Cuộc chuyển quân của Wagner gieo rắc bất an cho phương Tây
Việc Wagner rút khỏi chiến trường Ukraine và chuyển đến Belarus sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga khiến nhiều nước phương Tây càng thêm bất an.
Vào cuối tháng 6 khi chiến sự Nga – Ukraine đang ở giai đoạn khốc liệt, vụ nổi loạn của lực lượng quân sự tư nhân Wagner ở Nga khiến dư luận rúng động.
Hơn một tháng sau quyết định rút khỏi chiến trường Bakhmut, Wagner cáo buộc quân đội Nga tập kích vào các trại dã chiến ở Ukraine khiến nhiều thành viên của tổ chức này thiệt mạng.
Ông trùm Yevgeny Prigozhin ngày 23/6 tuyên bố dẫn theo 25.000 lính Wagner từ Ukraine tiến vào vùng biên giới Rostov của Nga, chiếm đóng các căn cứ quân sự và hành quân đến Moscow. Trùm Wagner nói rằng cuộc nổi loạn nhằm đưa các chỉ huy quân đội Nga “ra trước công lý” vì những sai lầm và sự thiếu chuyên nghiệp ở Ukraine.
Vụ nổi loạn nhanh chóng chấm dứt sau khi Wagner đạt được thỏa thuận với Điện Kremlin thông qua vai trò trung gian của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Theo thỏa thuận, Prigozhin đồng ý chuyển đến Belarus để được Nga hủy điều tra hình sự. Các thành viên Wagner có thể lựa chọn ký hợp đồng với quân đội Nga hoặc đi cùng ông Prigozhin hoặc trở về quê nhà.
Quyết định này giúp tránh đổ máu và giúp Wagner thoát nguy cơ bị loại bỏ, nhưng khiến ông trùm Prigozhin mất vị thế trước kia, thậm chí bị coi là phản quốc và thua cuộc. Theo giới chuyên gia, Prigozhin đã mạo hiểm mọi thứ từ quan hệ tài chính với chính phủ Nga, tài nguyên quân sự đến cả mạng sống của chính mình.
Ông trùm Prigozhin gần như biến mất sau vụ nổi loạn. Hàng loạt giả thuyết được đưa ra. Ông Prigozhin đã qua lại giữa Nga và Belarus, hoặc thậm chí có đồn đoán rằng ông chưa rời Nga kể từ sau vụ nổi loạn.
Ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe đầu tiên của Wagner di chuyển từ Nga đến căn cứ quân sự ở Belarus hôm 17/7 (Ảnh: CNES).
Wagner cũng án binh bất động cho đến tận cuối tuần qua khi các đoàn xe Wagner gồm hàng trăm chiếc các loại bắt đầu tiến vào Belarus. Hiện chưa rõ quy mô đợt chuyển quân này, song giới quan sát ước đoán hàng nghìn lính Wagner đã đến Belarus.
Theo Trung tâm Kháng chiến Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, khoảng 240 máy bay chiến đấu của Wagner và một lượng lớn vũ khí đã tới Asipovichy. Đây là nơi có căn cứ quân sự Tsel, cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 100km, cách biên giới Ukraine hơn 200km.
Một video chia sẻ trên kênh Telegram thân cận với Wagner hôm 19/7 dường như cho thấy ông trùm Prigozhin chào đón các thành viên của tổ chức. “Xin chào đón những người anh em. Chào mừng các bạn đặt chân đến Belarus. Chúng ta đã chiến đấu bằng lòng tự trọng. Chúng ta đã làm rất nhiều cho Nga. Những gì đang diễn ra ở tiền tuyến là điều hổ thẹn chúng ta không nên nhúng tay vào”, người đàn ông có vẻ như là Prigozhin nói trong video.
Trùm Wagner kêu gọi lực lượng của mình đối xử tốt với người dân địa phương, hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Belarus và chuẩn bị cho “hành trình mới tới châu Phi”.
Nếu được xác thực, đây sẽ là lần đầu tiên ông trùm Wagner xuất hiện ở Belarus kể từ sau vụ nổi loạn. Trước đó các dữ liệu từ phương Tây cho thấy máy bay liên quan đến Prigozhin liên tục qua lại giữa Nga và Belarus. Tuy nhiên, giới tình báo phương Tây không thể xác định ông Prigozhin có mặt trên máy bay hay có dùng người đóng thế không.
Cũng trong đoạn video, một người đàn ông dường như là Dmitry Utkin, người giúp lập ra Wagner, tuyên bố: “Đây không phải là kết thúc. Đây mới chỉ là khởi đầu của một công việc lớn nhất thế giới sắp được thực hiện”.
Các nguồn tin phương Tây dẫn ảnh chụp vệ tinh nói rằng, các hoạt động chuẩn bị hạ tầng tại căn cứ Tsel được phát hiện thậm chí từ trước vụ nổi loạn của Wagner. Ảnh vệ tinh sau đó cho thấy ít nhất 300 lều bạt với sức chứa khoảng 8.000 người đã được dựng lên ở căn cứ này.
UKRAINE VÀ NATO BẤT AN
Video đang HOT
Lính Wagner ở Rostov, Nga trong vụ nổi loạn ngày 24/6 (Ảnh: Reuters).
Việc Wagner chuyển lực lượng từ Nga đến Belarus khiến phương Tây lo ngại Wagner hoặc một tổ chức kế thừa có thể được sử dụng để mở một mặt trận chống Ukraine từ ngả Belarus và tạo ra mối đe dọa với các thành viên NATO.
Lord Dannatt, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, nhấn mạnh sự không chắc chắn xung quanh số lượng binh sĩ mà ông Prigozhin tìm cách mang theo đến Belarus. Theo ông, sự hiện diện của một đội quân thiện chiến dưới sự chỉ huy của ông trùm Wagner ở Belarus có thể tạo ra một mối đe dọa mới đối với Kiev.
Ông cũng tin rằng, dư chấn của cuộc binh biến sẽ để lại hậu quả lâu dài.
“Rõ ràng ông ấy đã rời ánh đèn sân khấu để đến Belarus nhưng đó có phải là dấu chấm hết cho Prigozhin và Wagner không? Tôi nghĩ việc ông ta đến Belarus là một vấn đề đáng lo ngại. Những gì chúng ta không biết, những gì chúng ta phải tìm ra trong thời gian tới là ông ta mang theo bao nhiêu tay súng đi cùng”, ông Dannatt trả lời phỏng vấn Sky News.
Ông Dannatt nhấn mạnh, Ukraine cần giám sát chặt chẽ những khu vực sườn dễ bị tổn thương và đảm bảo có các đơn vị cơ động có khả năng đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công tiềm ẩn nào từ hướng Belarus.
Các nước láng giềng vùng Baltic cũng bày tỏ quan ngại về an ninh khu vực sau động thái chuyển quân của Wagner. Trong một tuyên bố chung hôm 12/7, các quan chức quốc hội ở Estonia, Latvia và Lithuania kêu gọi EU coi Wagner là một tổ chức khủng bố.
“Sự xuất hiện của lính đánh thuê Wagner ở Belarus có thể khiến tình hình an ninh ở biên giới phía đông của NATO và EU trở nên bấp bênh hơn”, tuyên bố viết.
“Mục đích của động thái này (Wagner rút sang Belarus) là gì? Ý định thực sự của nhóm Wagner, cụ thể là ở Belarus, là gì? Đây là một hình thức đe dọa tiềm ẩn đặc biệt đối với các quốc gia chúng tôi, các nước NATO, Ba Lan”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hồi cuối tháng 6 cũng lưu ý.
Báo Rzeczpospolita bình luận, chỉ cần 10.000 lính Wagner triển khai ở Belarus sẽ là một tin xấu, thậm chí “tồi tệ hơn tin triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Valery Kavaleuski, một nhà ngoại giao lưu vong của Belarus, nhận định mặc dù chưa cho thấy mục tiêu rõ ràng, nhưng sự hiện diện của Wagner ở Belarus vẫn gây ra mối đe dọa đối với Ukraine.
“Có thể có một cuộc tấn công vào Ukraine từ Belarus để cắt đứt mọi nguồn cung của phương Tây. Ngoài ra, các nước NATO như Lithuania, Latvia và Ba Lan có thể trở thành mục tiêu của những hành động khiêu khích như vậy”.
Các thành viên NATO gồm Ba Lan, Latvia và Lithuania có đường biên giới chung dài 1.250km với Belarus. Họ cho biết sẽ tăng cường an ninh dọc biên giới vì lực lượng Wagner.
Ngày 2/7, Ba Lan quyết định củng cố an ninh tại biên giới với Belarus bằng cách cử thêm 500 cảnh sát từ các đơn vị chống khủng bố, bổ sung vào 5.000 lính biên phòng Ba Lan và 2.000 binh sĩ đã được triển khai. Từ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng chỉ thị tăng cường bảo vệ biên giới với Belarus.
Victoria Leukavets, một chuyên gia về Belarus và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu ở Stockholm, cho rằng nếu có kịch bản Wagner tiến công vào Ukraine theo ngả Belarus, ông Lukashenko có thể sẽ tìm cách trì hoãn kịch bản đó xảy ra. Chuyên gia này lý giải, bằng cách trì hoãn, nhà lãnh đạo Belarus có thể lấy đó làm đòn bẩy thương lượng với cả Nga và phương Tây.
BELARUS ĐƯỢC HAY MẤT?
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: Reuters).
Nhà lãnh đạo của Belarus Lukasheko dường như được hưởng lợi nhiều nhất sau vụ nổi loạn bất thành của Wagner. Việc dùng mối quan hệ quen biết để thuyết phục ông trùm Wagner có thể giúp ông ghi điểm với đồng minh Nga. Với động thái này, ông cũng muốn lãnh đạo phương Tây thấy rằng không nên coi thường vị thế của mình.
Gần hai tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này đã được bố trí ở Belarus, quyết định của Tổng thống Lukashenko mở cửa chào đón Wagner được cho là tiếp tục gia tăng vị thế quân sự của Belarus trong mắt phương Tây, đặc biệt với các quốc gia ở sườn đông NATO.
Ông Lukashenko cho rằng Belarus có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm chiến đấu của Wagner, đồng thời cởi mở với ý tưởng từng bước đưa lực lượng này trở thành một phần của quân đội.
“Họ là những chiến binh giàu kinh nghiệm. Họ sẽ giúp xác định vũ khí nào hiệu quả, loại nào không, cũng như các chiến thuật, cách tấn công, phòng thủ. Những điều này là vô giá. Nếu Belarus cần Wagner, chúng tôi sẽ ngay lập tức kêu gọi công ty quân sự tư nhân này bảo vệ quốc gia”, ông Lukashneko nói.
Giới chức Belarus xác nhận, Wagner đã bắt đầu huấn luyện cho các đơn vị đặc nhiệm của họ. Quân đội Belarus ngày 20/7 đã ca ngợi “kinh nghiệm độc đáo” mà quân đội của họ có được từ “huấn luyện chiến đấu chung” với Wagner tại một doanh trại gần biên giới Ba Lan.
Tuy nhiên, bản chất và mức độ hiệu quả về mối quan hệ hợp tác giữa Belarus và Wagner chưa rõ ràng trong khi chắc chắn sẽ tồn tại xung đột lợi ích. Ông Prigozhin được cho là sẽ bằng mọi cách duy trì quyền kiểm soát đối với Wagner – nguồn lực quan trọng mang lại lợi ích về tài chính, an ninh và ảnh hưởng chính trị.
Ông trùm Prigozhin và Wagner có thể đặt ra nhiều thách thức hơn nữa cho Nga hoặc Belarus, nếu họ được trao đủ quyền tự chủ. Do đó, ông Lukashenko sẽ tìm cách kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần Wagner, nhằm khẳng định sự thống trị của mình đối với Prigozhin.
Những điều này lý giải cho việc gần một tháng kể từ sau vụ nổi loạn vẫn không có thông tin chi tiết nào được công bố về tương lai của Wagner ở Belarus. Các cuộc đàm phán đang diễn ra và máy bay phản lực tư nhân của ông Prigozhin tiếp tục thường xuyên di chuyển đến và đi từ Belarus.
Ngay cả vai trò thực sự của Tổng thống Lukashenko trong việc chấm dứt vụ nổi loạn của Wagner cũng chưa rõ ràng. Nhà lãnh đạo Belarus có thể chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải phức tạp hoặc chỉ đơn giản là trung gian qua điện thoại giữa ông Putin và trùm Wagner Prigozhin.
Hiện chưa rõ mục đích đằng sau việc Belarus chấp nhận để lính Wagner chuyển đến lãnh thổ nước này bởi quân đội Belarus không tham chiến ở Ukraine, và Nga cũng không tiến hành các cuộc tấn công vào Kiev từ Belarus. Hơn nữa, Nga không có đủ nguồn lực cho một chiến dịch tấn công mới vào Ukraine từ phía bắc. Do đó, việc dựng lều trại của Wagner ở Belarus dường như không phải một sự sắp xếp lâu dài.
Giới quan sát nhận định quyết định mở với Wagner vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với Belarus đặc biệt khi lực lượng này đã mở rộng đáng kể cả về quy mô và tiềm lực sau gần một thập niên.
Ông Dmitry Trenin, giáo sư tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (Nga), cảnh báo Wagner đã trở thành một tổ chức quân sự độc lập được trang bị vũ khí hiện đại, có khả năng đe dọa ổn định chính trị ở quốc gia mà họ hoạt động. Minh chứng là trong vụ nổi loạn tháng trước, lính Wagner từ chiến trường Ukraine đã vượt qua biên giới, chiếm căn cứ quân sự quan trọng của Nga mà gần như không vấp phải sự kháng cự nào.
Chuyên gia chính trị Nga Andrey Suzdaltsev cũng cho rằng mô hình quân đội chính quy hợp tác với tổ chức quân sự tư nhân không còn hiệu quả vì nguy cơ mâu thuẫn lợi ích và những hệ lụy.
Theo Katia Glod, chuyên gia về quan hệ giữa Nga và phương Tây tại tổ chức tư vấn chính sách Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, ông Lukashenko có thể cũng không muốn mở cửa với Wagner, nhưng tình huống nguy cấp tại Nga đã buộc ông đưa ra quyết định đó.
Giới quan sát cho rằng, nếu không tính đến những mâu thuẫn rõ ràng, ông Lukashenko và Prigozhin vẫn có những lĩnh vực có thể hợp tác.
Thứ nhất, Wagner có thể đăng ký như một tổ chức hợp pháp tại Belarus. Đối với ông Lukashenko, thỏa thuận này sẽ mang lại cho ông một số quyền kiểm soát hợp pháp với Wagner đi kèm ít rủi ro hơn.
Thứ hai, họ có thể hợp tác trong hoạt động cung cấp dịch vụ an ninh ở châu Phi. Sau cuộc binh biến, vị thế của Wagner ở châu Phi có thể bị suy yếu, nhưng sự bảo trợ chính trị của ông Lukashenko có thể giúp giảm thiểu tác động này. Đổi lại, chính quyền Belarus có thể tiếp cận các thị trường châu Phi mà trước đây họ không thể tiếp cận thông qua ông Prigozhin.
Thứ ba, ông Lukashenko có thể sử dụng lính Wagner để gây áp lực lên biên giới các nước NATO và EU, buộc phương Tây phải đàm phán.
Chuyên gia Leukavets cho biết bà tin rằng mối quan hệ giữa Tổng thống Lukashenko và Prigozhin đủ để hai bên tôn trọng quyền lực của nhau.
“Chúng tôi biết về tình bạn lâu năm giữa ông Lukashenko và Prigozhin. Theo các báo cáo, họ đã biết nhau được khoảng 20 năm. Tôi nghĩ rằng, ông Prigozhin sẽ không tìm cách chống lại Lukashenko vào thời điểm hiện tại”, bà nói.
Theo bà, cần phải theo dõi quá trình di chuyển của Wagner ra sao cũng như mục đích sau cùng của họ ở Belarus. “Họ ở đó để làm gì? Nếu chỉ là một cuộc tập trận thì đó là bình thường. Nhưng nếu ông Lukashenko làm theo khuyến nghị lập một đơn vị Wagner trong quân đội Belarus, đó là một chuyện khác”, bà cho hay.
Ba Lan cảnh báo kịch bản Wagner đưa quân qua biên giới
Quan chức Ba Lan cảnh báo bất kỳ chiến binh Wagner nào vượt qua biên giới Belarus đều sẽ bị lực lượng quân sự Ba Lan và Mỹ đáp trả.
Chiến binh Wagner ở Bakhmut, Ukraine (Ảnh: Sputnik).
"Không ai ở Ba Lan loại trừ khả năng rằng, để thử thách NATO, thử thách tình đoàn kết của liên minh với Ba Lan, với Đông Âu, họ (Wagner) có thể tìm cách tiến vào Ba Lan", Michal Kaminski, quan chức cấp cao tại Thượng viện Ba Lan, tuyên bố hôm 31/7.
Ông Kaminski cho rằng, kịch bản Wagner đưa quân vào Ba Lan sẽ được coi là "hoạt động khủng bố chứ không phải một cuộc xâm chiếm toàn diện".
Tuy nhiên, ông tự tin rằng NATO có thể xử lý mối đe dọa này một cách dễ dàng.
"Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi có binh lính và sĩ quan Mỹ ở Ba Lan. Hãy để Wagner tiến vào. Họ sẽ phải đối mặt với không chỉ lực lượng phòng vệ của Ba Lan mà còn của Mỹ", ông Kaminsky nói, đồng thời cảnh báo họ sẽ được gửi trở lại Nga "trong những chiếc quan tài".
Ba Lan là một thành viên của NATO và có chung biên giới với cả Ukraine, Belarus. Giới chức Ba Lan ngày càng lo ngại sau khi Wagner chuyển trụ sở từ Nga sang Belarus sau vụ nổi loạn bất thành hồi cuối tháng 6.
Hơn 10 đoàn xe của Wagner đã di chuyển từ Nga đến một căn cứ bỏ không ở Belarus, gần biên giới Ba Lan. Ước tính hàng nghìn lính Wagner đã có mặt ở Belarus. Động thái này buộc Ba Lan phải tăng cường các biện pháp an ninh ở biên giới với Belarus.
Theo các ảnh chụp vệ tinh, có khoảng 300 lều bạt và 200 phương tiện quân sự được cho là của Wagner tại một căn cứ ở Tsel, Belarus. Mặc dù hàng trăm phương tiện đã đến đây, nhưng chủ yếu là xe tải, xe buýt, trong khi chỉ có rất ít xe bọc thép.
Lo lắng về một "cuộc xâm chiếm" của Wagner, chính phủ Ba Lan tuyên bố tăng gần gấp đôi quy mô quân đội, từ 172.000 lên 300.000 quân.
Vị trí Ba Lan giáp Ukraine và Belarus (Ảnh: NYT).
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cuối tuần qua cảnh báo, lực lượng quân sự tư nhân Nga ở Belarus có thể đang lên kế hoạch cho một "cuộc tấn công hỗn hợp" nhằm vào Ba Lan sau khi lực lượng này bất ngờ đưa hơn 100 lính đến gần Hành lang Suwałki.
Hành lang Suwalki là địa điểm thuộc Ba Lan, dài khoảng 65km, chạy dọc theo biên giới Lithuania - Ba Lan.
Suwałki được xem một "tử huyệt" của khối NATO, vì có một đầu giáp với vùng Kaliningrad, lãnh thổ của Nga ở vùng Baltic, trong khi đầu còn lại giáp với Belarus, đồng minh của Moscow. Hành lang Suwalki nằm gọn trong khu vực đặt hệ thống phòng thủ trên không của Nga đặt tại Kaliningrad. Nếu kiểm soát được Suwalki, Nga và Wagner có thể cô lập hoàn toàn các nước Baltic khỏi phần còn lại của NATO.
Trước những lo ngại của các nước phương Tây về sự hiện diện của Wagner ở Belarus, cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh cuối tuần qua đánh giá hiện tại Wagner chưa thể gây ra mối đe dọa đáng kể nào với Ba Lan hay các thành viên NATO. Cơ quan này giải thích, Wagner chuyển đến Belarus hầu như không có hoặc có rất ít vũ khí hạng nặng, do vậy khả năng tác chiến của lực lượng này rất thấp.
Số chiến binh Wagner ở Belarus có thể tới 5.000, chuẩn bị tập trận chung với chủ nhà Lực lượng Biên phòng Ukraine cho biết số lượng chiến binh Wagner ở Belarus "có thể lên tới khoảng 5.000', thay vì ước tính "vài trăm" như trước. Các thành viên Wagner được tự do sang Belarus theo thỏa thuận do Minsk làm trung gian nhằm chấm dứt vụ binh biến hồi tháng 6. Ảnh: Getty Images Theo CNN, Lực lượng Biên phòng...