Cực chẳng đã mới phải cấm phim Việt!
“Ai cũng mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc, nhiễm bẩn vì chúng đầu độc sức khỏe con người. “Món ăn tinh thần” phim ảnh nếu chứa chất “độc”, chất “bẩn” càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn có cần thiết không?”
Từ trường hợp bộ phim Bẫy cấp 3 bị cấm chiếu gây dư luận trong những ngày gần đây, VietnamNet đã phỏng vấn TS Ngô Phương Lan, Cục Phó phụ trách Cục Điện ảnh về các về đề liên quan đến việc kiểm duyệt phim đang rất nóng hiện nay.
TS Ngô Phương Lan. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Không thể rập khuôn theo cách phân loại phim của Mỹ hay Hàn
- Thời gian gần đây, một số phim nước ngoài lẫn Việt Nam đã không được cấp phép phổ biến tại VN dù đã được quảng bá ngày ra rạp rầm rộ trước đó. Phải chăng Hội đồng duyệt phim quốc gia đang siết chặt việc kiểm duyệt phim để hạn chế các bộ phim “có vấn đề” ra rạp?
- Hội đồng duyệt phim chỉ làm đúng chức năng của mình, nghĩa là thẩm định phim theo đúng quy định của Luật Điện ảnh, Nghị định 54/2010/NĐ-CP và Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim. Những phim vi phạm quy định của pháp luật thì không thể cho phép phổ biến.
- Hai bộ phim gây ồn ào nhất thời gian qua bị cấm phổ biến tại thị trường VN là Trò chơi sinh tử và Bẫy cấp 3. Sau quyết định cấm này, cũng đã có nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến việc kiểm duyệt phim tại VN, xin bà cho biết, cụ thể thì những bộ phim như thế nào thì bị cấm trình chiếu?
- Phim không được phổ biến là những phim vi phạm Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
- Hiện nay chúng ta chỉ có 1 mức phân loại phim duy nhất là: cấm khán giả dưới 16 tuổi, được cho là không phân loại được chính xác cả phim lẫn đối tượng khán giả. Theo bà, có cần thiết phải có thêm những tiêu chí phân loại phim mới để “lọc” người xem hay không?
- Việc đưa vào những tiêu chí phân loại hay không cần có quá trình khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những mức chuẩn phù hợp cho Việt Nam, không thể thấy Mỹ hay Hàn người ta phân loại thế nào thì mình cũng rập khuôn theo như vậy. Còn bao nhiêu nước trên thế giới với bao nhiêu sự khác nhau, ta có “theo” hết được không? Và muốn có cách phân loại mới thì cần phải sửa đổi, bổ sung những điều khoản trong Luật, Nghị định và Quy chế.
Phim không đạt 5 điểm, không được phép phổ biến
Video đang HOT
Bẫy cấp 3 không đạt chất lượng của một tác phẩm điện ảnh bởi các thành viên Hội đồng đều cho điểm dưới trung bình.
- Một thành viên Hội đồng duyệt phim cho biết nhiều phim xem rất dở nhưng vì nó không phạm Luật nên vẫn phải cấp phép phổ biến, hậu quả là những “thảm họa màn ảnh” vẫn lọt cửa kiểm duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ nhiều phim dở hơn nữa để khán giả không bị tra tấn bởi những phim dở và có vậy mới nâng cao dân trí được. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
- Trong Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim đã quy định rõ những phim chất lượng không đạt 5 điểm thì sẽ không được phép phổ biến. Như vậy là ngoài việc vi phạm những điều cấm trong Luật và Nghị định, chất lượng phim cũng là điều kiện để căn cứ vào đó, phim được cấp giấy phép phổ biến hay không. Cụ thể, phim Bẫy cấp 3 không được phép phổ biến vì vừa vi phạm Luật và Nghị định về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, lại vừa không đạt chất lượng của một tác phẩm điện ảnh bởi các thành viên Hội đồng đều cho điểm dưới trung bình.
- Thị trường phim ngoại nhập tại VN có thể nói là rất sôi động khán giả được tiếp cận với nhiều phim mới, thậm chí còn trước cả nhiều nước. Không có quota cho phim nhập (Trung Quốc mới đây đã nâng quota từ 20 lên 34 phim ngoại/năm) là lý do phim ngoại ồ ạt vào thị trường VN mà phim dở không phải ít, trong khi lệ phí duyệt phim lại quá thấp nên các nhà nhập khẩu không cần phải lọc phim trước khi trình duyệt. Theo bà, có cần thiết phải ra thêm chế tài để loại bớt những tác phẩm dở nhằm nâng cao chất lượng thị trường phim chiếu rạp không?
- Việc không có quota cho phim nhập (theo cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO) cũng là điều khó khăn cho quản lý điện ảnh. Muốn giảm tỷ lệ phim nhập thì phải tăng tỉ lệ phim sản xuất trong nước, mà điều này thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Và đúng là lệ phí duyệt phim cũng đã quá lạc hậu, vì lệ phí hiện hành được xây dựng từ năm 1997, nghĩa là cách đây đến 15 năm, trong khi ai cũng biết là tốc độ trượt giá từ đó đến nay như thế nào, lương tối thiểu cũng đã tăng biết bao nhiêu lần.
Hiện nay Bộ VHTTDL cùng Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh Thông tư liên bộ về điều chỉnh mức phí và lệ phí duyệt kịch bản phim, phim và cấp phép hành nghề điện ảnh. Hy vọng Thông tư này sẽ sớm được ban hành và đây cũng là một biện pháp để nhà nhập khẩu và phát hành phim phải cân nhắc khi trình duyệt. Nhưng tôi nghĩ bản thân họ cũng cần có ý thức dân tộc và lương tâm nghề nghiệp, đừng chỉ chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Phim ảnh nếu chứa chất “độc”, chất “bẩn” càng nguy hiểm hơn
Trước Bẫy cấp 3, phim The Hunger Games cũng đã không được cấp phép phổ biến tại VN.
- Trên thực tế, những phim bị cấm phổ biến gần đây đều đã được quảng bá ngày ra rạp từ trước đó rất lâu, thậm chí đã ấn định ngày công chiếu và đặt chỗ tại nhiều rạp chiếu. Hội đồng duyệt và lãnh đạo Cục điện ảnh có cân nhắc đến sự thiệt hại đối với đơn vị phát hành và nhà sản xuất trước khi ra quyết định cấm phổ biến một bộ phim không, thưa bà?
- Việc được quảng bá ngày phim ra rạp, ấn định ngày công chiếu trước khi có giấy phép phổ biến phim vừa vi phạm Pháp lệnh Quảng cáo vừa vi phạm Luật Điện ảnh. Các nhà sản xuất hay phát hành phim muốn không bị thiệt hại trước hết phải nghiên cứu và nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực mình kinh doanh, hành nghề. Thử hỏi nếu ở Mỹ hay ở các nước phát triển khác, anh làm sai luật thì người ta có “thông cảm” và cho qua cốt để cho anh được lợi không?
Còn với những bộ phim vi phạm, nếu Hội đồng cố ý làm sai luật để “cho qua” thì chắc chắn nhà sản xuất và phát hành bộ phim ấy sẽ vỗ tay ca ngợi Hội đồng, nhưng biết bao người sẽ chịu thiệt hại về tinh thần vì những phim như thế? Xã hội sẽ chịu tác động xấu như thế nào từ những phim kiểu này?
Ai cũng mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc, nhiễm bẩn vì chúng đầu độc sức khỏe con người. “Món ăn tinh thần” phim ảnh nếu chứa chất “độc”, chất “bẩn” càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn có cần thiết không?
Cũng có ý kiến cho rằng Hội đồng khắt khe với phim Việt, dễ dãi với phim nước ngoài. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, phim Việt Nam luôn được Hội đồng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Hầu như chưa có phim Việt nào bị cấm phổ biến.
Bởi vậy, quyết định không cho phép phổ biến một bộ phim Việt Nam là điều cực chẳng đã, nhưng ngoài việc thi hành đúng luật, nó còn thể hiện sự tôn trọng những người làm điện ảnh đích thực và vì lợi ích của hàng triệu khán giả bỏ tiền mua vé xem phim!
Hạnh Phương
Theo Vietnamnet
Phim 'ngực khủng' không được duyệt vì quá ẩu
Lý do được một thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia đưa ra về việc "Bẫy cấp 3" không được phát hành là vì: "phim làm quá ẩu, quá bạo lực, nội dung không lợi cho giới trẻ".
Cảnh trong phim "Bẫy cấp 3"
Chiều 8/5, ngay sau khi có thông tin về việc "Bẫy cấp 3" có khả năng không được phát hành, phóng viên đã liên lạc với nhiều thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia, tuy nhiên hầu hết đều từ chối đưa ra thông tin với lý do không có chức năng trả lời. NBK Trịnh Thanh Nhã cho biết về nguyên tắc, khi tham gia hội đồng, các thành viên đều không được phép trả lời báo chí. Chủ tịch, NSND Bùi Đình Hạc thì không nhận điện thoại hoặc tắt máy để né tránh việc trả lời thông đến việc duyệt phim.
Theo thông tin của Vietnamnet, cả 9 thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia đều thống nhất không nên cho bộ phim này ra rạp. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng còn phải chờ lãnh đạo Cục Điện ảnh thông qua trong vài ngày tới. Thời gian gần đây liên tục có thông tin về việc nhiều phim, mà chủ yếu là phim ngoại nhập không nhận được quyết định phổ biến tại thị trường VN. Gần đây nhất là 2 bộ phim: Cô gái có hình xăm rồng và Trò chơi sinh tử.
Việc các bộ phim Mỹ bị ách ở cửa kiểm duyệt không có gì lạ, tuy nhiên việc một bộ phim VN không được phát hành như "Bẫy cấp 3" có thể coi là một sự kiện bởi đa phần các bộ phim nội đều luôn được ưu ái và hiếm có phim nào không nhận được cái gật đầu của Hội đồng duyệt.
"Bẫy cấp 3" là thuộc thể loại rùng rợn, hồi hộp, khai thác cuộc sống của giới trẻ hiện nay. Đây là dự án hợp tác sản xuất đầu tiên của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Trần Trọng Dần trước cả bộ phim "Ngôi nhà trong hẻm" công chiếu hồi đầu năm. Nội dung kể về một nhóm bạn đã quyết định tránh xa Sài Gòn náo nhiệt để cùng nhau đi du ngoạn ở Đà Lạt. Những chuyện kỳ lạ liên tiếp xảy ra đối với nhóm bạn, kéo theo là những hậu quả ngoài sức tưởng tượng, từng người một trong nhóm 5 học sinh bị thanh toán một cách bí ẩn.
Dù được sản xuất từ lâu nhưng tới tháng 4 vừa qua, thông tin về việc "Bẫy cấp 3" sẽ ra rạp vào ngày 18/5 mới được phát đi. Tuy nhiên, hiện tại "Bẫy cấp 3" đã biến mất khỏi danh sách phim sắp chiếu của các website thuộc nhiều hệ thống phát hành phim. Theo một nhà biên kịch là thành viên hội đồng duyệt phim quốc gia thì lý do "Bẫy cấp 3" bị ách lại là vì phim quá dở, thậm chí còn quay bằng máy ảnh. "Phim bán thành phẩm như vậy mà dám đưa lên trình duyệt, hòa âm không ra hòa âm, thu thanh không ra thu thanh, thích thì xổ ra 1 bài nhạc Tây, âm thanh lúc to lúc nhỏ, phải căng tai ra mà nghe, bối cảnh thì vớ vẩn, diễn viên dở. Phim dở mà còn mon men vào hội đồng duyệt!"
Thêm một lý do nữa khiến các thành viên hội đồng duyệt không chấp nhận "Bẫy cấp 3" là vì phim quá bạo lực, có nội dung không phù hợp với giới trẻ khi cho một nhân vật trong phim giết chết 6 người bạn cùng lớp.
Hội đồng không chỉ kiểm soát nội dung mà còn ngăn cả rác nữa!
Trò chơi sinh tử (The Hunger Games) mới đây cũng không được phát hành tại VN
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến liên quan đến các quyết định của Hội đồng duyệt phim quốc gia sau khi một số phim không được phát hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hội đồng duyệt phim quốc gia đã quá nương nhẹ khi vẫn cho nhiều bộ phim có chất lượng kém hoặc quá bạo lực ra rạp. Nhiều phim dù vấp phải những ý kiến tranh luận gay gắt giữa các thành viên trong hội đồng nhưng cuối cùng vẫn được cấp phép phổ biến mà không bị cắt gọt bất cứ cảnh nào bằng cách gắn mác cấm khán giả dưới 16 tuổi.
Hội đồng duyệt phim quốc gia mới thành lập gồm 9 thành viên, đều là những nghệ sĩ có tiếng với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Mỗi tuần hai buổi hội đồng họp lại để xem các phim trình duyệt. Tuy nhiên, công việc gác cổng phim ra rạp không phải là chuyện đơn giản bởi "phim hay thì ít, phim dở thì nhiều, xem xong phim không khác gì bị tra tấn".
"Tôi hơi buồn khi thấy báo chí có vẻ đánh giá lao động của hội đồng không đúng lắm. Chúng tôi là những người làm nghề cả và rất thận trọng trong mỗi thẩm định của mình. Nếu phim không đạt độ chuẩn tối thiểu thì cũng phải dừng lại. Một số phim nhập cũng hấp dẫn đấy, làm cũng giỏi nhưng kích động thần kinh quá thì cũng phải xét lại. Quan trọng nhất là nếu phim không có được ý nghĩa nhân văn cần thiết thì cũng phải xem lại. Nhiều phim xem xong không thấy mang lại điều gì cả, chỉ gây ép phê về thần kinh quá mạnh thì thôi. Xem phim nhiều lúc rất mệt", NBK Trịnh Thanh Nhã nói.
Trên thực tế, chỉ những bộ phim vi phạm luật pháp VN, phạm vào những điều cấm trong Luật Điện ảnh và không có giá trị nhân văn mới bị xử lý không cho ra rạp. Do vậy, nhiều phim dù các thành viên hội đồng đánh giá là "nhạt", được coi là "rác" nhưng do không vi phạm các tiêu chí trên nên vẫn được ra rạp. Một thành viên hội đồng cho biết: "Không phải phim nào cũng là phim hay, phim có tính nhân văn cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lệ phí duyệt phim bao nhiêu năm nay vẫn là 600.000 đồng/phim, thấp như vậy nên họ cũng chẳng cần kén phim làm gì. Phim hay thì ít, dở thì nhiều, nếu phim nào bị ách lại thì kêu ca ầm ĩ, đổ cho hội đồng già và nghiêm khắc. Hội đồng không chỉ kiểm soát nội dung mà phải ngăn cả rác nữa. Có quá nhiều rác thải văn hóa".
Được biết, hiện nay thù lao của mỗi thành viên hội đồng duyệt phim cho mỗi phim trình duyệt chỉ có 40.000đồng. Mức thù lao này được duy trì hơn 10 năm qua trong khi việc xem phim rất mất thời gian và căng thẳng, chưa kể áp lực từ phía dư luận. Một vị sau buổi duyệt phim than trời: "phim dở thế này thù lao 1 triệu cũng không đáng". Do vậy, hầu hết các thành viên của hội đồng duyệt phim đều cho rằng họ ngồi vào vị trí này đều là do ân nghĩa với ngành và muốn giúp đỡ ngành điện ảnh trong giai đoạn khó khăn, cũng là muốn tư vấn để lọc bớt những bộ phim kém chất lượng trước khi nó đến với công chúng.
Hiện nay phim ngoại được nhập về VN với số lượng không giới hạn. Tuy nhiên, tỉ lệ các phim không được trình chiếu rất ít.
Hạnh Phương
Theo Vietnamnet
Phim "nóng" càng cấm càng... hot Việc lạm dụng cảnh nóng từ khâu quảng bá, dẫn đến tâm lý hụt hẫng khi chúng bị cắt bỏ hoặc bộ phim cấm ra rạp là một biểu hiện tiêu cực cho nền điện ảnh nước nhà. Phim bị cấm: Vẫn xem Là bộ phim kinh dị Việt dành cho tuổi teen dự kiến ra mắt vào ngày 18/5 tới, Bẫy cấp...