Cuộc di cư ngược ở Mỹ
Trong khi nhiều người tại xứ cờ hoa chọn bỏ phố về quê giữa dịch Covid-19, một số lại tận dụng cơ hội tậu nhà ở đô thị mà bình thường không thể mua được vì giá đắt đỏ.
Hơn 4 năm qua, Kelly Shoul (30 tuổi) và Alex White (32 tuổi) cố gắng rời khỏi ngôi nhà ở vùng ngoại ô York, tiểu bang Pennsylvania, nhưng lựa chọn duy nhất của họ là bán lỗ.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, cặp vợ chồng không chỉ bán được nhà mà còn kiếm lời 30.000 USD, theo The New York Times.
Năm 2016, Shoul và White mua nơi này với giá 132.000 USD. Họ lập tức thấy hối hận khi phát hiện đủ vấn đề như đường ống tự hoại bị tắc khiến tầng hầm ngập, máy nước nóng hỏng, ván sàn được ốp tới 2 lớp linoleum.
Kelly Shoul và Alex White bên ngoài căn hộ của họ ở Denver. Ảnh: Benjamin Rasmussen/The New York Times.
Không chỉ tốn thời gian sửa chữa, hai vợ chồng phải chi 10.000-15.000 USD, chưa kể 35.000 USD đã được bảo hiểm, cho quá trình này.
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua nhà ở ngoại ô tăng vọt, một phần do cư dân thành thị tìm kiếm không gian cho gia đình khi xu hướng “work from home” và học online bước sang năm thứ 2.
Ngược lại, đối với một bộ phận sống ở ngoại ô lâu năm, đây là cơ hội bán nhà và chuyển tới các căn hộ trong thành phố – đảo ngược xu hướng di cư khỏi đô thị.
Shoul và White rao bán căn nhà của mình vào tháng 9/2020 và nhận được 13 lời đề nghị mua trong vòng 3 ngày. Cuối cùng, họ bán với giá 162.000 USD.
Sáu ngày sau, cặp vợ chồng cùng chó cưng chuyển đến thành phố Denver, nơi họ thuê căn hộ với giá 1.375 USD/tháng và tận hưởng các tiện ích như phòng gym, hồ bơi, công viên dành cho chó.
Cả hai đều thích cuộc sống mới hơn là quá khứ biệt lập ở Pennsylvania.
Thời cơ tốt
John Pham (39 tuổi) là chiến lược gia bảo hiểm, điều hành blog tài chính cá nhân nổi tiếng. Khi đại dịch xảy ra, anh sở hữu ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Lawrence, bang Massachusetts.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để bán nhà ở vùng ngoại ô với giá cao và mua căn hộ rẻ tại thành phố Boston”, anh nói.
Năm 2018, Pham gặp và kết hôn với Maryna Stasenko (35 tuổi), blogger thời trang gốc Ukraine. Dù vợ háo hức muốn chuyển đến thành phố sinh sống, Pham chần chừ vì như vậy anh phải đi làm xa hơn. Công việc bận rộn, Pham cũng cảm thấy mệt mỏi với quá trình sửa sang nhà cửa.
Cặp vợ chồng rao bán nhà vào tháng 10/2020 với giá 280.000 USD. Trong vòng một tuần, họ nhận được 16 lời đề nghị mua, trong đó có người trả đứt 320.000 USD bằng tiền mặt. Hai người đồng ý bán vào tháng 2, rồi chuyển đến căn hộ rộng hơn 120 m2 ở Boston với tầm nhìn ra bến cảng.
Thành phố vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng vợ chồng Pham hy vọng vào mùa hè, các nhà hàng, bảo tàng và điểm tham quan sẽ hoạt động trở lại.
John và Maryna Pham trên ban công căn hộ mới của họ ở Boston. Ảnh: Kayana Szymczak/The New York Times.
Làn sóng di cư đang diễn ra ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Theo công ty phân tích dữ liệu Placer.ai, quận Manhattan của thành phố New York chứng kiến sự sụt giảm dân số 12,8% vào tháng 1 so với cùng kỳ năm trước.
Quận Brooklyn của New York và các thành phố Chicago, San Francisco, Los Angeles đều mất hàng chục nghìn cư dân trong năm qua, theo nghiên cứu của mymove.com, phân tích các yêu cầu thay đổi địa chỉ lưu trú.
Sau một năm đóng cửa vì đại dịch, các chủ nhà trẻ tuổi ít có xu hướng từ bỏ thành phố so với những người lớn tuổi hơn.
Nghiên cứu hồi tháng 2 từ công ty công nghệ bất động sản Opendoor cho thấy 32% người mua cảm thấy khác biệt về nơi họ muốn sống do hậu quả của đại dịch. 35% người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) được khảo sát cho biết họ thích sống tại thành phố đông đúc.
Làn sóng di cư đang diễn ra ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Kayana Szymczak/The New York Times.
Thuê nhà sống thử
Juan Martinez (31 tuổi) lớn lên ở vùng ngoại ô Chandler, bang Arizona. Anh và vợ, Gabby, hạnh phúc trong ngôi nhà rộng 130 m2 ở đó, nhưng mọi thứ thay đổi khi họ tới thành phố Denver trong kỳ nghỉ.
Cặp vợ chồng yêu thích khí hậu và nhịp sống ở Denver, nhưng khó khăn đã kìm hãm ước muốn đó. Tại thành phố này, hai người không được phép nuôi chó pitbull, trong khi họ có một con tên là Simba.
Tuy nhiên, tháng 11/2020, Gabby được đề bạt vị trí giám đốc điều hành cho công ty ở Broomfield, cách trung tâm Denver 24 km, đồng thời lệnh cấm nuôi pitbull ở Denver được bãi bỏ.
Vợ chồng Martinez bán nhà ở Chandler với giá 326.000 USD và chuyển đến căn hộ tại trung tâm Denver 2 tháng sau đó.
Trong cuộc sống mới, họ chưa thật sự thích nghi với việc còi báo động lớn và tiếng ồn từ đường phố. Còn Simba đã quen không có sân sau để chơi đùa.
Vì cảm thấy thiếu an toàn, vợ chồng Martinez lắp đặt hệ thống báo động ADT. “Chúng tôi chưa bao giờ khóa cửa ở Chandler, nhưng bây giờ phải đầu tư vào thiết bị an ninh. Chúng tôi không mong đợi điều đó”, Martinez nói.
Dù vậy, hai người mong các lệnh hạn chế phòng Covid-19 sớm được dỡ bỏ ở Denver để có thể cảm nhận thành phố một cách trọn vẹn, bao gồm việc tham quan nhà máy bia và phòng trưng bày nghệ thuật ở gần nơi ở.
Juan và Gabby Martinez (trái) bên ngoài ngôi nhà mới ở Denver. Người đi bộ thưa thớt ở trung tâm thành phố vào buổi chiều chủ nhật gần đây. Ảnh: Benjamin Rasmussen/The New York Times.
Đối với một số chủ nhà, không còn bị ràng buộc bởi chuyện đi làm hoặc giam mình ở văn phòng đồng nghĩa với việc họ có thể tìm địa điểm hoặc lối sống mới, miễn là bán được nhà và chuyển sang thuê nhà ngắn hạn.
F. Ron Smith, nhà môi giới của Smith & Berg Partners ở Los Angeles, cho biết: “Nhờ Covid-19, mọi người không cần phải đợi đến thời điểm nhất định để khám phá các lựa chọn”.
Smith cho biết nhiều khách hàng của mình đang rao bán nhà và thay vì mua ngay căn khác, họ thuê ở khu phố bản thân hứng thú để sống thử. Nhà môi giới này cũng có lựa chọn tương tự trong bối cảnh thị trường vẫn còn thất thường.
“Nếu nhìn vào dự báo dài hạn, lãi suất sẽ tăng lên một chút trong 18-24 tháng tới, nhưng không có gì chắc chắn. Vì vậy, để không mạo hiểm, nhiều người không mua nhà vào lúc này và thỏa sức khám phá địa điểm mới”, anh nói.
Thad Wong, đồng sáng lập công ty môi giới Chicago @properties, cho biết phần lớn động lực thúc đẩy việc di cư khỏi ngoại ô không phải cảm giác muốn sống ở thành phố, mà là thoát khỏi đơn vị gia đình.
Nhiều khu dân cư ở Chicago chật ních những ngôi nhà dành cho một gia đình. “Chúng tôi thực sự đã có doanh số bán hàng bùng nổ trong thành phố 6 tháng qua”, ông nói.
Wong cũng dự đoán đối với một số người rời khỏi thành phố trong đại dịch, họ có thể hối hận trong những năm tới.
“Tôi không tin mọi người sẽ làm việc từ nhà mãi mãi. Nếu là một người sáng tạo và muốn phát huy năng lượng đó, họ đang chết dần ở vùng ngoại ô”, Wong nhận định.
Khởi kiện vì hơn 60 lần bị bắt nhầm
Darren Cole, 50 tuổi, khởi kiện thành phố Chicago do hơn 60 lần bị cảnh sát bắt nhầm trong 15 năm qua.
Cole cáo buộc những vụ bắt nhầm bắt đầu xảy ra từ năm 2006 do ông trùng tên và ngày sinh với người bị phát lệnh bắt vì vi phạm giao thông tại hạt Marion, phía nam bang Illinois, theo đơn kiện gửi tòa sơ thẩm liên bang ngày 25/3.
Do hay bị bắt nhầm, Cole nói phải di chuyển bằng phương tiện công cộng dù bị hen xuyễn và đang giữa đại dịch. Con của ông từng từ chối lên xe khi bố cầm lái và đôi lúc ông phải ở nhà để tránh rủi ro. Vấn đề này khiến Cole không thể gặp người bố đang hấp hối và phải hạn chế thăm mẹ già.
Tuy đã chuyển sang lái xe của người thân để giảm rủi ro, Cole vẫn phải "tự đặt giờ giới nghiêm" vào 17h mỗi ngày để tránh chốt kiểm tra giao thông cảnh sát Chicago thường xuyên lập ra.
Darren Cole vào ngày 29/3/2021. Ảnh: Chicago Tribune.
Cole chưa bao giờ bị khởi tố nhưng mỗi lần bị dừng xe, ông thường bị tạm giữ từ bốn tới 6 tiếng. Sai sót trong lệnh bắt giữ quen thuộc đến mức một số cảnh sát và cán bộ giám sát đã quen mặt Cole và từng lên tiếng cứu nguy khi thấy ông bị tạm giữ, theo đơn kiện.
Ba ngày sau khi bị kiện, ngày 29/3, giới chức cảnh sát Chicago liên hệ với chính quyền hạt Marion, nơi hiện đã rút lại lệnh bắt người cùng tên với Cole. Phòng cảnh sát Chicago cũng dặn nhân viên không dừng xe Cole vì lệnh bắt giữ trên và dự kiến nhắc lại lời dặn trên trong vài ngày tiếp theo, theo một luật sư cho thành phố.
Sheila Bedi, luật sư của Cole, nói rất cảm ơn giới chức thành phố đã hành động nhưng động thái này chỉ tới sau khi thân chủ "đã nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề mà không phải kiện tụng".
"Ông Cole phải trải qua hơn 60 vụ bắt giữ trái hiến pháp vì công tác lưu trữ giấy tờ cẩu thả của phòng cảnh sát thành phố Chicago. Những người gặp cảnh ngộ như ông Cole không nên phải đợi 15 năm để khôi phục thanh danh hoặc phải thuê luật sư khởi kiện", Bedi cho biết.
Tuy thành phố đã có hành động như yêu cầu trong đơn, vụ kiện vẫn sẽ tiếp tục vì Cole muốn đòi bồi thường thiệt hại.
26 thống đốc bang tại Mỹ lên án bạo lực nhằm vào người châu Á Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 26/3, một nhóm quan chức lưỡng đảng gồm 26 thống đốc bang đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Các thành viên đội tuần tra bảo vệ người Mỹ gốc châu Á mang tên Public Safety Patrol (PSP) tuần tra tại New York, Mỹ,...