Cuộc chiến pháp lý bầu cử Mỹ 2024 đã ‘nóng’ trước khi cử tri đi bỏ phiếu
Nhiều tháng trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đã ganh đua nhau tham gia vào một loạt vụ kiện, trong số đó có những trường hợp đệ trình tại các bang chiến trường quan trọng.
Cử tri bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ở Queens, New York, Mỹ, ngày 27/10. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyên gia luật bầu cử John Hardin Young tại công ty luật Sandler Reiff Lamb Rosenstein & Birkenstock ở Washington, D.C. nhận định rằng tranh chấp pháp lý tiền bầu cử năm 2024 là một chiến lược chính trị then chốt của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Theo ông, việc kiện tụng hầu như không liên quan gì đến nền dân chủ hoặc bầu cử đáng tin cậy. Ông Young đánh giá: “Đây là khúc dạo đầu cho thách thức sau bầu cử, trong đó thông điệp chính trị đã bị bóp méo cùng với vụ kiện tụng”.
Các chuyên gia pháp lý nhận định với tờ Business Insider (Mỹ) rằng một số vụ kiện do đảng Cộng hòa đệ trình có thể tạo tiền đề cho các vụ kiện tiềm tàng tại tòa án sau Ngày bầu cử 5/11. Nhưng nó thực sự phụ thuộc vào kết quả bầu cử sẽ sít sao đến mức nào. Các cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc trước thềm bầu cử cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay nhiều khả năng sẽ được định đoạt bởi kết quả vô cùng sít sao.
Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) cho biết chiến dịch “bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử” cùng chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Donald Trump, có liên quan đến 130 vụ kiện tụng ở 26 tiểu bang trong chu kỳ bầu cử này. Nhiều vụ kiện tập trung vào việc xử lý bỏ phiếu qua thư, phiếu bầu ở nước ngoài và danh sách cử tri.
Khi RNC công bố chương trình “bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử” vào tháng 4, họ cho biết sẽ triển khai hơn 100.000 tình nguyện viên và luật sư trên khắp các tiểu bang chiến trường.
Người phát ngôn của RNC – bà Claire Zunk nhấn mạnh: “Điều này giúp cử tri tin tưởng rằng lá phiếu của họ sẽ được kiểm chính xác, và ngược lại, thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Trong khi đảng Dân chủ tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử và gây hại cho các biện pháp bảo vệ bầu cử, chúng tôi đang bảo vệ quyền bỏ phiếu cho tất cả người Mỹ”.
Trong khi đó, các nhân viên điều hành chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris tuyên bố rằng những vụ kiện của đảng Cộng hòa là “một phần trong nỗ lực gieo rắc nghi ngờ” vào kết quả bầu cử năm 2024.
Người đứng đầu nhóm pháp lý chiến dịch vận động tranh cử của Phó Tổng thống Harris – bà Monica Guardiola cáo buộc: “Thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump tin rằng họ sẽ tăng cơ hội chiến thắng khi ít cử tri bỏ phiếu hơn và ít phiếu bầu được kiểm hơn. Đó là lý do tại sao họ đang phát tán thông tin sai lệch và đệ đơn kiện vô căn cứ trong một nỗ lực rõ ràng là nhằm ngăn chặn tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu”.
Trong bản ghi nhớ ngày 11/10 do đảng Dân chủ công bố, có nội dung nhấn mạnh đã chuẩn bị và bước vào chặng đường cuối cùng với chiến lược để bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử trước và sau ngày 5/11. Bên cạnh đó, đảng Dân chủ khẳng định đã can thiệp vào “hàng chục vụ kiện vô căn cứ của đảng Cộng hòa để vạch trần những lời nói dối và đánh bại họ tại tòa”.
Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và chiến dịch vận động của Phó Tổng thống Harris đã giành được 15 chiến thắng tại tòa trong ba tuần qua, phần lớn là sau khi can thiệp vào các vụ kiện do đảng Cộng hòa đệ trình.
Video đang HOT
Trong những tuần gần đây, đảng Cộng hòa đã phải đối mặt với một loạt các thất bại tại tòa án nhưng cũng gặt hái được một số thành công. Một thẩm phán liên bang tại bang dao động Pennsylvania vào tháng 10 đã bác bỏ vụ kiện do một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đệ trình nhằm yêu cầu xác minh mới liên quan đến lá phiếu ở nước ngoài và quân đội. Các thẩm phán tại bang dao động Michigan và North Carolina gần đây cũng đã bác bỏ vụ kiện của RNC nhắm vào việc bỏ phiếu ở nước ngoài.
Nhưng RNC cũng ghi nhận 9 chiến thắng tại tòa án gần đây, bao gồm phán quyết từ Tòa phúc thẩm số 5, trong đó kết luận rằng luật của Mississippi về việc kiểm đếm các lá phiếu đóng dấu bưu điện đúng cách được nhận sau Ngày bầu cử đã vi phạm luật liên bang.
Ông Young gọi làn sóng kiện tụng này là “một phần của thông điệp chính trị”. Chiến lược kiện tụng năm 2024 của Đảng Cộng hòa dường như có trật tự hơn nhiều so với năm 2020 khi ông Trump và các đồng minh đệ trình hơn 60 vụ kiện sau Ngày bầu cử, cáo buộc gian lận cử tri, nhưng không đạt kết quả như ý.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ông Jason Torchinsky tại công ty luật Holtzman Vogel và là một luật sư bầu cử của đảng Cộng hòa nhận định rằng việc đệ đơn kiện trước thềm bầu cử là một chiến lược hiệu quả. Ông phân tích: “Kiện tụng trước bầu cử để thiết lập các quy tắc cơ bản thường thành công hơn nhiều so với việc đấu tranh pháp lý sau bầu cử. Các tòa án rất miễn cưỡng bởi cho rằng họ đang quyết định kết quả của cuộc bầu cử”.
Cuộc bầu cử năm 2020 đã giữ kỷ lục là cuộc tổng tuyển cử có nhiều vụ kiện tụng nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Trong khoảng thời gian hai tháng từ ngày 3/11/2020 đến ngày 6/1/2021, các nguyên đơn đã đệ trình 82 vụ kiện tại 10 tiểu bang và Washington, D.C.. Hiệp hội Luật sư Mỹ cho biết có khoảng 40 vụ tranh chấp pháp lý tiền bầu cử được đệ trình trước Ngày bầu cử năm 2020.
Trong khi đó, luật sư bầu cử đảng Dân chủ Marc Elias – thành viên của nhóm pháp lý chiến dịch vận động tranh cử của bà Harris – tiết lộ rằng, tính đến ngày 1/11, có kỷ lục 203 vụ kiện về bỏ phiếu và bầu cử đang chờ xử lý tại 40 tiểu bang, với 25 vụ kiện được đệ trình chỉ riêng tại bang chiến trường Georgia. Và dự kiến con số sẽ không chỉ dừng ở đó.
Pennsylvania - 'trung tâm của vũ trụ chính trị' bầu cử Mỹ 2024
Pennsylvania có nhiều khẩu hiệu và biệt danh: "tiểu bang Keystone", "bang Độc lập", "quê hương của bia, sô cô la, tự do và Taylor Swift", và bây giờ, là "trung tâm của vũ trụ chính trị".
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo phân tích gần đây của nhà thống kê chính trị Nate Silver, cách Pennsylvania biến động bầu cử vào ngày 5/11 có thể sẽ quyết định nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ. Nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng ở tiểu bang này, tỷ lệ bà vào Nhà Trắng sẽ đạt 91%. Nếu ông Trump thắng, tỷ lệ của ông sẽ tăng vọt lên 96%.
Đó là mức độ quan trọng của 19 phiếu đại cử tri mà Pennsylvania nắm giữ (cần tối thiểu 270 phiếu để giành được Đại cử tri đoàn) và tiểu bang này là thước đo toàn quốc về hiệu suất của từng ứng cử viên với các cử tri "phải thắng".
Hầu như mọi cuộc thăm dò toàn tiểu bang được tiến hành tại Pennsylvania trong tháng qua đều cho thấy sự cân bằng về mặt thống kê trong cuộc đua giành chức tổng thống.
Năm 2016, ông Trump đã gây bất ngờ sít sao ở Pennsylvania, đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với tỷ lệ sít sao 48,2 so với 47,5%. Chiến thắng này đã phá vỡ "Bức tường xanh" quan trọng, cùng với Michigan và Wisconsin, mở đường cho ông Trump vào Nhà Trắng.
Năm 2020, Tổng thống Joe Biden, một phần nhờ vào việc quảng bá nguồn gốc gia đình mình thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Scranton (bang Pennsylvania), đã đánh bại ông Trump ở bang này với tỷ lệ 50% so với 48,8%. Trong 10 cuộc bầu cử gần đây nhất, Pennsylvania đã "chọn" người vào Phòng Bầu dục đến 8 lần.
Tiểu bang "Chuông báo hiệu"
Thu nhỏ lại, bản đồ bầu cử của Pennsylvania trông rất giống với bản đồ của cả nước Mỹ: những mảng lớn màu đỏ của Đảng Cộng hòa ở vùng nông thôn, vùng trung tâm của tiểu bang và những mảng màu xanh đậm của Đảng Dân chủ ở phía đông và phía tây biểu thị các trung tâm dân số.
Pennsylvania phản ánh sự sắp xếp lại chính trị của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong hơn một thập kỷ qua. Người Mỹ chủ yếu là người da trắng, lao động chân tay đã chuyển sang đảng Cộng hòa. Trong khi đó, những người thành thị giàu có đã biến đảng Dân chủ - vốn trước đây là cơ sở của tầng lớp lao động - trở thành đảng của những người có trình độ đại học và những người ít có khả năng theo đạo. Nhưng đảng Dân chủ vẫn giành được 49% số người không có trình độ đại học và tỷ lệ phiếu bầu của họ ở vùng ngoại ô đang tăng lên.
Biểu ngữ trên một con phố ở Chambersburg, Pennsylvania, thể hiện sự ủng hộ dành cho ông Donald Trump. Ảnh: Conversation
Tuy nhiên, không ứng cử viên tổng thống nào đang bỏ qua các khu vực bầu cử quan trọng ở Pennsylvania. Nhóm bà Harris đã mở 50 văn phòng chiến dịch trên khắp Pennsylvania trong nỗ lực thâm nhập vào các cộng đồng bảo thủ, nông thôn. Trong khi đó, ông Trump đã có một bước tiến lớn đối với các cử tri da đen và có vẻ như ông đang trên đường giành được sự ủng hộ cao nhất từ các cử tri da đen so với bất kỳ ứng cử viên tổng thống Cộng hòa nào trong lịch sử.
Đặc biệt là những người ôn hòa ở ngoại ô, chẳng hạn như những người ở "Main Line" của Philadelphia (một khu vực ngoại ô khá giả) và ở vùng ngoại ô cao cấp tại thủ phủ Harrisburg của tiểu bang, những người có xu hướng tự do hơn về các vấn đề xã hội và bảo thủ hơn về các vấn đề kinh tế.
Đảng Dân chủ có lợi thế nhỏ về số lượng cử tri đăng ký chung ở Pennsylvania, ở mức 44% so với Đảng Cộng hòa ở mức 40% (trong khi 12% người Pennsylvania tự nhận là cử tri độc lập). Tuy nhiên, lợi thế đăng ký như vậy của đảng Dân chủ là mỏng nhất trong nhiều thập kỷ.
Chi phí "khủng" và các vấn đề "nóng"
Với tư cách là "giải thưởng" bầu cử lớn nhất năm 2024, không có tiểu bang nào được đầu tư nhiều tiền mặt và sự chú ý hơn Pennsylvania. Hai đối thủ Harris và Trump đã đi khắp tiểu bang trong nhiều tháng qua.
Bà Harris và các đồng minh của bà đã chi 21,2 triệu USD cho các quảng cáo chính trị ở Pennsylvania (gấp ba lần số tiền họ chi ở Georgia, gấp đôi số tiền chi ở Michigan và gấp 18 lần số tiền họ chi ở Bắc Carolina). Để tương xứng, ông Trump và các đồng minh của ông đã chi 20,9 triệu USD ở Pennsylvania (gấp đôi số tiền họ chi ở Georgia, gấp 3 lần số tiền chi ở Michigan và gấp 8 lần số tiền họ chi ở Bắc Carolina).
Tiền đã được đổ vào vô số quảng cáo về nhiều vấn đề tiêu cực mà người Mỹ nói chung phải đối mặt, bao gồm lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tội phạm, phá thai và nhập cư. Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng người Ba Lan đông đảo ở Pennsylvania trong nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm khai thác những lo ngại về Nga.
Tuy nhiên, không có chủ đề nào gây ra nhiều tranh cãi hơn "fracking", quá trình khai thác dầu và khí đốt từ đá ngầm. Pennsylvania đã trở thành bang đi đầu toàn quốc về fracking, gây phẫn nộ trong những người bảo vệ môi trường, ngay cả khi những người ủng hộ coi ngành công nghiệp này là nguồn thu khổng lồ và tạo ra việc làm cho tiểu bang.
Bà Harris, người từng tuyên bố với tư cách là ứng cử viên sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019 rằng: "Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi ủng hộ lệnh cấm fracking", giờ đây lại "quay xe", nói rằng "hãy để tôi nói rõ ràng, như tôi đã nói vào năm 2020, tôi sẽ không cấm fracking". Ông Trump đã ủng hộ fracking một cách rõ ràng như một phần trong thông điệp "Khoan, khoan, khoan" của ông về việc hạ giá và tạo ra vị thế độc lập về năng lượng cho nước Mỹ.
Điều gì đang chờ đợi
Nếu cuộc đua giành chức tổng thống của Pennsylvania diễn ra căng thẳng như các cuộc thăm dò cho thấy, người chiến thắng có thể không được công bố ở Pennsylvania hoặc trên toàn quốc vào đêm bầu cử. Với việc kiểm phiếu vắng mặt và ở nước ngoài (và khả năng kiểm phiếu lại), quá trình này có thể kéo dài trong nhiều ngày, nếu không muốn nói là nhiều tuần.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Atlanta, bang Georgia, ngày 14/12/2020. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Đó là một lý do tại sao cả hai bên đều đã thuê luật sư để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý. Năm 2020, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối can thiệp vào một vụ án ở Pennsylvania liên quan đến việc kiểm tra các quy tắc xung quanh thời điểm vẫn có thể kiểm phiếu qua thư. Tuy nhiên, các khía cạnh khác của giao thức bầu cử hoặc tính toàn vẹn của lá phiếu vẫn có thể lại bị thách thức ở năm nay.
Ngay trong năm 2024, Pennsylvania đã dính đến căng thẳng chính trị. Vụ ám sát hụt đầu tiên nhằm vào ông Trump xảy ra tại thị trấn nhỏ Butler của bang này. Quyết định của bà Harris khi từ chối thống đốc nổi tiếng Josh Shapiro làm người liên danh tranh cử cũng làm dấy lên lo ngại và có thể dẫn đến sự hoài nghi đáng kể nếu bà thua Pennsylvania và chức tổng thống. Pennsylvania cũng là nơi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên (và có khả năng là duy nhất) của cặp Trump - Harris.
Việc bà Harris hay ông Trump trở thành tổng thống sẽ phụ thuộc vào việc các "ngôi sao chính trị" của họ có tỏa sáng hay không. Dù thế nào đi nữa, những ngôi sao đó đều xoay quanh Pennsylvania, trung tâm của vũ trụ chính trị.
Đảng Dân chủ chuẩn bị cho kịch bản ông Trump tuyên bố thắng cử sớm Đảng Dân chủ Mỹ sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố thắng cử sớm. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP). "Chúng tôi sẵn sàng ứng phó nếu ông ấy làm vậy và nếu chúng tôi nhận thấy ông ấy thực sự đang tìm cách thao túng truyền thông, thao túng...