Cùng không kích IS, Nga – Mỹ nguy cơ đụng độ ở Syria
Ngoài việc khiến căng thẳng Nga – Mỹ tiếp tục leo thang thì các cuộc không kích mà Moscow đang thực hiện ở Syria còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những tình huống chạm trán bất ngờ.
Một cuộc không kích của Nga được thực hiện ở Homs, Syria. Ảnh: AP
Ngay trước cuộc không kích đầu tiên của Nga, mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng như một thước phim hành động, theo Reuters. Một đại diện của Moscow xuất hiện vào khoảng 9h ngày 30/9 tại đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, thông báo rằng Nga sẽ “ném bom trong vòng một giờ” và yêu cầu “tất cả máy bay Mỹ không hoạt động trên không phận Syria”. Sau đó không lâu, chiến đấu cơ Nga ồ ạt cất cánh.
Căng thẳng gia tăng
Theo Washington Post, việc Nga điều động không quân can thiệp sâu vào tình hình ở Syria có nguy cơ gây ảnh hưởng tới những chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi tại đây, giữa lúc các quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố họ bước đầu đạt được tiến triển trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Động thái của Moscow đồng thời còn làm sâu sắc hơn mối bất đồng quan điểm giữa Nga và Mỹ về tương lai của Syria. Ông chủ Điện Kremlin hồi đầu tuần tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự ổn định của chính quyền Syria là chìa khóa giải quyết khủng hoảng kéo dài suốt 4 năm qua ở quốc gia này. Song, người đứng đầu Nhà Trắng phản bác rằng “thế cân bằng” mà ông Putin nhắc tới không thể đứng vững.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết máy bay chiến đấu nước này đã thực hiện khoảng 20 đợt tấn công nhằm vào các địa điểm mà IS kiểm soát. Các cơ quan truyền thông nhà nước Syria cũng nói phi cơ Nga xới tung nhiều “sào huyệt” của IS ở Rastan, Talbiseh và Homs.
Nhưng giới chức Mỹ lại tỏ ra nghi ngờ trước các thông báo từ phía Nga và Syria bởi theo thông tin của Washington thì những khu vực xung quanh Homs không phải là thành trì của quân khủng bố. Họ cho rằng mục tiêu của các đợt dội bom của Nga là những lực lượng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà Mỹ và phương Tây đang huấn luyện.
Charles Lister, chuyên gia từ Trung tâm Brookings Doha, đánh giá những cuộc tấn công này dường như là một phần của nỗ lực nhằm làm suy yếu các thế lực chống đối chính quyền Assad chứ không phải IS.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn khẳng định những mục tiêu Moscow hướng tới hoàn toàn giống với “các nhóm khủng bố” mà liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công bấy lâu nay.
Đồ họa: ISW
Nguy cơ đụng độ
Theo giới phân tích, ngoài việc khiến căng thẳng Nga – Mỹ tiếp tục leo thang thì các cuộc không kích của Moscow còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những tình huống chạm trán bất ngờ trên thực địa mà không bên nào mong muốn xảy ra.
Video đang HOT
Trong tương lai, nếu cả hai siêu cường vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch không kích của riêng mình và những mối bất đồng khiến họ ngừng việc liên lạc, thông báo cho nhau về kế hoạch dội bom thì khả năng xảy ra rủi ro là không tránh khỏi.
“Bạn không có thời gian để báo cáo sự việc lên tới cấp tổng thống khi mà hai phi cơ đang lao vào nhau với vận tốc 20 dặm/phút (1.930 km/h)”,Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói.
Việc Nga hành động quá gấp gáp và báo tin cho phía Mỹ chóng vánh, chỉ một giờ trước khi tiến hành không kích, cũng khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ đụng độ trên không có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Đó không phải là cách mà những nước có trách nhiệm thường làm”, một quan chức Mỹ giấu tên bình luận.
Thái độ cứng rắn của Mỹ cũng là một yếu tố khiến rủi ro tăng cao. Cáo buộc Nga đang “đổ thêm dầu vào lửa”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/9 tuyên bố phi công Washington vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Syria, bất chấp việc Moscow yêu cầu máy bay Mỹ tránh xa khỏi khu vực chiến đấu cơ Nga hoạt động.
Theo National Post, Washington cùng ngày đã thực hiện một số đợt dội bom gần thành phố Aleppo của Syria nhưng không thông báo cho Moscow biết về địa điểm cũng như thời gian hành động.
“Không, chúng tôi không báo”, một quan chức Mỹ nói. “Việc không kích này đòi hỏi tính bất ngờ”, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, trái ngược với sự lo ngại của nhiều người, quan sát viên Emma Ashford lại cho rằng nguy cơ xảy ra đụng độ Nga – Mỹ ở Syria là không đáng lo ngại. Thay vào đó, các nhà lập pháp Mỹ nên nhìn vào những khía cạnh tích cực của bước phát triển mới này.
Sự đóng góp của Nga vào tình hình tại Syria sẽ giúp giải tỏa một số sức ép mà Mỹ đang phải gánh liên quan đến việc giải quyết tình trạng hỗn loạn ở khu vực này. Dù Nga từ trước đến nay đều lên tiếng ủng hộ chính quyền ông Assad, nhưng đề nghị thành lập một liên minh mới chống IS của Tổng thống Putin là hoàn toàn chính đáng.
Thực tế, cái bắt tay giữa Mỹ với các lực lượng do Nga và Iran hậu thuẫn ở Syria có thể là cách hữu hiệu nhất để làm suy giảm sức mạnh của IS trong dài hạn.
Mặt khác, số lượng máy bay chiến đấu mà Nga cam kết điều động tới Syria khá ít ỏi, chỉ 32 chiếc, kết hợp với việc nước này hiện phải đối mặt với khá nhiều khó khăn như tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine, lệnh phong tỏa, cấm vận của phương Tây khiến kinh tế lao dốc… nên khả năng Nga duy trì hiện diện lâu dài ở Syria là không cao, Ashford nhận định.
Theo ông Dave Deptula, trung tướng về hưu thuộc không quân Mỹ, mức độ rủi ro cũng được giảm thiểu bởi các giới hạn đặt ra đối với năng lực triển khai của quân đội Mỹ ở Syria.
“Hoạt động của không quân Mỹ ở Syria không quá mạnh mẽ”, ông Deptula, hiện là giám đốc Viện nghiên cứu Không gian Vũ trụ Mitchell, nhận xét.
Paul Schwartz, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói nguy cơ xảy ra một cuộc không chiến giữa Mỹ và Nga trên bầu trời Syria là rất hãn hữu.
“Đôi bên đang cố gắng hết sức để tránh những xung đột kiểu như vậy”, Schwartz nói.
Theo ABC News, các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ hôm qua đã kịp tổ chức một phiên thảo luận bàn về cách thức để né tránh kịch bản va chạm trên không ở Syria khi mà đôi bên cùng tiến hành không kích.
Peter Cook, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, miêu tả cuộc họp qua mạng này diễn ra trong không khí “thân tình và chuyên nghiệp”. Mỗi nước đều đưa ra nhiều đề xuất khác nhau nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến với các phi công của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Hai nước cũng đàm phán để thống nhất một tần số quốc tế dành cho các cuộc gọi khẩn cấp cũng như ngôn ngữ sử dụng khi liên lạc qua điện đàm.
“Mục tiêu của những cuộc đối thoại này là nhằm tìm ra cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất để các phi đội của chúng tôi không phạm sai lầm hoặc đưa ra những tính toán thiếu chính xác”, ông Cook nhấn mạnh.
Khu vực kiểm soát của các lực lượng ở Syria. Đồ họa: NYTimes
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nỗi lo khủng bố ám ảnh toàn thế giới
Chưa khi nào, mối lo ngại về khủng bố lại bao trùm lên một phạm vi rộng lớn như hiện nay. Chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi giật mình khi nhìn vào bản Báo cáo về khủng bố toàn cầu năm 2014 do Bộ Ngoại giao Mỹ mới công bố.
Các vụ tấn công tăng chóng mặt
Theo AFP, Báo cáo về khủng bố toàn cầu năm 2014 do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 19-6 cho biết, số vụ tấn công do các phần tử khủng bố tiến hành trong năm 2014 đã tăng 35% so với năm 2013 và có tới 81% các vụ tấn công gây thương vong.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có gần 33.000 người bị giết hại trong khoảng 13.500 vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp thế giới, so với 9.707 vụ và hơn 17.800 người thiệt mạng của năm 2013. Như vậy trung bình mỗi tháng, trên thế giới xảy ra hơn 1.110 vụ tấn công.
Các tay súng IS tại Iraq trong một cuộc phô trương lực lượng trên đường phố. (Ảnh: aljazeera.com)
Trong đó, đáng chú ý có tới 20 vụ tấn công được liệt vào hàng "thảm sát", mỗi vụ khiến hơn 100 người thiệt mạng. Điển hình như vụ tấn công của lực lượng Taliban nhằm vào một trường học ở Peshawar, Pakistan, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, hay vụ các tay súng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công một nhà tù ở thành phố Mosul của Iraq làm 670 tù nhân thiệt mạng.
Nên nhớ rằng, năm 2013 chỉ xảy ra 2 vụ tấn công khủng bố kiểu này!
Ngoài ra, năm 2014 cũng có hơn 9.400 người là nạn nhân của các vụ bắt cóc, bắt giữ con tin trong các vụ tấn công khủng bố, cao gấp 3 lần so với năm trước đó. Hầu hết các vụ bắt cóc con tin xảy ra ở Iraq, Nigeria và Syria.
AP dẫn thông tin trong báo cáo cho biết thêm, các cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại 95 quốc gia, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông, Nam Á và Tây Phi. Hơn 60% các vụ tấn công xảy ra tại 5 quốc gia là Iraq, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và Nigeria, và nếu tính cả Syria thì 81% các vụ tấn công gây thương vong dẫn tới đổ máu, chết người.
Báo cáo còn nhấn mạnh sự gia tăng số lượng các vụ tấn công được gọi là "sói đơn độc" ở phương Tây-ám chỉ các vụ tấn công do các phần tử khủng bố, cực đoan hoạt động đơn độc tiến hành, chẳng hạn như vụ tấn công khủng bố ở Quebec và Ottawa, Canada, hay ở Sydney, Úc vào cuối năm ngoái. Những vụ tấn công kiểu này dường như ngày càng được các nhóm khủng bố "ưa chuộng" hơn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh.
Ngoài ra, các tay súng cực đoan cũng sử dụng các hình thức tấn công khủng bố với mức độ hung hãn và tàn bạo hơn nhằm trấn áp và gây hoang mang cho cộng đồng. Thực tế cho thấy năm 2014, các vụ tấn công gây thương vong hàng loạt, các vụ hành quyết tàn bạo đã xuất hiện thường xuyên hơn so với những năm trước đó.
IS "tiếm ngôi" Al Qaeda
Theo Thời báo Phố Wall, trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, IS đã thay thế Al Qaeda để trở thành "nhóm khủng bố hàng đầu thế giới".
Trong khi IS ngày càng lộng hành và nổi lên như một "thế lực mới" của "phong trào khủng bố toàn cầu", Al Qaeda đã cho thấy những dấu hiệu suy yếu, một phần là do nhóm này tiếp tục mất đi những lãnh đạo chủ chốt. Mặc dù vậy, báo cáo cho rằng, Al Qaeda vẫn tỏ ra rất linh hoạt và là "nguồn cảm hứng" để các nhóm khủng bố khác ở Yemen, Syria và Bắc Phi thực hiện các vụ tấn công.
Sự lớn mạnh của IS một phần là do nhóm này có cách thức hoạt động và mở rộng lực lượng rất tinh vi. IS thường sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội phổ biến nhất như YouTube, Facebook và Twitter để đưa ra những thông điệp của mình, chiêu mộ thêm các phần tử cực đoan và hình thành các mối liên hệ với các chi nhánh bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria.
Ngoài ra, cuộc nội chiến ở Syria cũng được coi là một "yếu tố quan trọng" dẫn tới sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố. Báo cáo cho biết, mặc dù đã có một liên minh chống IS toàn cầu và một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc đi lại của các tay súng nước ngoài, song trong năm 2014 vẫn có tới hơn 16.000 tay súng nước ngoài tràn đến Syria và Iraq tham gia các nhóm thánh chiến. Tỷ lệ các tay súng nước ngoài đến Syria thậm chí còn lớn hơn số tay súng đến Afghanistan, Iraq, Yemen và Somali vào bất cứ thời điểm nào trong suốt 20 năm qua.
Báo cáo cho rằng, mặc dù những nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế đã bước đầu cho thấy tác dụng, song việc IS chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria cũng như phản ứng yếu kém của chính phủ nhiều nước là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới.
Riêng với Mỹ, báo cáo khẳng định Washington đã và đang chuyển đổi chiến lược chống khủng bố của mình. Mỹ và hơn 60 quốc gia đã lập ra một liên minh mang tính toàn cầu để ngăn chặn bước tiến của IS, đối phó với việc tài trợ cho khủng bố cũng như tình trạng các tay súng nước ngoài ồ ạt gia nhập "thế giới khủng bố".
Theo Trung Dũng
Quân đội Nhân dân