Cử tri xin thành phố xử lý quy hoạch ‘treo’
Khổ sở vì bị ảnh hưởng bởi dự án khu du lịch sinh thái “treo” suốt 20 năm, một cử tri khẩn khoản nói trước HĐND TP HCM: “Chúng tôi chỉ xin một điều, nếu không thực hiện được dự án thì thu hồi, trả lại đất cho người dân”.
Chiều 4/10, tại buổi họp tổ với sự tham dự của các cử tri, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, công tác tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của TP, tác động rất lớn đến đời sống của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch. Vì vậy, việc một số đồ án quy hoạch không hợp lý , đặc biệt là nhiều dự án “treo” đã gây rất nhiều khó khăn và bức xúc cho người dân.
Dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bị “treo” gần 20 năm gây khó khăn cho người dân. Ảnh: Hữu Công.
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố cho biết, khắp nơi đều có dự án bị “treo”. Chẳng hạn như dự án Công viên Du lịch sinh thái Sài Gòn Safari với diện tích 400 ha đã đền bù xong từ năm 2004, song hiện dự án tái định cư cho người dân bị giải tỏa vẫn chưa thẩm định xong. “Thử hỏi dự án tái định cư kéo dài như thế thì người dân sẽ ở đâu? Đến bao giờ người dân ở đây mới được tái định cư?”, ông Hùng bức xúc.
Theo một đại biểu huyện Hóc Môn, trên địa bàn có 22 dự án khu dân cư, “nhưng đến nay chưa có dự án nào được làm cho ra hồn”. Nhất là dự án khu đô thị mới An Phú Hưng rộng 650 ha đã có phương án đền bù từ năm 2004, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ chuyển được 3 hộ và tạm ứng tiền cho 4 hộ với diện tích 2,6 ha. Huyện đã kiến nghị với UBND thành phố nhiều lần, chủ đầu tư đã được gia hạn đến 3 lần và mỗi lần lại đổi tên mới nhưng tình hình cũng không thay đổi.
“Với những chủ đầu tư không có năng lực, không có khả năng hoàn thành dự án thì thành phố cần thu hồi để sử dụng đất làm việc khác. Không thể treo mãi như thế được”, đại biểu này kiến nghị.
Tương tự, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, việc giải quyết các dự án “treo” bằng cách cử các sở, ngành đi thực tế rồi về báo cáo như hiện nay không thể giải quyết dứt điểm, mà cần thành lập một đoàn liên ngành là những người có quyền cho thu hồi ngay dự án khi thấy có sai sót hay chủ đầu tư không đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Là một trong những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa bị “treo” gần 20 năm, cử tri Đặng Văn Quốc (phường 28, quận Bình Thạnh) chắp tay khẩn khoản: “20 năm, thời gian đủ để hình thành một thế hệ để xây dựng đất nước. Chúng tôi chỉ xin một điều, nếu không thực hiện được dự án thì thu hồi, trả lại đất cho người dân nhờ”.
Video đang HOT
“Chúng tôi chỉ xin một điều nếu dự án không thực hiện được thì thành phố thu hồi cho người dân được nhờ”, cử tri Đặng Văn Quốc khẩn khoản nói tại buổi thảo luận chiều 4/10. Ảnh: Hữu Công.
Ngoài việc quy hoạch treo, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 cũng là đề tài ‘ nóng’ được nhiều người quan tâm. Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng, quá trình lập quy hoạch chưa tính đến nguồn lực thực hiện được những mong muốn đó. “Quan trọng là đến năm 2025 tổng thu nhập bình quân đầu người đạt bao nhiêu, liệu có đủ tiền để làm những gì chúng ta đã vẽ ra? Ai cũng muốn xây nhà đẹp nhưng khi sờ lại túi tiền thì mới thấy trống rỗng. Phải chăng chúng ta đã duy ý chí khi lập đồ án?”
Không đồng ý với ý kiến của ông Quân, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, quy hoạch là việc bắt buộc, không thể nói chưa có tiền thì không nên làm. “Vấn đề là hiện nay dường như công tác lập quy hoạch của chúng ta đang bị xung đột với cuộc sống của người dân, đây là điều cần giải quyết”, ông Hiếu nói.
Còn theo đại biểu Võ Văn Sen, để TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, dịch vụ của cả vùng Đông Nam Á như trong quy hoạch thì cần mở rộng thêm diện tích. “Ranh giới các tỉnh chỉ có ý nghĩa trên bản đồ hành chính, về kinh tế thì không có ý nghĩa. Tại sao chúng ta không nhập thêm Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) và cả Biên Hòa (Đồng Nai) vào TP HCM để có thêm nguồn lực cho sự phát triển?”, đại biểu Sen đề xuất.
Trong khí đó, đại biểu Trần Văn Thiện lại tỏ ra băn khoăn đối với công tác lập quy hoạch của Việt Nam hiện nay. Theo ông Thiện, các khu đô thị do nước ngoài quy hoạch và xây dựng như Phú Mỹ Hưng… đều rất thành công, trong khi những khu do Việt Nam quy hoạch đều dang dở. “Chúng ta từng hy vọng khu Đồng Đen, Bàu Cát (quận Tân Bình) là một khu đô thị hiện đại thì nay nhìn lại chỉ là một khu vực ngập nước”, ông Thiện dẫn chứng.
Ngày mai, kỳ họp thứ 6 HĐND khóa 8 sẽ bế mạc.
Theo VNE
Bức xúc những khu quy hoạch "treo" cả một thế hệ
"Hai mươi năm sống "treo" trong quy hoạch đã bằng thời gian cho một thế hệ lớn lên rồi. Đề nghị TP coi có làm được thì làm ngay, còn không thì thôi, tháo bỏ giùm cái quy hoạch, trả lại hiện trạng đất trước kia cho người dân an cư làm việc".
Cử tri Đặng Văn Chuốc (P.28, Q.Bình Thạnh) đã bức xúc phát biểu như trên trong phiên thảo luận HĐND TP.HCM chiều nay (4.10).
Với chủ đề "Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị", những khu quy hoạch "treo" trở thành điểm "nóng" được đại biểu (ĐB) HĐND đặt ra thảo luận.
Sống "treo" trong quy hoạch
Tổng hợp các kiến nghị của cử tri TP.HCM, ông Phạm Văn Hải, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, đánh giá: Hiện TP tồn tại không ít quy hoạch "treo" đến cả 10 năm, 20 năm vẫn chưa thấy thực hiện gây bức xúc trong nhân dân.
Có thể kể đến các khu quy hoạch "treo" lâu đời như: khu phố 8, ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp, có diện tích hơn 40 hecta, "treo" 14 năm khu Bình Qưới - Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) "treo" 12 năm dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) "treo" 14 năm,...
ĐB Nguyễn Thành Nhân (Q.Bình Tân) cho rằng chính quyền phải nghĩ đến vấn đề trả thiệt hại cho người dân sống hàng chục năm trong quy hoạch "treo" - Ảnh: Nguyên Mi
Không chỉ thế, thực tế còn tồn tại cả tình trạng dự án "treo" mới chồng lên dự án "treo" cũ. Hiện nay, khu vực các phường 19, 22, Q.Bình Thạnh vốn đã bị dự án xây dựng khu đô thị thanh niên Văn Thánh "treo"... 20 năm chưa xóa thì lại mới bị "treo" chồng thêm dự án khu bờ tây sông Sài Gòn.
"Các khu vực này đang trong quá trình lựa chọn dự án nên không ai trả lời được câu hỏi của người dân ở đây và cả những nơi khác cũng có quy hoạch "treo", là bao giờ quy hoạch được triển khai thực hiện?", ông Hải bức xúc.
Còn ĐB Nguyễn Thành Nhân (Q.Bình Tân) nói."Người dân của chúng ta quá hiền! Người dân chỉ cần hết "treo" quy hoạch là mừng, còn chưa tính đến vấn đề thiệt hại trong suốt thời gian sống trong quy hoạch "treo".
Theo ĐB Nhân, chính quyền phải nghĩ đến vấn đề trả thiệt hại cho người dân và có mức đền bù cũng như cách đền bù hợp lý, thỏa đáng.
Một giải pháp được ĐB Nhân đề nghị là Nhà nước, đơn vị đầu tư cần phải trả tiền đền bù cho người dân ngay khi đã được giao - nhận dự án, được quy hoạch để người dân có kế hoạch an cư.
"Chuyện khi nào dự án đó được thực hiện là chuyện của nhà đầu tư. "Treo" dự án lâu, kéo dài, lỗ thì nhà đầu tư phải chịu chứ không thể để người dân bị "treo", sống 10 - 20 năm mà không có quyền được làm gì trên mảnh đất của mình thì quá thiệt hại!", ĐB Nhân nêu ý kiến.
Đề nghị thu hồi quy hoạch "treo"
"Đề nghị TP phải có quy hoạch chi tiết, không để quy hoạch tràn lan, đụng đâu cũng thấy đóng dấu quy hoạch nhưng lại hỏng vốn, lấy đất nhưng không triển khai dự án", ĐB Phan Thanh Hải (H.Hóc Môn) nói.
Đồng thời, ông Hải cũng đề nghị TP thu hồi lại quy hoạch khu cụm công nghiệp Khánh Đông (H.Hóc Môn) "để địa phương có đất mà làm chuyện khác" vì nhà đầu tư đền bù theo kiểu "da beo", chỗ đền bù chỗ không, gây bức xúc trong nhân dân và cũng không tuân thủ các quy định.
Bị quy hoạch "treo", đường vào khu C30 (nay thuộc tổ 1, 2, khu phố 1, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) lầy lội, ngập nước mỗi khi trời mưa vì không được sửa chữa - Ảnh: Đình Sơn
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Ánh cho rằng giá đất nông nghiệp thuần để tính bồi thường cho người dân còn thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm hiện nay. Điều này gây bức xúc đối với người dân có đất bị thu hồi và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.
Để tháo gỡ những khó khăn trong quy hoạch, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Nguyễn Văn Hải đề nghị UBND TP.HCM rà soát tất cả đồ án quy hoạch đã lập trước đây về nội dung và chất lượng.
Theo đó, quy hoạch nào không còn giá trị thực tế thì nhanh chóng điều chỉnh, thu hồi để trả lại chức năng ban đầu. Đối với việc thực hiện các dự án đã được phê duyệt thì cần kiểm tra lại tiến độ và sớm có quyết định giao đất hoặc thay đổi chủ đầu tư đối với những chủ đầu tư không có năng lực, để quá lâu không làm. Đồng thời, UBND TP cần rà soát các quy định hiện hành không còn phù hợp, kiến nghị Trung ương tháo gỡ để giải tỏa bức xúc cho người dân.
Trước nhiều kiến nghị của cử tri về tình trạng các dự án, quy hoạch treo, HĐND TP đã quyết định dành buổi sáng mai (5.10) để UBND và các sở, ngành có liên quan trả lời chất vấn về quy hoạch "treo" và giải pháp tháo gỡ.
Theo TNO
Phần lớn các dự án "treo" thuộc nguồn vốn ngân sách Phần lớn các dự án "treo" (dự án có tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai chậm) là dự án thuộc nguồn vốn ngân sách. Đó là báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM Đào Anh Kiệt trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa VIII vào sáng nay (4.10)....