Cục Cảnh sát Môi trường kết luận vụ ô nhiễm nghiêm trọng tại Hải Dương
Sau loạt bài phản ánh tình trạng gây ô nhiễm của Công ty XNK khoáng sản Việt Nam ở thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Cục Cảnh sát Môi trường đã vào cuộc điều tra và kết luận Công ty này vi phạm nghiêm trọng quy định bảo vệ môi trường.
Như thông tin đã đưa, thời gian qua, báo Dân trí nhận được phản ánh của công dân trú tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim của Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam chi nhánh Hải Dương không tuân thủ đúng các quy định về môi trường do nhà nước ban hành, nhà máy hoạt động sản xuất khi chưa có đủ giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Trong quá trình vận hành, Công ty Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đã tiến hành hoạt động tái chế chất thải luyện kim khiến không khí hôi thối bốc lên nồng nặc, làm chết cá, lúa, hoa màu của nông dân nằm xung quanh nhà máy, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí khiến đời sống dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Về vụ việc này, ngày 18/10/2013, Đại tá Nguyễn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã ký công văn số 1307/CV – C49 (P2) gửi báo Dân trí thông báo kết quả điều tra dấu hiệu vi phạm của Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Nội dung công văn số 1307/CV – C49 (P2) nêu rõ: “Ngày 14/10/2013, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường nhận được công văn (do Lãnh đạo Tổng cục VI chuyển đến) số 128/BBĐ của báo điện tử D ân trí gửi ông Đoàn Tất Kỉnh, Phó Cục trưởng C44 về Nhà máy xử lý chất thải nghành luyện kim thuộc Công ty TNHH Khai thác, chế biến, XNK khoáng sản Việt Nam tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương gây ô nhiễm môi trường.
Công văn Cục Cảnh sát Môi trường gửi báo Dân trí
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường xin thông báo như sau:
Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất phế thải nghành luyện kim tại thị trấn Phú Thứ, Kinh môn, Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000497 ngày 30/12/2010, chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 30/8/2011 và được Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh . Mã số chi nhánh 0101869565 – 001 đăng ký lần đầu ngày 20/3/2013.
Dự án khởi công xây dựng quý II/2011, quý I/2013 hoàn thành và được phép vận hành thử nghiệm theo công văn số 1116/TCMT – QLCT&CTMT ngày 9/7/2013 của Tổng Cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường phát hiện Nhà máy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường nên ngày 12/8/2013, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường ra Quyết định kiểm tra số 103/QĐ – KT.
Quá trình kiểm tra, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường phát hiện Nhà máy xử lý chất thải nghành luyện kim thuộc Công ty TNHH khia thác, chế biến XNK Khoáng sản Việt Nam có những vi phạm như sau:
Video đang HOT
Thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên. Vi phạm vào Điểm đ, Khoản 6, Điều 11, Nghị định số 117/2009/NĐ – CP ngày 31/12/2009, của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bụi lò luyện thép nguyên liệu sản xuất là chất thải nguy hại đang lưu giữ ngoài trời không có mái che để thấm thấu rò rỉ ra môi trường. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ cơ sở xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại, quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 117/2009/NĐ – CP ngày 31/12/2009, của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tại các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển bụi lò không có trang thiết bị phòng ngừa và ứng phó kịp sự cố môi trường theo quy định. Vi phạm vào Điểm c, Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 117/2009/NĐ – CP ngày 31/12/2009, của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Rác thải nguy hại của Công ty XNK khoáng sản Việt Nam để vung vãi ở cảng Phú Thái
Căn cứ tài liệu xác minh thu thập được, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 110/QĐ- XPHC ngày 17/9/2013, với tổng số tiền phạt là 270.000.000đ đối với Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim thuộc Công ty TNHH chế biến, khai thác XNK khoáng sản Việt Nam và yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng qui định. Hiện Nhà máy đang bị tạm ngừng hoạt động vận hành thử nghiệm theo công văn số 1452/TCMT – QLCT&CTMT ngày 5/9/2013, của Tổng Cục Môi trường – Bộ tài nguyên và Môi trường”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương – Vũ Thú
Theo Dantri
Người dân phản ứng dữ dội đòi đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm ở Hải Dương
Cho rằng Cục Cảnh sát Môi trường và Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa xử lý kiên quyết, người dân thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tiếp tục tập trung phản đối, đề nghị đóng cửa nhà máy của Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam.
Sau loạt bài của báo Dân trí phản ánh tình trạng ô nhiễm ở thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xuất phát từ hoạt động tái chế chất thải nguy hại của nhà máy thuộc Công ty Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản (XNKKS) Việt Nam. Ngày 30/8/2013, người dân khu vực thị trấn Phú Thứ tiếp tục tập trung phản ứng dữ dội trước việc Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, làm chết cây cối, hoa màu khi nhà máy đang chạy thử nghiệm.
Trong buổi chiều 30/8/2013, hàng chục người dân đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh Hải Dương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra quá trình cấp phép, dây chuyền xử lý và tái chế chất thải nguy hại, nguồn gốc hàng vạn tấn chất thải luyện kim đang được tập kết tại cảng Phú Thái và khuôn viên nhà máy tái chế thuộc Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam không được che chắn theo quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Người dân thị trấn Phú Thứ chặn đường vào nhà máy tái chế chiều 30/8/2013
Dựa trên tài liệu PV Dân trí thu thập được, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương có trụ sở tại Lô CN19 cụm công nghiệp Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận ĐKKD lần đầu ngày 20/3/2013; Công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại, xử lý chất thải ngành luyện kim; Người đứng đầu Chi nhánh là ông Hà Quang Hoàng.
Ngày 9/7/2013, Tổng Cục môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành văn bản số 1116/TCMT-QLCT&CTMT, phê duyệt kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại với yêu cầu: " Sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm, yêu cầu Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm và ngừng xử lý chất thải nguy hại cho đến khi có ý kiến khác của Tổng cục Môi trường hoặc được cấp Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Tổng Cục Môi trường có thể đột xuất kiểm tra và lấy mẫu giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm".
Tuy nhiên, sau khi được cấp phép chạy thử nghiệm, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đã tiến hành hoạt động tái chế chất thải luyện kim khiến không khí hôi thối bốc lên nồng nặc, làm chết cá, lúa, hoa màu của nông dân nằm xung quanh nhà máy. Vì quá bức xúc, ngày 14/8/2013, đông đảo người dân đã tập trung tại nhà máy gây sức ép, buộc UBND huyện Kinh Môn, UBND thị trấn Phú Thứ mời lãnh đạo Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đến làm việc.
Trong buổi làm việc, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam không xuất trình được đầy đủ giấy phép của các cơ quan chức năng cấp cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải luyện kim, buộc Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kinh Môn, cùng các cơ quan chức năng phải ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhà máy cho đến khi hoàn tất thủ tục pháp lý.
Nhà máy tái chế chất thải bị tạm đình chỉ vì chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ giấy tờ
Ngày 24/8/2013, PV Dân trí đã có mặt tại thị trấn Phú Thứ để làm rõ nội dung đơn phản ánh của công dân. Nhà máy tái chế chất thải kim loại của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam nằm tọa lạc trên diện tích rộng hơn 1ha ở gần khu dân cư và trường học. Chất thải làm nguyện liệu xử lý được liệt vào danh sách chất thải nguy hiểm, nhưng việc che đậy chỉ được thực hiện lấy lệ, nước thải đổ vào hệ thống kênh mương cấp nước tưới phục vụ việc trồng trọt của nông dân.
Ông Trương Ngọc Huy ở khu dân cư số 5 thị trấn Phú Thứ cho biết: "Khi nhà máy này hoạt động là người dân không chịu được mà trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 nằm ngay đây thì các cháu học sinh và người dân nơi đây ngửi nhiều nhất, ảnh hưởng trực tiếp nhất. Sau đó là thiệt hại đến kinh tế của dân, vào vụ trước khi tập kết các vật liệu này về đã bị chết lúa và phải đền 4 triệu rồi".
Cùng trao đổi về việc này, ông Trương Văn Cường, trưởng khu 5 thị trấn Phú Thứ phát biểu: "Là người dân, bằng mắt thường chúng tôi không thể nhận biết từng chất nguy hại trong chất thải Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tái chế. Tuy nhiên, mỗi khi nhà máy xả khói là khu dân cư phải chịu đựng mùi khét, hôi, nồng rất khó chịu. Mặc dù rất bức xúc, nhưng người dân vẫn phản ứng đúng mực buộc Phòng Tài nguyên & Môi trường phải dừng hoạt động của Công ty".
Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, đại diện UBND thị trấn Phú Thứ xác nhận việc Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam bị đình chỉ hoạt động do chưa làm đủ thủ tục, hồ sơ. Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đang ở giai đoạn chạy thử nghiệm nhưng đã tập kết chất thải giữa khu dân cư khiến người dân bức xúc. Hoạt động của nhà máy tái chế chất thải kim loại sẽ bị đình chỉ cho đến khi có đầy đủ điều kiện mới xem xét lại.
Hàng trăm túi thải nguy hại đang ngày đêm "phơi mưa, tắm nắng" ở cảng Phú Thái
Bên cạnh việc đe dọa môi trường ở thị trấn Phú Thứ, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam còn bị "tố" tập kết chất thải không đúng quy trình hàng vạn tấn chất thải ngành luyện kim ở cảng Phú Thái trong nhiều tháng qua, đi ngược nội dung Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011của Bộ Tài nguyên & Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại.
Quy định Thông tư 12 nêu: Vỏ bao bì chuyên dụng có khả năng chống ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hoá học với chất thải bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu; chịu được va chạm, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng thông thường.
Khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển phải có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ chất thải nguy hiểm được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, chịu ăn mòn; không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc có sự cố rò rỉ, đổ tràn...
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế khu vực tập kết chất thải của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tại cảng Phú Thái ngày 24/8/2013 cho thấy hiện có hàng trăm túi đựng chất thải đang bị bục, vỡ, chất thải đổ tràn xuống sân cảng nằm bên cạnh sông Kinh Thầy, nhiều túi chất thải bị nước mưa hòa tan tạo thành vũng.
Để làm rõ phản ánh của công dân, chiều 3/9/2013, PV Dân trí đã đến Cục Kiểm soát ô nhiễm và Cải thiện môi trường - Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) liên hệ làm việc với lãnh đạo Cục về những vấn đề liên quan đến việc cấp phép chạy thử nghiệm, kế hoạch vận hành thử nghiệm Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam nộp lên. Tuy nhiên, bộ phận Văn phòng Cục Kiểm soát ô nhiễm và Cải thiện môi trường lại hướng dẫn phóng viên liên hệ qua Văn phòng Tổng Cục Môi trường với lý do phải có ý kiến đồng ý của cấp trên.
Trong lúc sức khỏe của hàng nghìn người dân xung quanh nhà máy tái chế và cảng Phú Thái đang bị đe dọa, báo Dân trí đề nghị Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Hải Dương tiến hành điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường khi tiến hành xử lý, tái chế CTNH tại thị trấn Phú Thứ. Làm rõ hàng vạn tấn chất thải đang đổ ở cảng Phú Thái có phải là chất thải nguy hại hay không? Nếu là chất thải nguy hại cần phải truy tìm nguồn gốc chất thải thuộc sở hữu của đơn vị nào trước khi vận chuyển về cảng Phú Thái? Tiến hành kiểm tra việc cấp giấy phép hoạt động tái chế chất thải cho nhà máy ở thị trấn Phú Thứ có đúng và đầy đủ các quy định tại Thông tư 12 hay không?.
Ngoài ra, hàng nghìn người dân đang sinh sống xung quanh nhà máy tái chế và cảng Phú Thái cũng đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm và Cải thiện môi trường cho công khai kế hoạch vận hành thử nghiệm của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam. Cục Cảnh sát Môi trường điều tra, làm rõ dấu hiệu kinh doanh trái phép của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam (đăng ký kinh doanh chưa có ngành nghề trên mà đã ký hợp đồng mua bán với các công ty thép).
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong thời gian tới.
Theo Dantri
Phó TGĐ Vinacomin buồn vì lương nhân viên 7,2 triệu đồng Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên mức lương bình quân người lao động chỉ 7,2 triệu đồng/người/tháng. Thông tin này được ông Nguyễn Văn Biên - Phó tổng giám đốc Vinacomin đưa ra tại buổi họp báo quý III/2013 chiều 21/10. Theo ông Biên, do điều kiện tình...