Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2/1979 Kỳ 4: Những bước chân Quang Trung
Đi bộ cũng xuyên ngày xuyên đêm. Ai cũng thiếu ngủ, đói, khát nên người cứ bải hoải, mắt hoa lên. Trời thì nắng. Cổ khát cháy. Vai mỏi. Chân đau, nặng trĩu như đeo đá…
Kỳ 1: Những chuyến không vận từ Nam ra Bắc
Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu
Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy
Kỳ 4: Những bước chân Quang Trung
Kỳ 5: Cầu hàng không Việt – Xô
Chiếc xe tăng của địch bị quân dân ta tiêu diệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.(ảnh tư liệu).
Những ngày đó chúng tôi không có khái niệm tắm rửa
Đại tá Hoàng Hoa Chiến.
Trong khi Quân đoàn 2 đang khẩn cấp hành quân từ chiến trường Campuchia về nước để ra Bắc thì ở trong nước, Quân khu 3, Quân đoàn 1, Quân khu 4… cũng gấp rút hành quân lên mặt trận biên giới, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tại chỗ.
“Công trường hành quân”
“Chiều 18-2-1979, phái viên của Bộ Tổng tham mưu cùng Phó tư lệnh Binh đoàn 678 – đồng chí Chu Phương Đới đáp máy bay trực thăng đến Sở chỉ huy sư đoàn truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu cho Sư đoàn 337: Điều động Sư đoàn bộ binh 337 thuộc Quân khu 4 tăng cường cho Quân khu 1, bố trí tại Sơn Động (Bắc Giang) làm nhiệm vụ dự bị cơ động cho Quân khu 1…
Mệnh lệnh nói rõ đúng 18h ngày 22-2-1979 phải có mặt tại Sơn Động” – đại tá Hoàng Hoa Chiến, nguyên trưởng Ban tác chiến Sư đoàn bộ binh 337 (Quân khu 4, Nghệ An) tháng 2-1979, hiện đang sống tại Hà Nội, kể.
Lúc đó, các cán bộ, chỉ huy của Sư đoàn 337 đều… đi công tác xa. Sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng cùng các trung đoàn trưởng và một số cán bộ sư đoàn đang dự lớp tập huấn quân sự ở Hà Nội.
Chính ủy sư đoàn Nguyễn Chấn thì đang dự họp với Huyện ủy Đô Lương. Phó chính ủy sư đoàn Võ Dược đang ở Lào chỉ đạo lực lượng chuẩn bị chiến trường.
Bộ Quốc phòng ra lệnh tạm dừng lớp tập huấn để các chỉ huy của Sư đoàn 337 gấp rút trở về đơn vị (thành phố Vinh) nhận nhiệm vụ chiến đấu.
Đại tá Hoàng Hoa Chiến – nguyên trưởng Ban tác chiến Sư đoàn bộ binh 337 – Ảnh: MY LĂNG
Ông Chiến cho biết ngay đêm 18-2, thường vụ Đảng ủy sư đoàn họp bất thường. Sáng hôm sau, sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng, một số trung đoàn trưởng đã lên trực thăng bay ra miền Bắc.
Trong lúc đó tại Nghệ An, các đơn vị khác của sư đoàn gấp rút triển khai chuẩn bị hành quân. Có những đơn vị đóng ở Thanh Chương, Đô Lương cách tuyến đường sắt gần 30km. Không có ôtô. Đơn vị phải hành quân đi bộ ra ga.
Ngày 20-2, từ mờ sáng đến tối, những chuyến tàu đặc biệt ở ga Vinh, ga Quán Hành, ga Si (Nghệ An) cứ sầm sập chuyển bánh chở bộ đội lên đường.
“Đó là một công trường hành quân ra trận – đại tá Hoàng Hoa Chiến nói – Khi nhận lệnh hành quân, Sư đoàn 337 đang chuẩn bị đi Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Có những trung đoàn mới chỉ có khung. Chúng tôi vừa hành quân vừa bổ sung vũ khí, trang bị và cả con người.
Video đang HOT
Đến ga Quảng Xương (Thanh Hóa), Trung đoàn pháo binh 108 nhận thêm 6 khẩu pháo 85mm. Đến ga Kép (Bắc Giang), Trung đoàn 92 nhận bổ sung chiến sĩ mới. Lên đến Lạng Sơn, sư đoàn bổ sung đầy đủ 4 trung đoàn”.
Sáng 22-2, đội hình hành quân cơ bản của sư đoàn đã đến Đồi Ngô, Lục Nam (Bắc Giang). Theo mệnh lệnh ban đầu của Bộ Tổng tham mưu, sư đoàn đứng chân ở khu vực Lạng Giang. Nhưng vừa hành quân đến nơi, đang triển khai đội hình trú quân thì được lệnh hành quân cấp tốc lên Đình Lập.
Toàn sư đoàn đang chuẩn bị lên Đình Lập thì lại nhận lệnh hành quân lên đường 1B huyện Văn Quan (Lạng Sơn). Chiều 24-2, những chuyến xe đầu tiên chở quân của Sư đoàn 337 đã đến vị trí tập kết.
Đến 12h trưa 25-2, gần như toàn bộ lực lượng của sư đoàn đã đến nơi, trừ Trung đoàn pháo binh 108 và Trung đoàn bộ binh 92 đến chiều tối 27-2 mới đến vì dọc đường phải bổ sung xe pháo, khí tài, nhận chiến sĩ mới.
Ra trận bằng ý chí
Ảnh tư liệu.
“Chúng tôi hành quân thần tốc với phong cách “Dặm bước thần kỳ, phong cách Quang Trung”. Tổng cộng sư đoàn đã hành quân hơn 500km từ Nghệ An lên Lạng Sơn với ba lần thay đổi vị trí tập kết, qua nhiều tỉnh thành, di chuyển bằng nhiều phương tiện và nhiều lúc phải đi bộ nhưng đã đến nơi đúng thời gian.
Suốt hàng mấy trăm kilômet hành quân đó, đơn vị không dừng lại nấu cơm mà chỉ ăn lương khô” – đại tá Hoàng Hoa Chiến nói.
Người cựu chiến binh này trút hết gan ruột: “Có những lúc chúng tôi phải đi bằng ý chí, không phải bằng chân nữa. Tàu, xe chạy xuyên ngày xuyên đêm.
Đi bộ cũng xuyên ngày xuyên đêm. Ai cũng thiếu ngủ, đói, khát nên người cứ bải hoải, mắt hoa lên. Trời thì nắng. Cổ khát cháy. Vai mỏi. Chân đau, nặng trĩu như đeo đá. Khi đi xa, đã mệt thì một chiếc khăn mùi xoa cũng cảm thấy nặng.
Mà lúc đó mỗi người phải mang trên mình 25-45kg: 1 khẩu AK, 1 cơ số đạn hơn 100 viên, 4 quả lựu đạn, 1 cái xẻng, 1 bao gạo vắt bên người, 2 bộ quần áo. Những chiến sĩ thông tin thì khổ hơn, phía trước thì đeo balô, sau lưng còn phải đeo cả cái máy thông tin 15W to nặng hơn 20kg.
Nhiều người không còn đi được nữa mà cứ ngả nghiêng ngả nghiêng. Vất vả nhất là những chiến sĩ khiêng vác súng cối. Khẩu súng máy 12 li 7 thì 1 nòng phải 2 người khiêng. Cối 82 thì 1 người mang nòng, 1 người mang đế, khiêng đạn. Cối 60 thì 1 người vác, đạn phải 2-3 người gánh”.
Tàu dừng ở ga Kép (Bắc Giang). Từ ga Kép vào Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) không có ôtô, bộ đội phải đi bộ. Rồi đơn vị lại hành quân bộ từ Chũ đến Tu Đồn (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Tổng cộng quãng đường hành quân bộ lên đến hàng trăm kilômet.
Đại tá Hoàng Hoa Chiến kể sau nhiều ngày đêm thần tốc hành quân, đến đây, bộ đội vừa đói vừa buồn ngủ lại mang vác nặng. Trước đó ở trạm dừng, nhiều người cơm không kịp ăn thì đơn vị đã hành quân, phải gói lại mang đi. Có người ngất. Có người bị sốt ngay trên đường hành quân.
Đại tá Chiến kể: “Sốt hầm hập vậy mà vẫn đi, toát mồ hôi tự khỏi lúc nào không biết. Người nào mệt, ốm ngồi xuống thì có quân y đến đưa thuốc, cán bộ chính trị đến động viên.
Có người phải nằm cáng. Mấy trăm năm trước, khi đại quân của Quang Trung hành quân, cứ 3 người thì 1 người nằm cáng 2 người khiêng rồi đổi nhau, đi liên tục, ai cũng được nghỉ, ai cũng được nằm. Còn đàng này, chúng tôi không ai được nằm, được nghỉ.
Chân anh nào cũng sưng phồng, bật máu, 10 đầu ngón chân thâm tím. Có người tét cả mắt cá chân vì giày chật quá, cọ xát rách cả da. Những ngày đó chúng tôi không có khái niệm tắm rửa”.
Bộ đội hành quân đi bộ ra chiến trường – Ảnh tư liệu
Đại tá Hoàng Hoa Chiến kể suốt dọc đường từ Nghệ An ra Bắc, ở ga nào cũng thấy người dân đứng chờ sẵn vẫy cờ, hò reo chào đón bộ đội.
Ông khẳng định: “Chúng tôi đi không nghĩ đến chuyện sống chết. Tàu đi đến đâu cờ giong trống mở đến đó rất tưng bừng, khí thế. Không có ai đào ngũ. Không ai quay về phía sau. Tất cả đều hướng về phía trước ra chiến trường. Đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), người dân đổ ra mừng rỡ đón bộ đội. Họ cứ hô: Bộ đội chủ lực về rồi! Bộ đội chủ lực về rồi, không sợ nữa rồi!”.
Theo Tuổi Trẻ
Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2/1979 Kỳ cuối: Cầu hàng không Xô Việt chưa từng có
"Ngay sau khi Trung Quốc tấn công biên giới Việt Nam, Liên Xô đã cử một đoàn cố vấn cấp cao bay ngay sang Việt Nam và đề nghị lập cầu hàng không để hỗ trợ chúng ta".
Kỳ 1: Những chuyến không vận từ Nam ra Bắc
Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu
Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy
Kỳ 4: Những bước chân Quang Trung
Kỳ 5: Cầu hàng không Việt - Xô
Trung tướng Trần Hanh - Ảnh: My Lăng
"Trong quá trình giúp đỡ Việt Nam, tháng 3-1979, đoàn cố vấn gồm sáu phi công, huấn luyện viên và thiếu tướng không quân Malykh hi sinh khi chiếc máy bay An-24 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đâm vào núi. Hôm đó, đường băng bị mây che phủ hoàn toàn. Mình nói với họ không hạ cánh ở Đà Nẵng được thì có thể vào sân bay Cam Ranh nhưng phi công bảo: Để tôi cố gắng hạ cánh lần nữa. Vậy là tai nạn xảy ra
Trung tướng TRẦN HANH.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Hanh, 85 tuổi, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết.
Tháng 2-1979, ông là phó tư lệnh Quân chủng Không quân, một trong những người trực tiếp làm việc với đoàn cố vấn cấp cao của Liên Xô.
Bay khẩn đến Hà Nội
Sáng 19-2-1979, một nhóm cố vấn quân sự cấp cao Liên Xô đã có mặt ở Hà Nội. Đoàn có 20 người, gồm các vị tướng giỏi nhất của tất cả quân binh chủng Liên Xô do đại tướng Gennady Ivanovich Obaturov làm trưởng đoàn và cũng là cố vấn trưởng.
Đại tướng Obaturov được các tướng lĩnh Liên Xô gọi là "từ điển bách khoa sống". Vừa đến Hà Nội, đoàn đã lập tức làm việc với các chỉ huy tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Trần Hanh cho biết sau khi gặp đại tướng Văn Tiến Dũng (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và trung tướng Lê Trọng Tấn (tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) để nắm tình hình, đại tướng Obaturov đã đích thân ra chiến trường, lên Lạng Sơn thị sát tình hình chiến đấu của quân đội Việt Nam.
"Ông ấy muốn kiểm tra hỏa lực của không quân, cao xạ, tên lửa như thế nào. Có lần đoàn rơi vào trận pháo kích của quân Trung Quốc nhưng may mắn không ai bị thương" - trung tướng Hanh kể.
Nhận thấy tương quan về vũ khí của Việt Nam lúc đó quá chênh lệch so với Trung Quốc, đại tướng Obaturov khẳng định phải lập một cầu hàng không từ Liên Xô đến Việt Nam. Việt Nam cần phải có một số lượng lớn vũ khí.
Đại tướng Obaturov đã gửi một báo cáo về Liên Xô yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị bằng đường hàng không. Để thiết lập cầu hàng không, một phái đoàn của Liên Xô trực tiếp làm việc với Quân chủng Không quân.
"Khi đó tôi là phó tư lệnh Quân chủng Không quân, từng học ở Nga, giao tiếp tiếng Nga tốt nên được ủy nhiệm làm việc với phái đoàn" - trung tướng Hanh nói.
Cầu hàng không quy mô
Đại tướng Obaturov tại Việt Nam, tháng 2/1979.
Trong thời gian ngắn nhất, quân đội Việt Nam đã nhận được tất cả mọi thứ cần thiết. Ngày 23-2-1979, Cục Vật tư - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật đã tổ chức tiếp nhận viện trợ của Liên Xô theo hai tuyến: đường không (bắt đầu từ ngày 23-2) và đường biển.
Từ thời điểm này, cầu hàng không quy mô giữa Liên Xô - Việt Nam được thiết lập. Nhưng máy bay không bay thẳng từ Liên Xô sang Việt Nam mà phải hạ cánh tiếp dầu ở khu vực gần biên giới Trung Quốc rồi mới bay tiếp sang Việt Nam.
"Đó là cầu hàng không lớn nhất, ào ạt nhất, chở nhiều khí tài quan trọng nhất và hiện đại nhất mà Liên Xô thực hiện" - trung tướng Trần Hanh cho biết.
Trong ký ức của một vị tướng không quân, ông Hanh nhớ rất rõ những ngày sôi động và khẩn trương chưa từng có ấy: ở sân bay quân sự Nội Bài, cả ngày lẫn đêm máy bay vận tải quân sự cỡ lớn An-22 hết chuyến này đến chuyến khác hạ cánh cất cánh.
Liên Xô chi viện vũ khí, trang thiết bị quân sự bằng một biên đội các máy bay vận tải khổng lồ An-22. Trung tướng Trần Hanh cho biết An-22 là loại máy bay chuyên chở khổng lồ của Nga. An-22 có tới bốn động cơ kép.
"Nó to và nặng nề lắm - ông Hanh kể - Khi vũ khí khí tài được An-22 chở đến Nội Bài, các cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Không quân tiếp nhận ngay tại sân bay. Liên Xô dốc sức viện trợ cho mình các khí tài quân sự rất quý hiếm và hiện đại thời bấy giờ như: tiêm kích Mig-21, các loại tên lửa đối không, tên lửa bờ biển, các loại rađa tối tân".
Ngay tại sân bay Nội Bài, những chiếc máy bay tiêm kích Mig-21 bị tháo rời khi vận chuyển được các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Liên Xô lắp ráp khẩn trương.
Ông Hanh nói: "Các phi công chuyên bay thử ưu tú nhất của họ sang Nội Bài bay thử máy bay sau khi lắp ráp.
Tôi nhớ nhất trung tướng Traban - phi công chuyên bay thử giỏi nhất, đẳng cấp nhất của Liên Xô. Tất cả các loại máy bay chiến đấu của Liên Xô sản xuất, tướng Traban đều bay thử. Ông ấy gật đầu thì máy bay mới được bàn giao cho phi công khác bay.
Ông ấy còn thực hiện cả các động tác kỹ thuật đặc biệt. Khi tướng Traban khẳng định máy bay tốt thì mới bàn giao cho ta. Lúc đó phi công mình mới bay".
Sân bay Nội Bài những ngày đó không bao giờ ngủ. Máy bay An-22 cất hạ cánh cả ngày lẫn đêm. Đại tướng Obaturov cũng làm việc bất kể ngày đêm.
Tướng Hanh cho biết: "Đại tướng Obaturov rất trách nhiệm, năng nổ. Ông thường xuyên có mặt ở sân bay, ở xưởng lắp ráp quan sát, kiểm tra mọi thứ".
Các chuyên gia và nhân viên kỹ thuật Liên Xô còn có mặt ở sân bay Đà Nẵng để hỗ trợ các cán bộ, kỹ sư Việt Nam lắp ráp 24 máy bay Mig-21 khi chúng được vận chuyển về đây. Cũng đợt này, không quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ thêm máy bay trinh sát và trực thăng chỉ huy Mi-8KP.
Chỉ trong thời gian ngắn, cầu hàng không chưa từng có giữa Liên Xô và Việt Nam đã được vận hành thần tốc với những thành quả không thể tưởng tượng được. Một khối lượng khổng lồ các loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu được vận chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam.
Hàng chục máy bay tiêm kích và trực thăng, 400 xe tăng và xe bọc thép, 3.000 tấn vũ khí, trang bị, đạn dược.
Ngoài vũ khí, Liên bang Xô viết còn cung cấp các hệ thống trang thiết bị đặc chủng. Tất cả các phương tiện chiến tranh này cùng hệ thống sửa chữa, bảo hành đều được chuyển đến Việt Nam trong vòng một tháng.
Ngoài đường không, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3-1979, bằng đường thủy, Liên Xô đã đưa sang Việt Nam hàng ngàn tên lửa, 20 máy bay tiêm kích, 800 súng chống tăng RPG-7 của bộ binh, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai...
Đại tướng Ghenady Ivanovich Obaturov - Ảnh tư liệu
Cũng theo lệnh của đại tướng Obaturov, một phi đội máy bay An-12 do các phi công Liên Xô lái đã chở quân chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về Hà Nội để gấp rút bổ sung cho mặt trận biên giới.
Các phi đội An-26, Mi-8... của lực lượng không quân vận tải Liên Xô cũng được huy động tham gia nhiệm vụ không vận chở 20.000 quân chủ lực Việt Nam từ Nam ra Bắc.
Ít người biết trong cuộc họp giữa hai bên kéo dài ba tiếng ngày 25-2-1979, chính đại tướng Obaturov là người đã thuyết phục Việt Nam đưa toàn bộ Quân đoàn 2 - lực lượng tinh nhuệ từ Campuchia - về mặt trận phía Bắc bằng máy bay.
Theo Tuổi Trẻ
Chiến tranh biên giới 1979 và những câu chuyện cảm động thời bình Phố tôi có bác bán bánh mỳ bị điên. Hay nói một mình. Thỉnh thoảng lấy tay đấm vào đầu liên tục. Chiến tranh biên giới 1979 và những câu chuyện cảm động thời bình Phố tôi có bác bán bánh mỳ bị điên. Hay nói một mình. Thỉnh thoảng lấy tay đấm vào đầu liên tục. Lúc khỏe, bác sẽ bán bánh...