Cuộc điện thoại từ đảo Trần chiều 30 Tết
Chiều 30 Tết, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của Thiếu tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng đảo Trần – hòn đảo tiền tiêu nằm phía Đông của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của tỉnh Quảng Ninh.
Giọng nói chập chờn qua điện thoại, có lẽ anh đang ngồi trước biển…
“Alo, em à. Năm nay không ra đảo chơi, bọn anh vẫn nhắc chú…Thế ngoài ấy, Tết ở đất liền có gì vui không em?”, Nguyên nói, giọng đượm buồn.
Còn nhớ 1 năm trước ra đảo Trần vào những ngày giáp Tết, Thiếu tá Nguyên là người dẫn tôi đi thăm thú nhiều nơi, rồi qua câu chuyện, tôi biết anh quê Đông Triều, đã trải qua 20 năm quân ngũ với rất nhiều kỷ niệm buồn vui đời lính. “Đối với đảo Trần, vùng biển đảo thiêng liêng này cũng cho tôi những kỷ niệm thiêng liêng nhất”, Nguyên tâm sự.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng đảo Trần mổ lợn đón Tết. Ảnh: Thiếu tá Đào Xuân Nguyên.
Tết năm nay, thiếu tá Nguyên cùng nhiều đồng đội trong đơn vị không được về quê nhà ăn Tết. Ngay cả Đồn trưởng, thiếu tá Phạm Hồng Thái (quê Hải Dương) cũng phải trực Tết tại đơn vị. Đối với các anh, những người lính đã nhiều năm trong quân ngũ, thì việc xa nhà những ngày Tết là điều đã trở nên quen thuộc. Nhưng trái tim của người lính đâu phải sắt đá! Khi Nguyên hỏi tôi “Tết ở đất liền có gì vui không em?”, giọng anh chùng xuống. Tôi biết anh đang nhớ đất liền. Nhớ giờ này ở quê mẹ anh đang thổi xôi bằng gạo nếp Đông Triều chuẩn bị cúng giao thừa. Nhớ vợ anh ra vườn chọn trái bưởi đẹp nhất bày lên mâm ngũ quả. Nhớ…
Những chiếc bánh chưng của lính đảo, nguyên liệu để gói chủ yếu được gửi từ đất liền. Ảnh: Thiếu tá Đào Xuân Nguyên.
Video đang HOT
“Những ngày Tết mới thấy tình quân dân có ý nghĩa như thế nào em ạ!”, thiếu tá Nguyên nói. Vừa mấy hôm trước, anh cùng chỉ huy đơn vị đến thăm, tặng quà Tết các hộ dân. Món quà tuy nhỏ, nhưng tình cảm thấm đẫm qua những nụ cười, cái bắt tay siết chặt…
Nguyên cho biết, người dân thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô năm nay đón Tết vô cùng phấn khởi. Tất cả các hộ dân được tỉnh Quảng Ninh quan tâm lắp đặt mỗi gia đình 1 hệ thống điện năng lượng gồm 4 tấm pin mặt trời, 2 bình ắc quy, mỗi bình 200 Ah, 1 máy inverter (đổi điện từ 12V sang 220V). Những ngày trước đây chỉ tối mới có điện được khoảng 3 giờ đồng hồ bằng điện diezen, nhưng bây giờ dùng hợp lý thì có điện thắp sáng và tivi xem cả ngày.
Tình đồng chí trong những ngày trực Tết làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Ảnh: Thiếu tá Đào Xuân Nguyên.
Cũng như mọi năm, vào những ngày giáp Tết, các đơn vị quân đội ở đảo Trần đều tổ chức thịt lợn, gói bánh chưng, không khí hết sức náo nhiệt. Thông thường, đơn vị chuẩn bị cành đào và mâm ngũ quả từ rất sớm, bởi những ngày này hàng năm đều có các đoàn từ đất liền ra thăm và chúc Tết. Bánh chưng thường được gói vào ngày 28, 29 Tết, bởi trên đảo chưa có điện lưới, nếu thịt lợn và gói bánh chưng quá sớm sẽ không thể tích trữ để ăn dần như trên đất liền.
Phút chạnh lòng trước biển chiều 30 Tết. Ảnh: Thiếu tá Đào Xuân Nguyên.
Ngay từ sớm, các đơn vị đã xây dựng và quán triệt kế hoạch đến 100% cán bộ chiến sĩ, trong đó tổ chức duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phân công cắt cử các tổ đội công tác xuống địa bàn nắm tình hình, kết hợp chúc Tết bà con. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với các lực lượng vũ trang trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh chính trị trật tự trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, để bà con đón một cái Tết yên vui.
Chỉ huy đơn vị Đồn Biên phòng đảo Trần họp xây dựng và quán triệt kế hoạch sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Thiếu tá Đào Xuân Nguyên.
Đồn Biên phòng đảo Trần tặng quà cho người dân sinh sống trên đảo ngày 28 Tết. Ảnh: Thiếu tá Đào Xuân Nguyên.
“Đảo Trần bây giờ vui lắm, lúc nào chú có điều kiện ra thăm anh em nhé!”, Thiếu tá Nguyên nói, giọng đầy hứng khởi. Anh còn nhắn tin qua Zalo cho tôi những hình ảnh anh chụp được không khí đón Tết của đơn vị. Tôi không khỏi bùi ngùi, tự dặn mình phải quay lại đảo Trần vào một ngày gần nhất.
Theo Danviet
5.000 du khách mắc kẹt ở Cô Tô đã về được đất liền
14h ngày 26.6, Cảng vụ đường thủy tỉnh Quảng Ninh đã cấp lệnh cho các tàu khách đi tuyến Vân Đồn và Cô Tô được phép đón trả khách bình thường.
Chiều 26.6, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời tiết trên biển đang dần ổn định, gió giật cấp 5, vì vậy vào lúc 14hcùng ngày, Cảng vụ đã cấp lệnh cho các tàu khách đi tuyến Vân Đồn và Cô Tô được phép đón trả khách bình thường.
Khách du lịch sau 2 ngày mắc kẹt ở Cô Tô đã trở về đất liền an toàn.
Sau khi được cấp lệnh, có 23 tàu từ cảng Cái Rồng ra đảo Cô Tô và hơn 10 tàu từ đảo Cô Tô trở về đất liền để kịp thời di chuyển hết lượng khách đang phải lưu trú trên đảo trong 2 ngày qua do sóng lớn, biển động rất mạnh.
Anh Lê Hữu Vy, du khách đến từ TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vừa đặt chân về cảng tàu khách Cái Rồng, huyện Vân Đồn cho biết: "Đúng thời điểm gia đình tôi cũng như nhiều du khách khác sắp hết tiền thì cảng thông báo tàu đã hoạt động. Gia đình tôi đã rút được tiền tại cây ATM gần cảng và chuẩn bị trở về nhà".
Thời tiết chuyển biến tốt hơn cũng là điều kiện thuận lợi để khắc phục sự cố mất điện trên đảo Cô Tô.
Trước đó, trong 2 ngày 24 và 25.6 do sóng to, gió lớn nên Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh đã dừng cấp lệnh cho tàu xuất bến khiến 5.000 du khách đang lưu trú trên đảo Cô Tô bị mắc kẹt. Ngoài ra, huyện đảo Cô Tô hiện đang bị mất điện lưới do sét đánh vào đường dây truyền tải điện 22KV tại khu vực đảo Ba Mùn. Công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu.
Cảng tàu khách trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường.
Được biết, cũng do lệnh cấm tàu từ ngày 24.6, một học sinh ngụ tại huyện đảo Cô Tô vào đất liền chơi đã không thể trở về đảo để tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đã được bố trí thi tại một hội đồng khác ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).
Theo Danviet
Hơn 5.000 du khách bắt đầu rời Cô Tô sau 2 ngày mắc kẹt Sau hơn 2 ngày mắc kẹt lại Cô Tô do thời tiết xấu, hôm nay (26/6), hơn 5.000 du khách bắt đầu được rời đảo trở về đất liền. Sau 2 ngày mắc kẹt, du khách bắt đầu được trở về đất liền Du khách chen chân trước phòng bán vé tại Cảng tàu Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh...