Cục trưởng cảnh báo tình trạng giả bác sĩ, dược sĩ tư vấn thực phẩm chức năng
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng tình trạng tư vấn viên giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) là rất nguy hiểm. Bản thân ông khi gọi điện đến cũng được tư vấn, khẳng định dùng là khỏi.
Ngày 25/6, chia sẻ với báo chí liên quan đến những sai phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng của công ty Đông Nam Dược, ông Phong cho biết vừa ra quyết định thu hồi 13 giấy xác nhận sản phẩm của công ty này có địa chỉ tại tầng 23 toà nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thanh kiểm tra đột xuất với các địa chỉ khác của các công ty tương tự.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải
Cục An toàn thực phẩm cũng ra quyết định thu hồi 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm của Công ty Đông Nam Dược.
Trước đó, những lùm xùm của công ty này được báo chí phản ánh về tình trạng người dân gọi đến tư vấn được giới thiệu dùng các sản phẩm nâng cao sức khỏe nhưng lại có tác dụng khỏi bệnh.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đích thân nhấc máy gọi tư vấn, với căn bệnh liên quan đến đốt sống và được tư vấn viên khẳng định dùng sản phẩm là khỏi bệnh.
Video đang HOT
Ông Phong khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.
“Trong khi đó, TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người”, ông Phong nói.
Với những trường hợp này, cơ quan chức năng đang xác minh, thu thập chứng cứ và sẽ xử lý.
Ông Phong cho biết thêm, nhiều công ty kinh doanh TPCN luôn muốn quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng. “Tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản ph ẩm thực phẩm chức năng có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng kiên quyết không mua sản phẩm quảng cáo như vậy”.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thông báo một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai giống thuốc chữa bệnh… mà đã kinh doanh. Như trường hợp của 3 công ty có lượng kinh doanh rất lớn qua mạng Cục An toàn thực phẩm đang xác minh. Sớm nhất Cục sẽ làm việc với công ty có sản phẩm chưa công bố chất lượng đã bán trong siêu thị.
Hay một số công ty đã thay đổi địa điểm mà không thông báo lại với cơ quan quản lý chúng tôi cũng sẽ thu hồi.
“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhưng phải tăng cường thanh kiểm tra theo chỉ thị 17 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành (ngày 19/6/2018) về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”.
Với chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc, đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người.
Bộ Y tế được yêu cầu tăng cường thanh tra với các hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng với mặt hàng dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Vinaca lập lờ giữa thuốc và thực phẩm chức năng
Nói về vụ sản phẩm chữa ung thư Vinaca làm từ than tre nứa tại Hải Phòng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng đơn vị này có sự lập lờ giữa thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN). Việc một sản phẩm bất hợp pháp như Vinaca của đơn vị này được tôn vinh là hành vi đáng lên án.
Ngày 24/4, tại cuộc họp thông tin về việc triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2018, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, trên nhãn sản phẩm Vinaca trên nhãn có ghi không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trên nhãn thuốc này cũng không ghi là TPCN, dù có nói công dụng liên quan đến điều trị.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Ảnh: T.A
"Doanh nghiệp này có sự lập lờ trong ghi nhãn giữa sản phẩm thuốc và TPCN", ông Phong nói.
Đặc biệt ông Phong nhấn mạnh, bất cứ một sản phẩm nào, dù là thuốc, TPCN, mỹ phẩm hay thiết bị y tế liên quan đến sức khỏe con người mà sản xuất chui, sản phẩm chưa được đăng kí với cơ quan nào là bất hợp pháp, phải xử lý nghiêm.
Về việc Công ty sản xuất sản phẩm Vinaca được nhận giải thưởng thương hiệu, ông Phong cho rằng, việc một số hiệp hội tổ chức trao giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm là không ổn.
"Về nguyên tắc phải tuân theo luật thi đua khen thưởng, phải có sự tham gia của cơ quan chuyên ngành quản lý lĩnh vực này. Việc đơn vị tổ chức tôn vinh lập luận rằng tôn vinh thương hiệu mà không quan tâm đến sản phẩm, chất lượng sản phẩm là rất vô lý", ông Phong đánh giá.
Bởi theo ông, không riêng lĩnh vực y tế, cả lĩnh vực khác để tôn vinh thương hiệu, doanh nghiệp phải quan tâm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra nhiều yếu tố phải quan tâm như môi trường, thuế, chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm, đời sống người lao động. Không thể tôn vinh thương hiệu một doanh nghiệp khi đang nợ đọng về thuế.
Trong trường hợp này (Vinaca) thương hiệu được tôn vinh nhưng sản phẩm của sơ sở lại chưa được cơ quan nào cho phép lưu hành, cơ sở chưa được phép sản xuất sản phẩm, là bất hợp pháp, tôn vinh là không chấp nhận được.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Ăn gì bổ não để tăng trí nhớ cho sĩ tử mùa thi Omega 3, vitamin trong thuốc bổ não phát huy hiệu quả hơn nếu kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng hàng ngày gồm tinh bột, đường, béo. Trước mùa thi, nhiều phụ huynh mua các loại thuốc bổ não, thực phẩm chức năng cho con uống mong tăng cường trí nhớ để đạt kết quả tốt. Dược sĩ dinh dưỡng Lê...