Cuộc chiến nảy lửa khi khẩu trang thành ‘máy in tiền’
Covid-19 dẫn đến sự sôi động, thậm chí điên cuồng chưa từng thấy trong thị trường thiết bị y tế, đặc biệt ở Trung Quốc – nơi ‘luật lệ đang được viết lại mỗi ngày’.
Những kẻ đầu cơ mang đến các nhà máy ở Trung Quốc những vali chứa đầy tiền mặt để đảm bảo có được những chiếc khẩu trang vừa “ra lò”. Các con buôn trao tay máy thở qua lại nhiều lần trước khi đến được với người mua cuối cùng – những người cần nhất – với mức giá “khóc thét”.
Chính phủ các nước không ngần ngại chi số tiền khổng lồ cả 8 con số để mua các thiết bị quan trọng nhưng cuối cùng lại trắng tay trước một chính phủ khác có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Thế giới đang chao đảo “cơn truy lùng vàng” đối với thiết bị y tế, như khẩu trang, găng tay, nhiệt kế, máy thở, bộ kit xét nghiệm, quần áo bảo hộ… Theo những người trong cuộc, cuộc cạnh tranh ấy không có sự kiểm soát hay giới hạn nào.
Các nước đều đang vất vả trong việc cung cấp đủ khẩu trang bảo vệ cho các nhân viên y tế. Ảnh: AFP.
“Giống như miền Tây hoang dã, nơi luật lệ được viết lại mỗi ngày”, ông Fabien Gaussorgues, đồng sáng lập Sofeast, một công ty giám định chất lượng tại Thâm Quyến, cho biết. “Số tiền đổ vào ngành công nghiệp này gây kinh ngạc, tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Việc thẩm định chuyên sâu đôi khi không phải là một lựa chọn, người ta không có thời gian. Mọi thứ vô cùng phức tạp”, ông nói.
Cùng lúc, Gaussorgues đọc lướt qua một văn bản yêu cầu mua hàng từ Liên Hợp Quốc (UN). Họ muốn mua vật tư y tế thiết yếu để gửi tới các nước đang phát triển.
Nhưng thay vì vui mừng vì triển vọng có được một thương vụ xuất khẩu khổng lồ, biểu cảm của Gaussorgues lại cho thấy sự thất vọng. Công ty ông chưa sẵn sàng cho một thị trường biến động nhanh chóng như hiện nay, thậm chí có thể thay đổi ngay sau khi ông đọc xong 25 trang tài liệu.
Một số người khác hiểu rằng ở “Miền Tây hoang dã”, muốn tồn tại, bạn phải hành động thật nhanh.
Trước thềm Lễ Thanh minh 4/4 ở Trung Quốc, một bang ở Mỹ đang trong quá trình mua máy thở từ một nhà máy ở nước này. Bên bán yêu cầu thanh toán trước toàn bộ số tiền, theo các chuyên gia tư vấn về việc ký thỏa thuận.
Do không biết về kỳ nghỉ lễ tết ở Trung Quốc cũng như tốc độ mà thị trường đang di chuyển, bên mua tiến hành chuyển khoản số tiền 8 con số vào ngày thứ sáu 3/4, khi các ngân hàng tại đại lục đều đóng cửa. Tiền đổ vào tài khoản bên bán ngày 7/4, khi số máy thở đã được bán cho người khác.
“Nếu bạn chờ trên 24 tiếng hoặc dành vài ngày thẩm định chuyên sâu hay tới nhà máy để lấy mẫu thử, hàng sẽ không còn, bên môi giới đã chuyển nó sang một nhà cung cấp khác. Bạn phải bắt đầu lại toàn bộ quá trình”, Ben Kostrzewa, luật sư thương mại tại hãng luật Hogan Lovells, nhận xét. Kostrzewa đang làm việc với nhiều bang và hệ thống bệnh viện của Mỹ giúp họ mua khẩu trang.
Video đang HOT
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu chuyển sang sản xuất khẩu trang và các thiết bị khác mỗi ngày. Một số nhà sản xuất yêu cầu đặt cọc ngay dù chỉ là chuyến thăm nhà máy, xem hàng mẫu hoặc xem giấy phép sản xuất.
Giới chức một số quốc gia đang lùng sục “bất cứ đâu trừ Trung Quốc” để mua hàng nhằm ngăn chặn sự bùng phát Covid-19. Phản ứng này do lo ngại về chất lượng sản phẩm hoặc tính toán địa chính trị. Nhưng khi các nguồn cung thay thế như Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Thái Lan sản xuất hạn chế, Trung Quốc cuối cùng trở thành lựa chọn duy nhất.
Hơn 38.000 công ty mới đăng ký sản xuất hoặc kinh doanh khẩu trang ở Trung Quốc kể từ đầu năm 2020, tăng gấp nhiều lần so với mức 8.594 trong cả năm 2019. Các con số này đã bị đóng băng ở các lĩnh vực khác do phong tỏa. Bây giờ, nhiều công ty sản xuất bóng golf, thuốc lá điện tử và ôtô đang quay sang sản xuất khẩu trang vì “có thể thu lời trong vòng 2 tuần sản xuất”.
Trung Quốc phân phối vật tư y tế khắp thế giới trong nỗ lực giúp giải quyết Covid-19. Ảnh: Xinhua.
Sự gia tăng các nhà sản xuất mới khiến quá trình giám định chất lượng trở nên lỏng lẻo. Trung Quốc bị hứng chỉ trích ở nước ngoài, buộc phải siết chặt quy định xuất khẩu. Thị trường tăng chóng mặt cũng làm xuất hiện nhiều kẻ “vô đạo đức” muốn nhanh chóng kiếm lời.
Vào một ngày tháng 3, người sáng lập công ty luật quốc tế tối tiếng Harris Bricken, Dan Harris, tiếp nhận 3 vụ mất tiền vì mua bán khẩu trang. Số tiền trong mỗi vụ lên tới 1 triệu USD.
Trong một vụ, doanh nhân người Mỹ đầu tư 1 triệu USD cho một nhà cung cấp hàng dệt may Trung Quốc để sản xuất khẩu trang. Nhưng nhà cung cấp đã biến mất cùng số tiền, khiến doanh nhân Mỹ “đau khổ đến mức rơi vào trầm cảm”, Harris nói.
Ở một vụ khác, người ta chi 1 triệu USD để mua khẩu trang y tế nhưng lại nhận về “những chiếc mặt nạ Halloween bẩn thỉu”.
“Tôi nhận được 40 email mỗi ngày từ những người muốn biết họ có thể nhập khẩu trang từ đâu. Họ muốn các sản phẩm giá rẻ để bán với mức giá cao. Có người thậm chí còn gọi và đề nghị trả 50.000 USD cho danh sách nhà cung cấp khẩu trang của chúng tôi. Chúng tôi không thể bán chúng vì sẽ bị tước giấy phép hành nghề và việc làm này cũng rất phi đạo đức”, Harris nói.
Lực lượng chức năng Hong Kong phát hiện khẩu trang kém chất lượng tại một cửa hàng hôm 17/4. Ảnh: SCMP.
Ngay cả những người đã quen với việc thực hiện các giao dịch ở Trung Quốc vẫn gặp khó khăn để thích nghi với tốc độ mở rộng thị trường khẩu trang và vật tư y tế chóng mặt suốt ba tháng qua.
David Sun điều hành một công ty hậu cần tại trung tâm thương mại Nghĩa Ô, Trung Quốc. Nhưng ông bắt đầu sử dụng giấy phép xuất khẩu của mình để kinh doanh vật tư y tế sau khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu vào tháng 3.
Vào tháng 3, ông cố tìm cách tới thăm một nhà máy ở Thượng Hải để mua khẩu trang N95 được cấp phép bán ở Mỹ nhưng bị cảnh sát chặn lại. Họ cố “ngăn những kẻ đầu cơ tiếp cận nhà máy”.
“Tôi tìm được một người trung gian. Anh ta khẳng định mình có các đầu mối liên lạc và có thể giúp tôi mua khẩu trang y tế”, Sun kể. “Đơn hàng tối thiểu phải là một triệu khẩu trang với giá 13 tệ (1,84 USD) mỗi chiếc. Tôi đồng ý, nhưng sau 5 tiếng, mức giá đã tăng lên 15 tệ và tôi phải nói lời tạm biệt”.
Ở Trung Quốc những ngày này, các máy làm khẩu trang được ví như “cỗ máy in tiền”, Sun cho hay.
Giá của một máy thở AeonMed do Trung Quốc sản xuất đã tăng từ 10.000 USD lên 75.000 USD chỉ trong vài tuần, theo những người tìm nguồn cung ứng.
Bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị cách ly tại một bệnh viện ở Vũ Hán.
Không giống như khẩu trang, máy thở công nghệ cao không thể được sản xuất hàng loạt. Chính phủ các nước và những hệ thống bệnh viện ráo riết săn lùng máy thở để sử dụng cho bệnh nhân nhiễm nCoV khiến cung không đủ cầu, đẩy giá tăng vọt.
Yuan Xuemeng, tổng giám đốc công ty sản xuất máy thở Trung Quốc Shandong Penghao Electronic Technology, không thể tiếp nhận thêm đơn hàng vì đã đủ đơn đến tận cuối tháng 7. Công ty ký hợp đồng cung cấp máy thở cho chính phủ Trung Quốc khi họ cần, song cũng hợp tác với những nhà kinh doanh được cấp phép khác để xuất khẩu.
Một số người am hiểu thị trường đổ lỗi cho các thương nhân này đã đẩy giá lên cao. “Đa phần vấn đề bắt nguồn từ những người mua hàng trung gian”, ông Clive Greenwood – Giám đốcWilson, Woodman & Greenwood Associates, có trụ sở tại Tô Châu – cho hay. Theo ông, những người trung gian kết nối người mua hàng ở nước ngoài nhưng không am hiểu thị trường Trung Quốc với bên bán. Mức phí trung gian đã đẩy sản phẩm lên cao.
John Singleton, chủ tịch công ty vận tải Mỹ Wen-Parker, đã làm việc với những người mua hàng ở cả khu vực công và tư nhân để vận chuyển đồ bảo hộ khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, ông “cảm thấy xấu hổ khi thông báo với khách hàng về giá”.
“Nếu tôi nói với khách hàng rằng tôi đoán mỗi kg hàng hóa rời khỏi Thượng Hải có giá 14 USD, họ sẽ bảo rằng đêm qua tôi đã quá say sưa ở quán bar. Trước đây, giá chỉ rơi vào khoảng 2,5 USD”, ông nói và cho biết thêm khoảng 90% không gian trên các chuyến bay hiện nay đều dành cho đồ bảo hộ y tế.
Những vấn đề trên đã tạo nên cơn khủng hoảng trên thị trường vật tư y tế. “Nó làm tôi liên tưởng tới một trận chiến”, Singleton, một cựu phi công của Không quân Mỹ, nói. “Bạn có thể lên kế hoạch chiến đấu nhưng tình hình thực tế lại thay đổi chóng mặt và sự khéo léo trở thành chìa khóa. Những cách làm thông thường hoàn toàn biến mất”.
Huyền Anh
Kỳ vọng vào xét nghiệm kháng thể chống Covid-19
Khi biết được thông tin về một loại virus corona đang lây lan ở Trung Quốc vào đầu tháng 1, ông Gunther Burgard đã triệu tập nhóm của mình tại Công ty Công nghệ sinh học PharmAct AG (Đức) để tìm hiểu xem liệu công nghệ xét nghiệm máu của họ có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này hay không.
Theo trang Bloomberg, công ty có trụ sở tại thủ đô Berlin này chuyên sử dụng các dấu hiệu trong máu để nhận biết mọi thứ, từ cơn đau tim cho đến dấu hiệu sớm của đái tháo đường. Kết quả các cuộc xét nghiệm máu loại này thường có trong vòng chưa đến 20 phút.
Ông Burgard, Giám đốc y tế của PharmAct, muốn tận dụng chuyên môn của công ty để giúp tìm kiếm kháng thể chống lại virus gây ra đại dịch Covid-19 hiện hoành hành khắp thế giới. Giờ đây, bộ xét nghiệm của PharmAct và những công ty khác đang giúp các chính phủ, nhà khoa học biết rõ hơn về quy mô thật sự của đại dịch Covid-19.
Lấy máu để xét nghiệm kháng thể Covid-19 tại TP Tuy Phân Hà - Trung Quốc hôm 16-4 Ảnh: REUTERS
Cuộc đua phát triển bộ công cụ xét nghiệm kháng thể còn thu hút sự tham gia của một số tên tuổi lớn. Hãng thiết bị y tế Abbott Laboratories (Mỹ) hôm 15-4 trình làng bộ xét nghiệm máu nhằm giúp xác định liệu người nào đó có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Theo Reuters, bộ công cụ này giúp xác định các kháng thể chống bệnh trong cơ thể những người từng mắc Covid-19 và có các triệu chứng nhẹ hoặc không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Công ty Abbott hy vọng cung cấp đến 4 triệu bộ thử trong tháng 4 và dự kiến sản xuất đến 20 triệu bộ thử/tháng kể từ tháng 6.
Xét nghiệm kháng thể được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến khống chế dịch Covid-19 và giúp đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo bằng cách xác định ai có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 và có thể trở lại làm việc. Dù vậy, đã xuất hiện nỗi lo về chất lượng và độ chính xác của các công cụ mới nói trên sau khi chúng không cho kết quả đáng tin cậy ở Anh và Tây Ban Nha.
Uy tín bộ công cụ của PharmAct thiết kế cho nhân viên y tế cũng bị trúng đòn mạnh sau khi được tung ra thị trường vào tháng rồi. Một chuyên gia virus nổi tiếng cho một tờ báo Đức biết ông đã sử dụng sản phẩm của PharmAct để phục vụ nghiên cứu tại một điểm nóng về Covid-19 của đất nước và nó không nhận biết được 2/3 trường hợp có kháng thể.
Hoàng Phương
Nữ bác sĩ tuyến đầu tại Mỹ viết thư tuyệt mệnh cho chồng Làm việc tại tuyến đầu chống dịch thiếu thốn thiết bị y tế, nữ bác sĩ đã viết cho chồng bức di thư phòng trường hợp bản thân bị lây nhiễm và không qua khỏi. Dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus Covid-19 gây nên hiện đang lan rộng tại Mỹ. Với số ca nhiễm cùng tử vong tăng lên từng giờ...