Cuba: Cập nhật hệ thống thuế để giảm thâm hụt tài chính
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Bộ trưởng Tài chính và Vật giá Cuba Vladimir Regueiro Ale thông báo nước này đang cập nhật hệ thống thuế để giảm thâm hụt tài chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng peso của Cuba. Ảnh: NNN/TTXVN
Theo đó, Cuba đã sửa đổi một số luật liên quan đến các quy định về thuế, hạch toán đối với những người lao động tự do, ngư dân đánh bắt cá thương mại, phân định trách nhiệm thuế, hình thành giá cả và mối quan hệ giữa các chủ thể kinh tế. Trong số những sửa đổi chính, nổi bật là việc loại bỏ miễn thanh toán cổ tức cho các đối tác của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khi tham gia hệ thống này trong năm đầu tiên hoạt động cũng như đối với việc nộp thuế trong tháng được phê duyệt và trong 3 tháng đầu hoạt động của những doanh nghiệp mới được thành lập.
Theo ông Ale, đối với những ngư dân đánh bắt thương mại, thuế sẽ giảm 5%, khi sản phẩm đánh bắt của họ bị đánh thuế theo yêu cầu của ngành công nghiệp quốc gia và ngược lại, khi thu được lợi nhuận từ việc bán hàng trực tiếp, mức thuế sẽ cao hơn 10%. Những biện pháp trên không chỉ nhằm kiểm soát tài chính chặt chẽ hơn và tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn nâng cao mức độ tham gia của chính quyền địa phương trong việc quản lý ngân sách.
Đề cập đến hoạt động thanh tra thuế, ông Ale cho biết tùy theo mức độ trốn thuế, cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết đinh đóng cửa tạm thời hoặc toàn bộ các cơ sở và thu hồi giấy phép, cùng với các biện pháp trừng phạt khác.
Thống kê của Bộ Tài chính và Vật giá Cuba cho thấy tính đến hết tháng 7/2024, đóng góp của các thành phần kinh tế chiếm 15% tổng nguồn thu ngân sách của nước này.
Cuba: Thâm hụt gần 39% ngân sách năm 2023
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana ngày 17/8, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba cho biết nước này thâm hụt tới 38,8% ngân sách trong năm 2023, mức thâm hụt tài chính lớn nhất kể từ khi đảo quốc Caribe này bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng năm 2020.
Đồng peso của Cuba. Ảnh: NNN/TTXVN
Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức, tổng thu ngân sách của Cuba năm 2023 là 245.076 triệu peso (nhỉnh hơn so với năm 2022, nhưng thấp hơn so với năm 2021), trong khi tổng chi phí tăng lên 340.492,3 triệu peso, lần lượt nhiều hơn 8% và 6% so với các năm 2022 và 2021. Như vậy, Nhà nước Cuba đã thâm hụt ngân sách tới 94.959,1 triệu peso (tương đương 3,798 tỷ USD, theo tỷ giá hối đoái chính thức dành cho các pháp nhân).
Niên giám Thống kê do Bộ Tài chính và Vật giá Cuba công bố cho thấy, thu nhập của nước này chủ yếu đến từ thuế lợi tức và thu nhập phi thuế khác, trong khi các chi phí chính là y tế công và phúc lợi xã hội, hành chính công (bao gồm các hoạt động quốc phòng và tài chính) và giáo dục.
Cuba đã tích lũy thâm hụt tài chính lớn trong 5 năm trở lại đây và kể từ cuối năm 2023, nước này đã đưa ra hai kế hoạch điều chỉnh nhằm tăng thu nhập - chủ yếu là ngoại tệ - và cắt giảm chi tiêu.
Chính phủ Cuba ước tính thâm hụt tài chính năm nay sẽ lên tới 18,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các nhà kinh tế độc lập đã cảnh báo về tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô và lạm phát tại Cuba. Theo Văn phòng Thống kê và Thông tin Quốc gia (ONEI) Cuba, lạm phát hàng năm của nước này ở mức 30,48%.
Cuba điều chỉnh ưu đãi thuế quan Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba mới đây đã quyết định gia hạn đến ngày 31/3/2024 nhiều ưu đãi thuế quan đặc biệt và tạm thời được phê duyệt theo Nghị quyết 280/2023 về việc miễn nộp thuế hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch trong hành lý của người nhập...