Cụ ông 91 tuổi ngày ngày bơi 10km : “Sông Hồng như cái ao nhà mình”
Gần 80 năm sải tay bơi trên sông Hồng mỗi sáng, cụ Diễm (Hà Nội) có cơ thể hồng hào, khỏe mạnh như người trung niên.
4h30 sáng, tại căn nhà ở 20 Ngũ Xã, quận Ba Đình, tiếng cửa cuốn mở lạch cạch, con trai cụ Diễm tỉnh giấc. Anh biết bố lại lấy xe đạp ra bãi tắm ven sông Hồng, nhưng không hề lo lắng, vì đó là chuyện thường ngày từ mấy chục năm nay.
Cụ Diễm thường là người có mặt ở bãi bơi sông Hồng sớm nhất, chừng 5h sáng mỗi ngày. Ảnh: Lệnh Thắng.
Rong ruổi 3 km từ nhà tới bãi đất nằm giữa cầu Long Biên và cầu Chương Dương, cụ Nguyễn Hữu Diễm khởi động, nằm dài trên đất tĩnh lặng một hồi. Buộc “phao cứu sinh” là hai cái chai nhựa vào bụng, không kính và mũ bơi, cụ tung mình xuống nước.
Hết bơi ếch rồi bơi sải, cụ Diễm di chuyển từ bãi này đến chân cầu Long Biên rồi lộn về, mỗi vòng tầm 4 km. Bơi 2 – 3 vòng như thế, tổng cộng khoảng 10 km. Sau cùng, cụ “khóa sổ” bằng màn trồng cây chuối 15 phút, trước khi thong thả dắt xe ra về.
“Nhiều năm kinh nghiệm tôi biết rằng nếu cảm thấy mệt, chỉ cần thả lỏng cơ thể ở giữa sông, tự khắc mình trôi theo dòng nước”, cụ nói.
Vợ mất từ lâu, cụ Diễm được 5 người con ủng hộ đi bơi để giữ sức khỏe. Ảnh: Lệnh Thắng.
Đoạn sông này đã quen thuộc với cậu bé Diễm từ năm 12 tuổi, khi còn sống với bố mẹ ở ven sông. Duy trì đến giờ, cụ đã chứng kiến cả cảnh đời thăng trầm của một vài hộ gia đình lênh đênh trên thuyền ở đây.
“Nhiều năm trước, trời Hà Nội rét lắm, người ta gọi là rét ngọt. Tôi ra sông, một gia đình sống trên thuyền thấy thế hoảng hốt tiến đến gần, tôi mới nói mình đi bơi. Sau này ngày nào cũng thấy tôi, họ lại chào vọng từ xa”, cụ ông đã có chắt ngoại nói.
Có lẽ nhờ bơi mà cụ Diễm không bị bệnh lý xương khớp nào, thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn leo bộ 4 tầng nhà. Cụ cũng chưa bao giờ phải nằm viện quá lâu hay ốm nặng.
“Khi mới đến bãi tắm này, tôi nghĩ cụ chỉ khoảng trên 60 tuổi. Biết tuổi thật của cụ tôi khá bất ngờ, khâm phục vì cụ trồng cây chuối được tương đối lâu”, anh Thế Anh, Phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cho biết.
Video đang HOT
Những ngày trời lạnh dưới 10 độ, cụ Diễm thường đi bộ đến bãi tắm, có thêm đèn pin và một nhánh tỏi. “Trời mùa đông, lúc tôi đi bơi vẫn còn nhá nhem tối, đèn để soi sáng, còn tỏi để trừ tà theo cách dân gian, tôi sợ ma lắm”, cụ ông nói, nụ cười hồn hậu.
Ngoài bơi, cụ Diễm cũng rất thích những trò chơi mạo hiểm. Năm 2016, cả gia đình tới Sa Pa để leo đỉnh fansipan, cụ chinh phục độ cao 3.143m, thậm chí còn muốn giúp nhóm công nhân đang khuân đồ lên núi làm cáp treo, nhưng bị từ chối.
Các con của cụ đều thành đạt và hay tổ chức du lịch cho bố. Cụ Diễm đã đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới. Niềm vui lớn nhất tuổi già của cụ là đủ minh mẫn, đủ sức khỏe để đi bơi hàng ngày. “Hôm nào có việc về quê, hay không đến bãi bơi được, người bứt rứt lắm, sông Hồng như cái ao nhà mình, xa thấy nhớ”, cụ nói.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Lệnh Thắng (Vnexpress)
Xóm khét tiếng Sài Gòn : "Chú công an" thương dân, đầy tình người
'Hồi chú Nam làm công an khu vực ở đây vui lắm. Ngày nào chú cũng đi qua nói chuyện, hỏi thăm chúng tôi. Có khi chỉ nói mấy câu là chú đi nhưng ai cũng thích. Bây giờ, chú ấy lên sếp rồi nên khi có chuyện gì chú mới xuống', bà Khuyên năm sinh 1940 nói.
Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam làm Phó trưởng Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM từ năm 2010 đến nay. Dù anh không còn làm công an khu vực ở Mả Lạng đã hơn 9 năm, nhưng bà Nguyễn Thị Khuyên (tên gọi khác là Hai) và những người ở đây vẫn còn nhớ số điện thoại của anh.
Bà cho biết, lâu lâu, bà và mấy người lớn tuổi trong xóm lại bấm số gọi cho anh Nam hỏi thăm sức khỏe hay mời anh đến chơi.
'Hồi chú Nam làm công an khu vực ở đây vui lắm. Ngày nào chú cũng đi qua nói chuyện, hỏi thăm chúng tôi. Có khi chỉ nói mấy câu là chú đi nhưng ai cũng thích. Bây giờ, chú ấy lên sếp rồi nên khi có chuyện gì chú mới xuống', bà Khuyên năm sinh 1940 nói.
Cụ bà cho biết, không giống như bây giờ, Mả Lạng của 20 năm trước, cứ 10 người thì có 9 người nghiện, có nhà 3-4 người nghiện. Người phê thuốc nằm ngổn ngang ngoài đường. Người chết vì sốc thuốc liên tục xảy ra.
Hiện nay, những người sống ở Mả Lạng rất thân thiện, hàng xóm có thể qua lại, trò chuyện với nhau. Ảnh: Thảo Nguyên.
Con trai út của tôi cũng bị nghiện. Nó mất nay đã mười mấy năm rồi', mắt bà Khuyên đỏ au khi nhớ lại kỷ niệm buồn của gia đình.
Im lặng hồi lâu, cụ bà mới cho biết, những năm đó, các gia đình chân chính như nhà bà ai cũng muốn trình báo những bức xúc của mình nhưng không dám. Bà sợ bị trả thù, sợ cả nhà bị ảnh hưởng.
'Lúc đó, chúng tôi không tin ai cả. Nhà lúc nào cũng đóng cửa, không dám nói chuyện với hàng xóm. Chỉ cần mình nói không khéo là có người đến đe dọa', bà Khuyên nhớ lại.
Thiếu tá Nam cho biết, khoảng năm 1999, cơn bão hàng trắng bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Các con nghiện chuyển từ hàng đen sang dùng hàng trắng. Việc buôn bán lợi nhuận cao, vì thế 90% giới giang hồ ở Mả Lạng chuyển sang bán hàng trắng. Các tệ nạn như: mại dâm, cướp giật, đòi nợ thuê, trộm cắp... giảm dần.
'Người có tiền thì nhập hàng nhiều về làm đại lý. Người ít vốn thì lấy hàng đi bán lẻ cho các con nghiện. Mỗi một lô ở Mả Lạng đều có một trùm sỉ, vì thế, nơi này thành chợ bán lẻ ma túy', thiếu tá Nam nói.
Anh Nam cho biết, để che đậy việc làm của mình, các đại ca giang hồ đề ra quy định, không được làm bất cứ việc gì gây chú ý. Nếu muốn làm việc gì thì phải đi ra ngoài.
'Nhìn bên ngoài, Mả Lạng lúc đó rất yên bình. Người trong xóm đi làm từ thiện rất nhiều nhưng bên trong vô cùng phức tạp. Người dân thấy việc bất bình, nhưng sống theo kiểu 'sống chết mặc bay'. Họ không tin bất cứ ai. Họ sợ, trình báo sẽ bị đe dọa, đánh đập', thiếu tá Nam cho biết.
Tháng 10/2001, thiếu tá Nam được phân về làm công an khu vực Mả Lạng. Ngày đầu tiên đến nhận địa bàn, anh thấy nơi đây như một cái hang động.
'Tôi vừa bước vào, một thanh niên đang phê thuốc, nằm vật ra đường, nước miếng cứ trào ra. Đường lầy lội, nhỏ hẹp. Nhà lụp xụp, mái tôn. Quần áo treo khắp nơi. Đèn đường không có. Người đông như một cái chợ. Người cởi trần, xăm trổ. Người nhìn chằm chằm. Mùi hôi của rác thải, quần áo phơi lâu ngày không khô của những con nghiện xộc lên, hôi hám', thiếu tá Nam nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi đến Mả Lạng.
Được trung tá Lê Văn Thoại - người có nhiều năm làm công an khu vực ở Mả Lạng mô tả tình hình, hướng dẫn cho đường đi nước bước là làm sao đừng để mua chuộc và bị đánh hội đồng, cũng như đồng hành cùng người dân, thiếu tá Nam thêm quyết tâm.
'Tôi được bố mẹ cho đi học võ từ năm 8 tuổi. Ước mơ của tôi lúc đó là lớn lên sẽ được làm cảnh sát điều tra, nhưng khi đi học, tôi lại học cảnh sát khu vực. Được giao địa bàn này là đúng nguyện vọng của tôi rồi', thiếu tá Nam nói.
Thiếu tá Nam cho biết, trước đây, các con hẻm ở Mả Lạng rất lầy lội, dơ bẩn, bây giờ đã được láng bằng xi măng, sạch sẽ, có gắn camera theo dõi. Ảnh: Thảo Nguyên.
Tuổi 20, lại là con nhà võ, anh Nam không sợ bị đánh, bị trả thù và bị mua chuộc, điều anh sợ là lòng tin của người dân trong xóm lúc đó với công an.
'Khó khăn lớn nhất lúc đó là người dân ở đây bị mất lòng tin ở công an. Bởi, khi thấy chuyện bất bình, họ báo không thấy công an đến. Các đối tượng thì thường xuyên tuyên truyền ngược. Chúng rêu rao: 'thằng đó, tao mua được rồi'. Thế nên, người dân thấy mình họ lánh', vị thiếu tá năm nay 38 tuổi nói.
Mục tiêu đầu tiên anh đặt ra là, làm sao để tất cả mọi người ở Mả Lạng phải tin mình. Anh tìm xem các bộ phim hành động, đọc truyện trinh thám, Tam quốc diễn nghĩa và các tài liệu mình được học ở trường để tìm phương pháp giải quyết tình thế.
Sau tất cả các cách vạch ra, anh chọn cách kết bạn với tất cả mọi người trong xóm. Đó là, anh đi đến từng nhà, nói chuyện với từng người để có thể nhớ mặt từng người một.
'Lúc đó, không có cách nào bằng cách đổ mồ hôi như vậy. Mình phải chứng minh cho người dân thấy, mình bám đất, bám dân như thế nào, từ đó, họ mới tin tưởng và hợp tác với mình', anh Nam nói.
Đến hôm nay, bà Nguyễn Thị Hoàng vẫn còn nhớ hình ảnh anh Nam mặc đồ cảnh sát, đi đến từng nhà hỏi về việc kê khai nhân khẩu từng hộ trong xóm từ 18 năm trước.
'Chú ấy đi công khai, nói oang oang cho mọi người cùng nghe. Đến nhà tôi chú ấy hỏi, số chứng minh của cô là bao nhiêu. Qua nhà bên cạnh, chú hỏi, nhà này có bao nhiêu người, các thành viên làm nghề gì.
Chú ấy đi đến đâu là ồn ào đến đó. Ngày nào chú ấy cũng đi. Mỗi hôm 6-7 nhà. Không những thế, chú còn quan tâm từng người một, nói chuyện rất lịch sự', người phụ nữ sinh năm 1958 nói.
Vị Phó trưởng công an phường Nguyễn Cư Trinh cho biết, vốn dĩ anh làm việc ồn ào, công khai để mọi người cùng biết là vì anh sợ, nếu mình đi nhẹ nói khẽ thì những ông trùm ma túy sẽ tưởng anh được báo tin, khi anh đi khỏi người dân sẽ bị đánh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, mỗi dịp Tết, anh Nam thường xuống Mả Lạng chơi, mừng tuổi cho người già, trẻ em trong xóm. Ảnh: Thảo Nguyên.
'Tôi làm vậy để người ta nghĩ tôi đang làm công việc kê khai nhân khẩu bình thường. Một phần, cũng để các đối tượng không bán được hàng và mình được tiếp xúc, gây ấn tượng từ từ với người dân', vị thiếu tá công an nói.
Sau hơn một năm kiên trì bám địa bàn anh Nam mới lấy được niềm tin của người dân trong xóm. Thế nhưng, anh đã phải trả giá. Đó là, anh nhiều lần bị đánh hội đồng. Chiếc xe dream tàu của anh liên tục bị kẻ thù dùng xe phân phối lớn đâm vào, hoặc dùng gậy, đá đập cho bể, thay lốp liên tục.
'Xe hư thì đi sửa. Bị đánh, nhưng tôi không bị thương. Quan trọng hơn, tôi đã làm được bước đầu là có được niềm tin của người dân với mình', anh Nam nói.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Tú Anh (Vietnamnet)
Thông điệp gây thổn thức đằng sau bộ ảnh con gái tặng ba và mẹ kế Mẹ mất, nội cưới dì cho ba. Ngày ba cưới, chị Hạnh khóc nức nở sợ cảnh "mẹ ghẻ con chồng", thế nhưng giờ đây, trải qua 20 năm chung sống, chị thầm cảm ơn và biết ơn dì bởi dì vẫn bên cạnh đồng hành, chăm sóc ba Để tỏ lòng biết ơn của mình đối với ba và dì của mình,...