Cuộc chiến chống tin giả về vaccine
Trong khi các nước trên thế giới đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà để chống COVID-19 thì số lượng thông tin giả mạo, sai lệch về vaccine trên các mạng xã hội cũng gia tăng một cách đáng lo ngại.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tin giả về vaccine đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia, thậm chí đẩy tính mạng người dân vào nguy hiểm.
Các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới, đem lại hy vọng về một cuộc sống bình thường. Các chủ đề liên quan tới hiệu quả của vaccine, cách thức vaccine hoạt động, hay lời khuyên sau khi tiêm vaccine…, cũng được nhiều người quan tâm, tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên, không ít thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học, thường với mục đích gây tâm lý nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine, khiến mọi người hoang mang, không đi tiêm chủng hay tẩy chay vaccine… cũng được phát tán trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Twitter….
Trung tâm Chống thù ghét trên mạng xã hội (CCDH) – tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm chống lại những phát ngôn gây thù ghét và tin giả trên không gian mạng – đang hối thúc Facebook, Google và Twitter chặn tài khoản của 12 cá nhân tại Mỹ được cho đã tạo ra đến 65% thông tin sai về vaccine ngừa COVID-19. Nhóm này có nhiều tài khoản khác nhau với hơn 59 triệu người theo dõi, khiến các thông tin sai lệch lan truyền mạnh mẽ trên mạng, làm nhiều người sợ đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Một khảo sát của quỹ Kaiser Family cho thấy, có tới 42% người Mỹ được hỏi không muốn hoặc do dự tiêm vaccine.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi các mạng xã hội cấm nhóm 12 người này. Thượng nghị sĩ Mỹ Amy Klobuchar tuyên bố: “Việc phát tán tin giả trên mạng về vaccine đem lại những hậu quả chết người. Vì vậy tôi kêu gọi các nền tảng xã hội hành động chống lại các tài khoản tuyên truyền phần lớn những lời dối trá này”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi các nền tảng mạng xã hội kiểm duyệt các thông tin sai lệch liên quan tới vaccine. Theo ông, “đại dịch duy nhất” đang hoành hành ở Mỹ là sự lây nhiễm COVID-19 ở những người chưa tiêm vaccine. Số ca mắc COVID-19 đã tăng trở lại ở Mỹ, đặc biệt ở những bang tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Video đang HOT
Tại Nga, những thông tin sai lệch, thậm chí là bịa đặt và xuyên tạc kiểu như “vaccine là sản phẩm chống lại con người”cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân nước này không tích cực đi tiêm chủng, dù Nga là nước đầu tiên cấp phép vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 8/2020 và tự sản xuất được rất nhiều loại vaccine.
Chuyên gia Alexandra Arkhipova tại Đại học Nhân văn quốc gia Nga nhận định việc tiếp cận với hàng loạt thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu về việc tiêm chủng đã khiến người Nga sợ tiêm vaccine. Hậu quả, do tiến độ tiêm chủng chậm chạp và sự bùng phát của biến thể Delata, Nga hiện là một trong những điểm nóng về COVID-19, đứng thứ tư thế giới về số ca mắc với trung bình khoảng 25.000 ca mắc mới mỗi ngày và số ca tử vong có ngày lên tới gần 800.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Derby, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Những thông tin sai lệch về vaccine ngừa COVID-19 trên mạng xã hội cũng đang làm suy yếu lòng tin của giới trẻ Nhật Bản, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của chính phủ nước này nhằm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn vào tháng 11 và đạt miễn dịch cộng đồng.
Những thông tin kiểu như “tiêm chủng gây vô sinh” và “vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA làm thay đổi ADN của bạn” đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Bộ trưởng phụ trách chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản Taro Kono khẳng định tất cả những thông tin như vậy hoàn toàn không có bằng chứng khoa học, đồng thời cảnh báo “trò lừa bịp vaccine” đã và đang lan rộng khắp thế giới và Nhật Bản không phải là ngoại lệ.
Tại Indonesia, hiện là tâm dịch của châu Á và thế giới, cuộc tranh cãi về hiệu quả của vaccine trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người dân hoang mang và không muốn tiêm phòng vì cho rằng việc tiêm vaccine có thể khiến họ mắc bệnh nặng hơn hoặc tử vong. Không ít người Hồi giáo tại Indonesia không chịu tiêm chủng sau khi đọc những thông tin trên mạng nói rằng “vaccine không được sản xuất theo tiêu chuẩn Halal của đạo Hồi”. Làn sóng tin giả về vaccine đã làm lu mờ những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Tại Philippines, hàng triệu người đang sống tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nhưng lại nói “không” hoặc chần chừ tiêm vaccine vì những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội và phong trào bài vaccine tại Mỹ. Theo khảo sát do Viện nghiên cứu Social Weather Stations thực hiện, 68% người dân Philippines vẫn chưa quyết định hoặc không sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tương tự ở Malaysia, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin đã phải lên tiếng đảm bảo với công chúng về sự an toàn của vaccine COVID-19 và bác bỏ những thông tin thất thiệt lan tràn trên Facebook, WhatsApp rằng “vaccine COVID-19 gây rủi ro với cơ thể người tiêm” và “gây biến đổi gene”, hay “có vi mạch trong vaccine ngừa COVID-19 nhằm thu thập dữ liệu sinh trắc học của người tiêm”…
Hồi tháng 4/2021, nhà chức trách Campuchia đã bắt giữ một đối tượng ở xã Chak Angre Krom, huyện Meanchey đăng video lên mạng xã hội nói rằng “nhiều người Campuchia tử vong sau khi tiêm vaccine” và kích động mọi người không nên tiêm vaccine. Giới chức Campuchia đã xác nhận đây là thông tin hoàn toàn giả mạo, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch và gây hoang mang dư luận.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (Việt Nam) chuẩn bị vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Tại Việt Nam, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng đang có dấu hiệu gia tăng, trong đó có nội dung tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID- 19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của chính phủ, việc sử dụng quỹ vaccine phòng, chống COVID-19… Việc xuất hiện những thông tin xấu độc như vậy trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, các nước cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tin giả lan truyền trên mạng xã hội, trong đó có việc xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giả; yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ những thông tin xấu độc về vaccine, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức đúng đắn về vaccine… Tại Việt Nam, ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng, với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm chống vấn nạn tin giả.
Các chuyên gia gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội mà một loại virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm không kém gì virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, thông tin giả về vaccine, như khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden, có thể “giết người”, bởi vaccine ngừa COVID-19 đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm và giảm tỷ vong.
Trong khi đó, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi cộng đồng quốc tế kích hoạt cuộc chiến thứ hai – cuộc chiến chống lại nạn tin giả về vaccine ngừa COVID-19, bên cạnh cuộc chiến chống COVID-19, bởi sự xuất hiện ngày càng ồ ạt những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về vaccine chính là “đại dịch thứ hai” mà thế giới đang đối mặt khi chúng tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan và hủy hoại những nỗ lực phòng chống COVID-19. Nói cách khác, chỉ có cảnh giác và kiên quyết chống lại tin giả thì thế giới mới có thể thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tiếp thêm động lực cho châu Phi trong cuộc chiến chống COVID-19
Ngày 8/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã và đang thúc đẩy việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho châu Phi thông qua cơ chế COVAX, cũng như hỗ trợ và mua trực tiếp vaccine từ các nhà sản xuất, từ đó tiếp thêm động lực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Lục địa đen.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Abuja, Nigeria. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Matshidiso Moeti, những tiến bộ quan trọng đạt được trong hoạt động phân phối vaccine cho châu Phi sẽ giúp thúc đẩy nỗ lực nhằm kiềm chế làn sóng lây nhiễm thứ ba đang tràn khắp châu lục này.
Trong một tuyên bố, bà Moeti nêu rõ: "Với các đợt giao vaccine ngừa COVID-19 với số lượng lớn hơn nhiều dự kiến vào tháng 7 và tháng 8 tới, giờ là lúc các nước châu Phi phải chuẩn bị kỹ nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng". Theo bà Moeti, chính phủ và các đối tác châu Phi nên mở thêm các điểm tiêm chủng, cải thiện khả năng bảo quản vaccine và triển khai các chiến dịch nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về việc tiêm chủng.
Bà cho biết hơn 1,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được bàn giao cho châu Phi trong 2 tuần qua thông qua cơ chế COVAX, trong khi hơn 20 triệu liều vaccine của hãng Jonhson&Johnson và của hãng Pfizer/BioNTech sẽ sớm tới châu lục này. Bên cạnh đó, một lượng đáng kể vaccine ngừa COVID-19 mà một số nước châu Âu viện trợ, sẽ tới châu lục này trong những tuần tới.
Như vậy, đến nay, 66 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được chuyển tới châu Phi, trong đó có 40 triệu liều được mua thông qua các thỏa thuận song phương, 25 triệu liều thông qua cơ chế COVAX và 800.000 liều được Nhóm đặc nhiệm mua sắm vaccine COVID-19 của Liên minh châu Phi (AU) hỗ trợ. Đến nay, 16 triệu người (chiếm 2% dân số châu Phi) đã được tiêm phòng đầy đủ. Dự kiến đến cuối năm 2021, châu Phi sẽ tiếp nhận tổng cộng 520 triệu liều vaccine nhờ hoạt động chuyển giao sẽ tăng tốc từ tháng 9 sau thời gian đình trệ do thiếu nguồn cung từ Ấn Độ. Con số này giảm so với mục tiêu ban đầu 720 triệu liều mà liên minh vaccine GAVI đã đặt ra.
Trong khi đó, điều phối viên chương trình tiêm chủng và phát triển vaccine của WHO tại châu Phi, ông Richard Mihigo cho biết việc tăng cường cung cấp vaccine cho lục địa này sẽ thúc đẩy nỗ lực kiểm soát các biến thể của virus SARS-CoV-2, vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng số ca mắc hiện nay ở châu Phi.
Vũ khí hữu hiệu chống COVID-19 tại Mỹ Vài tháng nay, các bản tin nóng về dịch COVID-19 toàn cầu không còn "điểm danh" Mỹ trong mục thống kê những nước có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, đồng nghĩa với tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm mạnh. Điều gì đã giúp Mỹ thoát bảng xếp hạng bất đắc dĩ này sau cả năm 2020 liên tục "ghi...