Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: ‘Con dao hai lưỡi’ đối với chứng khoán Việt
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ cuộc chiến này đối với thị trường chứng khoán Việt Nam được ví như “con dao hai lưỡi”, có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Rồng Việt (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Hy vọng xu hướng đi lên
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng leo thang và diễn biến phức tạp. Sau những nỗ lực bất thành của hai bên, Mỹ đã áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 24/9/2018 và thông báo sẽ tăng mức thuế lên 25% từ ngày 1/1/2019. Để đáp trả, Chính phủ Trung Quốc cũng đã áp thuế ở mức 5% và 10% lên lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Sacombank, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2018 đạt 41,4 tỷ USD) và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 30,2 tỷ USD) nên cuộc chiến thương mại này sẽ có những tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường chứng khoán Việt Nam quy mô còn nhỏ và tính liên thông với các thị trường thế giới chưa nhiều. Mặc dù trong 2 năm nay nguồn vốn ngoại cũng vào ra tương đối mạnh, nhưng so với hiệu ứng của biến động thế giới thì nguồn vốn vào Việt Nam không biến động nhiều.
Do đó, trong ngắn hạn, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đến thị trường chứng khoán Việt không mạnh bằng tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam và yếu tố nội tại của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ít ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện chỉ có những lo ngại về áp lực tăng lãi suất, tỷ giá. Thường tỷ giá sẽ liên quan đến câu chuyện lạm phát làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng có thể giảm đi.
Video đang HOT
“Theo tôi, trong các nước ASEAN thì Việt Nam là nước bị ảnh hưởng ít nhất từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết thêm, theo tính toán, nếu sản xuất thương mại của Trung Quốc bị ảnh hưởng giảm từ 5 – 10% thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị giảm theo từ 0,3 – 1,2%.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng và là điểm sáng ở châu Á đạt được tốc độ tăng trưởng cao, dòng vốn ngoại vẫn đang có xu hướng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GDP của cả nước đã đạt 6,98%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2018 là khả thi và thậm chí có thể cao hơn.
Một thông tin có thể tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường là vừa qua nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell đã công bố kết quả phân hạng thị trường định kỳ hàng năm; trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai (secondary Emerging).
Điều này có nghĩa là phân bố tỷ trọng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gia tăng. Đây là cơ hội giúp dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt.
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, thanh khoản thị trường tăng rất mạnh, vốn hóa thị trường hiện nay đã đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tương ứng với khoảng 81% GDP. Điều này đang phản ánh xu thế thị trường đang tăng điểm, ông Lê Đức Khánh nhận định.
Theo ông Khánh, VN – Index sẽ điều chỉnh quanh vùng 1.000 điểm, sau đó sẽ tăng tiếp lên tới 1.100 điểm và 1.200 điểm. Dự báo cuối năm nay đến đầu năm 2019 thị trường sẽ vượt mốc 1.200 điểm. Xu hướng của thị trường chung đang là xu hướng đi lên.
Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt?
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, theo logic hàng Trung Quốc không bán qua Mỹ thì Mỹ sẽ mua hàng của các nước khác; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hàng Mỹ hạn chế của Trung Quốc hiện không phải là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nên chúng ta chưa được hưởng lợi, nhưng có tác dụng tạo hiệu ứng trong tương lai.
Ông Hiển nhìn nhận, hướng tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nhiều hơn hướng tiêu cực đối với Việt Nam. Hướng tích cực là dòng vốn FDI sắp tới sẽ tiếp tục tăng lên. Trong sự phát triển đó, nó vừa mang tính nội tại của kinh tế Việt Nam vừa do tác động của việc các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc để chuyển qua các nước khác; trong đó có Việt Nam.
“Năm 2019, chúng ta hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới do tác động của cuộc chiến thương mại. Khi dòng vốn FDI chảy ạnh vào Việt Nam sẽ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập người dân tăng lên, tiêu dùng cũng tăng và các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Ngay cả các doanh nghiệp nội địa không xuất hàng qua Mỹ vẫn sẽ được hưởng lợi”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu dùng, vật liệu xây dựng… sẽ được hưởng lợi, từ đó những cổ phiếu các ngành này cũng được đà tăng theo.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Đức Khánh cho hay, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ làm cho một số cơ sở sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm các nước khác để đặt xưởng sản xuất trong dây chuyền của họ; trong đó Việt Nam sẽ là một điểm đến của các doanh nghiệp này.
“Về dài hạn, việc đánh giá Việt Nam có được hưởng lợi thực sự hay không là rất khó. Vì đây là con dao hai lưỡi, có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực ở nhiều khía cạnh bởi tác động qua lại giữa các bên sẽ thay đổi rất nhiều mỗi khi có thêm một động thái mới”, nhóm nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank nhận định.
Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank cho rằng, ở chiều tích cực, một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường bị bỏ ngỏ từ việc áp thuế để tăng xuất khẩu vào cả hai nước, đặc biệt là Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ (chiếm khoảng 36,6%) và khi thị trường này bị hạn chế sẽ là cơ hội cho ngành dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện tại xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ đang xếp thứ hai sau Trung Quốc với khoảng 11,5%.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán này cho rằng, không thể nhận định đơn giản rằng “miếng bánh” thị phần xuất khẩu Trung Quốc dang dở tại thị trường Mỹ sẽ dễ dàng thuộc về Việt Nam bởi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh khác. Đây là yếu tố cần xem xét, đánh giá, dù đó là cơ hội tốt dành cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm gia tăng thị phần.
Mỹ là thị trường đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt và Việt Nam có thể tận dụng lợi thế đối với những mặt hàng vốn là thế mạnh như dệt may và thủy sản. Để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ mới trong quá trình quản lý và sản xuất.
Văn Giáp (TTXVN)
Thị trường chứng khoán châu Á thận trọng trước căng thăng thương mại Mỹ-Trung
Ngày 9/10, thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm phiên thứ tư liên tiếp, do đồng yen mạnh cùng với những lo ngại về tình hình kinh tế của Trung Quốc.
Bảng tỷ giá chứng khoán tại Sàn giao dịch ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 1,32%, tương đương 314,33 điểm, xuống 23.469,39 điểm khi đóng cửa.
Theo nhà phân tích kỹ thuật kỳ cựu Hikaru Sato của Daiwa Securities, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn trong giai đoạn điều chỉnh sau khi giá cổ phiếu đã tăng khá nhanh. Đồng yen mạnh là thông tin tiêu cực đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản khi làm giảm lợi nhuận thu được tại thị trường nước ngoài khi chuyển về nước.
Trong khi đó, theo ông Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OANDA, một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc không thành công có thể làm chệch hướng các thị trường trên toàn cầu và không nên đánh giá thấp tác động gây bất ổn tiềm ẩn mà đồng yên giảm giá sẽ gây ra đối với các thị trường trong khu vực.
Trong ngày 9/10, tỷ giá đồng USD và yen là 113,11 yen/USD, giảm từ mức 113,16 yen/USD tại phiên giao dịch chiều 8/10 tại thị trường New York (Mỹ) và mức gần 114 yen trước khi các thị trường ở Tokyo đóng cửa trong ngày giao dịch 5/10.
Theo ông Sato, các nhà đầu tư vẫn lo ngại và tiếp tục chú ý tới diễn biến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với tình hình khó đoán định. Tại thị trường Tokyo, giá cổ phiếu Panasonic giảm 1,94% xuống còn 1.308,5 yen/cổ phiếu còn giá cổ phiếu Sony giảm 0,28% xuống còn 6.577 yen/cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu Toyota giảm 3,08% xuống còn 6.786 yen/cổ phiếu và giá cổ phiếu SoftBank Group giảm 3,38% xuống còn 10.700 yen/cổ phiếu.
Trong khi đó, theo chiến lược gia trưởng Alicia Levine của BNY Investment Management, nếu xung đột thương mại vẫn còn tiếp diễn thì đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ giảm giá và tạo ra một loạt khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,2% năm 2019, thấp hơn con số ước tính tăng 6,4% trước đó, và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990.
Cũng trong ngày 9/10, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong có lúc tăng 0,2% lên 26.258,30 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,2% lên 2.721,01 điểm khi đóng cửa ngày giao dịch 9/10.
Anh Quân (Theo AFP)
Thế giới có thể rơi vào khủng hoảng tài chính vào năm 2020 Một số mầm mống khủng hoảng đang hình thành. Tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay có thể sẽ tiếp tục trong năm 2019, nhưng đến năm 2020, xu hướng chung sẽ là khủng hoảng tài chính và sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu. 5 nguyên nhân toàn cầu Giáo sư Nouriel Roubini, thuộc trường Đại học New York,...