Cuộc chiến 2/1979: Chứng cứ dã tâm của Trung Quốc
Từ lâu, Trung Quốc đã hạ quyết tâm và chủ động vạch kế hoạch xâm lược Việt Nam vào tháng 2/1979, núp dưới cái tên “Cuộc chiến phản kích tự vệ”.
5h sáng ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất ngờ huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, bất chấp việc Việt Nam và Trung Quốc thời điểm đó là 2 nước anh em trong Khối Xã hội Chủ Nghĩa.
Tuyên bố chiến tranh của Bắc Kinh nói rằng đây là “cuộc chiến phản kích tự vệ” của quân đội Trung Quốc chống lại các hành động gây hấn và khiêu khích của lực lượng vũ trang Việt Nam.
Tuy nhiên, với quy mô và hành động tàn ác của Quân đội Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng lột trần bộ mặt giả dối của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Các nghiên cứu của giới học giả sau này cũng khẳng định rằng, Trung Quốc đã chủ động vạch kế hoạch, tổng động viên lực lượng để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ Việt Nam.
Trung Quốc quyết tâm tấn công dằn mặt Việt Nam
Trước hết, cần chú ý tới tuyên bố ngang ngược của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa vào ngày 30/7/1977: “Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết”.
Trung Quốc đã chủ động vạch kế hoạch xâm lược Việt Nam
Như vậy, ngay từ khi đó, Bắc Kinh đã nuôi dã tâm mở một cuộc chiến tranh xâm lược để cướp đoạt lãnh thổ của Việt Nam, không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để buộc chúng ta phải khuất phục. Theo thời gian, ý đồ của Trung Quốc đã dần thể hiện bằng các hành động thực tế.
Tháng 1-1978, Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước về lãnh sự quán với Việt Nam, đồng thời buộc lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải trở về nước vào tháng 6 năm đó, khiến quan hệ Việt-Trung tiếp tục xấu đi nghiêm trọng.
Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho VN và rút bớt chuyên gia về nước. Đến tháng 7, Trung Quốc cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.
Đây chính là giai đoạn Bắc Kinh đã hạ quyết tâm và vạch kế hoạch huy động hàng chục vạn quân xâm lược nước ta.
Cựu Tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu là tướng Châu Đức Lễ kể lại rằng vào tháng 9 năm 1978 đã có một cuộc họp được tổ chức trong Bộ tổng Tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, để bàn về vấn đề xung đột biên giới trên bộ với Việt Nam.
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc quán triệt tư tưởng chỉ đạo của giới chức lãnh đạo nước này là nhất thiết phải “dạy cho Việt Nam một bài học”, tuy nhiên, hành động phải được tính toán cẩn thận để tránh khả năng leo thang, đe dọa đến tiến trình cải cách kinh tế của Trung Quốc.
(Theo Đất Việt)
Chiến tranh Biên giới 1979: Giây phút sinh tử ở Pháo đài Đồng Đăng
Địch vây khốn nhiều ngày, chúng đã dùng pháo kích, ốp bộc phá, đổ xăng, phun chất độc... nhưng không một chiến sĩ nào đầu hàng. Tất cả đều quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Đó là những gì chúng tôi được nghe, mường tượng về giây phút sinh tử trong trận chiến ở pháo đài Đồng Đăng, chiến tranh biên giới năm 1979.
Video đang HOT
Vào một buổi tối hồi năm 2013, theo sự sắp xếp của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, tôi đã được cùng đoàn làm phim trực tiếp phỏng vấn AHLLVT Đại tá Nông Văn Pheo, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn.
Đạo diễn Vũ Ngọc Khôi, đoàn làm phim "Những trang sử biên thùy", ngồi lặng lẽ ở góc phòng lắng nghe từng lời kể.
Năm 1978, Anh hùng Nông Văn Pheo, lúc đó mới là binh nhất trực tiếp tham gia đại đội 5 Công an Vũ trang (nay là Biên phòng), bảo vệ Thị trấn Đồng Đăng.
Qua lời kể của Đại tá Nông Văn Pheo, người sống sót sau nhiều trận chiến ở pháo đài Đồng Đăng, khung cảnh cuộc chiến tái hiện như một cuốn phim.
Pháo đài Đông Đăng đổ nát sau chiến tranh (Ảnh Hồng Chuyên)
Trận chiến ác liệt
"Đêm 16 và rạng sáng 17/2/79, khoảng 4h30 sáng, quân Trung Quốc tiến hành bắn pháo từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Pháo đài Đồng Đăng là một trong những điểm đầu tiên Trung Quốc đánh đòn phủ đầu.
4h30 ngày 17/02, toàn bộ lực lượng biên phòng và bộ đội được lệnh di chuyển lên pháo đài sẵn sàng chiến đấu.
5h30, bộ binh, xe tăng Trung Quốc tràn vào lãnh thổ Việt Nam tại vị trí cột mốc 16. Đại đội 5 Công an Vũ trang Lạng Sơn của chúng tôi do đồng chí Đại đội trưởng Trần Hà Bắc trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Trước mắt chúng tôi, quân địch càng lúc càng đông, với sự yểm hộ của nhiều xe tăng, pháo... tràn từ phía biên giới sang, trong khi đó, vũ khí của chúng tôi chỉ có AK, CKC, đại liên, B40....
Đoán biết được địch muốn tấn công vào phía tây pháo đài, đồng chí đại đội trưởng ra lệnh chặn đánh. Trong lúc chiến đấu tiêu diệt địch, 5, 6 xe tăng Trung Quốc tràn lên, đồng chí Trần Hà Bắc ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Trường Bảy và đồng chí Đỗ Văn Dưỡng trực tiếp chi viện cho đơn vị bạn bắn xe tăng.
Chỉ trong chớp mắt, đồng chí Nguyễn Trường Bảy, đồng chí Đỗ Văn Dưỡng đã bắn cháy một xe tăng của địch nhưng không may cả 2 đồng chí bị thương, được bộ đội đưa vào pháo đài cấp cứu.
Địch tiếp tục đánh vào pháo đài bằng hỏa lực mạnh hơn. Đồng chí binh nhất Lê Minh Trường bật dậy, dùng B40 bắn cháy một xe tăng của địch. Chiếc xe tăng thứ nhất vừa cháy, đồng chí nạp đạn ngắm bắn chiếc thứ 2. Chiếc xe tăng thứ 2 vừa bị bắn đứt xích, đồng chí Lê Minh Trường không may bị trúng đạn và hy sinh.
Trong lúc trận chiến đang diễn ra ác liệt, tôi với chuẩn úy Mai Chiến Tranh chặn hướng tấn công phía Đông của pháo đài.
Địch đánh càng ngày càng mạnh, dùng nhiều hỏa lực và bộ binh bao vây, đồng chí Trần Hà Bắc, đại đội trưởng, hy sinh tại chỗ. Đồng chí Hoàng Quốc Hùng trung úy thay thế chỉ huy chiến đấu.
Địch tấn công dồn dập, đồng chí Hoàng Quốc Hùng cũng hy sinh. Sau đó địch tràn sang phía tôi và đồng chí Mai Chiến Tranh. Tôi bắn liên tiếp, súng AK hết đạn, tôi chộp khẩu trung liên RPD phía sau, không ngừng nhả đạn. Địch vẫn tràn lên. Đồng chí Mai Chiến Tranh bị bắn vào sườn, máu chảy nhiều. Tôi tiếp tục bắn, địch thương vong nhiều, chúng dừng tấn công.
Trong lúc đó, chúng tôi dìu anh Tranh xuống tầng 1. Chị Tấm là vợ anh Tranh ở Cao Bằng xuống thăm, cũng bị mắc kẹt tại pháo đài Đồng Đăng, chị cùng đơn vị tham gia nấu cơm phục vụ cán bộ chiến sĩ.
Chị Tấm hỏi tôi: "Chú ơi, anh Tranh có bị làm sao không?" Tôi trả lời động viên chị: "Báo cáo chị, anh Tranh vẫn khỏe...". Vừa lúc đó, anh Tranh nói: "Tấm ơi anh bị thương rồi", chị Tấm lao lại bên anh dìu anh vào khu chăm sóc thương binh.
Chúng tôi trở ra, địch cách cửa pháo đài chừng 5 mét, chúng ném lựu đạn vào trong. Tôi thấy quả lựu đạn rơi xuống chân, nhanh như cắt, tôi cầm quả lựu đạn, ném ra ngoài, sau tiếng nổ "bùm", đất đá bốc lên. Thoáng thấy bóng địch lao vào, tôi bỏ khẩu súng ngắn vừa hết đạn xuống, chộp lấy khẩu AK. Vừa hay địch nhảy đến, tôi đâm lưỡi lê và bóp cò súng, một tên đổ vật xuống trước mặt tôi.
Cùng lúc đó, quân địch ào lên, tôi tiếp tục lia một loạt đạn. Trận chiến tạm dừng.
Một lúc sau, quân Trung Quốc pháo kích dữ dội. Trong lúc pháo kích có khoảng 7 xe tăng tiến sát pháo đài, siết chặt vòng vây.
Lúc đó, tình thế nguy hiểm, xạ thủ B40 đã hy sinh, địch ở dưới, ta ở trên, việc bắn B40 khá khó, chúng tôi chỉ còn cách tiêu diệt bộ binh địch. Chúng tôi bắn liên tục về phía địch, hết đạn, súng hóc lại tiếp tục chộp lấy súng của đồng đội đã hy sinh để giáng trả. Trung Quốc vẫn không chiếm được pháo đài.
Địch tiếp tục duy trì chiến thuật bắn pháo trước, sau đó đưa bộ binh lên. Khi nào địch nã pháo, anh em chui xuống giao thông hào, khi nào bộ binh của chúng lên anh em lại nhỏm dậy chiến đấu. Chúng tôi thông báo cho nhau hướng tấn công của địch để tập trung anh em giáng trả quyết liệt.
Đến đêm 17/2, địch dùng lực lượng thám báo dò la, đánh bất ngờ quân ta. Quân ta dùng xẻng cá nhân đào hàm ếch ở giao thông hào vừa ẩn mình tránh pháo vừa chặn thám báo đột nhập.
Sang ngày 18/2, Trung Quốc tấn công mạnh hơn, những trận chiến đấu dày hơn, anh em cũng đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch nhưng vũ khí đạn dược đã hết, sử dụng quá nhiều nên hỏng hóc, cán bộ chiến sĩ bị thương, hy sinh già nửa.
Đến lúc này, Trung Quốc vẫn không chiếm được pháo đài.
Đêm 18/2, Trung Quốc dùng lực lượng thám báo và biệt kích, để nắm tình hình và tràn lên. Chúng tôi chia nhau ngủ để canh chừng, cứ thấy bóng quân địch là chúng tôi dùng súng AK lia xuống.
Ngày 19, tiếp tục như vậy. Tất cả chiến sĩ xác định chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Ngày 20, cũng diễn ra dữ dội. Chúng tôi không thể ăn uống được gì, anh nuôi mang cơm lên, đạn và pháo cày xới liên tục, cơm canh đều trộn đất, cát.
4 giờ chiều ngày 21, Trung Quốc dùng pháo bắn dữ dội vào Pháo đài Đồng Đăng, xung quanh khói bụi mù mịt. Vừa nghe tiếng pháo rơi xuống chiến hào, tôi ngất đi không biết gì nữa. Tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi tìm súng và lay đồng đội, những đồng đội xung quanh tôi đã bất động máu chảy tứa ra. Tôi bò vào bên trong pháo đài.
Nghe tiếng rì rầm từ cửa pháo đài vọng vào, anh em lúc đó không còn nhiều, chúng tôi nghĩ mình có thể sẽ chết ở đây. Nhưng không thể nằm yên chờ chết, chúng tôi dùng súng bắn ra ngoài, định mở đường máu nhưng càng bắn, địch càng bắn trả dữ dội. Sau khi im tiếng súng, địch dùng loa gọi chúng tôi ra đầu hàng.
Cán bộ Biên phòng dẫn đoàn làm phim đến của hầm pháo đài, nơi trước đây giao tranh ác liệt (ảnh Hồng Chuyên)
Không bỏ cuộc
Lúc đó, còn khoảng hơn 10 người, anh em đều quyết một lòng chiến đấu, thà chết chứ không đầu hàng. Trung Quốc dùng thuốc nổ ốp vào cửa hầm làm sập rất nhiều ụ pháo, bụi khói mù mịt. Sau tiếng nổ, họ tiếp tục phun vào chất gì đó, ai nấy nước mắt dàn dụa, sặc, ho... Địch tiếp tục dùng loa gọi ra đầu hàng.
Chúng tôi di chuyển xuống tầng 2, tìm đồ ăn. Ai cũng nghĩ, mình sẽ chết ở đây, bảo nhau nhắm mắt lại nghĩ đến người thân một lần cuối cùng...
Ngồi nghĩ một lúc rồi lại bàn nhau "không thể chết dễ dàng như thế", chúng tôi quyết định đào đường khác để thoát vòng vây địch. Phía trên Trung Quốc tiếp tục đánh bộc phá sập tầng 1. Chúng tôi di chuyển xuống tầng 3, để tránh sức ép bộc phá, một số anh em thương binh không chịu được sức ép đã hy sinh...
Tầng 3 tối đen như mực, chúng tôi tháo pin ở các máy thông tin liên lạc cho vào đèn pin để lấy ánh sáng, soi các ngóc ngách, tìm cuốc xẻng bộ binh, mò xem chỗ nào đất mềm để đào đường thoát. 8, 9 anh em nằm nối đuôi nhau đào và bới đất. Thay phiên nhau đào, ai khát nước, khó thở lại đổi phiên lùi xuống phía sau. Nước uống là những vũng nước đọng, bùn lẫn máu anh em. Cuốc xẻng không đủ chúng tôi dùng tay không bới đất. Bàn tay tôi tóe máu. Đào một đoạn thì vướng cục đá lớn, anh em quay lại ôm nhau khóc. Nhưng rồi lại động viên nhau đào tiếp.
Đào mãi, đào mãi thì thấy có rễ cây, chúng tôi mừng lắm, đào một lúc thì thấy man mát, anh em reo lên sung sướng.
Một lúc nữa, anh Tranh reo lên: "Sáng rồi"
Tôi bảo: "Cẩn thận không được nói to, địch mai phục bên trên. Đồng chí nhìn xem trời sáng là ban ngày, có sao là ban đêm"
Anh Tranh bảo: "Có sao"
Anh Tranh thò đầu lên nhìn quanh không có bóng địch. Chúng tôi khó nhọc chui ra. Không ai bảo ai, chạy tản ra các hướng, đề phòng địch.
Riêng tôi dìu đồng chí Hùng đi ra bờ suối uống nước, uống xong nước trời tang tảng sáng, nhìn thấy xác quân Trung Quốc nổi ngay gần.
Trời sáng, tôi và đồng chí Hùng đi tìm chỗ ẩn nấp. Bụng đói cồn cào, đồng chí Hùng đau đớn rên khe khẽ, nước mắt trào ra. Xung quanh có mấy cây chuối nhưng chúng tôi không dám bẻ sợ bị lộ. May sao tôi nhìn thấy cây chuối bị trâu ăn dở, tôi dùng tay móc nõn chuối, cả hai ăn cầm hơi.
Chờ mãi, nghe tiếng chim kêu rủ nhau vào ngủ, tôi đoán trời đã tối, chúng tôi tiếp tục tìm đường về đơn vị, bằng cách bò theo đường bờ suối để tránh bị phục kích.
Nhưng đi một đoạn thì lọt ổ phục kích của quân Trung Quốc, súng nổ mạnh, tôi và đồng chí Hùng chạy vào núi đá, hai người lạc nhau từ đó. Còn mình tôi, tay vẫn lăm lăm quả lựu đạn. Bụng bảo dạ, nếu địch bắt sẽ cho nổ lựu đạn để liều chết.
Chạy miết, tôi tìm được vườn mía của người dân, tôi ẩn nấp ở đó và ngồi dậy ăn liền mấy khúc. Ăn xong, tôi thấy người khỏe lại, tôi lấy sức leo lên núi, nghe thấy có tiếng Việt Nam, tôi mừng lắm. Mình đã sống rồi, tôi lại gần nói to: "Các đồng chí có phải bộ đội Việt Nam không". Có tiếng trả lời: "Phải". Nhìn thấy người lính Việt Nam mang quân hàm đỏ, tôi mừng phát khóc. Tôi đã thoát chết trở về với đồng đội...
Câu chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng pháo đài Đồng Đăng và sự trở về thần kỳ của anh hùng Nông Văn Pheo kết thúc, chúng tôi vẫn lặng đi không nói được câu gì. Riêng đạo diễn Vũ Ngọc Khôi đứng dậy bắt tay người lính Biên phòng, người đồng đội của mình, mắt ông rưng rưng lệ.
Chắc ông đã được giải đáp phần nào về những gì diễn ra trong chiến tranh biên giới, nơi pháo đài đổ nát kia. Ông cũng nghĩ đến những người bạn, những người quen, những người đồng đội của mình, có thể vẫn còn nằm ở dưới những ngóc ngách pháo đài.
(Ghi theo lời Anh hùng LLVT, Đại tá Nông Văn Pheo)
(Theo Infonet)
Chiến tranh Biên giới 1979 Một góc nhìn hậu chiến Nói về cuộc chiến, về lịch sử không phải để khoét thêm hận thù mà chỉ là để nhắc nhở những thế hệ tương lai về đất nước này, dân tộc này... Ngày 5/3/1979, khi Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng công bố lệnh tổng động viên, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Sau khi rút quân, giới lãnh đạo và truyền thông...