Cuộc chiến chống yakuza ở Nhật Bản
Việc băng Yamaguchi-gumi tan đàn xẻ nghé có thể khiến thủ lĩnh tối cao của tập đoàn tội phạm lớn nhất nước Nhật bị các đệ tử cũ “bán đứng”.
Ông trùm Kenichi Shinoda (giữa) của băng Yamaguchi-gumi hiện đối mặt áp lực từ nhiều phía – Ảnh: AFP
Tình trạng “huynh đệ tương tàn” của Yamaguchi-gumi gần đây khiến ông trùm Kenichi Shinoda (còn gọi Shinobu Tsukasa) của băng đảng yakuza lớn nhất nước Nhật đứng trước nguy cơ bị bắt giữ với cáo buộc trốn thuế, theo AFP dẫn nguồn từ các chuyên gia về tổ chức tội phạm này.
Cũng như mafia Ý và Hội Tam Hoàng của Trung Quốc, các tập đoàn tội phạm yakuza tại Nhật đều nhúng tay vào mọi hoạt động hái ra tiền từ cờ bạc, ma túy, mại dâm cho đến cho vay nặng lãi, tống tiền… Vào tháng trước, băng Yamaguchi-gumi lâm vào tình trạng “tan đàn xẻ nghé” sau khi một tập hợp các nhóm dưới trướng tuyên bố ly khai để thành lập một băng mới lấy tên Kobe Yamaguchi-gumi.
Theo các chuyên gia, giới chức Nhật có thể lợi dụng tình hình hiện nay để triệt phá các băng đảng này, không loại trừ việc khai thác sự thù nghịch giữa các băng nhóm để truy tố tội danh trốn thuế, như cách nhà chức trách Mỹ từng hạ bệ ông trùm Al Capone vào thập niên 1930.
“Những thành viên ra đi được cho là có đầy đủ thông tin về số tiền Tsukasa bỏ túi trong nhiều năm qua”, nhà báo tự do và cũng là chuyên gia về yakuza, Alsushi Mizoguchi phát biểu tại câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Nhật ngày 20.10.
Ông này nhận định thêm nếu muốn, nhóm đối thủ Kobe Yamaguchi-gumi có thể lật đổ bố già Shinoda bằng cách cung cấp mọi thông tin có được cho cảnh sát. “Ngay khi có giấy tờ chứng minh về thời điểm và số tiền đã được chuyển cho ông ấy (Tsukasa), cáo buộc trốn thuế sẽ được đưa ra”, theo nhà báo Nhật. Ông cũng dẫn chứng trường hợp một ông trùm đối thủ của Yamaguchi-gumi mới bị bắt giữ vì tội trốn thuế dựa theo các giấy tờ chứng thực giao dịch chuyển tiền.
Trong khi đó, nhằm làm suy yếu Yamaguchi-gumi với số thành viên có lúc lên đến khoảng 23.000 người và cũng để ngăn một cuộc “tắm máu” theo sau vụ chia rẽ, cảnh sát xứ hoa anh đào đã mở hàng loạt vụ tấn công vào sào huyệt của các chi nhánh băng xã hội đen lớn nhất nước, bắt giữ hơn 30 nghi phạm.
Video đang HOT
Đài TBS News đưa tin cảnh sát tỉnh Hyogo ngày 20.10 đã bắt giữ một thủ lĩnh cấp cao của Yamaguchi-gumi, với cáo buộc thành lập một công ty giả nhằm làm bình phong cho hàng loạt hoạt động kinh doanh phi pháp. Kenji Eguchi, 62 tuổi, là thủ lĩnh chóp bu của Kenshin-kai, một chi nhánh của Yamaguchi-gumi.
Trong đợt truy quét tội phạm này, cảnh sát còn tóm cổ một thành viên quan trọng khác của Kenshin-kai là Koji Sakamoto, 46 tuổi, do dính líu đến vụ lập công ty giả nói trên. Theo Hãng Jiji Press, cả hai nghi phạm đều bác bỏ mọi cáo buộc.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Bình phong né công lý của mafia Nhật Bản
Tuy là tổ chức tội phạm khét tiếng, yakuza vẫn lớn mạnh và tỏa chân rết vào nhiều lĩnh vực do hoạt động hết sức tinh vi.
Trùm yakuza mới của khu vực Tokyo đọc lời thề trung thành trong lễ nhậm chức có sự tham gia của 70 ông trùm thế giới ngầm năm 1991. Ảnh: AP
Băng nhóm mafia lớn nhất Nhật Bản vừa tan đàn xẻ nghé, Yamaguchi-gumi, được thành lập tại Kobe năm 1915 bởi Harukichi Yamaguchi, với xuất phát điểm là một hiệp hội phu khuân vác bến cảng. Nhóm này trở thành tổ chức yakuza lớn nhất Nhật dưới thời thủ lĩnh thứ ba Kazuo Taoka.
Yakuza có liên quan đến các hoạt động tống tiền, hối lộ, khiêu dâm bất hợp pháp, phá hoại tài sản, cản trở công chức, đốt phá, bắt cóc, gây thương tích, hiếp dâm, ma tuý, cho vay phi pháp, giả mạo, lừa đảo, trộm cắp và đang ngày hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính.
Theo The Daily Beast, yakuza thực chất khác với mafia chúng ta biết ở phương Tây. Họ được coi là nguy hiểm nhưng vẫn được chấp nhận ở một mức nhất định. Sự tồn tại của các nhóm yakuza về mặt lý thuyết là không bất hợp pháp. Họ có văn phòng và cả tạp chí riêng. Nhiều thành viên yakuza nộp thuế và kê khai thu nhập, thành viên cấp cao còn mang theo card visit. Trên trang web của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật có danh sách các nhóm yakuza lớn cùng trụ sở chính và biểu tượng.
Theo Japan Focus, không giống như các tên trùm mafia Sicilia và trùm ma túy Mexico, trùm yakuza không phải trốn tránh pháp luật. Các tin tức trong thế giới ngầm được đưa tin và phân tích trên báo chí thông thường của Nhật Bản giống như tin giải trí.
Những thành công của các băng đảng trở thành đề tài cho vô số phim về yakuza trong những năm qua, một số trong đó ngầm ca ngợi các băng đảng này là giữ gìn giá trị truyền thống của Nhật Bản như lòng trung thành và sự hy sinh.
Một đặc điểm đặc biệt của yakuza là giới hạn hoạt động của họ. Không giống những tổ chức tội phạm khác trên thế giới, yakuza không thiết lập mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia rộng lớn. Họ không xuất khẩu ma túy ra thế giới, bán vũ khí cho khủng bố, hay đe dọa an ninh quốc gia bằng bạo lực với chính phủ. Hoạt động của họ gần như giới hạn chỉ trong Nhật Bản.
Yakuza cũng cố gắng xây dựng hình ảnh tốt bằng cách làm từ thiện hoặc giúp đỡ các hoạt động cứu trợ thiên tai. Yakuza giúp người dân sau Thế chiến II bằng cách cung cấp nhu yếu phẩm qua thị trường chợ đen. Họ cũng cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp cho nạn nhân động đất Kobe năm 1995, dọn dẹp hậu quả động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Yamaguchi-gumi cũng mở một trang web, có nội dung ủng hộ việc tiêu hủy một số loại thuốc bất hợp pháp, một nỗ lực để cải thiện hình ảnh của họ. Các hoạt động này giúp băng đảng được giữ tư cách pháp lý là một tổ chức cộng đồng. Tính hợp pháp trên giấy tờ này cho phép họ hoạt động dễ dàng hơn.
Tinh vi
Yakuza có hình thức kiếm tiền gọi là sokaiya, bị các công ty Nhật Bản đặc biệt lo ngại. Đầu tiên, yakuza mua cổ phần trong một công ty, vừa đủ để có ghế trong cuộc họp cổ đông. Sau đó, họ "đào bới" sai trái về giới lãnh đạo công ty rồi đe dọa sẽ gây rắc rối cho những người này tại buổi họp nếu không đưa tiền. Người Nhật Bản sợ nhất là bị ô danh, vì vậy chiến thuật tống tiền này thường có hiệu quả.
Tuy nhiên, cách tống tiền được thực hiện hết sức lịch sự. Cả lời đe dọa và việc thanh toán đều được thực hiện theo đường vòng. Yakuza sẽ tổ chức một sự kiện, chẳng hạn như một giải đấu golf hay cuộc thi sắc đẹp, và bán vé cho các nạn nhân tống tiền với giá rất đắt đỏ.
Yakuza hiện đại dần từ bỏ các hoạt động như tổ chức sòng bạc, buôn lậu ma túy, bắt cóc tống tiền, tổ chức mại dâm hay cho vay nặng lãi, mà lao vào các hoạt động tài chính như rửa tiền, lừa đảo qua ngân hàng, đầu tư bất động sản và chứng khoán.
Tuy các nhà điều tra đã theo dõi chặt chẽ các tài khoản giao dịch, cố gắng để sàng lọc ra những cái tên họ cho rằng có thể có kết nối đến thế giới ngầm thì vẫn rất khó để phát hiện ra tay chân của yakuza. Họ cải trang như các công ty bình thường và xâm nhập vào thế giới doanh nghiệp bằng tất cả mọi cách.
Để ngụy trang, các băng đảng thành lập công ty bình phong và sử dụng chúng để xây dựng quan hệ với doanh nghiệp, giành uy tín với ngân hàng, rửa tiền, hoặc trốn thuế. Công ty bình phong cũng là công cụ để yakuza tống tiền.
Sau khi thiết lập quan hệ kinh doanh với công ty hợp pháp, công ty bình phong sẽ bắt đầu đưa ra những yêu cầu vô lý, ví dụ như đòi hỏi một khoản đền bù lớn cho sự chậm trễ hoặc sơ suất nhỏ. Nếu các công ty khác dám chống cự, công ty bình phong sẽ gợi ý hoặc tiết lộ danh tính yakuza với thái độ đe dọa. Các nhà điều tra tin rằng có vài nghìn công ty bình phong yakuza đang hoạt động, và các công ty mới liên tục xuất hiện, khiến họ gần như không thể theo dõi và xác định chúng.
Xác định được tay chân làm ăn phi pháp của yakuza là một chuyện, truy tố thành công họ lại là một việc khác. Gian lận chứng khoán rất khó để chứng minh theo pháp luật Nhật Bản và yakuza ngày càng trở nên lão luyện hơn. Tháng 11/2009, cảnh sát Osaka bắt người đứng đầu tập đoàn đầu tư Union Holdings, cùng với một nhóm 8 doanh nhân được cho là có nhiều kết nối với thế giới ngầm. Tuy nhiên, công tố viên cuối cùng phải bỏ vụ truy tố này vì thiếu chứng cứ.
Ngày càng cứng rắn
Chính quyền Nhật Bản trong những năm qua ngày càng cứng rắn trấn áp yakuza. Một đạo luật ban hành năm 1992 xác định nhiều hoạt động của yakuza là bất hợp pháp và quy định các đại ca phải chịu nhiệm pháp lý đối với hành vi của các thành viên băng đảng. Từ năm 2011, doanh nghiệp cố ý làm ăn với các băng đảng ban đầu sẽ bị cảnh cáo, nếu lặp lại sẽ bị phạt tiền và chịu án tù.
Giới chức Mỹ cũng tham gia vào chiến dịch trấn áp. Họ đã đóng băng tài sản ở Mỹ do Yamaguchi-gumi và hai lãnh đạo của nhóm kiểm soát vào năm 2012.
Tuy vậy, Yamaguchi-gumi hiện vẫn có 23.000 thành viên chính, chiếm khoảng 44% thành viên yakuza ở Nhật, theo ước tính của cảnh sát. Kenichi Shinoda, thủ lĩnh của Yamaguchi-gumi, chỉ trích pháp lệnh chống yakuza là phân biệt đối xử và nói rằng Yamaguchi-gumi có khả năng phát triển và đâm rễ sâu hơn vào thế giới ngầm ngay cả khi việc trấn áp được tăng cường.
Vũ Phong
Theo VNE
Kinh tế Nhật Bản sẽ lao đao nếu băng mafia số một tan rã? Yamaguchi-gumi, băng mafia lớn nhất Nhật Bản, tổ chức tội phạm giàu nhất thế giới, đang trên bờ vực chia rẽ. Theo giới chuyên gia, chuyện băng đảng được so sánh là 'tập đoàn tư nhân lớn nhất Nhật Bản' chia rẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. "Bố già" Shinobu Tsukasa, hay còn gọi...