Cụ ông mất hơn 700 triệu đồng sau cú điện thoại lạ
Từ thắc mắc về cước phí điện thoại “khủng” phải trả, ông Thành bị kẻ ở đầu dây tự xưng là cảnh sát lừa lấy 720 triệu đồng.
Một ngày cuối tháng 6, ông Thành, 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở quận Hai Bà Trưng tới trụ sở Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội – PC50, trình báo bị lừa mất toàn bộ số tiền tích cóp.
Ông Thành cho biết, sáng 23/6, đang ở nhà thì điện thoại bàn đổ chuông. Một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên VNPT thông báo gia đình ông phải trả gần 9 triệu đồng cước tháng 6. Thắc mắc, ông được người này hướng dẫn bấm phím “9″ để kết nối tới cơ quan công an để làm rõ.
Từ đây, giọng một người đàn ông miền Nam giải thích, ngoài số điện thoại tại Hà Nội, ông Thành còn đứng tên đăng ký một số khác tại TP HCM. Sau đó, người này yêu cầu ông cung cấp số điện di động đang sử dụng để liên lạc.
Mỗi lần người này gọi điện, trên màn hình di động của ông Thành hiển thị số gọi đến là ( 83) 92311xx. Anh ta hướng dẫn ông có thể tìm hiểu số điện thoại trên qua tổng đài 1080 sẽ biết đang làm việc với ai. Gọi kiểm tra, ông Thành được trả lời số máy trên là của một đơn vị Công an tại TP HCM.
Giấy biên nhận nạn nhân nộp tiền và những chiếc thẻ được chúng rút tiền của các bị hại
Người này sau đó chủ động liên lạc lại với ông Thành và chuyển máy để ông nói chuyện với sếp của anh ta. Người tự xưng là Lê Minh cho biết đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Huy Hùng, nhân viên một ngân hàng cầm đầu.
Video đang HOT
Theo lời Lê Minh, Hùng đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh heroin nên cần làm rõ những người liên quan.
Sau đó, “điều tra viên” này tra hỏi ông Thành có giao dịch nhà đất, chứng khoán hay có tài khoản, sổ tiết kiệm… tại ngân hàng này không? ông thật thà “khai báo” có một sổ tiết kiệm 720 triệu đồng gửi tại ngân hàng; đồng thời khẳng định bản thân là cán bộ hưu trí hoàn toàn trong sạch, số tiền trên không liên quan gì đến tội phạm.
Lê Minh đề nghị ông cung cấp số sổ tiết kiệm để “xác minh”. Sau đó, Minh nói vì cơ quan điều tra ở TP HCM nên không có điều kiện tới ngân hàng nơi ông Thành gửi tiền để làm việc. Kẻ này đề nghị ông chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ điều tra”.
Với mong muốn nhanh chóng được “minh oan”, ông Thành rút toàn bộ tiền gửi vào số tài khoản do Lê Minh cung cấp. Trong thời gian từ sáng đến 16h30 cùng ngày, ông thực hiện mọi yêu cầu do Lê Minh đặt ra như không tiết lộ việc đang “cộng tác với cơ quan công an” cho bất cứ ai, kể cả người thân; giữ liên lạc, không ngắt điện thoại và làm theo mọi hướng dẫn của “công an”.
Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, Lê Minh cho biết cơ quan công an sẽ hoàn lại tiền cho ông Thành vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy liên lạc từ Lê Minh, ông gọi lại nhưng không được nên trình báo cơ quan chức năng.
Theo thống kê của PC50 Hà Nội, chỉ trong thời gian từ cuối tháng 5 đến 23/6, có 16 người dân ở các tỉnh thành trên toàn quốc bị lừa đảo với phương thức tương tự. Trong đó, có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP HCM bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, trong vòng một tuần giữa tháng 6, có 3 người cũng dính bẫy lừa đảo qua điện thoại, bị chiếm đoạt gần một tỷ đồng.
Cảnh sát cho hay, những cuộc gọi trên đều liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP), do kẻ xấu sử dụng công nghệ cao và thiết bị thông tin trái phép để thực hiện. Khi hiển thị trên màn hình, những số điện thoại này bắt đầu từ mã quốc gia ( 83), nhưng người nghe đã nhầm tưởng, chỉ căn cứ vào những số cuối, trùng với số điện thoại có thật tại Việt Nam.
Qua thực tế điều tra cho thấy, những kẻ lừa đảo có tổ chức, là người nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia) cầm đầu và lôi kéo người Việt Nam tham gia. Khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản sẽ bị chúng rút tiền ngay để chiếm đoạt, hoặc chia nhỏ vào nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển ra nước ngoài để thực hiện việc rút tiền.
Theo Đời sống Pháp luật
Bắt đối tượng tàng trữ hơn 100 tép heroin
Từ cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại, nhóm đối tượng lừa đảo đã tự xưng là công an rồi "diễn kịch" như đang thẩm vấn tội phạm khiến nhiều nạn nhân hoảng hốt, sập bẫy chiêu lừa này để rồi bị chiếm đoạt mất hàng chục tỷ đồng.
Cuối tháng 3/2014, bà N.T.H. (53 tuổi, ngụ quận 1) bất ngờ nhận được cuộc gọi vào số máy bàn, thông báo: "Thuê bao quý khách đang nợ tiền cước 8,93 triệu đồng, để biết thêm thông tin bấm phím 0, khiếu nại bấm phím 9". Theo chỉ dẫn của cuộc gọi, bà H. bấm phím 0 thì được đầu dây bên kia nhận là nhân viên của VNPT, đồng thời hỏi về thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà...
"Sau khi hỏi hết thông tin cá nhân của tôi, họ nói là thuê bao của tôi nợ cướp gần 9 triệu đồng, có phát sinh cuộc gọi ra nước ngoài. Khi tôi thắc mắc mình mới đóng cước điện thoại xong và không gọi điện ra nước ngoài thì đầu dây bên kia khẳng định tên tôi được đăng ký một số điện thoại ngoài Hà Nội và cước của cuộc gọi này đang nợ 8,93 triệu đồng" - Bà H. Nhớ lại.
Chỉ bằng những cuộc điện thoại và "kịch bản" dựng sẵn, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng chiếm đoạt được hàng chục tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
Cũng theo bà H. người này đề nghị bà giữ máy để họ chuyển qua số tổng đài công an Hà Nội. Sau vài tiếng chuông chờ, bà H. gặp một người đàn ông xưng trực ban công an Hà Nội. Người này thông báo bà H. không chỉ nợ tiền cước điện thoại mà còn liên quan đến đường dây rửa tiền và công an Hà Nội đang lập chuyên án, đã bắt giữ được nhiều đối tượng trong đường dây này. Khi nói chuyện qua điện thoại, và H. còn nghe được tiếng còi hú, tiếng báo cáo như trong trụ sở công an.
Ngay sau đó, bọn chúng yêu cầu bà H. cung cấp số tài khoản, số dư tài khoản tại các ngân hàng và buộc bà H. phải nộp 200 triệu đồng cho cơ quan điều tra để xác minh nguồn gốc số tiền, sau hai giờ đồng hồ nếu xác minh xong không có gì bất thường, không liên quan đến bọn tội phạm rửa tiền thì sẽ trả lại bà H. 200 triệu đồng này. Đồng thời, nhóm lừa đảo yêu cầu bà phải giao số tiền này cho "một cán bộ viện kiểm sát". Một lát sau, có người đến nhà cho bà H. xem thẻ tên Nguyễn Văn Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM. Đối tượng này nhận tiền rồi lên taxi đi mất.
Trước đó, vào sáng 28/3, bà Lê Thị T.N. (55 tuổi, ngụ quận 10) nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP Hà Nội, thông báo bà N. đang nợ tiền cước điện thoại, hiện Công ty điện thoại đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra. Nếu bà N. không muốn bị điều tra thì chuyền tiền vào tài khoản tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) do Lê Thị Mỹ Hồng đứng tên.
Cũng với chiêu thức tương tự, 8h sáng 29/3, chị Huỳnh Ngọc M.L (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty VNPT, thông báo nợ cước điện thoại 8 triệu đồng và cho biết, hiện đang bị Bộ Công an xác minh vì có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Nghe thông tin này chị L. hoảng hốt giải thích rằng mình không liên quan gì. Đối tượng ở đầu dây bên kia liền yêu cầu chị L. chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trịnh Thành Trung tại ngân hàng Teccombank để xác minh, làm rõ. Đến khi phát hiện nhiều điểm nghi vấn và biết mình bị lừa, cả hai nạn nhân trên đã đến cơ quan công an trình báo.Bị rơi vào "kịch bản" chuẩn bị khá kỹ lưỡng của bọn lừa đảo, nên chiều cùng ngày, bà N. đã chuyển 250 triệu đồng vào số tài khoản trên tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh 3/2, quận 10.
Cảnh giác với những cuộc điện thoại "lạ"
Một đối tượng người Đài Loan trong đường dây sử dụng công nghệ cao, điện thoại đi lừa đảo bị công an TP.HCM bắt giữ
Theo thống kê, đầu tháng 8/2013 đến nay, các băng nhóm lừa đảo đã giăng bẫy hàng trăm người, chủ yếu ở TP.HCM, chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng. Dù cơ quan điều tra đã vào cuộc, bắt giữ 42 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm, trong đó có 10 đối tượng là người Đài Loan, phong toả 400 tài khoản ngân hàng và đã thu hồi hơn 5 tỷ đồng nhưng vẫn có nhiều người mắc phải chiêu lừa "nợ cước điện thoại" và "hợp tác điều tra".
Trước thực trạng này, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã có văn bản gửi trưởng công an 24 quận, huyện yêu cầu chỉ đạo trưởng công an phường, lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố tổ chức họp tổ dân phố, phát tài liệu để tuyên truyền đến từng hộ dân và chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại trú đóng trên địa bàn tăng cường cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo. Đồng thời, khuyến cáo các ngân hàng thông báo đến toàn thể nhân viên giao dịch lưu ý nhắc nhở khách hàng khi rút, chuyển tiền từ tài khoản hoặc nộp tiền vào tài khoản của người lạ không rõ ràng.
Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân, lai lịch cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; đồng thời không mua bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng cũng như không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản của cá nhân, tổ chức nào.Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án) khi tiếp xúc, làm việc với công dân đều thực hiện bằng giấy mời hoặc giấy triệu tập, không làm việc thông qua điện thoại nếu chưa có thỏa thuận trước trực tiếp với người được mời; cần tăng cường cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước điện thoại vào các thuê bao cố định (điện thoại bàn) vì đó là phương thức, thủ đoạn lừa đảo của băng nhóm tội phạm quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia.
Trong trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động lừa đảo, hoặc nếu đã bàn giao tài khoản của mình cho người khác sử dụng thì người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn hoặc truy bắt kịp thời.
Theo Dantri
Giải mã những vụ chiếm đoạt tiền tỷ chỉ bằng vài cú điện thoại Từ cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại, nhóm đối tượng lừa đảo đã tự xưng là công an rồi "diễn kịch" như đang thẩm vấn tội phạm khiến nhiều nạn nhân hoảng hốt, sập bẫy chiêu lừa này để rồi bị chiếm đoạt mất hàng chục tỷ đồng. Cuối tháng 3/2014, bà N.T.H. (53 tuổi, ngụ quận 1) bất ngờ nhận...