Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khởi động lại 10 đường bay nội địa từ 10/10
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ trở lại.
Đáng chú ý, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến khởi động lại đường bay nội địa là từ 10/10/2021 với 10 đường bay.
Máy bay đậu tại các khu vực đường lăn của sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Văn bản do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ký cho biết: “Tính đến ngày 6/10/2021, cơ quan này đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 13 tỉnh, thành phố”.
Trong số này, có 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm: Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Còn 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch bay thương mại thường lệ gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Ông Võ Huy Cường cũng cho biết, các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến gồm 10 đường bay giữa Tp. Hồ Chí Minh – Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa – Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.
Đáng lưu ý, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định, các đường bay chỉ được mở sau khi có ý kiến đồng thuận của cả 2 địa phương có cảng hàng không, sân bay liên quan đến đường bay. Các đường bay sẽ tiếp tục được bổ sung khi có thêm ý kiến đồng ý của các địa phương khác.
Video đang HOT
Tần suất khai thác ban đầu không vượt quá số lượng đã xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của các địa phương. Tần suất khai thác sẽ được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ cho các hãng hàng không Việt Nam đã đăng ký. Hành khách là đối tượng không phải cách ly tập trung tại nơi đến theo quy định của Bộ Y tế.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến từ 10/10/2021. Các giai đoạn tiếp theo triển khai theo Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Liên quan đến yêu cầu đối với hành khách đi máy bay, ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị, hành khách phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Đáng chú ý, hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là “Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.
Việc điều chỉnh, mở rộng đối tượng khách khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 8318/CV-BYT sẽ được đánh giá trên tình hình thực tế hoặc có ý kiến đề xuất của các địa phương tiếp nhận chuyến bay chở khách đến, đảm bảo yếu tố không yêu cầu cách ly tập trung.
Trước đó, tại công văn 8318/CV-BYT gửi Bộ Giao thông Vận tải góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19, với hành khách,ngoài việc tuân thủ 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).
Bộ Y tế khẳng định, không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn đầu, trên 10 đường bay sẽ khôi phục trở lại, hành khách sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay. Từ giai đoạn 2 trở đi sẽ không áp dụng giãn cách ghế trên tàu bay.
Các đường bay này gồm 5 đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hoá, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc và ngược lại với tần suất mỗi đường bay 4 chuyến/ngày, chia đều cho 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines.
Cùng với đó, 3 đường bay từ Thanh Hóa đi Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc và ngược lại khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày.
Đường bay TP Hồ Chí Minh – Huế và ngược lại khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần. Chiều từ Nghệ An đi TP Hồ Chí Minh khai thác 2 chuyến/tuần.
Trong giai đoạn ban đầu, hành khách xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARSCoV-2 thì xử trí theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, các hãng hàng không chỉ được mở bán trên cơ sở phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam theo từng giai đoạn.
Khẩn trương nghiên cứu về khung giá dịch vụ trên các tuyến bay nội địa
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đơn vị này khẩn trương nghiên cứu, báo cáo và có đề xuất về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Khu vực nhà ga của sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trong bối cảnh dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh là nơi có mật độ các chuyến bay đi đến nhiều nhất nước, việc khai thác các chuyến bay rất hạn chế. Thực tế đã phải tạm dừng khai thác chuyến bay đi từ TP Hồ Chí Minh đến một số địa phương. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh và các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện tại, khung giá dịch vụ vận chuyển được quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, khung giá có dải giá từ 0 đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay.
Cụ thể, giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá từ 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với dải giá linh hoạt từ 10-15 mức giá, tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.
Trước đó, tháng 6/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về việc chấp hành quy định của pháp luật của Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Cụ thể, Tổ công tác xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác báo cáo kết quả làm việc về Bộ Giao thông Vận tải; trong đó, làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc.
Địa phương nào đồng ý kích hoạt bay nội địa sau giãn cách? Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã hoàn thiện dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1, dự kiến thực hiện từ ngày 5/10. Khôi phục vận tải hàng không là vấn đề sống còn Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Cục vừa nhận được văn bản của 3 địa phương:...