Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Tôi vẫn ăn thịt lợn hàng ngày”
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, số lợn nhiễm dịch tả châu Phi đã được tiêu hủy, không có lợn nhiễm bệnh bán trên thị trường, nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và bản thân ông hàng ngày vẫn ăn thịt lợn.
Ăn thịt lợn là cùng cả nước chống dịch
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn” diễn ra chiều 19/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, 62 huyện, 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thừa Thiên Huế là địa phương mới nhất phát sinh dịch. Tổng số lợn bệnh, nghi bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 34.700 con.
Về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Dương cho biết, chúng ta đã triển khai rất tích cực đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng do tính đặc thù của loại dịch bệnh này nên vẫn còn lây lan, không thể “một sớm, một chiều” khống chế ngay được.
Ông Nguyễn Xuân Dương: “Tôi vẫn ăn thịt lợn hàng ngày”.
Ông Dương cho rằng, con số hơn 34.700 con lợn bị bệnh, nghi bị bệnh phải tiêu hủy nói trên là quá nhỏ so với tổng số gần 29 triệu con lợn khỏe mạnh trên cả nước.
“Toàn bộ số lợn bị bệnh, nghi bị bệnh đều được tiêu hủy. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tối đa nên người chăn nuôi có lợn bị bệnh, nghi bị bệnh đều báo ngay cho cơ quan chức năng. Do đó, sản phẩm thịt lợn đang bán trên thị trường hoàn toàn không có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, có cơ sở khoa học chứng minh dịch bệnh này không lây lan sang người nên người tiêu dùng không nên quá hoang mang mà quay lưng lại với thịt lợn. Bản thân tôi hàng ngày vẫn ăn thịt lợn” – ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, khi có dịch bệnh, nhà nước và người chăn nuôi phải tốn rất nhiều chi phí cho công tác chống dịch. Nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ, quá lo lắng mà quay lưng với thịt lợn thì ngành chăn nuôi càng gặp khó khăn.
Do đó, ông Dương kêu gọi người dân tiếp tục ăn thịt lợn, bởi lúc này ăn thịt lợn là cùng chung tay với nhà nước và người chăn nuôi chống dịch.
Video đang HOT
Nên ăn chín, uống sôi
PGS.TS Phan Thanh Tâm chia sẻ về cách chế biến thịt lợn an toàn.
Còn theo PGS.TS Phan Thanh Tâm – Giảng viên chính Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi đi chợ người tiêu dùng nên quan sát kỹ miếng thịt lợn định mua, nếu thịt không an toàn thường có màu sẫm, cấu trúc thịt không có được độ mềm dẻo và săn chắc. Đó là sự cảm nhận về mặt cảm quan, còn điều quan trọng nhất phải có được sự kiểm soát của cơ quan thú y và đóng dấu kiểm định vào sản phẩm thịt an toàn.
Khi đã lựa chọn được miếng thịt an toàn, PGS.TS Tâm cho biết, khâu chế biến cũng rất quan trọng. Nguyên tắc chung trên thế giới là sản phẩm thịt phải được chế biến bằng nhiệt.
“Người ta sẽ kiểm tra thịt bằng nhiệt độ tại phần sâu nhất của miếng thịt, hay còn gọi là điểm đun nóng chậm nhất của miếng thịt, nếu đạt được trên 70 độ C thì mới an toàn. Bên nước ngoài bán rất nhiều nhiệt kế có bọc kim loại để chúng ta cắm vào miếng thịt xem nhiệt độ là bao nhiêu để có thể sử dụng an toàn khi chúng ta chế biến. Vì làm như vậy sẽ đảm bảo sự an toàn và giữ được cảm quan đẹp cho miếng thịt mình chế biến
Bà con cũng có những phương án rất thông minh, tức là khi luộc con gà sẽ lấy vật nhọn cứng đâm vào phần dày nhất nếu thấy dịch tiết ra không còn màu đỏ hồng là an toàn” – PGS.TS Tâm nói.
PGS.TS Tâm khuyến cáo, chỉ có chế biến bằng nhiệt như vậy sản phẩm thịt mới an toàn. Bởi thịt được chế biến ở nhiệt độ 70-100 độ C sẽ đảm bảo tiêu diệt hết các vi rút, vi sinh vật, ấu trùng, giun sán,…nếu có.
Chốt lại vấn đề mà mình đã phân tích, PGS.TS Tâm cho rằng, chúng ta nên “ăn chín, uống sôi” để bảo vệ sức khỏe.
Nguyễn Dương
Theo Dân trí
Uống rượu khi ăn tiết canh có diệt được sán lợn?
Nhiều người cho rằng khi ăn tiết canh hay các thực phẩm tái như nem chua, rau sống... chỉ cần uống rượu sẽ diệt hết ấu trùng sán lợn hay các vi khuẩn.
Một trong những nguyên nhân nhiễm sán được xác định từ thói quen ăn tiết canh lợn
Nhiều đấng mày râu thường truyền tai nhau rằng, khi ăn tiết canh hay các thực phẩm tái như nem chua, rau sống... chỉ cần uống rượu sẽ diệt hết ấu trùng sán lợn hay các vi khuẩn có thể có trong đó. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, thông tin trên là hoàn toàn sai, thực tế cho thấy trứng giun sán không thể tiêu diệt bằng rượu bia.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi ở 100 độ C trong vòng 2 phút. Trong khi đó rượu có độ cồn cao nhất cũng chỉ lên tới 40 - 45 độ cồn thì không thể diệt được các ấu trùng, trứng sán nếu như nó có trong những thực phẩm.
"Việc uống rượu để diệt sán lợn hay các loại vi khuẩn là không có cơ sở. Tốt nhất là người dân cần ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần" - bác sĩ Hoàng Xuân Đại khẳng định.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đại cũng lưu ý hiện nay có rất nhiều người sử dùng thịt, cá đông lạnh không đúng cách trong bữa ăn cũng rất nguy hiểm. Cụ thể, trước bữa ăn các bà nội trợ thường rã đông qua loa rồi đem thịt cá còn lạnh bỏ vào nồi nấu. Tuy nhiên điều này lại khiến thực phẩm chín rất kỹ ở bên ngoài, nhưng bên trong nhiệt độ vẫn còn thấp, không đủ làm chết các nang ký sinh trùng.
Sán dây lợn là một dạng ký sinh trùng trên cơ thể lợn. Sán xâm nhập vào cơ thể người có thể do ăn phải loại thực phẩm từ thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán hoặc trứng sán; ăn rau sống không được rửa sạch...
Trứng và ấu trùng sán dây lợn trong thịt lợn thường giống như hạt gạo. Sán khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ của lợn. Những phần trên cũng thường được dùng để chế biến tiết canh.
Sán lợn sang người sẽ di chuyển khắp nơi trong cơ thể, nhưng "vùng đất" lý tưởng nhất của nó là não và vùng dưới da. Sán lợn lên não sẽ chèn ép não, gây nên những tổn thương vùng não dẫn đến hiện tượng giảm trí nhớ, mất trí nhớ, đau đầu và động kinh co giật.
Bệnh ấu trùng sán lợn có thể được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ăn thịt lợn gạo chưa được nấu chín là một trong những nguyên nhân nhiễm sán dây/sán lợn
Phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, mổ thịt, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.
Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.
Diệp Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Có nên ăn thịt bò tái? Tôi ăn thịt bò tái hàng ngày với nhiều món như bò tái chanh, phở bò tái... Xin hỏi cách ăn loại thịt này để không hại sức khỏe? Ảnh minh họa Gia đình tôi khuyên khộng nên ăn tái mà phải nấu chín vì có thể nhiễm sán. Vậy thịt bò nên ăn như thế nào là tốt? (Minh Hải) Trả lời:...