EU đang tích cực phối hợp để đảm bảo các kho lưu trữ khí đốt châu Âu sẽ được lấp đầy trước mùa đông.
Về phía Đức, tập đoàn năng lượng Siemens khẳng định, rò rỉ dầu không phải lý do chính đáng để đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, bởi sự cố kiểu này không ảnh hưởng tới hoạt động của turbine và có thể bịt kín tại chỗ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng liên bang Đức Klaus Mueller cho rằng, quyết định của Gazprom về việc tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là “khó hiểu về mặt kỹ thuật”, đồng thời cảnh báo có khả năng đây là cái cớ để Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một lời đe dọa. Ông cũng tuyên bố, Đức đã có phương án để đảm bảo nguồn cung khí đốt, khi nhận thấy những tín hiệu bất ổn từ Nga trong vài tuần qua.
“Chúng tôi không thực sự hiểu về kỹ thuật cho việc bảo trì mới này của Nga nhưng Đức hiện đã chuẩn bị tốt hơn. Chúng tôi đã lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, chúng tôi sẽ nhận được khí đốt từ Na Uy, Hà Lan, Bỉ, sắp tới là Pháp. Chúng tôi đang tiết kiệm xăng và về mặt này, tôi cho rằng chúng tôi sẽ có thể đối phó với việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga trong thời điểm hiện tại”.
Đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã lấp đầy được khoảng 80% kho dự trữ khí đốt đang tiến gần hơn đến mục tiêu 90% để đảm bảo an ninh năng lượng cho mùa Đông năm nay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà châu Âu có thể lạc quan. Một mùa Đông lạnh giá hơn dự kiến tại châu Âu sẽ làm tình hình thêm căng thẳng, đặc biệt nếu thời tiết khắc nghiệt cũng diễn ra tại châu Á.
Điều này sẽ hạn chế khả năng các nước EU tìm được nguồn cung khí đốt khác trên thế giới để bổ sung cho các kho dự trữ. Nhưng ngay cả khi các nước châu Âu vượt qua được mùa Đông năm nay, “bóng ma” của mùa Đông tiếp theo vẫn có khả năng giữ giá năng lượng ở mức cao trong nhiều tháng khi cuộc đối đầu về năng lượng giữa Nga và EU chưa chấm dứt.
Tập đoàn năng lượng Nga thu lợi nhuận kỷ lục bất chấp lệnh trừng phạt
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thu lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt chưa từng có nhằm vào Moskva do xung đột ở Ukraine.
Theo trang The Guardian (Anh), Gazprom đã báo cáo lợi nhuận ròng 2.500 tỷ rúp (khoảng 41,5 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao do lo ngại về nguồn cung sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Điện Kremlin sở hữu 49,3% cổ phần của Gazprom. Do đó, Chính phủ Nga sẽ được chia lợi nhuận 1,210 tỷ rúp, sau khi hội đồng quản trị đề xuất khoản thanh toán 51,03 rúp cho mỗi cổ phiếu của các nhà đầu tư. Quyết định này sẽ được đưa ra đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 30/9 tới.
Doanh thu kỷ lục của Gazprom cho thấy bước lùi trong nỗ lực bóp nghẹt nền kinh tế Nga của phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt. Châu Âu đã dần loại bỏ dầu và khí đốt của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước này, thay vào đó, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á. Việc Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cũng khiến giá cả khí đốt tăng cao.
Phó Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Famil Sadygov, cho biết: "Bất chấp áp lực trừng phạt và môi trường bên ngoài đầy bất lợi, Tập đoàn Gazprom vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận ròng kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, đồng thời giảm nợ ròng và đòn bẩy xuống mức tối thiểu".
Hồi tháng 6, Gazprom đã quyết định không thực hiện chia cổ tức hằng năm, lần đầu tiên hoạt động này bị bỏ qua từ năm 1998. Quyết định này đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn giảm gần 30% chỉ trong 1 ngày.
Hôm 31/8, Nga xác nhận cắt nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu trong 3 ngày để bảo trì. Gazprom đã cắt giảm sản lượng khí đốt của mình trong những tháng gần đây xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Hồi tháng 7, Gazprom từng khoá van khí đốt qua Nord Stream để bảo trì trong 10 ngày, nhưng sau đó, nguồn cung chỉ đạt 20% công suất trong bối cảnh liên tiếp xảy ra sự cố không trả lại thiết bị do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller, nói rằng công ty Siemens Energy (Đức) không thể bảo trì thiết bị thường xuyên cho đường ống Nord Stream 1. Người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga cho hay hoạt động bảo trì thiết bị Nord Stream 1 không thể thực hiện được vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo hãng tin Interfax.
Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố giảm lượng khí đốt cung cấp cho công ty Engie của Pháp sau khi công ty này từ chối thanh toán đầy đủ lượng khí đốt đã giao hồi tháng 7. Động thái này làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và EU, cũng như làm tăng nguy cơ suy thoái và ảnh hưởng đến việc phân bổ năng lượng ở một số quốc gia trong khu vực.
Các chính phủ châu Âu cho rằng Nga đang "vũ khí hóa khí đốt" trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Moskva đã phủ nhận cáo buộc này và giải thích việc cắt giảm nguồn cung là vì lý do kỹ thuật.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang lên kế hoạch khẩn cấp để kiểm soát giá năng lượng vì lo ngại giá điện tăng vọt và nguy cơ mất điện trong mùa đông năm nay.
Trung bình, lượng khí đốt dự trữ ở các quốc gia châu Âu đang vượt mục tiêu do EU đặt ra trước mùa đông. Các cơ sở lưu trữ của châu Âu hiện chứa khoảng 84 tỷ m3 khí tự nhiên, vượt trước mục tiêu 65 tỷ m3 vào ngày 1/9 và gần đạt mục tiêu 88 tỷ m3 của tháng 11.
Theo công ty tư vấn năng lượng Aurora, các quốc gia Pháp, Ba Lan, Italy và Cộng hòa Séc đã đạt mục tiêu của tháng 11. Latvia là quốc gia duy nhất đạt mục tiêu của tháng 9. Đức là quốc gia có nhiều không gian lưu trữ nhất cần lấp đầy - ở mức 2,6 tỷ m3, vì nước này có mục tiêu cao hơn và cơ sở lưu trữ rộng lớn.
Hungary ký thỏa thuận nhận bổ sung gần 6 tỷ m3 khí đốt từ Nga Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chật vật để cắt giảm tiêu thụ năng lượng và đối phó với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga. Một kỹ sư của FGSZ Ltd, công ty vận chuyển khí đốt tự nhiên của Hungary điều chỉnh van đường ống dẫn khí đốt chuyển tiếp khí đốt tự nhiên...