Cuộc đời đau khổ của giang hồ trốn nã
Bình “đen”.
Đây là một trong những đối tượng đã tham gia vụ thanh toán đẫm máu giữa hai băng đảng giang hồ của Hà Nội xảy ra vào tháng 11/2010. Kết quả của vụ chém giết này là một đàn anh khét tiếng tên Hòa “tầu” của đất Thủ đô đã bị mất mạng khiến dư luận vô cùng xôn xao. Lần lượt những đối tượng tham gia đều đã bị bắt giữ và đối tượng này là một trong những người cuối cùng sa lưới trong chuyên án.
Tên đầy đủ của tên giang hồ này là Nguyễn Thanh Bình (biệt danh Bình “đen”), tuy không là người trực tiếp gây ra án mạng nhưng cũng là kẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vụ thanh trừng chấn động giới giang hồ Thủ đô.
Chân dung gã giang hồ mê đập đá
Trung tuần tháng 8/2012, Phòng PC52, Công an Hà Nội đã bắt giữ được Bình “đen”, một đối tượng có lệnh truy nã toàn quốc. Sau khi Bình bị bắt, toàn bộ sự thật về vụ thanh toán đẫm máu cũng như cái chết của ông trùm giang hồ Hòa “tầu” cũng đã sáng tỏ. Khai nhận về hành vi phạm tội của mình, Bình khẳng định, y chỉ tham gia vụ thanh toán chứ không phải người trực tiếp giết người. Khi bị bắt Bình đang lẩn trốn tại khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai-Hà Nội).
Hồ sơ về Bình khá “dày” và lực Công an Hà Nội đã mất rất nhiều thời gian để truy bắt tên tội phạm này. Bình vốn là một kẻ sống dặt dẹo trong xã hội từ khá lâu nay. Bố mẹ Bình làm nghề chài lưới trên sông Hồng từ khi còn rất trẻ. Mấy anh em Bình đều được sinh ra và lớn lên trên thuyền nên tuổi thơ cũng bập bềnh theo sóng nước. Chưa hết lớp 6 Bình đã bỏ học. Vì còn quá nhỏ tuổi để kiếm được một công việc ổn định, Bình đi theo đám trẻ hư hỏng sống ở làng chài Long Biên. Không học hành, không nghề nghiệp Bình sớm sa chân vào những tệ nạn xã hội.
Khi trở thành một cậu thanh niên choai choai, Bình bắt đầu gia nhập các băng hội hoạt động theo kiểu giang hồ để kiếm sống. Vài cuộc chém giết, mấy lần cầm dao truy sát người đã “tôi luyện” cho Bình bản lĩnh của một tay giang hồ có máu mặt. Là một tên đao búa có thứ hạng, Bình được rất nhiều đàn anh máu mặt nhờ đi xử lý những vụ mâu thuẫn. Vụ thanh toán xảy ra vào tháng 11/2010 cũng là một trong số những vụ án kiểu như vậy. Năm 2008 Bình từng vào tù một lần vì tội “tiêu thụ tài sản phạm pháp mà có”. Trả án 2 năm, Bình trở về với xã hội “với sự lợi hại hơn”. Có số má trong giang hồ, Bình đương nhiên được nhiều người biết đến hơn. Thay vì chỉ là kẻ tế thần trong những cuộc “giao tranh”, Bình được tham gia nhiều vào việc kinh doanh, thu nợ của các ông trùm.
Kiếm được tiền, Bình bắt đầu dấn thân vào những thứ ăn chơi trụy nã, đập đá, lắc… Dù xuất thân là một con nhà nghèo nhưng Bình cũng chẳng hề chịu thua kém những tay ăn chơi đất Thủ đô. Thời gian trôi qua, cuộc đời của Bình cũng vì thế mà vướng bẩn nhiều hơn, càng ngày y càng dấn thân sâu hơn vào thế giới ngầm. Sau khi tham gia vụ giết chết ông trùm giang hồ Hòa “tầu”, Bình trốn biệt tích.
Thời gian đầu tiên Bình vào Thanh Hóa trốn ở nhà một người bạn. Nhưng rồi khi nghe ngóng tình hình thấy Công an truy đuổi quyết liệt, Bình quyết định quay trở lại Hà Nội. Xác định “nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất”, Bình phiêu dạt khắp nơi trong nội thành Hà Nội. Có thời điểm y dạt xuống chiếc thuyền của gia đình rồi cùng cha ngược sông Hồng đi đánh cá. Nhờ việc khéo léo chui lủi mà trong hơn 1 năm lẩn trốn, Bình đã không bị phát hiện.
Video đang HOT
Đầu năm 2012, Bình dạt về khu đô thị Linh Đàm để trốn. Tại đây, Bình nhận công việc đi thu tiền chơi hụi cho một số tay anh chị giang hồ. Công việc này đòi hỏi Bình thường xuyên phải lộ diện và cũng chính vì thế mà tung tích của tên giang hồ này đã được cơ quan điều tra nắm giữ. Không để Bình có cơ hội trốn thoát lần nữa, các trinh sát Phòng PC52 đã tổ chức truy tìm và vây bắt thành công vào 22/8 và Bình “đen” đã bị bắt sau gần 2 năm lẩn trốn.
Nước mắt của tên giang hồ lụy vì tình
Tại phòng hỏi cung, Bình không giấu giếm về tội trạng của mình, nhưng mỗi khi nói về cô người yêu tên Hằng (tên thật đã được thay đổi), nước mặt của gã giang hồ này đã lăn dài trên khuôn mặt. Bình kể rằng, trong quá trình chạy trốn của mình, y đã gặp Hằng. Trong một lần đi uống nước, Bình đã làm quen với một cô gái hơn mình đến 3 tuổi. Nhưng tưởng đó chỉ là lời trêu đùa qua đường, nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn sau đó, Bình và Hằng đã về sống với nhau như vợ chồng.
Hằng là một cô gái đã có chồng và có con. Tuy nhiên, chồng Hằng đã đi tù vì có liên quan đến ma túy. Hiện tại Hằng đang sống một mình nuôi con. Gặp Bình, một người cũng chẳng có chỗ ở đàng hoàng, công việc không có lại chẳng vướng bận gia đình, hai người đã đến với nhau như để bù đắp cho nhau những thiếu thốn. Hàng ngày, Hằng làm công việc trang điểm tại nhà, còn Bình khi thì núp trong buồng khi thì dặt dẹo ra một số quán nước quanh khu vực đó trà chén. Cuối mỗi buổi chiều, Bình lại đi thu hụi. Công việc đó tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng giúp Bình có được vài đồng để sinh nhai. Cuộc sống với một cô gái từng qua một lần đò cũng giúp Bình có được một cảm giác của người đàn ông trong gia đình. Tiền đi làm về đưa cho Hằng trang trải cuộc sống, thêm thắt nuôi đứa con nhỏ.
Bình rất yêu quý đứa con của Hằng và coi như con của mình sinh ra. Bản thân Hằng khi thấy Bình đối đáp như vậy cũng rất hạnh phúc vì vậy mà cuộc sống của hai người trôi qua trong hạnh phúc và yên ả. Bản thân Bình ngoài cảm giác yêu thương với Hằng, đối với gã, người phụ nữ này còn là ân nhân. Trong lúc Bình đang bị truy nã, không biết bấu víu vào đâu để nương thân, chính Hằng là người đã cưu mang gã. Cái nghĩa tình đó đã khiến Bình rất coi trọng Hằng. Giữa hai người không đơn thuần chỉ tình yêu của đôi trai gái mà còn là sự gắn bó của hai con người đến với nhau để bù đắp sự thiếu thốn. Hằng cần một người đàn ông để làm chỗ dựa trong cuộc sống, còn Bình cũng rất cần một tổ ấm để đi về dù y đang bị truy nã.
Khi biết Bình là đối tượng truy nã, đã nhiều lần Hằng khuyên bảo nên ra đầu thú. Tuy nhiên, vì đã đi tù một lần nên Bình vô cùng sợ cảm giác mất tự do. Gã vẫn quyết tâm lẩn trốn không chịu ra trình diện pháp luật. Cuộc sống trong những ngày lẩn trốn lệnh truy nã của Bình tuy chui lủi nhưng gã cũng kịp kiếm tìm cho mình nhưng niềm hạnh phúc rất đặc biệt dù nó vô cùng mong manh. Khi Bình bị bắt, Hằng không hề hay biết. Chỉ đến khi được cơ quan Công an thông báo thì Hằng mới tỏ. Tuy nhiên, đây là một kết quả đã được Hằng dự cảm tự trước nên cô không quá sốc. Dù là gã chồng hờ nhưng Hằng vẫn thăm nom và quan tâm như nghĩa vụ của một người vợ chính thức.
Trước mặt lực lượng Công an, phóng viên, Bình nghẹn ngào nói rằng, em thương Hằng lắm. Cô ấy đã vất vả vì rất nhiều. Trong những ngày trốn nã, chính cô ấy đã lo ăn, lo ở cho em. Chưa kịp đền đáp ân tình đó thì em đã bị bắt. Chẳng biết tội trạng em gây ra sẽ bị kết án như thế nào nhưng bây giờ em cảm thấy vô cùng ân hận và thấy có lỗi với Hằng. Không biết bao giờ em mới có cơ hội đền đáp ân tình đó… Dường như phía sau vẻ sắc lạnh của một tên giang hồ máu mặt thì Bình vẫn có một trái tim nóng hổi biết yêu thương và quý trọng những người xung quanh. Nhìn gã giang hồ này chảy nước mắt khi nói về người yêu sẽ chẳng ai nghĩ rằng đây là người đã tham gia vụ truy sát một tay anh chị khét tiếng gây chấn động dư luận cả Thủ đô trong một thời gian rất dài
Bình “đen” là một trong số những đối tượng tham gia vụ truy sát băng nhóm của Chu Văn Hòa, tức Hòa “tầu” xảy ra vào ngày 11/11/2010. Giữa Hòa và một người tên Kiên sống ở Thanh Xuân có xảy ra mâu thuẫn vì khoản tiền gần 300 triệu từ việc thu cá độ từ trước. Kiên thường xuyên cho đàn em đến dọa nạt, uy hiếp để đòi tiền Hòa. Tuy nhiên, vì là một tay đàn anh có máu mặt nên Hòa chẳng hề sợ hãi và tỏ ra thái độ không chịu trả tiền. Kiên đã huy động băng nhóm đến nhà truy sát Hòa tại ngôi nhà ở ngõ 302 đường Láng (Đống Đa). Khi nhóm bị thất thế, Kiên đã gọi cho Bình và một người tên Vinh đến tiếp viện. Đến nơi xảy ra xô sát, Vinh cầm dao đâm chết Hòa còn Bình là người đi phía sau. Vụ án này sau đó đã được cơ quan Công an điều tra và làm rõ từng đối tượng. Khi bắt được Bình, một số vấn đề đã được làm sáng tỏ và tới đây, vụ án giết chết ông trùm Hòa “tầu” sẽ được đưa ra xét xử.
Theo 24h
Tướng cướp thích chơi "trò ú tim" với CS
Trái với tâm lý của hầu hết các đối tượng truy nã khác chỉ chăm chăm tìm đường chạy trốn và giấu hành tung của mình càng kín càng tốt trước sự truy đuổi gắt gao của lực lượng công an, thì Nguyễn Hữu Dũng lại thường xuyên chơi trò "ú tim" với các trinh sát truy nã tội phạm, để chứng tỏ "tài năng", sự ngạo mạn và thái độ coi trời bằng vung của mình.
Hắn quá ngạo mạn về "tài năng" xuất quỷ nhập thần của mình (ảnh minh họa)
Với các trinh sát của Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm Bộ Công an, thì trường hợp đối tượng truy nã Nguyễn Hữu Dũng, tức tướng cướp Dũng "xu" thực sự là một "ca" đặc biệt trong hồ sơ về những tên tội phạm truy nã mà các anh đã từng truy bắt thành công. Bởi trái với tâm lý của hầu hết các đối tượng truy nã khác chỉ chăm chăm tìm đường chạy trốn và giấu hành tung của mình càng kín càng tốt trước sự truy đuổi gắt gao của lực lượng công an, thì Nguyễn Hữu Dũng lại thường xuyên chơi trò "ú tim" với các trinh sát truy nã tội phạm, để chứng tỏ "tài năng", sự ngạo mạn và thái độ coi trời bằng vung của mình. Hắn cũng chính là tên tội phạm duy nhất đã tự mình sa lưới pháp luật, khi hết lần này đến lần khác gợi ý cho các trinh sát của Cục Truy nã manh mối để tìm ra tung tích của chính mình.
Tướng cướp Dũng "xu" và băng cướp gây mê khét tiếng miền Bắc.
Những năm 1990, việc sử dụng thuốc gây mê để cướp của, chiếm đoạt tài sản đã bắt đầu xuất hiện và trở nên ngày càng phổ biến khắp các địa bàn trong cả nước. Rất nhiều người dân lao động lương thiện, cả tin đã trở thành nạn nhân xấu số của những đối tượng gây mê đầy thủ đoạn này.
Theo Thượng tá Đào Trọng Sơn, thì "phù thủy gây mê" để cướp, chiếm đoạt tài sản đầu tiên ở Việt Nam được biết đến là Trần Thị Chắt, kẻ đã bị tòa tuyên án tử hình cho những tội ác rùng rợn mà ả đã gây ra. Nghiêm trọng nhất là trước khi bị sa lưới pháp luật, Trần Thị Chắt đã kịp "truyền nghề" lại cho rất nhiều đàn em trong giới giang hồ, khiến những năm 1990 - 2000 là những năm bùng nổ của tội phạm gây mê với hàng loạt tội ác để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng do chúng gây ra. Một trong những băng cướp sử dụng thủ đoạn thuốc gây mê nổi tiếng nhất giai đoạn đó là băng cướp của tướng cướp Dũng "xu", một tên côn đồ nguy hiểm người Hải Phòng.
Năm 1998, khắp tỉnh Hà Tây và Hà Nội nổi lên mấy chục vụ cướp với thủ đoạn dùng thuốc gây mê khiến nạn nhân bất tỉnh. Nạn nhân là các tài xế xe ôm sau khi tỉnh dậy đều đã kể lại rằng họ được một đối tượng đến giả vờ thuê xe đi một quãng đường dài. Trên đường đi, nạn nhân được đối tượng mời vào quán uống nước, hút thuốc, ăn kẹo cao su mà không hề nghi ngờ rằng trong đó có chứa sẵn thuốc gây mê. Đến khi tỉnh lại, phát hiện ra xe máy, tiền bạc và các tư trang mang theo trong người đã không cánh mà bay, các lái xe ôm này mới biết mình đã trở thành con mồi của các đối tượng dùng thuốc gây mê để cướp của.
Qua miêu tả nhân dạng đối tượng do các nạn nhân kể lại, cũng như trên cơ sở phân tích cách thức gây án của nhóm đối tượng này, lực lượng Công an nhanh chóng xác định đây là một băng cướp gây mê nguy hiểm, với thủ đoạn thâm độc và liều lĩnh. Hành động cướp giật liên tục của bọn chúng đã khiến tính mạng của nhiều nạn nhân bị đe dọa nghiêm trọng. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14 - Bộ Công an) khi đó đã quyết định khởi tố vụ án và thực hiện chuyên án bắt gọn băng cướp gây mê này.
Sau một thời gian ngắn cho các trinh sát tỏa đi các hướng để điều tra, nắm tình hình, C14 đã phát hiện được nhóm đối tượng khả nghi do Dũng "xu" cầm đầu. Tiếp tục điều tra thông tin về nhân thân của Dũng "xu", các trinh sát nắm được hắn sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, từ nhỏ đã nhiễm máu giang hồ và có nhiều hành vi gây rối ở địa phương. Bản thân Dũng "xu" từ lâu cũng đã là đối tượng nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan điều tra. Phương án tóm gọn băng cướp này lập tức được đưa ra và được thực hiện khá thành công. Nhưng đáng tiếc, đến phút cuối, nhờ sự ranh ma của mình, tên cầm đầu băng cướp Dũng "xu" đã kịp thời chạy thoát.
Ngay sau khi Dũng "xu" trốn thoát, lệnh truy nã tên tướng cướp nguy hiểm này đã được phát khắp toàn quốc. Nhưng nhờ sự quỷ quyệt của một tên tội phạm có quá nhiều kinh nghiệm đối phó với Công an, nên suốt một thời gian dài, Dũng "xu" vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Từ Hà Nội, Hà Tây, hắn chạy trốn vào các tỉnh phía Nam, gây cho cơ quan điều tra không ít khó khăn trong quá trình truy bắt hắn.
Khi đó, Thượng tá Đào Trọng Sơn - người được giao nhiệm vụ truy bắt đối tượng này đã rò la tung tích của Dũng "xu" qua các mối quan hệ họ hàng, gia đình, bạn bè của hắn, nhưng đều nhanh chóng rơi vào ngõ cụt. Là một tên tội phạm nham hiểm, xảo quyệt, Dũng "xu" tuyệt đối không liên lạc với bất cứ ai thân thích, đề phòng sự mật phục của cơ quan điều tra. Vụ việc cứ thế tưởng đi vào bế tắc, khi mà hành tung của tên tướng cướp Dũng "xu" ngày càng bặt vô âm tín.
Cái giá phải trả cho sự ngạo mạn của tên tướng cướp thích đùa
Bẵng đi một thời gian, đến cuối năm 1999, Thượng tá Đào Trọng Sơn bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại kỳ lạ mà anh chưa từng gặp trong suốt nhiều năm làm công tác truy nã tội phạm của mình. Một kẻ tự xưng là tướng cướp Dũng "xu", đối tượng mà Thượng tá Sơn đang truy nã đã gọi điện đến văn phòng của Bộ Công an và "thông báo" địa chỉ nơi hắn trú ngụ tại một con hẻm nhỏ thuộc quân 10 (TP.HCM).
Dù bán tín bán nghi với "chuyện lạ" chưa từng thấy trong đời, nhưng Thượng tá Đào Trọng Sơn cùng đồng đội vẫn phải ngay lập tức tiếp cận địa chỉ trên để xác minh thực hư mọi chuyện và được biết đó là một căn nhà nhỏ cho thuê. Chủ nhân của căn nhà đó, sau khi được các trinh sát cho xem ảnh đối tượng Dũng "xu" đã xác định chính hắn là kẻ đã thuê và sống ở căn nhà này suốt thời gian qua, nhưng đã dọn đi được vài ngày trước đó. Biết đây là trò "chọc tức" lực lượng Công an của tướng cướp Dũng "xu" nên khi không tìm được bất cứ manh mối, chứng cứ gì, các trinh sát truy nã tội phạm đành phải ra về tay trắng.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, dường như thấy vui vì "trò chơi" thú vị vừa nghĩ ra, Dũng "xu" lại tiếp tục gọi điện đến báo tin cho lực lượng truy nã nơi hắn đang ở tại quận 4. Đúng như dự đoán, khi Thượng tá Đào Trọng Sơn và các trinh sát đến nơi, thì chủ nhà cũng thông báo hắn đã rời khỏi từ một tuần trước đó. Qua khai thác thông tin, các trinh sát của Cục Truy nã tội phạm biết được trong khoảng thời gian vài tháng ở đây, thường xuyên xuất hiện một người phụ nữ đến gặp gỡ Nguyễn Hữu Dũng tại căn nhà này.
Xác minh các mối quan hệ cũ của Nguyễn Hữu Dũng ở Hải Phòng, Thượng tá Sơn nắm được khi còn ở quê nhà, Dũng có một người bạn nữ tên là T., đang sống ở TP.HCM và có chồng làm trong ngành Công an. Khi tiếp cận với các nguồn tin xung quanh người phụ nữ tên T. này, các trinh sát chắc chắn được chính T. là người đã có trao đổi, liên lạc với Dũng trong thời gian đó. Tuy nhiên, manh mối quý báu này cũng không giúp các trinh sát tìm ra tung tích của Dũng "xu", vì sau đó hắn lại trốn biệt, không để lại một dấu vết gì.
Tuy chưa tìm được Dũng "xu", nhưng đoán biết được tính cách ngạo mạn, ưa trình diễn, thể hiện mình và sự "tự tin" thái quá của Dũng "xu", Thượng tá Đào Trọng Sơn và các đồng đội đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cú điện thoại tiếp theo của Nguyễn Hữu Dũng. Nhưng mãi đến cuối năm 2001, cú điện thoại đó mới đến.
Như những lần trước, sau khi di chuyển khỏi nơi trú ẩn, Dũng "xu" lại gọi điện thông báo địa chỉ cho các trinh sát truy nã tội phạm của Bộ Công an biết. Như những lần trước, hắn vẫn tự tin về sự kín kẽ trong đường đi nước bước của mình và ung dung khi nghĩ rằng cơ quan công an sẽ không bao giờ bắt được hắn. Nhưng lần này Dũng "xu" đã nhầm, bởi một sai lầm mà chính hắn cũng không ngờ tới, một sự sơ hở mà chỉ có những trinh sát truy nã tội phạm dày dạn kinh nghiệm mới biết tận dụng để tìm ra xào huyện của tên tướng cướp.
Thượng tá Đào Trọng Sơn kể, như những lần trước, khi anh và đồng đội ấp đến nơi thì Dũng "xu" đã cao chạy xa bay. Nhưng với thái độ quyết tâm, kiên trì, tuyệt đối không bỏ cuộc, cuối cùng các anh cũng lần tìm ra được một manh mối đáng quý. Trước đó, có người đã nhìn thấy Dũng "xu" đã di chuyển khỏi đó trên một chiếc xe của một hãng taxi trong thành phố. Không bỏ lỡ manh mối quý như vàng này, Thượng tá Đào Trọng Sơn đã liên lạc với hãng taxi đó, tìm ra bằng được tài xế đã chở Dũng "xu". Từ lời khai của tài xế taxi, các trinh sát đã phát hiện ra nơi trú ngụ mới của hắn ở quận Gò Vấp, nơi hắn thuê để ở và bán đồ điện. Nhưng khi trinh sát ập đến nơi, biết mình đã rơi vào tay lực lượng Công an, hắn vẫn giữ được bộ mặt lạnh như tiền và thản nhiên nói: "Các ông bắt nhầm người rồi, tôi không phải là Dũng "xu" nào cả".
Ngay cả khi đã về đến trụ sở cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Dũng vẫn ngoan cố, kiên quyết không khai nhận nhân thân của mình. Không nóng vội sau một ngày đấu trí không mệt mỏi mà không có kết quả với Dũng "xu", đợi đến chiều tối, khi Dũng "xu" xin đi vệ sinh, Thượng tá Sơn đã đứng ở đằng sau và bất ngờ gọi: Dũng "xu"! Theo phản xạ bản năng, hắn giật mình quay lại, vừa kịp nhận ra mình đã rơi vào một cái bẫy ngọt ngào.
Không còn lý do để chối tội, Dũng "xu" đã thành khẩn nhận hết tội lỗi của mình. Kể về "sở thích" bệnh hoạn khi chơi trò "ú tim" với cơ quan Công an, Nguyễn Hữu Dũng cho biết, biết mình bị truy nã nên sau một thời gian chạy trốn, hắn ngạc nhiên không thấy động tĩnh gì từ phía lực lượng Công an. Nghĩ rằng có thể mình đã bị các trinh sát truy nã "bỏ quên", nên bản tính ngông cuồng của hắn đã thôi thúc hắn gọi điện đến văn phòng của Bộ Công an, như một phép thử về "sức hút" của mình. Sau đó Dũng "xu" còn cẩn thận đứng ở một ngôi nhà gần đó để kiểm tra xem các trinh sát truy nã có đến tìm hắn không. Thấy "trò chơi" rượt đuổi đó quá thú vị, nên cứ khi buồn chán, hắn lại giở trò đó, như một cách giải sầu. Nguyễn Hữu Dũng là tên tội phạm duy nhất tự động tra tay vào còng số 8 vì sự ngạo mạn của mình.
Theo 24h
15 năm trốn nã, lấy vợ, có con vẫn... dằn vặt Trong hành trình 15 năm trốn truy nã, Mai Văn Hàm (SN 1973), trú tại huyện Xuân Trường, Nam Định đã kịp lấy vợ, sinh con, lập nghiệp. Nỗi dằn vặt của người đàn ông 40 tuổi suốt những năm qua là chẳng thể khai sinh cho con, vì sợ công an tìm ra tung tích. Đầu thú để con được đi học...