Cử tri Hà Nội lo lắng về ‘rau ngót tắm thuốc trừ sâu’
Tăng giá dịch vụ y tế, an toàn thực phẩm không đảm bảo, cùng với đó là tình trạng xe đỗ tràn lan trên vỉa hè, xích lô nối đuôi nhau gây ùn tắc giao thông… là những vấn đề được cử tri thủ đô chất vấn lãnh đạo thành phố.
Sáng 16/7, tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu HĐND Hà Nội, cử tri Nguyễn Sang băn khoăn về việc tăng giá dịch vụ y tế vừa được HĐND thông qua. Ông yêu cầu tăng giá dịch vụ phải đồng thời với nâng chất lượng khám bệnh, trách nhiệm của y bác sĩ. Người khám bảo hiểm y tế thường phải chờ đợi rất lâu và không được quan tâm nên phần lớn người bệnh vẫn phải khám theo yêu cầu với chi phí cao hơn.
Cùng với chữa bệnh cần phải quan tâm tới phòng bệnh, bởi hàng ngày nhân dân phải tiếp xúc với nhiều thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Báo chí mới đây đưa khoai tây độc từ Trung Quốc vào bếp ăn tập thể, rau ngót tắm thuốc trừ sâu khiến cử tri không yên tâm”, ông Sang bày tỏ.
Nhiều cử tri khác cũng phản ánh tình trạng vi phạm trật tự đô thị như lấn chiếm vỉa vè, lòng đường làm chỗ đỗ xe trên phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, thiếu bãi đỗ xe trong khu phố cổ, nhiều bốt điện thoại để hoang làm nơi vứt rác, xích lô nối đuôi nhau gây ùn tắc giao thông…
Cử tri quận Hoàn Kiếm chất vấn đại biểu HĐND Hà Nội. Ảnh: ĐL.
“Chỗ để xe cung không đủ cầu nên người dân tìm được một chỗ đỗ rất khó, trong khi đó thành phố chưa quản lý chặt chẽ, để tư nhân sử dụng vỉa hè kinh doanh đỗ xe, công chức chưa gương mẫu khi để xe trên vỉa hè”, ông Nguyễn Đình Chiêu (phường Hàng Đào) nhận xét.
Video đang HOT
Cử tri Đặng Đức Hà, phường Cửa Nam bức xúc trước tình trạng quy hoạch treo 10 năm nay tại nút giao Cửa Nam – Nguyễn Khuyến khiến hàng trăm hộ dân tại đây không được mua nhà tập thể của nhà nước theo Nghị định 61 vì dính quy hoạch, không được cơi nới sửa chữa khiến người dân bức xúc.
Một số cử tri khác cũng đề nghị thành phố cần có những biện pháp cụ thể để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vì nhiều năm nay Hà Nội luôn đứng ở vị trí thấp và có chiều hướng càng thấp hơn.
Giải đáp các thắc mắc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm nên kinh tế tăng trưởng khá. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tồn tại như thị trường bất động sản đóng băng, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, cải cách hành chính chưa tạo chuyển biến lớn. Đặc biệt, chỉ số PCI của Hà Nội vẫn đạt thấp.
“Khi có 10 người tham gia xin dự án thì chỉ một người được, đương nhiên 9 người có những nhận xét không khách quan đối với chúng ta. Môi trường đầu tư ở Hà Nội không phải trải thảm đỏ mà phải lựa chọn chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tự xem xét, tại sao doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh tại Sơn La, Lào Cai hơn cả thủ đô”, ông Thảo nói.
Với các vấn đề trật tự đô thị như xích lô gây ùn tắc, bãi đỗ xe trên vỉa hè, ông Thảo cho biết, việc xích lô du lịch hoạt động cũng có nhiều quan điểm khác nhau như hàng rong, mặc dù gây mất mỹ quan, ùn tắc song vẫn phải tồn tại để giải quyết việc làm cho người lao động nghèo. Thành phố cũng đã yêu cầu kiểm tra rà soát các điểm trông giữ xe trái phép để xử lý.
Với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh chủ chốt, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cảm ơn cử tri và các đại biểu HĐND đã đưa ra đánh giá, tín nhiệm một cách công tâm, khách quan. Trên cơ sở kết quả phiếu tín nhiệm, các thành viên UBND thành phố sẽ nghiêm túc xem lại mình, khắc phục những tồn tại, yếu kém để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo thành phố cũng khẳng định tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chỉ đạo các sở ngành xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Theo Xahoi
TP HCM rút đề xuất tăng viện phí vì sợ người dân 'sốc'
Dù đã chuẩn bị tờ trình tăng phí khám chữa bệnh để gửi HĐND TP thông qua tại kỳ họp lần này, nhưng đến phút cuối UBND TP quyết định không gửi vì sợ tăng cả học phí và viện phí một lúc người dân sẽ rất khó khăn.
Từ ngày 4/7, UBND TP đã có tờ trình gửi HĐND TP đề nghị xem xét thông qua việc tăng viện phí theo thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính (năm 2012) quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày khai mạc (10/7) UBND TP bất ngờ "rút" tờ trình này.
Tại tờ trình vừa nêu, UBND TP cho rằng thông tư liên tịch đã có hiệu lực từ 15/4 năm ngoái, đến nay hơn 60 tỉnh thành điều chỉnh viện phí nhưng TP HCM vẫn chưa thực hiện. Mặt khác, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo sớm trình HĐND TP xem xét, quyết định giá viện phí trong năm 2013.
Theo UBND TP HCM việc tăng viện phí sẽ giúp người dân được sử dụng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn. Ảnh: Thiên Chương.
Hàng năm ngân sách thành phố phải cấp cho ngành y tế đều tăng (năm 2012 là 2.054 tỷ đồng, năm 2013 cấp 2.415 tỷ đồng, tăng 17,6%). Nhưng ngành y tế thành phố đang phải chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người bệnh của cả khu vực phía Nam (khoảng 30% bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện thành phố là từ các tỉnh, thành trong cả nước).
Theo đề xuất trước đó của UBND TP, ước tính tỷ lệ tăng bình quân trên tổng số các dịch vụ kỹ thuật là 149% (1,49 lần). UBND TP cho biết kết quả thẩm định giá điều chỉnh viện phí cho thấy các bệnh viện ở thành phố xây dựng giá căn cứ vào chi phí thực tế phát sinh và các định mức kỹ thuật tiên tiến của Bộ Y tế. Tỷ lệ bình quân mức giá các bệnh viện xây dựng đã được thẩm định bằng 90% khung giá tối đa qui định tại thông tư liên tịch số 4.
Đánh giá tác động của việc đề xuất tăng viện phí đối với người sử dụng dịch vụ y tế và đời sống người dân, UBND TP khẳng định người dân được sử dụng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn cả về chất lượng chuyên môn lẫn phục vụ. Đồng thời cũng cho rằng, trong tổng chi phí khám chữa bệnh thì chi phí thuốc và vật tư chiếm 60%; chi phí các dịch vụ kỹ thuật chiếm 40%. Do vậy việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ điều chỉnh tăng ở phần 40% phí các dịch vụ kỹ thuật, còn thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện.
Chiều 10/7, tại phiên thảo luận tổ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, với tư cách là một vị đại biểu ông rất hiểu việc chưa tăng viện phí lúc này. Nhưng với tư cách là một người công tác trong ngành y tế thì thật sự đây là điều đáng buồn vì ngành đang gặp khó khăn lớn về kinh phí để phát triển. "Mong HĐND cho biết hoãn tăng viện phí trong năm nay thì sẽ được tăng vào khi nào? Năm sau hay bao nhiêu năm nữa để những người công tác trong ngành yên tâm", ông Thượng băn khoăn.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, việc UBND TP đề xuất tăng viện phí là hợp lý và cần thiết. HĐND TP Hà Nội cũng vừa đồng ý tăng viện phí từ 1/8 tới. "Các bệnh viện Trung ương trên địa bàn, bệnh viện ở các địa phương trên cả nước cũng đã tăng hết rồi. Tuy nhiên, kỳ này HĐND TP đã đồng ý tăng học phí vì việc này đã dừng lại quá lâu, đến nay không thể dừng được nữa. Song, không thể vừa tăng học phí vừa tăng viện phí cùng một lúc được vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, tạo tâm lý không tốt trong nhân dân", bà Tâm cho biết.
Theo bà Tâm, Thường trực HĐND TP đã cân nhắc rất kỹ và đưa ra nhiều phương án nhưng không thể cùng một lúc tăng mức phí ở cả những lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Vì vậy, ngành Y tế thành phố cần tiếp tục chia sẻ với khó khăn của người dân. Thành phố cũng đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển đối với ngành y tế chứ không đến mức để ngành "không chịu đựng nổi".
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa VIII, UBND TP đã gửi tờ trình tăng học phí 3-4 lần so với hiện nay. Nếu được HĐND TP thông qua, mức học phí mới sẽ được áp dụng từ năm học tới (2013 - 2014).
Theo VNE
Học phí công lập chất lượng cao tối đa 3 triệu đồng Hà Nội đang thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao và mức học phí tối đa trong năm học 2013-2014 là 2,9 triệu đồng (bậc mầm non) và 3 triệu đồng (bậc THCS, THPT). Ngày 6/7, HĐND Hà Nội thông quanghị quyết ban hành quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập...