Cục máu đông gây tắc động mạch não làm người phụ nữ đổ gục
Đi làm về đang ngồi nghỉ trưa trên ghế, bà Ân 65 tuổi, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, bất ngờ ngã xuống đất, liệt nửa người phải, nói khó.
Gia đình đưa bà Ân đến Khoa Cấp cứu, BVĐK Trung ương Quảng Nam. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi tai biến mạch máu não, được bác sĩ khám lâm sàng, xử lý cấp cứu và chụp CT-Scan sọ não, kết quả bệnh nhân có tắc động mạch máu lớn trong não.
Lập tức, người bệnh được hội chẩn liên khoa, gồm: Khoa Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Đơn vị Đột quỵ, Đơn vị Can thiệp tim mạch với chẩn đoán là nhồi máu não cấp do tắc động mạch máu não.
Hình ảnh động mạch não người bệnh tắc hoàn toàn nhánh M1 động mạch não giữa bên trái và sau can thiệp tái thông hoàn toàn nhánh M1
Bệnh nhân được chuyển lên phòng chụp DSA để can thiệp cấp cứu. Ê kip bác sĩ của đơn vị Can thiệp tim mạch, Đơn vị Đột quỵ, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Hồi sức – tích cực chống độc thực hiện thủ thuật lấy huyết khối gây tắc động mạch não giữa bên trái với thời gian can thiệp khoảng 30 phút.
Ngay sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể cử động được tay chân bị liệt trước đó, tri giác tỉnh hơn. Sau 1 ngày, bệnh nhân có thể đi lại được, thực hiện được các sinh hoạt hằng ngày và nói chuyện được với người nhà.
TS.BS. Phan Tấn Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch, BVĐK Trung ương Quảng Nam chia sẻ: Đột quỵ là tình trạng nguy hiểm, có thể để lại di chứng tàn tật nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu được điều trị là cực kỳ quan trọng đối với người bệnh.
Video đang HOT
Bác sĩ Quang khuyến cáo, để điều trị đột quỵ hiệu quả, hạn chế di chứng và giảm thiểu chi phí, việc cấp cứu và xử trí đột quỵ trong “thời gian vàng” là yếu tố tiên quyết. Do đó, khi người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ như: cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể, khó nói, nói ngọng bất thường, đau đầu dữ dội, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột… nên đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2 căn bệnh nguy hiểm dễ mắc khi trời chuyển rét đột ngột
Thời tiết thay đổi đột ngột làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý, trong đó có hai bệnh đặc biệt nguy hiểm cần chú ý.
2 căn bệnh nguy hiểm khi trời rét đột ngột
Miền Bắc đang bước vào đợt rét mới, dự báo nhiệt độ thấp nhất dưới 3 độ C, vùng núi có thể xuất hiện băng giá. Hôm nay (17/12), thời tiết Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vài nơi, trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Tại Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ thấp nhất 12 - 14 độ C, cao nhất 14 - 16 độ C, giảm 7-10 độ C so với một ngày trước.
Thời tiết các tỉnh miền Bắc thay đổi đột ngột, rét đậm
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó hai căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cần chú ý là tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho hay, khi thời tiết trở lạnh, sự mất cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, đặc biệt là khi từ môi trường ấm bước ra ngoài trời lạnh, có thể tạo ra một tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không thể thích nghi kịp.
Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt của mạch máu khi gặp nhiệt độ lạnh, cũng như dễ hình thành cục máu đông gây nhồi máu não. Bên cạnh đó, tình trạng này làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu. Tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, dẫn đến xuất huyết não.
"Ngoài tắc mạch não, thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn tới tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim) gây nhồi máu cơ tim. Những điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim) có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các di chứng như yếu liệt, di chứng thần kinh...", bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam bệnh nhân tai biến mạch máu não tăng từ 15 - 20% vào mùa đông. Trong đó, khoảng 60 - 70% các trường hợp xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, khi nhiệt độ ngoài trời lúc này xuống thấp hơn ban ngày.
Tỷ lệ bệnh nhân tai biến có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Ngoài ra, theo BS Mạnh, một bệnh lý hiếm gặp hơn nhưng cũng rất nguy hiểm vào mùa đông là huyết khối tĩnh mạch sâu hình thành do ít uống nước khi trời rét.
BS Mạnh phân tích: "Việc này khiến máu cô đặc lại cộng thêm ít vận động trên nền bệnh nhân có suy van tĩnh mạch trước đó, làm máu lưu thông kém dễ hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới. Khi các cục máu đông này lan về tim có thể gây tử vong do nhồi máu động mạch phổi.
Trường hợp vỡ hoặc lóc tách các mạch máu lớn trên nền bệnh nhân có phình, xơ vữa động mạch chủ cũng hay gặp vào mùa đông.
Nguyên nhân là do huyết áp bị thay đổi đột ngột tác động lên các động mạch chủ ngực hoặc bụng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngực dữ dội, tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được can thiệp kịp thời".
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam đang tư vấn cho một người bệnh
Những đối tượng nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý
Theo BS Mạnh, ai cũng có nguy cơ tai biến và gặp phải các bệnh lý về tim mạch.
Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý nền về tăng huyết áp, tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thường xuyên sử dụng thuốc lá rượu bia...
Do đó, BS Mạnh khuyến cáo, vào mùa lạnh, việc duy trì sự ấm áp, ổn định nhiệt độ cơ thể và thực hiện các biện pháp phòng tránh là rất quan trọng, để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý.
Đặc biệt với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp, tiểu đường. Hạn chế ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi đêm và sáng sớm. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bổ sung đầy đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Người dân cũng cần duy trì chế độ ăn uống tập luyện khoa học, tránh căng thẳng. Nên vận động nhẹ nhàng 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng.
Không tắm quá muộn cũng như không tắm nước lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn, trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng.
"Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và cấp cứu kịp thời vì nguy cơ tử vong của các bệnh trên là rất cao", BS Mạnh khuyến cáo.
Những thói quen xấu khiến bạn dễ bị đột quỵ Đột quỵ (stroke) còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Dấu hiệu nhận biết khi bị đột quỵ Khuôn mặt: Dấu hiệu...