“Cuộc chơi” thành công ngoài mong đợi của Nga ở Trung Đông
Giữa bối cảnh Mỹ căng thẳng với đối thủ, trục trặc với đồng minh ở Trung Đông, Nga đang dần tìm lại được uy tín và ảnh hưởng tại khu vực này.
Tận dụng “khoảng trống”, Nga thay đổi trật tự Trung Đông
Quân đội Nga tiến vào kiểm soát một số vị trí ở Syria chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút quân là một biểu tượng cho thấy sự chuyển dịch quyền lực ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Điều ấy cho thấy Mỹ đã rút dần ảnh hưởng trong khi Nga nổi lên như một nhân tố quan trọng điều phối tình hình khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Chẳng phải ngẫu nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới UAE nhân chuyến công du tới Vịnh Ba Tư gần đây. Nhà phân tích Hal Brands thậm chí đã đánh giá trên trang Bloomberg rằng Nga đang có ảnh hưởng ở Trung Đông lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời kỳ “hoàng kim” của Liên Xô vào những năm 1960. Điều này rõ ràng là một thành quả không hề tệ đối với một nền kinh tế trung bình ở châu Âu như Nga.
Thật khó để tưởng tưởng tượng rằng, chỉ cách đây một vài năm, đồng minh duy nhất trong khu vực của Nga chỉ có chính phủ Syria của Tổng thống Assad. Khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Tổng thống Obama đã dự đoán rằng các lực lượng Nga sẽ sớm mắc kẹt trong “vũng lầy” này nhưng hóa ra tình thế lại hoàn toàn không phải như vậy.
Điện Kremlin cũng tăng cường mối quan hệ về chính trị và quân sự với các quốc gia ở Trung Đông bên cạnh UAE, và trong số đó thậm chí bao gồm cả những đối tác của Mỹ như Saudi Arabia và Ai Cập. Thương vụ mua hệ thống phòng thủ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thậm chí đang là nguồn cơn khiến NATO chia rẽ.
Đảm bảo được ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong những tháng gần đây ở Iraq, Syria và Iran, Nga dường như đang dần thành công trong kế hoạch kiểm soát Trung Đông của mình. Những thỏa thuận đã hoàn tất cùng những dấu hiệu về triển vọng của nhiều thỏa thuận khác trong tương lai là minh chứng cho thấy Moscow đã tận dụng tối đa khoảng trống quyền lực ở khu vực này để lấp đầy.
“Việc Mỹ rút quân khỏi Syria – thậm chí cả khi quyết định này “phản bội” lời hứa sẽ cho người Kurd quyền độc lập” là dấu hiện rõ ràng nhất gửi đến Nga rằng Moscow có thể làm bất kỳ điều gì mà nước này muốn ở khu vực”, một nhà phân tích tại London nhận định với trang OilPrice.
Thông báo gần đây của Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đặc biệt gây chú ý khi công ty này nhất trí bán cổ phần cho dự án khí đốt Lukoil của Nga. Đây là lần đầu tiên 1 công ty Nga được ADNOC nhượng quyền và đây cũng là dự án đầu tiên của Lukoil ở UAE.
Ngoài ra, ADNOC cũng cho biết công ty này đã ký kết một thỏa thuận khung chiến lược với Gazprom Neft trong việc hợp tác ngược dòng, xuôi dòng và trong lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, những thỏa thuận này, dù lớn đến đâu thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược của Nga tại khu vực. Một điểm quan trọng trong thỏa thuận mới, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak là sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cùng với dầu mỏ, khí đốt, khí tự nhiên hóa lỏng, điện và một số dự án giao thông khác.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Iran đánh giá rằng: “Điều mà thỏa thuận không đề cập đến là sự hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân sẽ cho phép các nhân viên trong ngành công nghiệp hạt nhân và an ninh của Nga hoạt động trong những cơ sở quan trọng của UAE cũng như một số dự án vận tải, liên quan đến các nguyên liệu ngành công nghiệp hạt nhân từ Nga và Iran tới UAE”.
Thậm chí cả khi thỏa thuận của Nga không bao gồm bất kỳ yếu tố hạt nhân, thì điều đó vẫn là mối quan ngại của phương Tây bởi các thỏa thuận này sẽ tăng một lượng khí đốt khổng lồ từ UAE vào nguồn dự trữ của Nga.
Video đang HOT
Cách đây một vài năm, Nga đã hoàn tất các kế hoạch phát triển nhằm tăng cường hợp tác với một số nước thành viên trong Diễn đàn Các Quốc gia Xuất khẩu Dầu (GECF) gồm Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad và Tobago, UAE và Venezuela. Đặc biệt Moscow tin rằng 3 nước trong số này gồm Nga, Iran và Qatar sẽ có thể hình thành một “cartel khí đốt” có khả năng chi phối về giá, kiểm soát đầy đủ nguồn cung và nguồn cầu ở một mức độ nhất định nhằm chi phối đến thị trường dầu khí toàn cầu.
“Khi Mỹ dần tăng ảnh hưởng bằng cách sử dụng các lệnh trừng phạt với một mức độ nhiều tới mức chúng đã trở thành một chính sách thay vì đơn giản là một công cụ của chính sách như trước đây, ngày càng nhiều quốc gia dầu khí lớn cảm thấy họ bị đe dọa nên họ quyết định sẽ hợp tác với nhau và xu hướng này sẽ ngày càng tăng lên”, nguồn tin giấu tên từ Iran nhận định trên OilPrice.
Đằng sau kế hoạch hoàn hảo của Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm tốt trong vai trò điều phối ở Trung Đông. Những vũ khí Nga hỗ trợ cho chính phủ Tổng thống Assad giúp lực lượng này giành được nhiều thắng lợi quan trọng và dần kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria. Ông Putin cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao khi đưa các phi công, cố vấn và lực lượng đặc biệt của Nga vào cuộc chiến ở Trung Đông.
Cùng lúc đó, nhà lãnh đạo Nga cũng thể hiện khả năng linh hoạt trong đường lối ngoại giao khi giữ những đường dây liên lạc mở với tất cả các bên trong khu vực. Tổng thống Putin hiểu rõ một điều rằng không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu khi quyết định cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp những căng thẳng khi Ankara bắn hạ một chiến đấu cơ Moscow năm 2015.
Trên thực tế, lẽ ra Tổng thống Putin không đạt được nhiều thành quả như vậy nếu không có một yếu tố quan trọng khác. Đó là khả năng tận dụng các sai lầm của Mỹ và xây dựng ảnh hưởng trong bối cảnh nhiều nước Arab từ Ai Cập đến vùng Vịnh lo ngại trước uy tín của Mỹ.
Rõ ràng, Nga sẽ không có cơ hội can thiệp vào Syria nếu Mỹ và các đồng minh không để lại một khoảng trống an ninh hỗn loạn sau khi lật đổ chế độ Muammar Qaddafi năm 2011. Tương tự, Nga cũng sẽ không nổi lên như một người chơi chính ở Syria nếu như chính quyền Tổng thống Obama không tạo nên một khoảng trống khổng lồ giữa chính sách được tuyên bố với chính sách trong thực tế. Mỹ đã công khai đặt ra mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria song chưa bao giờ muốn phải trả giá để đạt được thành quả.
Và hiện nay, chiến thắng của Nga ở phía bắc Syria cũng là điều dễ hiểu khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút quân và không can thiệp vào chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù không thể khẳng định chính sách của Mỹ ở Syria là khôn ngoan hay sai lầm song rõ ràng Washington đang khiến các đối tác quan trọng của nước này trong khu vực đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong tương lai.
Giữa bối cảnh mối Mỹ căng thẳng với đối thủ, trục trặc với đồng minh ở Trung Đông, Tổng thống Putin muốn thiết lập môt trật tự thế giới, nơi mà Nga tìm lại được uy tín cũng ảnh hưởng đã mất từ thời Chiến tranh Lạnh và tại Trung Đông, nhà lãnh đạo Nga đang thành công với kế hoạch này./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN
Bloomberg, OilPrice
Chiến sự Syria: Nga - Thổ được lợi, ông Trump 'mua dây buộc mình'
Thoả thuận Sochi đã một lần nữa làm nổi bật vai trò của Nga như một quốc gia trung gian đầy quyền lực ở khu vực Trung Đông. Trong khi đó, vai trò của Mỹ dần trở nên mờ nhạt sau quyết định rút quân khỏi Syria gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP
Sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại thành phố biển Sochi hôm 22/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra thoả thuận mang tính lịch sử, quyết định cục diện miền Bắc Syria sau khi Ankara châm ngòi cho chiến dịch tìm diệt dân quân người Kurd ở khu vực này.
Chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lực lượng dân quân người Kurd đã hoàn tất việc rút quân về khu vực cách biên giới 30km, đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục mở rộng chiến dịch ở Syria.
Tuyên bố của ông Trump, trên thực tế, chỉ là lời chú giải cho những gì hai ông Putin - Erdogan đã thống nhất trong thoả thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, theo tờ FP.
Không những thế, Tổng thống Mỹ còn phủi sạch trơn sự liên quan của Washington đến cuộc chiến vùng Trung Đông, khi nhấn mạnh: "Hãy để những người khác chiến đấu trên bãi cát dài đẫm máu này."
Có gì trong thoả thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo FP, bản thoả thuận gồm 10 hạng mục được kí kết bởi hai ông Putin và Erdogan về cơ bản chỉ nhằm mục đích phân chia khu vực kiểm soát.
Bắt đầu từ trưa 23/10, các chiến binh Đơn vị bảo vệ Nhân dân (YPG) - nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bắt đầu rút khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
YPG sẽ có 150 giờ, hoặc chưa đến một tuần, để di chuyển về vị trí cách biên giới 32km.
Cùng lúc đó, cảnh sát vũ trang Nga và lính biên phòng Syria sẽ tiến sát biên giới từ phía Syria để kiểm soát quá trình rút quân.
Sau khi quá trình rút quân hoàn tất, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung dọc biên giới.
Ý nghĩa của thoả thuận với người Kurd
Giới phân tích cho biết thoả thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt dấu chấm hết cho chính quyền tự trị của người Kurd ở Đông Bắc Syria.
Trước đó, với sự hỗ trợ của Mỹ, người Kurd ở Syria đã dựng nên một nền dân chủ mong manh gồm các tiểu vùng tự trị, được gọi là Rojava.
Cho đến trước đây 2 tuần, Rojava chiếm tới 1/3 lãnh thổ Syria.
Chiến thắng cho Thổ Nhĩ Kỳ
Với thoả thuận ở Sochi, Tổng thống Erdogan đã có được mọi thứ mà ông từng mong muốn trước khi tiến hành chiến dịch ở Syria. Thậm chí còn hơn thế.
Từ lâu, ông Erdogan đã thúc đẩy việc xây dựng hành lang an toàn dọc biên giới Syria nhắm đề phòng sự trỗi dậy của YPG - vốn bị Ankara coi là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm khủng bố chủ mưu cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với thoả thuận Sochi, người Kurd sẽ buộc phải rút lui khỏi khu vực biên giới. Đồng thời, quân đội Nga sẽ thế chân vị trí bị bỏ lại bởi quân đội Mỹ.
Chiến thắng cho cả Nga, Syria và IS
Theo FP, thoả thuận Sochi đã một lần nữa làm nổi bật vai trò của Nga như một quốc gia trung gian đầy quyền lực ở khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, nhờ có thoả thuận mang tính lịch sử, mà quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad có thể tiến vào vùng Đông Bắc nước này lần đầu tiên sau nhiều năm.
Với việc Mỹ đột ngột rút quân trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd về cơ bản không có lựa chọn nào khác ngoài cầu xin trợ giúp từ Damascus và Moscow để được bảo vệ trước sự tấn công của Ankara.
Việc này đặt người Kurd vào thế yếu, khiến họ không đủ đối trọng để đàm phán về bất cứ quyền tự trị nào ở khu vực Đông Bắc Syria.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Assad - với sự ủng hộ của Nga và Iran - có thể sẽ cố gắng tăng cường kiểm soát khu vực nhạy cảm này, đưa tình hình trở về hiện trạng trước khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tạo cơ hội để các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trốn thoát khỏi các trại giam, tái hợp và tiếp tục tiến hành các hoạt động cực đoan.
Ông Trump rơi vào thế khó
Tổng thống Trump hôm qua, 23/10, tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara đảm bảo rằng lệnh ngừng bắn mà Washington đóng vai trò trung gian đàm phán hồi tuần trước sẽ có hiệu lực vĩnh viễn, thay vì chỉ 5 ngày như thoả thuận ban đầu.
Trên thực tế, sự xuất hiện của lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian không tạo nên sự khác biệt rõ rệt đối với tình hình chiến sự ở Đông Bắc Syria. Vì cả người Kurd và Ankara đều liên tục tố nhau vi phạm thoả thuận. Nhiều quan sát viên cho rằng với việc rút phần lớn lực lượng khỏi Syria, Mỹ đã gần như không còn ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này.
Trong khi đó, sau khi đạt thỏa thuận hôm 22/10 với Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ca ngợi đây là một chiến thắng "lịch sử".
Dù liên tục nhận công trong việc lập lại trật tự ở Syria, những các động thái của Tổng thống Mỹ đã châm ngòi cho những luồng dư luận trái chiều trong chính đảng Cộng hoà, vào thời điểm vô cùng nhạy cảm khi ông Trump đang phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội ngay trước thềm bầu cử.
MINH HẠNH
Theo tienphong/Foreign Policy
Bloomberg : Tổng thống Putin khôn khéo đưa Nga trở lại Trung Đông thế nào? Chiến lược thông minh với tính toán dài hạn của Tổng thống Putin khiến Nga vực dậy và trở thành tay chơi "có số má" ở Trung Đông, tờ báo Mỹ bình luận. Năm 2014, Tổng thống Barack Obama từng chế giễu Nga như một cường quốc khu vực chỉ tạo sóng trong các khu lân cận mà không thể gây bão trên...