Cuba vững vàng trong đại dịch COVID-19 nhờ chiến lược vaccine nội địa
Trong khi phần lớn quốc gia Mỹ Latinh đều hy vọng mua càng nhiều vaccine COVID-19 từ nước ngoài càng tốt, thì Cuba quyết định tự sản xuất vaccine nội địa.
Nhiều loại vaccine của đảo quốc Caribe này có hiệu quả không thua kém bất kỳ vaccine nào của các quốc gia phương Tây.
Vaccine Abdala của Cuba. Ảnh: Xinhua
Sau khi cơ quan quản lý của Cuba cấp phép cho vaccine COVID-19 có tên Abdala ngày 9/7, Cuba đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên phát triển thành công vaccine COVID-19. Thành công đó nhờ Cuba có ngành công nghệ sinh học, y học chất lượng cao. Trung tâm Kiểm soát Thuốc, Thiết bị và Dụng cụ Y khoa Nhà nước Cuba cho biết vaccine Abdala có hiệu quả 92% sau ba liều tiêm cách nhau 2 tuần.
Theo hãng tin DW, vaccine Abdala không phải là vaccine công nghệ vector, cũng không phải là công nghệ mRNA. Thay vào đó, các nhà khoa học Cuba sản xuất theo công nghệ vaccine tiểu đơn vị protein. Điều đó có nghĩa là vaccine chỉ mang một phần của protein gai – bộ phận mà virus SARS-CoV-2 dùng để bám dính vào tế bào người. Phần protein gai này bám vào các thụ thể của protein gai trên virus, kích hoạt phản ứng miễn dịch. Các nhà khoa học Cuba đã sử dụng men làm miền kết nối thụ thể.
Vaccine Abdala được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, rất thuận lợi cho các khu vực có điều kiện khó khăn về hậu cần hay trang thiết bị bảo ôn. Trong khi đó, các loại vaccine mRNA đòi hỏi điều kiện bảo quản trữ lạnh sâu, khó đáp ứng hơn.
Video đang HOT
Chương trình tiêm chủng của Cuba được triển khai từ giữa tháng 5 bằng vaccine Abdala và Soberana 2, trước khi hoàn thành giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng. Đây là hai loại vaccine COVID-19 đầu tiên ở Cuba sau khi nước này từ chối nhập khẩu vaccine từ nước ngoài.
Trong bối cảnh Cuba bị Mỹ cấm vận nhiều năm, ông Gerardo Enrique Guillen Nieto, Giám đốc nghiên cứu y sinh học tại Trung tâm Công nghệ sinh học và Kỹ thuật Gien (CIGB) ở Havana, cho biết: “Chúng tôi biết rằng cuối cùng chúng tôi luôn phải tự lực, dựa vào sức mạnh và năng lực của bản thân. Kết quả đó là một hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ miễn phí mà còn được kiểm soát tốt, ngày càng hoàn thiện, với khả năng phản ứng nhanh chóng với dịch bệnh”.
Tới nay, Cuba đã tiêm 20 triệu liều vaccine COVID-19. Có 4,91 triệu người đã được tiêm đầy đủ, chiếm 43,4% dân số. Với Cuba, tiêm chủng là cuộc đua với thời gian vì số lượng ca mắc mới ở Cuba đang ở mức cao. Ngày 27/9, Cuba ghi nhận 6.632 ca mắc mới. Cuba đang dựa vào chiến dịch tiêm chủng, bằng các loại vaccine nội địa, để có lợi thế trong cuộc chiến với COVID-19.
Điều thuận lợi ở Cuba là người dân tin tưởng gần như tuyệt đối vào hệ thống y tế của đất nước. Cuba không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tình nguyện viên thử vaccine COVID-19. Ở đây, mọi người đều vô cùng háo hức được tiêm chủng, không ai nghĩ tới chuyện không tiêm vì họ biết tiêm chủng quan trọng thế nào.
Đánh giá về vaccine Cuba khi nước này công bố tỷ lệ hiệu quả, ông Jose Moya, Đại diện của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) tại Cuba, nhận định: “Viện nghiên cứu CIGB có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu vaccine. Tôi tin tưởng kết quả thử nghiệm đã được công bố. Đây là những nghiên cứu nghiêm túc với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và viện chuyên về khoa học”.
Theo ông Moya, bằng chứng tốt nhất là thực tế 80% các loại vaccine từ trước tới nay của Cuba đều do nước này tự sản xuất. Ông không ngạc nhiên về hiệu quả cao của Abdala vì đây là điều hợp lý khi hệ thống y tế Cuba đã hoạt động tốt và bền vững trong hàng chục năm qua.
Cuba bắt đầu tiêm chủng từ giữa tháng 5. Ảnh: AP
Đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, viết: “Bị đại dịch COVID-19 tấn công, các nhà khoa học của chúng ta tại Viện Finlay và Trung tâm Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Gien đã vượt mọi trở ngại và cho chúng ta có hai loại vaccine rất hiệu quả”. Ông Canel khẳng định đây là chiến thắng của ngành công nghệ sinh học Cuba.
Ngoài Abdala, Cuba còn có ba loại vaccine COVID-19 khác đang trong quá trình phát triển, với triển vọng sáng sủa. Trong đó, vaccine Soberana 2 có hiệu quả 91% khi được kết hợp với vaccine tăng cường có tên Soberana Plus. Hai loại vaccine này dự kiến được nhà quản lý cấp phép trong những tuần tới.
Các nhà khoa học Cuba cho biết vaccine COVID-19 nội địa đều có hiệu quả trên 90%. Để so sánh, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 95%, Moderna có hiệu quả 94,1%, Sputnik V có hiệu quả 91,6%.
Cuba đã xuất khẩu các loại vaccine nhiều chục năm qua. Với vaccine COVID-19, nước này bắt đầu xuất khẩu vaccine sang Việt Nam và Venezuela. Một loại vaccine COVID-19 khác do Cuba phát triển cũng đang được sản xuất ở Iran.
Cuba đang chủ động trong chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, một phần quan trọng là nhờ thành công của chương trình vaccine nội địa. Cuba cũng hy vọng mở rộng xuất khẩu vaccine của nước này tới các quốc gia khác. Tuần trước, Cuba đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép cho vaccine của mình.
Cuba trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2-11 tuổi
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 6/9, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine phòng chống COVID-19 cho trẻ em từ 2-11 tuổi.
Một em nhỏ 3 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 24/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuba bắt đầu chiến dịch này vào đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos, với loại vaccine tự sản xuất Soberana 2. Trước đó 1 ngày, đảo quốc Caribe này cũng đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-18 tuổi.
Phát biểu với báo giới, ông Yury Valdez Balbín, Giám đốc Viện Vaccine Carlos Finlay (IFV), đơn vị phát triển 2 loại vaccine chống COVID-19 của Cuba đã được cấp phép sử dụng là Soberana 2 và Abdala, cho biết: "Kể từ khi bắt đầu dự án Soberana, chúng tôi đã nghĩ tới khả năng áp dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên, vì đây là loại vaccine an toàn và được tạo ra trên nền tảng các vaccine dành cho trẻ em khác".
Bộ Y tế Cuba đã công bố kế hoạch tiến hành tiêm chủng mũi đầu - trong liệu trình 3 mũi - cho toàn bộ trẻ em, thanh thiếu niên từ 2-18 tuổi trên cả nước ngay trong tháng 9 bằng các vaccine Soberana 2 và Abdala, với mục tiêu mở cửa trở lại trường học từ tháng 11 tới sau 2 tháng học từ xa.
Đầu tháng này, các quan chức y tế và giáo dục Cuba cũng đã tiếp 2 phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), với mục tiêu thảo luận về việc đăng ký Soberana 2 và Abdala, cũng như triển khai công tác tiêm chủng chống COVID-19 cho trẻ em.
Cùng ngày 6/9, Chính phủ Cuba thông báo kế hoạch mở cửa biên giới vào tháng 11 tới, sau khi hoàn thành cơ bản công tác tiêm chủng. Theo số liệu thống kê chính thức, tới nay Cuba đã ghi nhận 696.904 ca mắc COVID-19, trong đó 653.102 lượt người đã bình phục và 5.788 ca tử vong.
Chủ tịch nước muốn Việt Nam - Cuba đẩy mạnh hợp tác y tế Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ mong muốn Việt Nam - Cuba tăng hợp tác về y tế, dược phẩm tại cuộc gặp Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz ngày 19/9. Tiếp tục chuyến thăm Cuba, sáng 19/9 theo giờ địa phương (tối 19/9 giờ Hà Nội), tại thủ đô Havana, Cuba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc...