Cử tri muốn biết rõ số cán bộ thoái hóa, biến chất
Tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng chục đảng viên lão thành đã bày tỏ tâm tư về “một bộ phận không nhỏ cán bộ” thoái hóa, biến chất. Nhiều người lo ngại, Nghị quyết trung ương 4 sẽ không đạt kết quả.
Ngày 1/12, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn San (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, có chính quyền là có tham nhũng nên phòng chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, nó làm đất nước nghèo đi, yếu đi.
“Vấn đề làm thế nào hạn chế và để người ta ghê sợ, coi tham nhũng như ăn cắp ăn trộm, như tội đáng khinh bỉ nhất. Tôi đề nghị Quốc hội tăng cường kiểm tra giám sát các bộ phận dễ xảy ra tham nhũng”, ông San nói.
Dẫn lời Tổng bí thư từng nói, cử tri Nguyễn Đình Chiêu (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, “đã bắt đúng bệnh, đã có thuốc uống hữu hiệu nhưng bệnh nhân hình như chưa uống đủ liều nên bệnh tham nhũng còn dai dẳng, kéo dài”.
Băn khoăn về vấn đề cán bộ thoái hóa, biến chất, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) chất vấn Tổng bí thư: “Tôi xin hỏi, bộ phận không nhỏ chiếm bao nhiêu phần trăm? Bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu? Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu cả”.
Sau khi nêu lại số liệu 48%, thậm chí có tỉnh 70% quyết định của chính quyền liên quan đất đai là sai, là oan cho dân ông Thịnh bày tỏ: “Các đồng chí nói nhiều về việc kỳ vọng sang năm bỏ phiếu tín nhiệm, tôi cũng rất là vui nhưng cũng rất lo. Nếu mang tư tưởng của 48%, 70% vào nghị trường mà bỏ phiếu thì kết quả đi đến đâu? Tôi thực sự lo ngại”.
Video đang HOT
Ông Trần Viết Hoàn: “Tham nhũng làm suy sụp đất nước, làm xấu quốc thể”. Ảnh:Nguyễn Hưng.
Chuẩn bị sẵn bài phát biểu công phu, cử tri Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịchbày tỏ nhiều tâm tư. Theo ông, Nghị quyết trung ương 4 khóa 11 của Đảng đã chỉ rõ bộ mặt thật của một “bộ phận không nhỏ” những kẻ tranh thủ một thời làm quan, cậy quyền vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước.
“Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, làm cái lọng che thân, làm cái cân cho công lý, làm cái cần cho lý trí và tiền với họ là hết ý. Vì vậy, đó là những kẻ quá giàu có, giàu hơn cả thời địa chủ, tư bản. Đảng, Nhà nước, và nhân dân coi đây là giặc nội xâm, giặc quốc nạn”, ông Hoàn ví von.
Vị lão thành cách mạng này cho rằng, chưa bao giờ có nghị quyết của Đảng mà dân coi Tổng bí thư là kiến trúc sư và lại được dân chúng đón nhận, tranh luận như “trời hạn gặp mưa rào”. Song, ông lo ngại cho Nghị quyết này cũng như Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, bởi “nếu làm không làm triệt để thì mọi thứ lại trở về như cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn”.
“Đảng chắc không còn nghị quyết nào hơn nữa, Quốc hội chắc không còn Luật Phòng chống tham nhũng nào hơn nữa. Và như vậy, Đảng, Nhà nước gặp gian nguy gấp bội phần. Theo dõi bước tự phê bình, phê bình vừa qua thì như hòa cả làng, chẳng biết ai tốt ai xấu. Theo dõi những buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp tại kỳ họp quốc hội vừa rồi, cử tri hài lòng bao nhiêu với chất vấn thì lại không hài lòng bấy nhiêu với trả lời chất vấn”, ông Hoàn nói.
Giãi bầy thêm vài điều về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông cho rằng, cuộc vận động mang nặng hình thức, tốn kém, “đi vào lòng dân nhưng chưa vào lãnh đạo”, bởi hàng loạt vụ việc như Vinashin, Vinalines, nợ xấu ngân hàng, trấn áp dân như ở Tiên Lãng, Văn Giang… bị phanh phui.
“Nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng không hiểu sao bộ máy công quyền vẫn chưa thực sự quyết tâm. Chẳng lẽ diễn ra tình hình như bây giờ, tham nhũng hàng trăm nghìn tỷ chỉ cần một lời xin lỗi là xong hay sao? Nếu vậy muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng mà hơn”, ông Hoàn nói và cho hay, mong mỏi của người dân là phải trị bằng được quốc nạn này.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đấu tranh có lý có tình nhằm tất cả cùng tiến lên chứ không phải kỷ luật nhiều thì mới đúng. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phát biểu trước hàng trăm cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, lần đầu tiên nhiều nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Sự gắn kết của Quốc hội với nhân dân thông qua báo chí rất rõ và ông có cảm giác “toàn dân đang bàn việc nước chứ không chỉ Quốc hội”.
Xung quanh câu chuyện giám sát, Tổng bí khẳng định, lần này Quốc hội đã có một bước tiến xa là lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, song ông cũng ghi nhận ý kiến cử tri là cần quy trình chặt chẽ, giám sát kiểm tra, bởi nếu không sẽ lại méo mó.
Tổng bí thư chia sẻ, ông “xúc động với tình cảm của các bác, các đồng chí”, bởi sau khi biết kết quả hội nghị Trung ương 6, có tâm tư thất vọng, bực bội, thậm chí bảo thất bại, không kỷ luật được ai cả. “Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ làm cho mỗi nhiệm kỳ này mà cho cả nhiệm kỳ sau vì nó liên quan tới sự sống còn của Đảng. Đấu tranh có lý có tình nhằm tất cả cùng tiến lên chứ không phải kỷ luật nhiều thì mới đúng. Cái tính Việt, tư tưởng nhân văn và tư tưởng Hồ Chí Minh của nghị quyết là như thế”, ông nói.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu trước mắt đối với cán bộ, đảng viên trước hết phải cảnh tỉnh, đánh thức những người lâu nay bỏ quên những nguy cơ đối với sự sống còn của Đảng. Tiếp đó, là cảnh báo, răn đe và ngăn chặn, cuối cùng mới xử lý kỷ luật.
“Ta ví như nhóm một cái lò, có thể có củi khô, củi ướt. Cái quan trọng là lúc đầu phải nhóm cái lò lên, tạo thành hơi ấm, hơi nóng thì lúc đó củi khô, củi tươi vào cháy hết. Cần đồng lòng nhất trí nhóm lò lên”, lãnh đạo Đảng nói và cho rằng, tự phê bình, phê bình không chỉ là kỷ luật, cần khuyến khích, động viên tính tự giác của mỗi người thì mới bền vững”, Tổng bí thư nói.
Trước chất vấn của các cử tri về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa, biến chất, Tổng bí thư thẳng thắn: “Trả lời câu hỏi này không đơn giản”. Dù điều này đã được nói đến từ lâu nhưng chỉ rõ ra bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì “khó” và “trừu tượng”. Tuy nhiên, ông khẳng định, phải tìm cho ra những yếu tố trọng tâm trọng điểm, nếu không sẽ “hòa cả làng”.
“Nói xây dựng Đảng, tổ chức thì điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng con người. Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu. Đụng đến lợi ích của mình là phản ứng, nhất là lợi ích nhóm khi đã móc ngoặc với nhau thì vô cùng phức tạp”, Tổng bí thư nói.
Giải đáp các băn khoăn về dự án bô xit ở Tây Nguyên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, được nghiên cứu từ lâu. Với trữ lượng bô xit lên tới 5,5 tỷ tấn (chiếm 1/3 trữ lượng thế giới trong đó chủ yếu nằm ở Tây Nguyên), ông khẳng định đây là nguồn lực cần phải khai thác. Khi khai thác phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không làm đời sống người dân khó khăn. Việc khai thác chủ yếu do Việt Nam tự làm và chỉ thuê thuê một số hạng mục công trình của nước ngoài.
Theo VNE
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội
Sáng 1.12, tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 (gồm quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và Tây Hồ) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư - Quốc hội khóa XIII.
Tại buổi tiếp xúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tôi có cảm giác rằng toàn dân đang bàn việc nước chứ không chỉ riêng gì Quốc hội. Với tinh thần làm việc thẳng thắn, có tính chất xây dựng, Quốc hội đã có một bước tiến trong hoạt động của cơ quan dân cử và mong các cơ quan hội đồng nhân dân các cấp cũng đổi mới được như vậy.
Nêu ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội, ông Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) đã phản ánh ý kiến của bản thân cũng như nhiều người dân về Nghị định 71, ông cho rằng khá nhiều người bức xúc về nghị định này khi việc sở hữu chiếc xe máy ở nước ta phải nộp quá nhiều loại lệ phí.
Cũng theo ông Hoàn, hiện nay có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, vì vậy cuộc vận động chống lại tệ nạn trên do Tổng Bí thư khởi xướng được người dân mong đợi, gửi gắm nhiều kỳ vọng vào Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được thông qua. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng việc phê bình, tự phê bình của cán bộ, đảng viên vẫn chưa cao, các vụ tham nhũng, thất thoát tài sản xảy ra ở Vinashin, Vinalines... nhưng chẳng có ai đứng ra nhận lỗi. "Tôi kiến nghị lập ủy ban kỷ luật do Tổng Bí thư làm trưởng ban, sẵn sàng kỷ luật những kẻ tham nhũng" - ông Hoàn nhấn mạnh.
Còn cử tri Nguyễn Đình Chiêu (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, các thông tư, nghị định ở nước ta hiện vẫn mang tính chung chung...Việc các nghị định vẫn chưa đi vào cuộc sống có nguyên nhân bắt nguồn từ người soạn thảo làm việc hời hợt, không đầu tư thời gian thích đáng, quan liêu, trách nhiệm thấp, thiếu tính thực tiễn...
Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn San (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho rằng cần phải tăng cường giám sát các bộ phận dễ tham nhũng, bởi phòng, chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp của toàn Đảng, toàn dân, của toàn hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan công quyền. Cần tăng cường giám sát các bộ phận dễ tham nhũng".
Đồng quan điểm với ông San, ông Nguyễn Bính (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa các đối tượng tham nhũng; đồng thời tăng cường công tác tiếp dân, thường xuyên giữ mối liên hệ với người dân.
Đánh giá về chất lượng kỳ họp thứ tư- Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kỳ họp thứ tư đã có nhiều đổi mới, chất lượng cao, đặc biệt là trong việc xây dựng nghị quyết, các dự án luật, công tác giám sát của Quốc hội.
Về những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất cao chất lượng các ý kiến đóng góp của cử tri với những vấn đề quan trọng của đất nước, là mối quan tâm của đại đa số người dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tôi có cảm giác rằng toàn dân đang bàn việc nước chứ không chỉ riêng gì Quốc hội. Với tinh thần làm việc thẳng thắn, có tính chất xây dựng, Quốc hội đã có một bước tiến trong hoạt động của cơ quan dân cử và mong các cơ quan hội đồng nhân dân các cấp cũng đổi mới được như vậy. Chúng tôi xin tiếp thu và gửi các ý kiến tới các cơ quan chức năng để xử lý. Chúng tôi hết sức trân trọng và xin tiếp thu đến mức cao nhất".
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: Chúng ta đang cố gắng kịp thời thể chế hóa các nghị định, nghị quyết vào cuộc sống, tuy nhiên viêc cụ thể hóa là khó. Chính vì do khảo sát không kỹ, lại vội vàng triển khai, muốn có quy định đi vào cuộc sống nên mới dẫn đến tình trạng nghị định vừa ra thì đã bị dân phản ứng.
Về việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là vấn đề liên quan tới sự sống còn của Đảng. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình phải có lý, có tình, trước tiên là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn; từ đó, mỗi tổ chức, cá nhân tự giác sửa đổi mình. Tổng Bí thư khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 vừa qua của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đạt yêu cầu và vẫn tiếp tục triển khai lâu dài. Việc phê và tự phê không chỉ là kỷ luật, bởi phê bình và tự phê bình là để cùng tiến lên chứ không phải cứ kỷ luật nhiều là tốt.
Theo laodong
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong Tiếp tục chuyến công tác tại TP.HCM, sáng qua 26.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc với cử tri Q.1. Suốt hơn 3 giờ đồng hồ, Chủ tịch nước đã lắng nghe ý kiến cử tri, chủ yếu xoay quanh vấn đề chống tham nhũng, lợi ích nhóm... Cứ phê phán trực tiếp chúng tôi Là người đầu...