Cụm công nghiệp Hố Nai 3 cần được nâng cấp
Đưa vào sử dụng cách đây 15 năm và đã lấp đầy diện tích đất cho thuê, Cụm công nghiệp (CCN) Hố Nai 3, H.Trảng Bom hiện nay đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, do thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, một thời gian chưa thu phí hạ tầng nên công tác duy tu, bảo dưỡng không thường xuyên, hạ tầng và đường giao thông xuống cấp.
Đường giao thông trong Cụm công nghiệp Hố Nai 3 xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp. Ảnh: V.GIA
Bên cạnh đó, CCN này cũng cần phải tính toán đến việc xây dựng hệ thống xử xý nước thải để bảo vệ môi trường tốt hơn.
* Khó khăn trong thu phí sử dụng hạ tầng
CCN Hố Nai 3 có diện tích gần 54ha, do UBND H.Trảng Bom làm chủ đầu tư. Định hướng của CCN này là thu hút các ngành nghề vật liệu xây dựng (gạch ngói, bê tông tươi, cấu kiện bê tông đúc sẵn..); chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ plastic (không tái chế), sản xuất, đóng gói phân bón (phân đơn, có công đoạn sản xuất đơn giản: xay, trộn, đóng gói hỗn hợp đất, than bùn, xơ dừa, phân đơn, nguyên liệu vận chuyển từ nơi khác đến). CCN Hố Nai 3 đã cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, đưa vào sử dụng cuối năm 2006 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 18,28 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã có Công văn số 2212/UBND-CNN ngày 30-3-2007 chấp thuận UBND H.Trảng Bom giao cho HTX Thành Công 1 quản lý thu phí, đầu tư, duy tu bảo dưỡng hạ tầng của cụm. Sau 15 năm, việc thu hút đầu tư vào cụm có nhiều thuận lợi với 18 dự án hoạt đang hoạt động, tổng diện tích hơn 35ha, lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Việc thu hút doanh nghiệp đạt kết quả tốt do CCN này gần với quốc lộ 1, lại nằm trong vùng phát triển công nghiệp gỗ của địa phương, có rất nhiều nhà máy sản xuất hoạt động trong khu dân cư.
Hiện nay, khó khăn, vướng mắc của CCN này là việc thu phí sử dụng hạ tầng từ các doanh nghiệp (DN). UBND H.Trảng Bom được UBND tỉnh giao quản lý cụm từ năm 2005. Tiền thuê đất và phí sử dụng hạ tầng CCN Hố Nai 3 được xác định trên cơ sở tham mưu của Sở Tài chính tại văn bản số 448/TC-GCS ngày 29-3-2005 và văn bản chấp thuận của UBND tỉnh số 2431/CV.UBT ngày 25-4-2005. Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu UBND huyện phương án tổ chức thu phí sử dụng hạ tầng và tổ chức thu phí trong 5 năm đầu, giai đoạn 2008-2013. Tính đến thời điểm hiện tại, có 6/12 DN vẫn còn nợ phí sử dụng hạ tầng. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, UBND huyện chưa tổ chức thu phí. Tổng phí hạ tầng thu được từ các DN là hơn 17,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo UBND H.Trảng Bom, CCN Hố Nai 3 được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2005 nên hiện nay đã xuống cấp. Do đó, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận cho Trảng Bom sử dụng nguồn thu phí hạ tầng để duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng CCN và chi trả các khoản chi phí bảo vệ, thắp sáng…
* Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải
Một băn khoăn nữa, dù đã hoạt động ổn định, lấp đầy diện tích từ nhiều năm song CCN hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. UBND H.Trảng Bom đang chỉ đạo lập Đề án bảo vệ môi trường CCN Hố Nai 3. Theo báo cáo của UBND H.Trảng Bom thì qua khảo sát, ngành nghề của các công ty đang hoạt động trong CCN chủ yếu là sản xuất gạch và sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu nên hầu như không phát sinh nước thải trong quá trình sản xuất, chủ yếu là nước thải sinh hoạt. Các DN cũng đã đầu tư hệ thống hầm tự hoại để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Do đó, nếu xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung thì lượng nước thải toàn cụm chưa đủ khối lượng để vận hành. UBND huyện kiến nghị xem xét cho phép CCN Hố Nai 3 tạm thời hoạt động theo hiện trạng, trong thời gian tới, khi có đủ điều kiện, UBND huyện sẽ triển khai việc lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung theo quy định.
Đối với vấn đề này, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương đề xuất tỉnh giao UBND H.Trảng Bom chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT lập báo cáo đánh giá tác động môi trường CCN. Trên cơ sở khảo sát, rà soát thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đang hoạt động trong cụm sẽ đề xuất giải pháp về việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Việc xây dụng hệ thống xử lý nước thải tại cụm này có thể vận động đóng góp của các DN đang hoạt động trong cụm (mô hình mà CCN Phú Thạnh – Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch đã thực hiện thành công).
'Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác'
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp (KCN) đòi hỏi những biện pháp phòng, chống rất khác trước áp lực rất lớn trong việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly cho hàng chục nghìn công nhân, điều trị hàng nghìn bệnh nhân...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác. Chúng ta cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên. Ảnh: VGP/Đình Nam
Video đang HOT
Chiều 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo với một số địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Quyết liệt ngăn dịch lây vào KCN
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã lấy khoảng 482.000 mẫu, trong đó 6.448 mẫu F1, hơn 25.000 mẫu F2, gần 430.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mở rộng. Do tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết nên 4 ca nhiễm là công nhân làm việc trong KCN đã được phát hiện kịp thời, chặn được chuỗi lây nhiễm. Đồng thời, TPHCM tăng cường giám sát có trọng điểm, khi cần thiết tiếp tục mở rộng xét nghiệm ra toàn xí nghiệp, phân xưởng, thậm chí cả KCN nếu nhận thấy có nguy cơ cao; duy trì sàng lọc theo tỷ lệ 20% công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trong KCN.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình hiện nay ở TPHCM vẫn có nguy cơ rất cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các KCN. Vì vậy, các lực lượng của thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các KCN, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết để chuẩn bị tình huống có dịch trong cộng đồng, đặc biệt là KCN, địa phương đang tập trung chỉ đạo để nâng công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp lên 50.000 mẫu gộp/ngày; chuẩn bị các khu cách ly ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng phòng chống dịch của Đồng Nai đang ở trạng thái tập trung cao độ, các tổ COVID cộng đồng hoạt động rất tích cực.
Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, với 29 KCN, 12 cụm CN đang hoạt động, gần 1,2 triệu công nhân, địa phương đã yêu cầu từng công ty phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó khi có ca nhiễm. Tỉnh đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; công suất xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày.
Hiện nay người lao động từ TPHCM lên Bình Dương làm việc rất đông, vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm soát y tế đối với người từ vùng dịch, đặc biệt ở TPHCM; kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân.
Các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An đã báo cáo về công tác phòng chống dịch, nhất là chuẩn bị cho tình huống lây nhiễm trong khu, cụm công nghiệp. Trong đó, các địa phương đang tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm; có phương án cách ly cụ thể, tính đến cả tình huống cách ly ngay trong DN; kiểm soát chặt chẽ công nhân làm việc tại những địa phương khác và ngược lại từ địa phương khác đến; xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20% đến 25% công nhân;...
Ngoài ra, các tỉnh đang tăng cường giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao; giám sát người có triệu chứng khi đến các phòng khám, nhà thuốc.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh các địa phương nhất định phải chuẩn bị kỹ cho phương án 4 tại chỗ, thì mới không bị động khi xảy ra dịch bệnh trong khu, cụm CN. Ảnh: VGP/Đình Nam
Năng lực xét nghiệm vô cùng quan trọng
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã nghe những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chia sẻ trong quá xử lý ca nhiễm trong KCN phải thực hiện rất quyết liệt các biện pháp truy vết, khoanh vùng trong thời gian ngắn nhất, trong đó năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch.
Trước yêu cầu đặt ra là phải phát hiện rất sớm các ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh thực hiện rất nghiêm công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ khoảng 20% công nhân, thậm chí tăng cường tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.
Đáng chú ý, cùng với công tác chống dịch, Bắc Ninh đã tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất cho khoảng 500 DN, và khi có 1 DN ghi nhận ca nhiễm, tỉnh đã khoanh vùng, xử lý nhanh chóng, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến hoạt động của các DN khác.
Từ tâm dịch Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bùng phát trong các KCN.
Có 4 nguồn lây chính trong KCN ở Bắc Giang là môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hoà, đặc biệt là các DN sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; trên xe ô tô đưa đón; tại chỗ trọ của công nhân.
"Nắm được cách thức lây lan của dịch sẽ hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên, chống dịch trong KCN không thể khoán trắng cho DN mà phải đưa tổ chống dịch gồm đại diện chính quyền địa phương, y tế cơ sở trực tiếp hỗ trợ DN", ông Lê Ánh Dương trao đổi.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh các địa phương nhất định phải chuẩn bị kỹ cho phương án 4 tại chỗ, thì mới không bị động khi xảy ra dịch bệnh trong khu, cụm CN mà phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu mỗi ngày, điều trị hàng nghìn ca bệnh....
"Bài học của Bắc Giang do năng lực xét nghiệm ban đầu hạn chế nên không bắt kịp được dịch trong những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều đơn vị về hỗ trợ thì những ngày còn rất lúng túng do thiếu sự điều phối, chỉ huy thống nhất. Do vậy các tỉnh phải chuẩn bị kỹ năng lực xét nghiệm nếu không sẽ không thể bắt kịp dịch, khống chế, kiểm soát trong thời gian nhanh nhất", ông Lê Ánh Dương nhìn nhận.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những DN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam
Nếu có ca nhiễm phải phát hiện trong 3 ngày đầu tiên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã có kinh nghiệm tốt trong phòng, chống dịch tại cộng đồng. Vì vậy, dù chưa gặp phải tình huống phức tạp như chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Hội thánh Phục hưng (TPHCM) nhưng lực lượng phòng, chống dịch vẫn "đuổi bắt kịp chuỗi lây nhiễm".
Vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN, nhất là tại các DN sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân.
Đơn cử trong khoanh vùng, cách ly khi phát hiện ca nhiễm thì ngoài KCN, nhà máy thì còn có các khu nhà trọ dành cho công nhân có mật độ rất đậm đặc.
Số lượng công nhân cần lấy mẫu, xét nghiệm để truy vết rất lớn, với yêu cầu trả kết qua trong ngày gây áp lực cực lớn lên lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm. Những ngày đầu dịch bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương có tình trạng lấy mẫu xong phải mấy ngày sau mới có kết quả, khiến lãnh đạo địa phương không nắm được đầy đủ tình hình dịch để có phương án điều hành sát thực tế.
"Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó thì cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khoẻ của tất cả người làm việc trong KCN. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc có nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc.
Dẫn lại bài học kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang sử dụng nơi ở của công nhân để cách ly tại chỗ, không kịp thời giãn, giảm mật độ đã gây lây nhiễm chéo rất nhiều, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh khu cách ly tập trung, các địa phương phải chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ với mật độ giảm thấp hơn bình thường.
Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện. "Riêng mũi xét nghiệm phải có một lãnh đạo tỉnh chỉ huy, điều phối nếu có những đơn vị từ nơi khác chi viện", Phó Thủ tướng nói.
Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không có một mô hình chuẩn cho khoanh vùng cách ly, phong toả mà phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương. Phó Thủ tướng lấy ví dụ: Nếu chỉ nhìn số ca lây nhiễm ở Bắc Giang thì ngay từ đầu phải giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng thực tế số ca nhiễm chỉ tập trung ở những thôn, xóm xung quanh các KCN.
"Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, phải quyết rất sớm nhưng bên trong phải làm rất chặt, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phấn đấu hết tháng 8/2021 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đánh giá được nguy cơ, cảnh báo kịp thời, không để bị động
Để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất an toàn, Phó Thủ tướng đã nhắc lại bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang "đối với các DN nhất định phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất". Vì vậy, những địa phương có KCN, dù chưa có dịch cũng phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những DN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.
Đồng thời, qua quá trình kiểm tra, phải yêu cầu DN phải cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn), từ đó địa phương sẽ nắm được tình hình phân bố khu vực sản xuất của DN, để sau này khi ghi nhận, cập nhật các ca F0, F1, F2 thì dựa trên các mô hình tính toán, chuyên gia có thể dự đoán được đường lây, những khu vực có nguy cơ. Từ đó giúp địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống sát thực tế, đuổi kịp và đón đầu dịch.
"Bằng việc thiết lập hệ thống thông tin, điều hành, chúng ta đã nắm được tình hình, đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng xã nhưng dữ liệu cập nhật chưa đầy đủ, mới đến F0, F1. Các đồng chí phải cập nhật nhanh nhất đến cả F2, F3 thì chúng ta sẽ có một hệ thống đánh giá nguy cơ, cảnh báo trước, không để bị động khi dịch bệnh xảy ra", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Các địa phương phải yêu cầu DN trong KCN có phương thức tổ chức lại sản xuất các ca, kíp, khu sản xuất gắn với bố trí chỗ ở cho công nhân, trong tình huống có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng, cách ly được ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không lan sang bộ phận khác, DN vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi DN phải thực sự "xắn tay" vào làm cùng chính quyền địa phương.
Nhằm chủ động trong tình huống có nhiều ca nhiễm ở KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trong KCN
Trả lời kiến nghị các địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm cho công nhân trong KCN, Phó Thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ giao vaccine.
"Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vaccine về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ cao. Hết tháng 8/2021 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước", Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận tất cả nỗ lực phòng, chống dịch của các địa phương thời gian qua, Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương sẽ kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan trong KCN như ở Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua.
Hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó do COVID-19 Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế. BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Người lao động được hỗ trợ...