Cử tri quan tâm tiền điện, tham nhũng trong chống dịch
Cử tri cho là có tình trạng lập danh sách những người khó khăn trong dịch COVID-19 để hỗ trợ không chính xác, thiên vị…
Ngày 11-5, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM các đơn vị 2, 3, 7 tiếp xúc cử tri các quận 6, 7, 2, Bình Tân để lắng nghe ý kiến cử tri trước thềm kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV.
Cử tri quan tâm đến nhiều vấn đề như dự án Luật Thanh niên, Luật Cư trú, công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống tham nhũng, tiền điện…
Cán bộ lợi dụng chống dịch để tham nhũng
Cử tri Đặng Văn Rần (ngụ phường 14, quận 6) cho rằng Đảng, Nhà nước, người dân đồng lòng trong công tác chống dịch đạt được kết quả to lớn. Tuy nhiên, nhiều cán bộ lại lợi dụng việc chống dịch để tham nhũng.
Ông cũng đề nghị thành lập Văn phòng Ban Nội chính Trung ương phía Nam, có lịch tiếp dân, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với dân về phòng, chống tham nhũng.
Cử tri Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ phường 11, quận 6) nhìn nhận thời gian qua các địa phương đã chung tay làm tốt công tác chăm lo cho bà con khó khăn nhưng cũng có trường hợp lập danh sách không chính xác.
“Khi giao tổ trưởng làm danh sách hỗ trợ để đưa lên, có trường hợp tổ trưởng đưa không chính xác, thiên vị bà con, dòng họ. Cái đó là có…” – cử tri Nhung nêu.
Thay mặt Đoàn ĐBQH TP đơn vị 3, Trung tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến của bà con, truyền đạt lên nghị trường QH.
Video đang HOT
Ông cũng thông tin về chế độ, chính sách hỗ trợ cho người khó khăn do ảnh hưởng của dịch là phải đúng đối tượng. “Có gương người tốt thì cũng có những kẻ lợi dụng phòng, chống dịch để vụ lợi cá nhân như mua máy móc đã nâng giá lên, hiện đang bị xử lý” – ông nói.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (thứ hai từ phải qua), đang trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA
Tiền điện tăng bất thường
Tại quận 7, các ĐBQH TP.HCM đơn vị 2 nghe cử tri phản ánh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc hỗ trợ dân.
Cử tri Đinh Quốc Nam (phường Phú Thuận) cho là các chính sách hỗ trợ người dân trong dịch COVID-19 rất thiết thực. Việc chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo… đã giúp đỡ những người khó khăn trong dịch rất nhiều.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Đỗ Thị Lý đặt vấn đề về lượng điện sử dụng của nhiều hộ gia đình tăng gấp nhiều lần kể từ sau khi thay đồng hồ điện tử nhưng không được công ty điện lực giải quyết.
Trả lời ý kiến của cử tri quận 7, bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết hiện đã có những nội dung, chính sách điều chỉnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước thời kỳ hậu COVID-19, gọi là thời kỳ bình thường mới.
Bà cũng đề nghị UBND quận 7 quan tâm, có trả lời cụ thể đối với cử tri và người dân về phản ánh lượng điện sử dụng của nhiều hộ gia đình tăng gấp nhiều lần kể từ sau khi thay đồng hồ điện tử.
Ở quận 2, quan tâm đến dự thảo Luật Cư trú, cử tri Giang Văn Luận, phường Bình An (quận 2) phản ánh: Từ năm 2006, QH thông qua Luật Cư trú, sau đó sửa đổi nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập buộc phải thay đổi. Cử tri này cho rằng cần bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu như hiện nay mà chuyển sang quản lý bằng mã số định danh qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Chia sẻ với cử tri về dự án Luật Cư trú, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng trong quá trình xử phạt hành chính, có những trường hợp không có một tờ giấy nào để chứng minh người đó là công dân Việt Nam, cơ quan chức năng không truy xuất được địa chỉ thường trú, tạm trú. Về thực tiễn xã hội, những trường hợp này không nhiều nhưng cũng đặt ra việc quản lý nơi cư trú của công dân cần phải xem xét. “Có những trường hợp trong độ tuổi lao động, nay theo công trình này, mai công trình kia, mốt đơn vị nọ, rồi tiến tới lập gia đình…” – ông Khuê nói về cái khó quản lý về mặt dân cư.
Tại các buổi tiếp xúc, các ĐB cũng đã ghi nhận, giải đáp các phản ánh của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường, tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực ở các cơ quan, đơn vị và nhiều vấn đề sát sườn với cuộc sống…
Sáp nhập bốn phường ở quận 2
Liên quan đến ý kiến cử tri về việc sáp nhập một số phường thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết: Quận xây dựng đề án sáp nhập phường An Khánh với phường Thủ Thiêm thành một phường mới và sáp nhập phường Bình Khánh với phường Bình An thành một phường mới.
Ông cũng thông tin về khu đô thị mới Thủ Thiêm là hôm 7-5, UBND TP đã ban hành chính sách bồi thường, hoán đổi đất đối với các hộ dân thuộc khu 4,3 ha đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch. Hiện quận 2 đang xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đối với người dân tại năm khu phố thuộc ba phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh có khiếu nại cũng nằm ngoài ranh quy hoạch, theo ông Hưng, do thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa đối thoại với người dân. Đây là cuộc đối thoại được sự thống nhất giữa Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 22-2 nhưng do ảnh hưởng của dịch đã hoãn lại.
Ông Hưng cho biết dự kiến cuộc đối thoại này sẽ diễn ra cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Cử tri TP.HCM: Ngành tòa án cần hạn chế tối đa án oan
Công việc quan trọng hiện nay của ngành tòa án là hạn chế tối đa án tồn đọng, đừng để xảy ra án oan.
Sáng 6-5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang, cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3 và 4 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Cử tri TP.HCM nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TÁ LÂM
Tại buổi tiếp xúc, ông Hoàng Mạnh Chiến (cử tri quận 3) cho rằng vừa qua trên diễn đàn mạng xã hội, người dân bàn luận sôi nổi về việc TAND Tối cao chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý và dự định dựng tượng tại trụ sở TAND Tối cao mới. "Trong điều kiện đất nước đang khó khăn, người dân không muốn ngành tòa án dựng tượng công lý tại trụ sở tòa án. Việc làm này vừa không cần thiết vừa tốn tiền của dân" - ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, việc quan trọng hiện nay của ngành tòa án là tăng cường trách nhiệm làm sao để hạn chế tối đa án tồn đọng, đừng để xảy ra án oan. Ông Chiến cũng đề nghị nâng cao vai trò giám sát của các ngành liên quan, trong đó có cả vai trò giám sát của Quốc hội.
Liên quan đến sai phạm ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hữu Châu (cử tri quận 3) cho rằng dù đã có nhiều quyết định xử lý kỷ luật đối với những cá nhân liên quan nhưng cần phải xử lý nghiêm hơn nữa. Từ đây, có cử tri khác đề nghị các đại biểu Quốc hội cần phải sâu sát hơn trong công tác giám sát.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TÁ LÂM
Chia sẻ với cử tri về việc TAND Tối cao chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho hay lý do của đề xuất này xuất phát từ việc vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ Hình thư, bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và là vị vua đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ.
Do đó, việc ngành tòa án dự định dựng tượng vua Lý Thái Tông cũng không có gì quá đáng... "Nhưng như cử tri đề cập, trong thời buổi chúng ta còn khó khăn, mọi nguồn lực đang được tập trung cho phòng, chống dịch COVID-19 thì việc này không nên lãng phí tiền bạc của nhân dân. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này và sẽ chuyển đến chánh án Tòa án Tối cao" - ông Quang nói.
Liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Trần Lưu Quang cho biết các đại biểu Quốc hội TP.HCM đã rất sâu sát với bà con. "Như chị Nguyễn Thị Quyết Tâm là người đồng hành ngay từ đầu với bà con Thủ Thiêm, chúng tôi chứng kiến nhiều lần chị Tâm đã khóc trước nghị trường, cho thấy rất trách nhiệm" - ông Quang nói.
Theo ông Quang, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đang có những bước cơ bản để giải quyết quyền lợi của bà con. TP.HCM cùng các cơ quan, ban ngành đã phối hợp với trung ương tính toán, hoàn chỉnh từng bước, chuẩn mực lại... để giải quyết quyền lợi cho người dân cũng như xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm như mục đích ban đầu. "Nói chung, không chỉ vụ việc Thủ Thiêm mà còn nhiều vụ việc khác các tổ đại biểu đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình" - ông Quang khẳng định.
Theo ông Quang, cũng có những việc rất khó giải quyết, không thể giải quyết ngay và không phải việc gì cũng làm được.
Bí thư TP.HCM: Đầu tháng 5 phải giao đất cho dân khu 4,3ha Thủ Thiêm Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM đã làm quá chậm và đề nghị phải giao đất trước ngày 30/4 hoặc chậm nhất đầu tháng 5 cho dân khu 4,3ha Thủ Thiêm. Tại buổi bế mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM chiều 16/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có chỉ đạo...