‘Cú sốc Hoàng Quyên’ ở Vietnam Idol là một kịch bản tồi?
Việc Hoàng Quyên ở lại “Vietnam Idol” năm nay nhờ sự cứu vớt của giám khảo và sau trường hợp của Uyên Linh năm 2010, nhiều người đã cho rằng “đây là một kịch bản tồi”. Song, liệu đó có phải là sự thật?
Nhiều người đánh giá rằng việc Hoàng Quyên nhận được ít lượt bình chọn nhất và chỉ được ở lại Vietnam Idolnhờ sự cứu vớt của giám khảo là một kịch bản dựng sẵn. Thậm chí, với trường hợp của Uyên Linh ở cuộc thi này năm 2010 và với những gì các vị giám khảo đã thể hiện trên sân khấu tối 7/12, nhiều người còn mạnh dạn cho rằng “đây là một kịch bản tồi”.
Hoàng Quyên trong phần thi vớt.
Video đang HOT
Phải nói ngay rằng chẳng ai có thể khẳng định việc Hoàng Quyên “lãnh một cú sốc” trong đêm 7/12 là “một kịch bản” (chưa nói tới việc kịch bản tồi hay tốt) hay không? (Ngoại trừ những người sản xuất chương trình nhưng dĩ nhiên việc đó sẽ chẳng bao giờ diễn ra). Dư luận luôn rất khó nắm bắt và không bao giờ hài lòng, nếu Hoàng Quyên rời khỏi cuộc chơi và ba vị giám khảo không đưa tay ra cứu, BTC và cả các vị giám khảo sẽ lập tức nhận được một “cơn mưa đá” vì đã không cứu người xứng đáng được cứu nhất. Còn khi họ đưa tay ra cứu, ai cũng đã thấy điều gì xảy ra.
Nhiều người còn cho rằng việc Hoàng Quyên rơi vào vòng nguy hiểm “thật lố bịch” và “hẳn là do BTC sắp xếp để tạo bi kịch, để câu lòng thương của khán giả” nhưng liệu điều đó có đúng? Hoàng Quyên là thí sinh có chuyên môn tốt nhất, có xuất phát điểm cao nhất cuộc thi… Điều đó không khó để nhận ra. Nhưng, cô cũng là người có biểu đồ phát triển kém nhất (và ai cũng có thể nhận ra điều đó).
Suốt cả chặng đường dài mà Vietnam Idol 2012 đã đi qua, trong khi các thí sinh khác thiếu ổn định nhưng đầy cảm xúc (Ya Suy), có những câu chuyện bên lề hấp dẫn (Hương Giang), tốt dần lên (Bảo Trâm)… đã thu hút, tạo cảm xúc cho khán giả thì Hoàng Quyên vẫn luôn hay, an toàn và cô không cho người ta thấy được sự tiến bộ của mình. Vấn đề chính là ở đó (và bất công cho Hoàng Quyên cũng là ở đó).
Các vị giám khảo chia sẻ với Hoàng Quyên.
Về chuyên môn âm nhạc, đa số khán giả truyền hình bây giờ không biết được sự khác biệt giữa chất giọng alto với soprano, không biết được tại sao ca sĩ phải “vô” từ nốt nhạc đó mà không phải nốt nhạc này, tại sao hát như vậy là phô, là chênh… Họ gần như không cảm nhận âm nhạc bằng chuyên môn, họ cảm nhận âm nhạc bằng cảm xúc. Vậy nên việc khán giả không nhắn tin bình chọn cho Hoàng Quyêncũng không có gì khó hiểu. Cô là một cái gì đó rất đẹp, rất hay nhưng xa cách và khó để “cảm”.
Vậy nên, có thể nói việc các vị giám khảo tỏ ra “hờn dỗi”, trách móc khán giả đã không nhắn tin cho Hoàng Quyên và xin lỗi vì đã để cô buộc phải ở lại cuộc thi ở thế “được cứu vớt” mới thực sự là “một kịch bản tồi”.
“Tồi” ở đây là bởi, giám khảo có lẽ cũng không hiểu một điều tối thiểu rằng khán giả của họ không coi Vietnam Idol với tâm thế của nhạc sĩ, của đạo diễn, của ca sĩ, của nhà báo am hiểu nhạc lý hay của giảng viên âm nhạc… Họ chỉ đơn giản coi Vietnam Idol với tâm thế của một người muốn được giải trí đơn thuần…
Các thí sinh vui mừng vì Hoàng Quyên được ở lại.
“Tồi” ở đây nữa có lẽ là bởi cách các vị giám khảo gần như phải “van xin” rằng khán giả ơi hãy bỏ phiếu đi, hãy bình chọn đi “thấy cứ tội tội”. Bình chọn hay bỏ phiếu ngoài việc giúp một thí sinh ở lại với chương trình còn là “đổ thêm gạo” vào “nồi cơm” của nhà sản xuất. Nhưng nó cũng là cách mà khán giả thể hiện tình yêu với thí sinh mà họ thích. Mà tình yêu thì, thật đáng thương nếu nó có được bằng sự cầu xin.
“Tồi” ở đây còn là ở chỗ, với những gì các vị giám khảo đã nói, với những giọt nước mắt đã rơi và với sự cứu vớt này… chắc chắn áp lực đè lên Hoàng Quyên lại càng nặng nề hơn. Liệu có ai dám khẳng định Hoàng Quyên sẽ vì điều đó mà thay đổi? Liệu có ai dám đứng ra chống lại dư luận (chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn nếuHoàng Quyên đoạt giải quán quân năm nay như Uyên Linh đã làm năm 2010). Bởi khi đó “nghi vấn” về “kịch bản tồi đi theo vết xe năm 2010″ sẽ lại hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
Vậy, “cú sốc của Hoàng Quyên” liệu có là một kịch bản tồi???
Theo Dân Trí