Cuộc chiến xung quanh cụ rùa
Những tưởng câu chuyện về Cụ Rùa hồ Gươm đã khép lại sau khi Đội lai dắt đưa được cụ lên bờ để chữa trị vào ngày 3-4, thì nay, một Cụ Rùa khác lại xuất hiện. Vì thế, khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội, câu chuyện này lại thêm một lần được mở ra với nhiều luồng ý kiến, tranh luận dữ dội…
Cách đây vài năm, nhiều người quan tâm tới Cụ Rùa Hồ Gươm hẳn vẫn còn nhớ cuộc “bút chiến” giữa Phó giáo sư Hà Đình Đức và nhà giáo Lưu Đức Ngò- hai người được mệnh danh là “ nhà rùa học”. Ông Lưu Đức Ngò – người sở hữu hàng trăm tấm ảnh rùa được chụp tại nhiều góc độ, thời điểm khác nhau đã khẳng định ở hồ Gươm có ít nhất năm cụ rùa, trong khi đó Phó giáo sư Hà Đình Đức thì luôn bảo vệ cho quan điểm của mình: Chỉ có một Cụ Rùa duy nhất ở Hồ Gươm.
Chỉ đến những ngày gần đây, khi rất nhiều người khẳng định: Hồ Gươm có 2 Cụ Rùa, thậm chí người ta còn mô tả tới cả một “gia đình rùa” đang sinh sống ở trong lòng hồ Gươm, vô hình chung, “cuộc chiến” về sự thật hồ Gươm có bao nhiêu Cụ Rùa lại một lần nữa nổ ra (Ảnh: Long Anh)
Thậm chí ông Ngò đã từng muốn “kiện” ông Đức vì ông Đức cho rằng ông Ngò “tuyên bố ba lăng nhăng”, “nhảm nhí”, “phát ngôn lung tung”…Dù cuối cùng, không có phiên tòa nào phải mở ra, nhưng lúc ấy, ông Đức vẫn “chiếm thế thượng phong” với kinh nghiệm hơn 20 năm theo dõi Cụ Rùa. Chỉ đến những ngày gần đây, khi rất nhiều người khẳng định: Hồ Gươm có 2 Cụ Rùa, thậm chí người ta còn mô tả tới cả một “gia đình rùa” đang sinh sống ở trong lòng hồ Gươm, vô hình chung, “cuộc chiến” về sự thật hồ Gươm có bao nhiêu Cụ Rùa lại một lần nữa nổ ra và cán cân dường như đang lệch hẳn về phía ông Ngò.
TS Bùi Quang Tề, Viện Nuôi trồng Thủy sản, hiện là trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hoàn Kiếm, cho biết, đã phát hiện thêm một Cụ Rùa nữa (Ảnh: Long Anh)
Có lẽ người “châm ngòi” lại cho cuộc chiến này chính là ông Nguyễn Ngọc Khôi, người được giao phụ trách Đội lai dắt Cụ Rùa. Sau khi đưa được Cụ Rùa vào bể thông minh ngày 3-4, ông Khôi tuyên bố, còn một Cụ Rùa nữa, và đã xin phép UBND Thành phố Hà Nội bắt tiếp Cụ Rùa này khi điều kiện thích hợp. Phát ngôn của ông Khôi đã thực sự “khơi mào” cho một làn sóng dư luận bán tán xôn xao về câu chuyện còn nhiều Cụ Rùa ở hồ Gươm. Chị Nguyễn Ngọc Dung, chủ kinh doanh một cửa hàng ô tô ở khu Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội gọi điện đến Đại Đoàn Kết cho biết, hồ Gươm có ít nhất 3 Cụ Rùa.
Vào năm 1990, khi nhà chị còn ở phố Hàng Khay, ngay cạnh hồ Gươm, chị đã từng một lúc nhìn thấy cả 3 cụ rùa cùng nổi. Theo chị Dung mô tả, có hai cụ to và một cụ nhỏ – giống như một gia đình. Cụ to nhất có vết lõm ở lưng chính là cụ mới được đưa lên bờ. Ngay cả TS Bùi Quang Tề, Viện Nuôi trồng Thủy sản, hiện là trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hoàn Kiếm, cho biết, đã phát hiện thêm một Cụ Rùa nữa. Một chuyên gia thủy sản khác, TS Nguyễn Viết Vĩnh, cũng cho rằng, hồ Gươm có ít nhất ba Cụ Rùa. Cụ khỏe nhất có mai dài hàng thước, màu xanh đen, cụ hiếm khi nổi hẳn lên mặt nước và rất nhanh nhẹn chứ không chậm chạp như Cụ vừa được đưa lên bờ.
Video đang HOT
TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sảncũng cho rằng, hồ Gươm có ít nhất ba Cụ Rùa. Cụ khỏe nhất có mai dài hàng thước, màu xanh đen, cụ hiếm khi nổi hẳn lên mặt nước và rất nhanh nhẹn chứ không chậm chạp như Cụ vừa được đưa lên bờ (Ảnh: Long Anh)
Trong khi làn sóng về “các Cụ Rùa” đang được bàn luận xôn xao ở khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, ông “giáo sư rùa” Hà Đình Đức lại trở nên “cô đơn” hơn bao giờ hết khi vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Phó Giáo sư Hà Đình Đức vẫn cho rằng, Hồ Gươm chỉ có duy nhất một Cụ Rùa và đây chính là cụ thường xuyên nổi lên, có đốm trắng ở trên đầu, có vết thương ở trên mai, trên cổ, chân… như mọi người vẫn thường nhìn thấy trên báo chí.
Giải thích về những bức ảnh chụp Cụ Rùa trước đó, khi cụ thò chân lên bờ, các móng trên chân cụ đã bị tuột gần hết, nhưng khi bắt được cụ thì vẫn đếm đủ 6 móng chân, ông Đức cho hay, “lỗi” là ở các góc chụp khác nhau. Nhiếp ảnh gia Long Anh, người thường xuyên chụp các bức ảnh Cụ Rùa nổi cũng công nhận điều này. Nhiếp ảnh gia này cho hay, nếu đứng ở phía bên trái, hoặc bên phải chụp vào thì dường như chỉ nhìn thấy một móng trên chân cụ, còn nếu chụp thẳng, trực diện sẽ nhìn thấy đủ 6 móng mà việc chụp trực diện Cụ Rùa chỉ làm được khi chụp cụ ở trên bờ, trong bể bơi thông minh, với khoảng cách gần nhất.
Phó Giáo sư Hà Đình Đức, cũng là người được giao trọng trách chính với tư cách là chuyên gia trong Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm khẳng định, cho đến lúc này ông chưa nhận được một quyết định nào của thành phố về việc sẽ đưa Cụ Rùa thứ 2 lên bờ. Ông Đức cho rằng, nếu chưa khẳng định được điều gì thì đừng nên kết luận vội vàng, việc quan trọng trước mắt bây giờ là chăm lo cho sức khỏe của Cụ Rùa thật tốt.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng, UBND thành phố Hà Nội rất đồng tình với việc đưa Cụ Rùa thứ hai lên bờ để kiểm tra sức khỏe, nhưng việc có đi đến quyết định này hay không thì trước tiên Đội lai dắt phải tiến hành thăm dò xem thực sự có hay không một cụ rùa nữa. Công việc này hiện vẫn đang được Đội Lai dắt tiến hành.
Sự kiện chữa bệnh cho cụ rùa đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân (Ảnh:Long Anh)
Đến lúc này, dường như ý kiến chắc như đinh đóng cột của ông Đức đang bị “chìm nghỉm” vào hàng trăm câu chuyện khác nhau, hàng nghìn ý kiến, tranh luận về nhiều Cụ Rùa khác. Và tất cả họ đều cảm thấy rất vui nếu thực sự Hồ Gươm còn nhiều Cụ Rùa. Ông Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, ông đánh giá cao những tâm huyết của Phó Giáo sư Hà Đình Đức trong suốt hơn 20 năm qua theo dõi về Cụ Rùa.
Và ông cũng vui mừng nếu phát hiện của ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Tập đoàn Khanh Anh Trang là đúng. Ông Hòe cho hay, nếu hồ Gươm còn nhiều Cụ Rùa, cần phải nhanh chóng đưa những cụ còn lại lên để kiểm tra sức khỏe, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn các động vật quý hiếm. Bởi theo ông Hòe, lâu nay, công tác bảo tồn những di sản “sống” như Cụ Rùa đã thực hiện quá lỏng lẻo, yếu kém…
Và “cuộc chiến” xung quanh hồ Gươm sẽ chỉ ngã ngũ khi có thêm một Cụ Rùa nữa được đưa lên bờ.
( Theo Đại đoàn kết)
Cụ rùa Hồ Gươm đã có hậu duệ?
Trong ngày vây bắt cụ rùa, những người kéo lưới đã bắt được một con rùa to bằng chiếc nón, không phải rùa tai đỏ, nặng khoảng 20kg.
Sau khi vây bắt thành công cụ rùa ngày 3/4 vừa qua, dư luận lại xôn xao thông tin có hay không cá thể cụ rùa khác dưới Hồ Gươm? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định, hiện tại, rất khó để xác định có bao nhiêu "cụ rùa" Hồ Gươm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về rùa và cũng là người chỉ đạo việc vây bắt cụ rùa Hồ Gươm, ông chắc chắn, còn ít nhất một cá thể cụ rùa khác.
Ngoài cá thể cụ rùa đang được chăm sóc tại "bệnh viện", ông Khôi khẳng định chắn chắn còn một cá thể cụ rùa khác ở Hồ Gươm.
Theo lời ông Khôi , trong cuộc vây bắt ngày 3/4 vừa qua, hai cụ rùa đã đồng thời nổi ở hai vị trí khác nhau. Cuộc vây bắt hôm đó chia làm 4 tổ xác định vị trí cụ rùa. Ông Khôi phát hiện đầu cụ rùa nổi lên ở phía đền Ngọc Sơn, một tốp khác nhìn thấy lưng rùa nổi lên ở phía UBND TP Hà Nội.
"Sau khi phán đoán, cụ rùa nổi đầu có thể sức khỏe yếu hơn nên chúng tôi đã thống nhất vây bắt cá thể ở phía đền Ngọc Sơn trước. Theo quan sát của tôi, đó không phải lần duy nhất hai cụ rùa cùng nổi một lúc. Cũng có thể cụ rùa nổi phần lưng có màu xanh thẫm hơn, lẫn với màu nước nên nhiều người không để ý quan sát thấy", ông Khôi cho hay.
Cũng theo ông Khôi, trong ngày đưa cụ Rùa bị bệnh lên tháp chữa trị, những người kéo lưới đã "bắt được" một con rùa con, to bằng chiếc nón, không phải rùa tai đỏ, nặng khoảng 20 kg. Một số người phán đoán, rất có thể đó là hậu duệ của rùa Hồ Gươm.
Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, chưa có cơ sở để khẳng định điều này: "Để xác định đó có phải "con cháu" của cụ rùa hay không phải được các chuyên gia mang lên xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, ngay hôm đó do được chỉ đạo chỉ tập trung đưa cụ rùa "bệnh" lên chữa trị nên chúng tôi đã cho thả cá thể này xuống nước".
Nhiều vết thương trên cơ thể cụ rùa đã tự lành.
Về tình hình sức khỏe của cụ rùa đang được chăm sóc trong "bệnh viện", ông Khôi cho biết, hiện tại sức khỏe của cụ khá ổn định, những vết thương trên cơ thể cụ cũng không đáng lo ngại như nhiều người tưởng.
"Vết thương trên lưng cụ rùa hiện đã gần lành hẳn, còn phần da đổi màu trên cổ được cho là bị động vật khác cắn thực chất không phải vết thương, có thể đó chỉ là vết "rỗ" đồi mồi do tuổi tác. Việc cụ rùa thường xuyên nổi lên trong thời gian gần đây có thể là do tập tính của loài rùa nổi lên vì thời tiết thay đổi hoặc muốn phơi nắng. Hiện tại, cụ chỉ còn một vết thương nhỏ ở vai, rộng khoảng 3cm".
Hiện tại, các nhà khoa học đang tiến hành các biện pháp chăm sóc cụ rùa. Tôi cho rằng, sức khỏe cụ sẽ nhanh chóng ổn định. Còn nếu cấp trên ra quyết định việc tiến hành việc vây bắt cá thể cụ rùa Hồ Gươm khác tôi sẽ tham gia", ông Khôi nói.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lại cãi nhau chuyện Hồ Gươm có ba "cụ" rùa Trong khi nhà "rùa học" PGS Hà Đình Đức nhất định cho rằng Hồ Gươm chỉ có một "cụ" rùa thì rất nhiều người, cả người dân bình thường và nhà khoa học cũng lên tiếng khẳng định có tới hai "cụ", thậm chí là ba "cụ". Sự việc ngày 3.4, trong khi vây bắt rùa Hồ Gươm, người ta đã phát hiện...