Cúm núm rang me
“Đi bắt cúm núm tụi bay ơi”, khoảng 3-4 giờ chiều, trai trẻ làng chài Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thường í ới gọi nhau. Cúm núm – thường được gọi tắt là cúm – một loại cua sống sát bờ biển, vỏ cứng, mai màu xám lốm đốm nâu, dưới bụng trắng ngà, càng và que vàng nhạt. Từ giữa xuân đến cuối hạ là khoảng thời gian cúm cho thịt nhiều và ngon nhất.
Bắt cúm khá đơn giản. Làm biếng thì cắm câu ở chỗ xâm xấp nước, đầu sợi cước buộc một miếng cá nhỏ. Thế là ngồi ngắm biển trời. Đợi cúm xúm đen xúm đỏ quanh con mồi thì rón rén lội ra, dùng vợt mà xúc. Còn làm siêng thì đi dọc theo mép nước, đón lõng những con cúm theo sóng tràn lên bờ. Nước rút, bọt tan, cúm đùn xuống cát.
Chỉ cần lanh tay moi đúng chỗ cát vừa dao động là lôi được chú cúm lên. Những người ham thích thể dục thường chọn cách này. Tản bộ một mạch vài cây số bờ biển, hít thở không khí trong lành, vừa giãn gân cốt vừa tóm được vài chục con về làm món cúm rang me. Đây là món quen thuộc của dân làng chài vào những buổi chiều biển trời êm ả. “Những ngày gió chướng, sóng biển chênh chao ngoài khơi, đứa nào bắt được cúm, dù chỉ một con thôi, thì cứ để lên lưng tao mà nướng”, những lão ngư thường nói như vậy.
Cúm được tách mai, vặt hết càng và que sau khi đã rửa sạch. Bắc chảo với một ít dầu lên bếp, đợi nóng thì bỏ cúm vào rang với muối. Khi phần vỏ cúm còn lại ngả sang màu hồng phớt thì vớt cúm ra, đổ bỏ dầu cũ. Cho hỗn hợp sả ớt đã phi cùng bột ngọt, đường (nhiều ít tùy khẩu vị) vào chảo dầu mới. Lại cho cúm vào và trộn đều cho thấm gia vị. Cuối cùng là dằm me chín với một ít nước ấm, tách bỏ hạt và rưới vào chảo. Đảo nhẹ vài vòng để con cúm nào cũng đẫm vị chua.
Người có tuổi thường hú nhau “sương sương” vài ly với món này dưới bóng dừa trước ngõ. Nhai miếng cúm rang me, nghe vỏ cúm vỡ vụn, kêu rôm rốp. Thịt cúm đậm đà vị ngọt mặn béo cay, hương thơm dậy mũi. Riêng vị me thì nhẹ nhàng, tinh tế lắm, cứ thư thả mà chua khiến hớp rượu thêm nồng.
Những ngư dân trẻ khi tiếp bạn thị thành thường phóng khoáng hơn: trút cúm rang me vào bẹ lá chuối, cho “chất cay” vào bình trà rồi ôm chiếu ra bãi. Ở nơi non nước hữu tình, họ đã giới thiệu nhiệt tình món này cho khách. Vì thế, trong lời tạm biệt, những người bạn phố thường có câu “hẹn gặp lại món cúm núm rang me”.
Theo TNO
Mắm mực
Mùa gió đang về. Lũ con xa có gốc gác từ những làng chài chắc là đang nhớ lắm chén mắm mực quê nhà.
Xưa nay, công việc làm mắm thường thuộc về những bà nội trợ khéo tay ở vùng sông nước. Riêng mắm mực lại do chính những chàng trai biển muối từ ngoài khơi trong những phiên biển dài ngày. Khi mẻ lưới giã cào vừa được cảo (kéo) lên, ngư dân xúm vào phân loại cá, gặp những con mực nhỏ bằng ngón tay cái, da còn ngời lên màu tím sẫm thì để riêng ra.
Lựa cá xong ai cũng chăm chú làm mắm. Lần lượt cứ một chén muối "cõng" ba chén mực, trộn đều, cho vào can nhựa. Mắm mực có màu hơi đen do túi mực tiết ra. Người sành ăn mắm mực cho rằng túi mực là tinh chất của con mực. Vì thế nếu bỏ túi mực trước khi muối, con mực trông "sáng sủa" hơn nhưng độ ngon của mắm sẽ giảm hẳn.
Hình như người muối mắm mực đã tính toán trước, nên sau hai tháng từ khi muối đến lúc mắm chua thì ngày đông tháng giá cũng đã về. Mắm mực đúng là "hữu xạ tự nhiên hương". Vừa mở nắp can ra, người đi ngoài ngõ đã hít hà: "Chà, nhà này có mắm mực thơm ác liệt". Lũ nhỏ chơi đâu đó, nghe mùi mắm mực, biết là đến bữa cơm liền ù té chạy về, khỏi cần mẹ gọi.
Thật lạ lùng, trời lạnh chừng nào ăn mắm mực thấy ngon chừng ấy. Bữa cơm nào chén mắm mực cũng... lên ngôi, "chễm chệ" giữa mâm, bên cạnh là đĩa thịt heo luộc ít nạc nhiều mỡ và đĩa rau luộc, thường là rau lang, ngọn bí, rau cải, hoặc rau tươi.
Mắm mực có thể ăn sống. Vì con mắm hơi dai nên phải dùng đũa gắp lên rồi lấy kéo cắt ra từng mẩu nhỏ cho vào chén đã có sẵn gừng, ớt. Ăn thế gọi là ăn mắm "gin". Không muốn ăn sống thì kho với một ít thịt heo. Khi ấy con mực sẽ co lại và rất mềm. Nhiệt độ khiến mắm mực và miếng thịt "tương tác" lẫn nhau nên cả hai đều có mùi vị rất đậm đà.
Gắp đũa rau, chấm vào chén mắm mực, dù là mắm sống hay đã kho, và cùng với miếng cơm thì ngon đến mức... quên lời mẹ dặn "ăn phải coi nồi". Nếu chấm mắm mà lát gừng dính theo thì quá "hên", vì miếng mắm mực vốn đã ngon lại càng thêm nồng nàn, và cái lạnh chiều đông phút chốc như tan biến.
Theo TNO
5 làng chài đẹp như thiên đường 5 ngôi làng nhỏ từ bao đời nay vẫn xinh xắn nguyên vẹn, hầu như không bị mở rộng hay xây dựng thêm. Nước Ý có quá nhiều thứ nổi tiếng, từ âm nhạc, bóng đá, kiến trúc, điêu khắc, đến ẩm thực. Vậy nên cũng chẳng lạ nếu không nhiều người chưa từng nghe nói đến vùng biển 5 Làng chài -...