Cực nóng: Hàng nghìn tín hiệu lạ liên tiếp dội từ thiên hà bí ẩn
Kính viễn vọng vô tuyến FAST đặt tại Đài quan sát ở Qiannan Buyei ( Trung Quốc) đã phát hiện 1.652 tín hiệu vô tuyến lạ từ một thiên hà bí ẩn.
Kính viễn vọng vô tuyến FAST đặt tại Đài quan sát ở Qiannan Buyei (Trung Quốc) đã phát hiện 1.652 tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ cùng một nguồn chỉ trong 47 ngày.
Các tín hiệu vô tuyến được thiên hà bí ẩn phát ra dưới dạng chớp sóng vô tuyến (FRB), là dạng tín hiệu chỉ phát ra trong một phần nhỏ của giây, nhưng cực mạnh.
Tiến sĩ Bing Zhang từ Khoa Vật lý và thiên văn học, Đại học Nevada (Mỹ) – tác giả của nghiên cứu cho biết có 2 mô hình hoạt động có thể lý giải nguồn gốc của chớp sóng vô tuyến: chúng có thể đến từ các quả cầu từ tính trong vũ trụ, hoặc từ một sao từ.
Giả thuyết bắt nguồn từ các sao từ được các nhà thiên văn học ủng hộ hơn cả khi nói về chớp sóng vô tuyến. Nó là một dạng sao neutron có từ trường đặc biệt mạnh, trong khi bản thân mỗi sao neutron đã là một “quái vật”.
Sao neutron được cho là phần xác cuối cùng sau khi một ngôi sao khổng lồ chết đi: sụp đổ lần 1 thành sao lùn trắng, sụp đổ lần 2 thành sao neutron hoặc lỗ đen.
Với nguồn tín hiệu mới này, các nhà nghiên cứu cũng nghiêng về giả thuyết có một sao từ tham gia. Thế nhưng điều khó lý giải nhất là đợt phát sóng 47 ngày này đã chiếm tới 3,8% năng lượng sẵn có từ một sao từ thông thường, như vậy là quá nhiều.
Họ tin rằng phải có một sự kiện gì đó đi kèm hoặc một “quái vật” vũ trụ bí ẩn nào đó song hành cùng ngôi sao từ.
Nguồn tín hiệu vô tuyến mới, được đặt tên là FRB 121102, đã phát ra tổng cộng 1.652 chớp sóng vô tuyến từ ngày 29/8 đến ngày 29/10/2019, trong đó đợt bùng nổ dữ dội nhất là 122 tín hiệu chỉ trong vòng 1 giờ.
Các nhà khoa học đã xác định được nguồn gốc của tín hiệu đó là một thiên hà lùn thuộc chòm Ngự Phu. Tín hiệu mạnh tới nỗi dù thiên hà này cách chúng ta tận 3 tỉ năm ánh sáng, FAST vẫn bắt được nó dễ dàng.
Các sóng vô tuyến cực thấp xuất phát từ các “vụ nổ năng lượng” trong vũ trụ được gọi chung là vụ nổ radio nhanh (FRBs). Năm 2007, các nhà khoa học ghi nhận trường hợp FRB đầu tiên nhờ kính viễn vọng vô tuyến Parkes ở Australia.
Nếu như trước đây giới thiên văn mới chỉ dừng lại ở mức thu được các tín hiệu FRBs bí ẩn từ không gian sâu thì với sự phát triển vượt bậc của khoa học ngày nay, các chuyên gia nghiên cứu vũ trụ đang tìm cách áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vào sứ mệnh giải mã nguồn gốc cũng như “thông điệp” mà các FRBs có thể ẩn chứa.
Loại trừ khả năng FRBs đến từ một vụ nổ đơn giản trong vũ trụ, một số nhà thiên văn học nghi ngờ rằng chớp sóng vô tuyến có nguồn gốc từ một nền văn minh tiên tiến ngoài Trái Đất.
Bí ẩn về sự hình thành siêu hố đen đã được giải?
Theo giả thuyết mới của các nhà vật lý lý thuyết của Ý, Tây Ban Nha và Argentina, các siêu hố đen có lẽ đã tượng hình từ vật chất tối (một bí ẩn khác của vũ trụ).
Mô phỏng hình ảnh hố đen SCI-NEWS
Cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên gia do tiến sĩ Carlos Argelles của Đại học Quốc gia La Plata (Argentina) dẫn đầu là nhằm đặt mục tiêu hóa giải bí ẩn về sự tồn tại của các siêu hố đen.
Giới thiên văn học đã quan sát những siêu hố đen có tuổi đời đáng nể, xuất hiện sau sự kiện Big Bang khoảng 800 triệu năm. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa rõ bằng cách nào chúng có thể hình thành trong thời gian chớp nhoáng như thế, hoặc chúng bắt nguồn từ đâu.
Lâu nay, các nhà khoa học tìm cách giải thích sự tăng trưởng của siêu hố đen dựa trên các vật chất bình thường, cũng là dạng vật chất tạo nên các ngôi sao và hành tinh xung quanh chúng ta.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của đội ngũ tiến sĩ Argelles cho rằng những lõi thiên hà có lẽ cấu tạo từ vật chất tối. Mật độ của chúng tập trung quá dày ở phần trung tâm đến nỗi lõi thiên hà không còn đủ sức chống đỡ và đổ sụp, dẫn đến sự xuất hiện của siêu hố đen.
Quá trình trên xảy ra nhanh hơn bất kỳ các cơ chế nào khác từng được giới nghiên cứu đề xuất, theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society .
Điều này giúp giải thích tại sao các hố đen khổng lồ lại có thể hình thành nhanh chóng, thậm chí trước khi các thiên hà chứa chúng xuất hiện.
"Kịch bản trên đưa ra cách giải thích tự nhiên về sự tồn tại của các siêu hố đen vào thời điểm vũ trụ còn non trẻ, không cần đến sự hình thành của các ngôi sao hoặc đại loại thế", theo trưởng nhóm Argelles.
Phát hiện mới về thiên thạch tuyệt diệt khủng long Hai nhà thiên văn học tại Harvard tuyên bố họ đã tìm ra lời giải cho bí ẩn bấy lâu nay về nguồn gốc của thiên thạch khiến cho khủng long tuyệt chủng. Khoảng 66 triệu năm trước, một thiên thể khổng lồ rơi xuống khu vực giờ đây là duyên hải Mexico, gây nên "mùa đông đại địa chấn" thảm họa và...