Cục trưởng “đi xe máy cũng phải dừng trả lời doanh nghiệp”, Bộ trưởng bảo “bao biện”
Thanh minh chuyện làm khó dễ cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế quả quyết đã hỗ trợ hết sức, đang đi xe máy vẫn phải dừng trả lời tin nhắn của doanh nghiệp. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thẳng, “Cục trưởng không nên bao biện, phải nhìn thực tế của ngành mình, ở dưới không tốt như thế đâu”…
Nếu Cục trưởng làm tốt, doanh nghiệp chẳng phải kêu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng.
Cuộc tranh luận về quy định kiểm tra chuyên ngành tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với 11 Bộ ngành về về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng nay, 21/8, bắt đầu với ý kiến của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Ông Lộc tỏ ra băn khoăn khi quy định Luật Vệ sinh ATTP kiểm dịch thú ý chỉ áp dụng với thực phẩm tươi sống, nếu áp vào thực phẩm đóng gói sẵn là không phù hợp với luật ATTP và đề nghị bãi bỏ quy định này.
Tranh luận lại ý kiến của Chủ tịch VCCI, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho hay, quá trình sửa đổi kiểm tra chuyên ngành có sản phẩm chồng chéo giữa y tế, nông nghiệp, công thương.
“Luật An toàn thực phẩm không quy định kiểm dịch nhưng trong luật thú y lại quy định. Bộ Y tế không thể bắt Bộ Nông nghiệp không thực hiện, vì vướng luật Thú y nên không dám bỏ”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông kiến nghị nên bỏ quy định này hoặc chỉ quy định vùng đang có dịch thì vừa kiểm tra an toàn thực phẩm vừa kiểm dịch. Còn để thực hiện hậu kiểm thì phải có 2 yếu tố. Một là ý thức chấp hành pháp luật, hai là lực lượng quản lý.
Nói về việc ý thức chấp hành pháp luật ở Việt Nam chưa tốt, ông Phong dẫn chứng, sang Singapore không hề thấy hiện tượng người trốn vé tàu, vé xe. Ở Nhật Bản cũng không thấy cảnh người chế biến bơm tạp chất vào tôm hay gia đình nông dân có cảnh rau 2 luống, lợn 2 chuồng, ở chợ thì thịt lợn xề chế thành thịt bò….
Ông Phong nêu quan điểm, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp là đúng nhưng nếu tư vấn không đúng phải chịu hậu quả.
“Không phải đến mức như thế đâu, Cục trưởng ạ. Cục trưởng không nên bao biện quá chuyện ấy, phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu. Nếu tốt như thế thì DN chả phải kêu. Anh nói anh làm nhiều, thì anh phát hiện ra bao nhiêu phần trăm, anh biết không? Anh công bố cho báo chí đi” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đáp lại.
Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng cũng lưu ý, qua câu chuyện này cho thấy thể chế có vấn đề để cần đề xuất sửa đổi.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Cục trưởng An toàn thực phẩm vẫn quả quyết: “Bộ Y tế hoàn toàn không bao biện”. Ông Phong giải thích, những vấn đề ông trao đổi dựa trên nguyên tắc thẳng thẳn, quyết liệt, đúng thì xử lý.
“Đang đi xe máy, có nhắn tin tôi cũng dừng lại để trả lời. Cục cũng chỉ làm được đến thế, yêu cầu của DN lớn, có kiến nghị xem sửa đổi, có kiến nghị không thể đáp ứng”, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm nói.
Doanh nghiệp phản ứng thủ tục “5 không”
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong nêu ý kiến tại cuộc làm việc.
Với những thông tin Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong đưa ra, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, rủi ro mất ATVSTP nằm ở nhóm hàng khác không phải nằm ở nhóm thực phẩm bao bì đóng gói nhập từ bên ngoài.
Theo ông Cung, thực phẩm đóng gói nhập khẩu, các nhà sản xuất bên ngoài đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn rồi không phải nhóm “bơm tạp chất”.
“Còn sử dụng rau 2, 3 luống, bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để biện giải rằng việc sử dụng thủ tục này là cần thiết thì theo tôi cơ sở khoa học và thực tiễn ở đây chưa logic, vấn đề không gắn với nhau”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Viện trưởng Viện CIEM cho biết, thủ tục này DN kêu đã 5 năm rồi và ông cho rằng những phàn nàn đó là đúng, hoàn toàn chính xác.
Ông cho rằng, phản ứng của DN với thủ tục kiểm tra chuyên ngành xoay quanh công thức “5 không”: không hợp pháp hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ Quốc tế.
TS Cung diễn giải, không minh bạch thể hiện ở chỗ thủ tục quy định bao nhiêu hồ sơ, khi nộp nhân viên thụ lý yêu cầu nhiều hồ sơ khác ngoài quy định. Ví dụ như yêu cầu hợp đồng dán nhãn tiếng Việt, những yêu cầu đó không liên quan gì đền VSATTP.
Phản biện lại ý kiến này, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng, trên thị trường quốc tế, chỉ Nhật bản và một số nước phát triển châu Âu, còn trong ASEAN thì có Singapore là không có việc tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Còn lại tất cả các nước, từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm. Vậy không thể nói quy định của Việt Nam là không phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Phong cũng chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước cực kỳ áp lực trong việc này và đề nghị thành viên Tổ công tác của Thủ tướng đưa ra phương thức thay đổi phù hợp hơn.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hiến kế thay giấy xác nhận đó bằng việc DN gửi thông báo cho Bộ Y tế. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm vẫn bác bỏ, cho rằng điều kiện ở Việt nam chưa thể làm như vậy.
P.Thảo
Theo Dantri
Hộp sô cô la cần 13 giấy phép, sữa chua cũng phải 2 Bộ chứng nhận
14.300 tỷ đồng là số tiền chi phí 1 năm của các doanh nghiệp cho việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Để sản xuất một mặt hàng sô cô la cần 13 giấy phép; hộp sữa chua, gói hạt hướng dương... cũng phải 2 Bộ ngành chứng nhận. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lắc đầu ngao ngán trước "rừng" thủ tục.
Sáng 21/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với 11 Bộ, ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc kiểm tra với 11 Bộ ngành (ảnh: Nhật Bắc).
Hàng hóa chuyển từ Nam ra Bắc chỉ để... giám định
Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, hiện tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35% và Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm xuống còn 15%.
Tỉ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra thú y là 14,3%, kiểm tra chất lượng là 25,3%, kiểm tra an toàn thực phẩm là 19,1%, cần giấy phép xuất nhập khẩu và yêu cầu tương đương là 41,2%...
"Phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết. "Thủ tướng đặt vấn đề cắt giảm chi phí không chính thức và chính thức, năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Rà soát lại toàn bộ các thủ tục liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, hiện nay nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công, cần xem xét lại. Có tình trạng bộ chỉ giao 1 cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn do "vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định".
Mò mẫm thủ tục như vào rừng, hết đêm không xong
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Các bộ có trách nhiệm kiểm tra không bao giờ đi cùng nhau, cứ chẻ ra, phiền toái cho doanh nghiệp".
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nêu rõ bất cập, quy trình kiểm tra hàng hóa nhiêu khê như vậy nhưng lại chỉ áp dụng hình thức thủ công là chính, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ 0,1%.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nay một thủ tục, mai một thủ tục.
"Một mặt hàng sô cô la cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 Bộ; một Bộ không làm đâu, cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Mà các Bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.
Bộ trưởng cũng nêu ví dụ, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng. Một giống cây trồng cũng phải theo 3 thông tư.
"Như vậy có hợp lý không? Tôi nghĩ doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng", Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ rà soát từng bộ, đi vào từng thủ tục, chứ không dừng lại chung chung, yêu cầu giải trình cụ thể, thủ tục nào cần, thủ tục nào không.
P.Thảo
Theo Dantri
13 Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh bị phê bình vì giải ngân quá chậm Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 chậm trễ, đến nay mới chỉ đạt hơn 20% kế hoạch. 13 Bộ, ngành, địa phương bị nêu tên vì quá chậm. Truy nguyên nhân, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ngao ngán vì có dự án của Bộ này chỉ riêng việc chờ bộ khác thẩm tra, thẩm định...