‘Cuộc chiến’ với mẹ chồng ngày giáp Tết
Ngày Tết cận kề mà mẹ chồng – nàng dâu, người thì không thèm nhìn mặt, kẻ giận đến xưng xỉa mặt mày khiến cho không khí trong nhà căng thẳng, ngột ngạt.
Chị Diệp (Lĩnh Nam – Hà Nội) vốn được nhiều người khen là một phụ nữ nhanh nhẹn, sắc sảo. Khi kết hôn, chị không những không vấp phải bất cứ ý kiến phản đối nào mà ngược lại khi đó chị được phía nhà chồng tương lai rất quý mến và vun vén chuyện tình duyên. Chính vì tự tin vào bản thân và dễ dàng vượt qua được cửa ải ngày ra mắt nên chị đinh ninh “đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt”, mình sẽ không gặp phải bất cứ vướng mắc nào. Thế nhưng thật trớ trêu thay, khi còn hơn 1 tháng nữa là tròn năm chị về làm dâu, ngày Tết cũng đang cận kề thì xảy ra biến cố khiến mẹ chồng không thèm nhìn mặt nàng dâu. Bản thân chị thì ấm ức, tức nghẹn.
Chị Diệp cho biết: “Kết hôn đã được gần 1 năm và đây là cái Tết đầu tiên của mình ở nhà chồng. Trước đây ở nhà bố mẹ đẻ, ngày Tết cũng một tay mình xoay xở mua sắm nên cũng gọi là có kinh nghiệm. Bởi vậy mình rất tự tin và không hề lo lắng khi sắm Tết cho nhà chồng. Dù sao vợ chồng mình cũng là con trưởng trong nhà, chú em chồng cũng ở riêng nên mình nghĩ trước sau gì thì vợ chồng mình cũng phải gánh gồng khoản Tết. Bởi vậy mình chủ động lên danh sách các thứ cần mua sắm rồi cứ thế mua dần về cho đỡ cập rập. Tưởng mẹ chồng sẽ vui vì con dâu biết lo. Ai ngờ bà lại tỏ ý không vui. Bà cho rằng mình vượt mặt, làm gì cũng không thông qua bố mẹ chồng… Mình thật không hiểu nổi”.
Ngày Tết cận kề mà mẹ chồng – nàng dâu đứng ở hai đầu chiến tuyến khiến không khí trong nhà căng thẳng.
Mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn khi chị vừa đặt bánh chưng và giò chả ở cửa hàng vốn là chỗ quen biết của gia đình, để tiện biếu luôn bố mẹ đẻ. Thế nhưng về đến nhà tỉ tê nói với mẹ chồng thì chị bị “tạt cho gáo nước lạnh”. Mẹ chồng chị đùng đùng nổi giận bảo chị mang cả sang cho bên thông gia ăn: “Mình vừa hớn hở bảo với mẹ chồng năm nay thử ăn bánh chưng và giò chả ở cửa hàng quen thì mẹ chồng mình nổi đóa. Bà nói giọng gay gắt với mình rằng: “Đặt thì mang tất về cho bên kia ăn. Bên này không quen ăn đồ cao sang…”. Cho dù bà giận mình vì không thông qua ý kiến của bà đi chăng nữa thì bà cũng không nên nói thế. Bà có thể góp ý, bảo ban mình những việc mình làm chưa khéo” – chị Diệp chia sẻ.
Chị cũng tâm sự thêm rằng cứ tưởng những việc mình làm sẽ khiến cả nhà chồng sẽ được phen bất ngờ vì khả năng nhanh nhẹn và khéo lo của mình dịp Tết này. Nào ngờ, “giờ mình nói gì, hỏi gì mẹ chồng cũng không thèm đáp lại. Bà cứ mặt nặng mày nhẹ khiến cho mình rất căng thẳng. Đó là chưa kể mình cụt hết cả hứng thú với Tết vì câu nói mà mẹ chồng ám chỉ mình thẳng lưng quen ăn đồ ăn sẵn” – chị Diệp thở dài, nói.
Cũng là một nàng dâu đang đứng “bên kia chiến tuyến” với mẹ chồng khi ngày 30 Tết chỉ còn vài ngày, là chị Ngọc (Cầu Giấy – Hà Nội). Bản thân chị Ngọc tự nhận mình là người phụ nữ vụng việc gia đình. Vì thế, sống chung với nhà chồng đã được 5 năm nhưng chị không dám một lần chủ động sắm sửa gì cho dịp Tết. 5 năm về làm dâu thì 4 cái Tết trước đó đều do mẹ chồng chị đảm nhận việc mua sắm. Chị Ngọc chỉ phụ những việc lặt vặt như cầm điện thoại gọi thuê người đến dọn nhà, cùng chồng đi mua cây quất, cành đào. Chị cho rằng: “Mình quen kiểu xuề xòa, thế nào cũng được, còn mẹ chồng lại quá chỉn chu, cẩn thận nên cứ để bà mua sắm, chọn lựa cho vừa ý bà. Mình không dám nghĩ sẽ đứng ra gánh vác việc gì vì đã có một lần mình mua đồ về bị mẹ chồng hỏi vặn cả buổi”.
Video đang HOT
Bởi thế, năm nay khi mang khoản tiền sang gửi mẹ chồng sắm Tết, chị Ngọc gần như tái mặt khi mẹ chồng tuyên bố năm nay bà sẽ không lo lắng túi bụi, chạy ngược chạy xuôi như mọi năm nữa. “Khi nghe mẹ chồng tôi nói rằng nhà có con dâu để làm gì mà năm nào mẹ chồng cũng phải lo lắng gồng gánh việc Tết. Rồi bà cứ thế điềm nhiên nói rằng: “Không biết hay giả vờ không biết. Làm rồi khắc quen, cái gì chị cũng ỉ lại…” khiến mình sa sầm cả mặt mày. Đang hớn hở định vào bàn chuyện Tết nào ngờ bị mắng luôn” – chị Ngọc nói.
Rồi chị kể, vì bỗng dưng lại bị mẹ chồng nói những lời xóc óc, chạm tự ái, nên chị Ngọc phản ứng lại bằng cách góp ý những lời mẹ chồng đã nói. Thế nhưng mẹ chồng chị không những không “hạ hỏa” mà còn “tăng xông” hơn. “Bà nổi đóa lên bảo tôi láo, dám dạy cả mẹ chồng. Bà thách thức tôi thích ăn, thích làm gì thì tự đi mà lo, không dính dáng gì đến chúng tôi nữa. Tôi không phải là cô con dâu toàn vẹn tháo vát nhưng cũng là người biết điều. Cũng vì bà cứ gây áp lực chứ đâu phải tôi đùn đẩy công việc cho bà. Tôi đã biết rằng mẹ chồng vất vả nên cũng im lặng khi bà nổi cáu. Thế nhưng được thể, bà lại về mách với chồng tôi rằng tôi hỗn hào, nói láo. Rồi bà còn đưa chuyện với cô bác họ hàng… Giờ thì tôi mặc kệ, thích sắm thì sắm, không thì thôi” – chị Ngọc bức xúc cho biết.
Cũng chính vì chị Ngọc “mặc kệ” nên mẹ chồng càng thêm bực tức khiến cho ngày Tết đã cận kề mà không khí trong nhà thì căng như dây đàn.
Theo VNE
Giữ trẻ mầm non ngày giáp tết
Năm nay học sinh được nghỉ tết đến 16 ngày trong khi phụ huynh được nghỉ 9 ngày. Những gia đình có con trong độ tuổi mầm non tìm nơi giữ trẻ trước và sau tết là mối bận tâm lớn.
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non vẫn giữ trẻ đến ngày cận tết - Ảnh: Tú Uyên
An toàn là trên hết
Anh Dương Thanh Hiếu (Q.5, TP.HCM) cho biết: "Vợ chồng tôi cùng làm việc đến hết ngày 28 tháng chạp và đi làm lại vào mùng 6 tết, trong khi cháu học hết ngày 24 thì nghỉ và đi học sau thời gian đi làm lại của ba mẹ một tuần. Vì thế, càng gần thời điểm nghỉ tết càng căng thẳng vì phải tìm cho được nơi gửi con. Năm trước, tôi có gửi cháu cho một nhóm trẻ gia đình nhưng năm nay băn khoăn quá. Trường cháu đang học mà mở lớp nhận trẻ ngày cận tết là hay nhất vì vừa quen trường, lớp vừa yên tâm".
Từ thực tế này, các phòng giáo dục của 24 quận, huyện tại TP.HCM cho phép các trường tổ chức giữ trẻ trước và sau tết. Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD Q.Tân Phú, cho biết: "Các trường cho phụ huynh đăng ký, hiệu trưởng căn cứ vào số lượng thấy phù hợp để tổ chức thì thông báo rộng rãi với phụ huynh. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì các trường phải có văn bản trình với phòng GD và tất cả các hoạt động bếp ăn, chăm sóc phải đảm bảo như những ngày học bình thường".
Do tâm lý phụ huynh nào cũng muốn gửi con tại trường trẻ đang học nên Phòng GD Q.Tân Bình động viên các trường nhận giữ trẻ thời gian này. Bà Phạm Thị Phước, Phó phòng GD Q.Tân Bình, cho biết các trường tính kinh phí tương tự như thời gian hè, tức là khoảng 50.000 đồng/ngày, chưa kể tiền ăn.
Do thời gian này không nằm trong chương trình của năm học nên Phòng GD Q.3 để cho các trường mầm non tự thỏa thuận mức thu với những phụ huynh có nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD Q.3, thông tin: "Phòng chỉ đạo các trường đã thực hiện thì phải nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho trẻ, ban giám hiệu phải phân công lịch trực để quản lý".
Trường tư nhận trẻ ngoài trường
Theo thông tin từ Phòng GD Q.Tân Phú, hiện nay đã có 4 trường mầm non đăng ký giữ trẻ ngày cận tết là Trí Đức 1, Trí Đức 2, Tây Thạnh, Việt Mỹ. Lãnh đạo của Trường mầm non Trí Đức 1 cho hay: "Nhà trường đã bố trí giáo viên giữ trẻ đến hết ngày 28 và nhận lại vào mùng 6 tết".
Tương tự, Trường mầm non Hoàng Gia (Q.7) sẽ nhận giữ trẻ đến 12 giờ ngày 29 tết và nhận lại vào mùng 6. Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: "Trường nhận trẻ từ 16 tháng tuổi trở lên".
Trường mầm non Bé Ngôi Sao (Q.Tân Bình) thông báo lịch nhận trẻ đến hết ngày 28 tết và nhận lại vào ngày đi làm của đa số phụ huynh với mức thu 120.000 đồng/ngày, bao gồm tiền ăn. Bà Trương Thị Huỳnh Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Phụ huynh ngoài trường, nếu có nhu cầu có thể đăng ký để giáo viên của trường chăm sóc và nuôi dưỡng".
Mức thu của một số trường (gồm cả học phí và tiền ăn)
- Trường mầm non Lan Anh (Q.8): Từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày.
- Trường mầm non Bé Ngôi Sao (Q.Tân Bình): 120.000 đồng/ngày.
- Trường mầm non tư thục Vườn Thiên Thần (Q.Phú Nhuận): Học sinh trong trường 200.000 đồng/ngày, ngoài trường 250.000 đồng/ngày.
- Trường mầm non tư thục Mèo Con (Q.7): Học sinh trong trường 250.000 đồng/ngày, ngoài trường là 350.000 đồng/ngày.
Những lưu ý khi gửi con ngày tết
Bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Mèo Con (Q.7), cho biết ngoài các trường mầm non công lập, tư thục còn có các nhóm trẻ gia đình, các cư dân sinh sống tại các khu dân cư, chung cư có nhận giữ trẻ để đáp ứng nhu cầu trên của phụ huynh. Theo bà Kim Vân, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về tính nết của giáo viên, thức ăn, cách chăm sóc trẻ của trường/nhóm trẻ trước khi gửi con em. Cũng theo bà Kim Vân, trong thời gian này ba mẹ nên đón trẻ đúng giờ chứ không nên để trẻ trông ngóng, chờ đợi trong khi bản thân đã thiệt thòi hơn nhiều bạn khác được nghỉ ở nhà với người thân.
Nếu phải gửi con vào các trường khác, phụ huynh nên tranh thủ đưa con đến làm quen trước, động viên để trẻ biết chỉ học tạm chứ không phải chuyển trường, xa bạn bè.
Về phía nhà trường, thời gian này giáo viên tăng cường các hoạt động vui chơi, lễ hội để trẻ không còn những cảm giác thiệt thòi, buồn bã.
Theo TNO
Hoa đào 'đổ bộ' xuống phố đón chào Tết Đường phố Hà Nội những ngày giáp Tết trở nên rực rỡ với nhiều màu sắc. Những bông hoa đào nở rực đỏ len lỏi từng góc phố, nẻo đường Hà Nội. Dọc tuyến đường Lạc Long Quân - Tây Hồ, các chủ vườn đã bày bán đào từ nhiều ngày nay. Đào cây, đào cành và những gốc đào cổ thụ được...