Cục Điện ảnh lập tổ quản lý để xử lý phim chiếu mạng có nội dung độc hại
Trước tình trạng phim mạng có nội dung độc hại tràn lan, Cục Điện ảnh đã có những biện pháp xử lý.
Thời gian gần đây, tình trạng những bộ phim có nội dung bạo lực, khiêu dâm với các chủ đề ngoại tình, sugar baby – sugar daddy với nhiều cảnh nóng, gây sốc tràn lan trên không gian mạng. Điều này gây bức xúc trong dư luận.
Phim mạng có nội dung xấu độc tràn lan.
Trước tình trạng này, Cục Điện ảnh đã có biện pháp xử lý. Trao đổi với phóng viên VTC News, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: Cục thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý phim mạng có nội dung xấu, độc hại.
Tổ công tác này sẽ thực hiện một số nhiệm vụ về hoạt động quản lý phổ biến phim trên không gian mạng (gọi tắt là phim mạng). Các nhiệm vụ này cũng nằm trong quy định trong chức năng nhiệm vụ của Cục Điện ảnh.
Các nhiệm vụ cụ thể của Tổ công tác gồm: Tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Cấp, thu hồi Giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Xây dựng và quản lý Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng.
Tổ công tác cũng có nhiệm vụ: Kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim trên không gian mạng; Tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng; Yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng dừng, gỡ bỏ phim vi phạm; Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm; Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm.
Về khía cạnh luật, Cục điện ảnh cho biết Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 31/12/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo… đều có những Điều, khoản quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng mà các chủ thể khi tham gia hoạt động này cần phải thực hiện. Những đơn vị không thực hiện quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, hoạt động của mình.
Các cá nhân không được phép phổ biến phim trên không gian mạng. Điều này được quy định rõ trong Khoản 1 điều 21 của Luật điện ảnh: “Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo thực hiện phân loại phim. Mục b khoản 2 điều 21 Luật Điện ảnh có quy định: “Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật này”.
Hội đồng quốc gia thêm áp lực khi duyệt phim liên quan bí mật đời tư
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói trách nhiệm của hội đồng duyệt phim ngày càng nặng khi phải xác định thế nào là vi phạm đời tư trước khi xem phim.
Phim lộ bí mật đời tư: phạt 50 triệu
Theo Nghị định 128/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2 tới, khoản b, điều 6 "Vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh" quy định: Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác..., trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng.
Chi tiết Khánh Ly cho rằng không có thật trong phim 'Em và Trịnh'.
Trước đó, dư luận ồn ào quanh Em và Trịnh - bộ phim tiểu sử làm về nhân vật có thật là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù nhạc sĩ đã mất nhưng nhiều nhân vật được nhắc đến trong phim vẫn còn sống. Ca sĩ Khánh Ly phản ứng về tình tiết bà đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn khi còn trẻ, lúc hai người gặp trong quán cafe và cho rằng hành động, lời nói của mình không buông tuồng như trong phim.
Trả lời truyền thông, Khánh Ly nói bà không dám dùng những từ ngữ suồng sã với ông như "anh thó của ông Văn Cao à" (một câu thoại trong phim). Khánh Ly miêu tả mối quan hệ giữa bà và Trịnh Công Sơn đầy kính trọng và không giống như trên phim tái hiện.
Đỉnh điểm, gia đình bà Michiko Yoshii - nàng thơ một thời của Trịnh Công Sơn đã lên tiếng phản đối nhà sản xuất Em và Trịnh vì hành vi phổ biến đời sống riêng tư của bà đến công chúng khi chưa xin phép. Phía bà Michiko yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi công khai.
Nguyên mẫu nhân vật Michiko phản ứng với phim 'Em và Trịnh'.
Trường hợp bị nhân vật liên quan phản ứng như Em và Trịnh khá phổ biến trên thế giới, nhất là với những nền điện ảnh lớn thường xuyên khai thác các nhân vật có thật như chính trị gia, thành viên hoàng gia, người nổi tiếng. Phim Once Upon a Time in Hollywood sản xuất năm 2019 từng thắng 2 giải Oscar cũng vấp phải sự phản đối của người thân nhân vật Lý Tiểu Long. Gia đình huyền thoại võ thuật trên màn ảnh cho rằng hình tượng của cố võ sĩ trong phim được Hollywood xây dựng quá ngạo mạn.
Ngày 31/7, Linda Lee Cadwell - vợ Lý Tiểu Long trả lời Los Angeles Times lúc phim ra mắt. Bà khẳng định: "Tôi nghĩ nhân vật giống phiên bản biếm họa của ông ấy. Nó hoàn toàn khác ông ấy ngoài đời". Điều đó cho thấy làm phim về các nhân vật có thật không dễ dàng và khó xác định thế nào là đúng - sai.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành trong ngày khai máy phim 'Hồng Hà nữ sĩ' ngày 7/1 làm về nhân vật lịch sử có thật là bà Đoàn Thị Điểm.
Thế nào là vi phạm đời tư?
Trả lời VietNamNet về vấn đề "tiết lộ bí mật đời tư trên phim", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói phải xác định hành vi vi phạm đời tư nhìn ở góc độ thế nào cho phù hợp. "Vì thực tế hoạt động sáng tác phim ảnh có nhiều phim, kịch bản, nội dung đề cập đến phần đời tư nào đó của cá nhân ngoài xã hội.
Nghị định 128 quy định về điều đó, không chỉ quy định với điện ảnh mà với các lĩnh vực khác đều được đề cập ở bộ luật Dân sự, đó là quyền bảo vệ bí mật đời tư. Còn nội dung đưa vào Nghị định 128 vừa rồi là xử phạt ở mức 50 triệu đồng, theo tôi là tăng so với Nghị định 38 trước đó rồi. Chế tài và mức đưa ra có tính chất cảnh tỉnh và cảnh báo. Tìm hiểu khung chế tài so với luật khác và quy định khác liên quan đến vấn đề này thì thấy mức 50 triệu là phù hợp vì nó phải tương quan với các quy định khác.
Thế nào là vi phạm đời tư? Câu hỏi này chúng ta phải nhìn nhận hết sức cân nhắc vì bản thân điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật hư cấu nên người làm phim sử dụng thông tin và vấn đề liên quan đến đời tư ở mức nào gọi là vi phạm, đến mức nào chấp nhận được?".
Người đứng đầu ngành điện ảnh cũng nói thêm, tư liệu về đời tư là chất liệu ban đầu, vấn đề là khai thác đến đâu và nếu chạm đến đời tư, nên có thỏa thuận xin phép với nhân vật. Ông cho biết Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng đã đưa ra cách xử lý tình huống cho những phim liên quan đến nhân vật có thật ngoài đời. Hội đồng khuyên nhà sản xuất có dòng chữ đầu phim thông báo rằng câu chuyện và nhân vật trong phim là hư cấu, mọi sự trùng hợp với thực tế là ngẫu nhiên.
Minh Hằng vào vai Ba Trà trong 'Chị chị, em em 2'.
Trước câu hỏi của VietNamNet: " Sau khi Nghị định 128 ra đời, Hội đồng duyệt phim có phải cân nhắc nhiều hơn khi duyệt phim liên quan đến nhân vật có thật? Hội đồng có phải tìm hiểu kỹ hơn xem chi tiết trong phim có vi phạm đời tư hay không để ngăn chặn từ trước lúc ra rạp mà xử phạt?", ông Vi Kiến Thành đã có chia sẻ thẳng thắn.
Ông nói: "Khi duyệt phim nào có liên quan đến nhân vật có thật ngoài đời thì Hội đồng phải tìm hiểu trước khi vào xem. Hội đồng cũng sẽ trao đổi với nhà sản xuất xem họ đã xin phép nguyên mẫu ngoài đời chưa".
Ông Vi Kiến Thành cho hay mới đây khi duyệt phim Chị chị, em em 2 sắp ra rạp có đề cập tới nhân vật Ba Trà là kỹ nữ miền Nam xưa, Hội đồng yêu cầu nhà làm phim phải có dòng thông báo rằng mọi sự trùng hợp đều là ngẫu nhiên vì phim là tác phẩm hư cấu.
'Thanh Sói' lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật có thật trong giang hồ.
Có thể thấy với những quy định mới trong Nghị định 128 sắp có hiệu lực, các nhà làm phim có đề cập đến nhân vật có thật sẽ phải cẩn trọng hơn trong quá trình sáng tác. Họ không chỉ nghiên cứu kỹ về nhân vật mà còn phải có sự chấp thuận của nhân vật (nếu còn sống) hoặc gia đình nhân vật đó để tránh rắc rối khi phim công chiếu.
Ngoài ra, nếu tên nhân vật đã được thay đổi, các nhà làm phim nên có dòng thông báo trước khi chiếu việc các nhân vật chỉ là hư cấu, mọi sự trùng hợp đều là ngẫu nhiên. Cách làm này đã được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều phim Hàn Quốc chiếu rạp và gần đây cũng đã xuất hiện trong phim Thanh Sói của Ngô Thanh Vân.
Cục Điện ảnh: Mở rạp chiếu phim đến 2h sáng chứ không thể thâu đêm suốt sáng Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, việc mở rạp chiếu phim sau 0h đáng ủng hộ nhưng chỉ nên mở đến 2h sáng và mở ở những rạp lớn, đủ điều kiện an toàn. Kiến nghị mở rạp chiếu phim sau 0h đáp ứng nhu cầu của khán giảSân khấu thắng lớn với nhiều suất kín vé, rạp phim 'hoan...