Cụ ông ở làng quê Hà Tĩnh 107 tuổi vẫn nhổ cỏ, trồng rau
Tuy đã 107 tuổi nhưng cụ ông Hoàng Nhiên, tên thường gọi là cụ Hòa (SN 1913, thôn Trường Thanh, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn tự nấu ăn, trồng rau, làm thơ và đọc sách không cần dùng kính lão…
Theo chân của người dẫn đường, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà nhỏ phủ đầy cây trái, được sắp xếp gọn gàng, không ai nghĩ đây là ngôi nhà của cụ ông 107 tuổi đang sống một mình.
Cuốc cỏ, trồng rau, chăm cây, tự lo sinh hoạt cá nhân là việc làm hằng ngày của cụ ông 107 tuổi Hoàng Nhiên
Đang tưới cây ngoài vườn, cụ Nhiên thấy khách tới nên vui vẻ trở vào trong. Tiếp chuyện chúng tôi một cách rành mạch, cụ Nhiên cho biết: “Cụ sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, cụ là người con thứ 6 trong gia đình và hiện chỉ còn cụ và người em trai út tròn 100 tuổi còn sống…”.
Trải qua cuộc sống hơn cả thế kỷ, cụ Nhiên chia sẻ những chiêm nghiệm cuộc sống hết sức đặc biệt.
Theo như lời cụ Nhiên kể, cụ từng tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 tại quê hương. Năm 1946, cụ tham gia ban lãnh đạo xã, làm Xã đội trưởng. Tháng 10/1949, cụ tham gia bộ đội kháng Pháp và được cấp trên tín nhiệm, giao phụ trách lớp tân binh khóa I tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là 2 tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An), rồi làm Chính trị viên phó.
Năm 1950, cụ được điều vào chiến đấu tại mặt trận Bình – Trị – Thiên, đến năm 1953, cụ phục viên trở về địa phương lao động sản xuất, sống cùng vợ con.
Video đang HOT
Cụ Nhiên có thể đọc sách không dùng kính……và sáng tác thơ ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt, cụ được điều về làm Chủ nhiệm HTX Trường Thanh xã Kỳ Thư. Cho đến mãi sau này, khi cấp trên có chủ trương di dời dân Trường Thanh đến vùng giáp ranh với xã Kỳ Thọ thành lập HTX Đan Thanh, cụ mới được về nghỉ ngơi với gia đình.
Khi được hỏi về bí quyết sống trường thọ của mình, cụ Nhiên cười hồn hậu: “Ngoài việc chăm tập thể dục, lao động nhẹ nhàng như trồng rau, cuốc cỏ, thì theo tôi chế độ ăn uống cũng hết sức quan trọng, hạn chế ăn thịt, đồ ăn cay, không uống bia rượu và trong khẩu phần ăn phải có hoa quả, rau xanh. Quan trọng hơn nữa là tinh thần phải luôn vui vẻ, lạc quan…”.
Cụ Hoàng Nhiên ngồi bên cạnh con trai trưởng 81 tuổi của mình.
“Bà nhà tôi mất hơn chục năm rồi, nhưng đối với tôi, quãng thời gian được sống bên bà ấy là điều hạnh phúc nhất. Mấy chục năm sống bên nhau, vợ chồng chúng tôi không mấy khi lớn tiếng cãi cọ, dù bực dọc chuyện gì cũng nhẹ nhàng sẻ chia. Tôi sống được tới giờ cũng nhờ sự chăm sóc của bà ấy. Tình yêu của người già chúng tôi cũng giản đơn lắm, cuộc sống vợ chồng cũng nên như vậy, suy nghĩ nhẹ nhàng, lạc quan và yêu thương nhau nhiều hơn…” – cụ Nhiên trò chuyện.
Ông Hoàng Xuân Hòa (81 tuổi, thôn Trường Thanh, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), con trai cả của cụ Nhiên, chia sẻ: “Lúc mẹ tôi mất vào năm 2008, bố tôi rất đau lòng, mặc dù con cái ra sức thuyết phục cụ về sống cùng nhưng cụ một mực khước từ. Cụ bảo cụ còn sức khỏe còn tự chăm sóc được bản thân và quan trọng hơn là phải ở lại nhà chăm sóc nhà cửa, hương khói cho mẹ tôi. Nhà có 8 anh em nhưng 2 anh đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện con cái đều ở xa, chỉ còn lại gia đình tôi ở gần để qua lại thăm nom cụ”.
Cũng theo ông Hòa, hiện cụ Nhiên có 80 người cháu, chắt, chiu nhưng cụ đều nhớ rõ mặt, rõ tên từng đứa. Dù cụ Nhiên đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn cuốc đất, nhổ cỏ, trồng các loại cây ăn quả và các loại rau củ trong vườn. Ngày nào cụ cũng luôn tay lao động, cứ rãnh rỗi cụ lại lấy giấy bút làm thơ, viết những mẫu chuyện mà cuộc đời cụ đã trải qua…
Theo Thu Trang (Báo Hà Tĩnh)
Bình Định: Trồng rau theo cách này, bỏ túi hàng trăm triệu/năm
Bén duyên với mô hình trồng rau rau an toàn, một lão nông ở tỉnh Bình Định mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng chục tấn rau, củ, quả thực phẩm, thu về hơn 150 triệu đồng.
Bắt đầu giữa năm 2018, mô hình trồng rau rau an toàn theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Thái Tha (56 tuổi, ở xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) được Trung tâm Khuyến nông Bình Định và Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn phối hợp xây dựng trên đất gò Soi Triệu, với quy mô 2.000m2.
Sau gần 2 năm thực hiện, thu nhập của nông dân này đã tăng lên rõ rệt, tăng cao gấp 2 - 3 lần so với cách trồng rau truyền thống trước đây.
Mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Thái Tha mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Tha, gia đình ông từng trồng rau theo kiểu truyền thống nhưng thường xuyên thất thu do chịu nhiều tác động xấu của thời tiết. Năm 2017, vườn rau nhà ông hầu như bị mất trắng do sâu bọ gây hại, thua lỗ hơn chục triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.
Đến năm 2018, được ngành khuyến nông hỗ trợ, ông Tha bén duyên thực hiện mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ. Mô hình trồng rau này đã giúp ông chủ động hơn trong sản xuất và trồng thành công nhiều loại rau, củ, quả.
Ông Nguyễn Thái Tha cho biết, mỗi luống rau được trồng trong vòm lưới thấp của mô hình có diện tích 36m2, trung bình mỗi luống rau cho từ 50 - 60kg, cao gấp 3 lần so với trồng rau truyền thống.
Ông Tha bên luống dưa leo siêu sạch.
"Với 40 luống rau an toàn trong mô hình, qua 4 vụ sản xuất đầu tiên trong năm 2018, mỗi vụ rau từ 20 - 25 ngày đã cho tôi thu hoạch trên 8.000kg rau các loại, đó là chưa kể các loại củ, quả khác trồng xen. Giá bán tùy theo vụ, bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi vụ rau cho tôi thu nhập hơn 25 triệu đồng. Từ thiếu thốn, hiện gia đình tôi đã có thu nhập ổn định", ông Tha cho hay.
Thấy trồng rau hữu cơ có lãi, năm 2019, ông Nguyễn Thái Tha tiếp tục thuê 3.000m2 đất liền kề để mở rộng diện tích trồng rau. Gia đình ông trồng thêm các giống rau mới, như: Bí đao siêu quả, bí đỏ hồ lô, bí xanh trái dài, dưa leo xanh, cà tím, ớt, khổ qua, đậu cô ve,... Từ đó, ruộng trồng rau hữu cơ của ông Tha luôn đảm bảo đầy đủ sản phẩm rau quả an toàn phục vụ cho thị trường.
Rau, củ, quả thực phẩm được trồng theo quy trình an toàn, trồng rau hữu cơ khi xuất bán ra thị trường được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Tha còn dành 500m2 đất để trồng thường xuyên các loại hoa cúc cắm bình, hoa cúc vạn thọ bán cho bà con trong vùng vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng. Trong năm 2019, ông Tha đã xuất bán ra thị trường trên 25 tấn rau, củ, quả thực phẩm các loại, thu lãi trên 150 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Phước Công, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), rau hữu cơ là một trong những mô hình nông nghiệp sạch mang về lợi nhuận cho nông dân. Đối với người trực tiếp trồng rau hữu cơ thì chi phí vốn đầu tư ban đầu thấp, lại sản xuất được quanh năm, làm được cả rau trái vụ. Đặc biệt, mô hình trồng rau của ông Tha hạn chế được những bất lợi do thời tiết gây ra cũng như ít tiêu tốn chi phí các khoản phân vô cơ, thuốc trừ sâu hóa học, công chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Danviet
Điện Biên: Trồng rau mùa nào thức nấy-bí quyết có tiền quanh năm Gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng các loại rau, mùa nào thức nấy, chị Lê Thị Thọ, đội 19 (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho cả gia đình. Chỉ với 1,3 ha đất mà chị Thọ trồng đủ thứ rau xanh mơn mởn, như: Rau cải ngọt, cải ngồng,...