Cú nhảy “đặt cược mạng sống” của hai mẹ con từ tầng 9 chung cư mini
Sau cú nhảy đặt cược cả tính mạng, người mẹ chỉ kịp hô hoán mọi người đến cứu sau đó lịm dần đi.
Người con trai vẫn còn tỉnh táo hơn nhưng cũng mất dần ý thức khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được.
Cú nhảy thoát thân “đặt cược tính mạng” từ tầng 9
Đang ngồi học bài ở phòng khách thì bất ngờ thấy có khói ở hành lang, P., 17 tuổi, sống tại chung cư mini số 6 Khương Hạ ( Hà Nội) vội chạy vào phòng ngủ gọi mẹ là chị T., 41 tuổi, báo có cháy.
Chỉ vài phút sau, bên ngoài vang lên nhiều tiếng hô hoán, khói bốc lên dày đặc. Hai mẹ con vội đóng kín cửa chính, dùng chăn và chiếu để bịt kín khe hở.
Tòa chung cư mini xảy ra vụ cháy (Ảnh: Mạnh Quân).
Thế nhưng phương án này chỉ giúp mẹ con chị T. cầm cự thêm được một thời gian. Đến khi không thể thở được nữa vì khói cháy tràn vào, lô gia phơi áo quần trở thành chỗ trú ngụ cuối cùng của gia đình người phụ nữ này.
Lúc này, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận, thế nhưng đám cháy vẫn chưa thể kiểm soát, khói độc liên tục xộc vào nhà.
“Bây giờ chỉ còn cách nhảy xuống”, chị T. bàn với con khi nhận thấy rằng khó có thể tiếp tục trông chờ vào phép màu.
Người mẹ vội tìm búa và dao phá song sắt đang bọc kín logia, tạo lối thoát mà hai mẹ con có thể chui lọt.
Chiến sĩ PCCC thâm nhập vào bên trong căn chung cư mini thông qua khu vực lô gia (Ảnh: Nguyễn Hải).
Giữa đêm 12/9, lực lượng cứu hộ vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Hà Nội) nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra từ lô gia của một căn hộ ở tầng 9.
Chỉ vài phút sau, từ vị trí này, một người phụ nữ bất ngờ nhảy xuống, tiếp theo đó là một nam thanh niên. Hai người rơi xuống mái của một căn nhà 6 tầng.
Sau cú nhảy đặt cược cả tính mạng, chị T. chỉ kịp hô hoán mọi người đến cứu sau đó lịm dần đi. P. vẫn còn tỉnh táo hơn, cố gắng lết ra bên ngoài nhưng cũng mất dần ý thức khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được.
Đi 5 bệnh viện mới tìm được người thân
Nghe tin về vụ cháy, chị N. (chị dâu của chị T.) cùng gia đình hốt hoảng đi tìm người nhà trong đêm.
Biết tin chị T. được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người mẹ và anh ruột vội sang lo liệu. Một mình chị N. tiếp tục đi tìm cháu trai.
“Tôi đi tìm khắp các bệnh viện đều không thấy cháu đâu. May thay khi tìm đến bệnh viện thứ 5, phía công an gọi điện báo trong danh sách nạn nhân đang được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai có thằng P.”, chị N. nhớ lại “đêm kinh hoàng”.
Video đang HOT
chị N. (chị dâu của nạn nhân T.) kể về “đêm kinh hoàng” của cả gia đình (Ảnh: Minh Nhật).
Trên đường đến Bệnh viện Bạch Mai, chị N. ruột gan nóng như lửa đốt. Chị gọi thông báo cho gia đình và cả người bố của P. đang ở Hải Phòng, không quên nhắc mọi người chuẩn bị sẵn tâm lý.
Tìm thấy cháu trai được nẹp cổ, toàn thân đầy thương tích nằm trên giường bệnh Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, chị N. nghẹn đắng.
“Gặp nhau, 2 bác cháu òa lên khóc. Nhìn cháu toàn thân đầy thương tích, mắt nhắm nghiền lại vì đau, tôi xót xa vô cùng”, chị N. chia sẻ.
Theo chị N., sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định P. bị chấn thương khớp háng, dập phổi, tràn dịch màng phổi, gót chân bị dập và phải bó nẹp. Điều tích cực là kết quả chụp chiếu không phát hiện tổn thương ở đầu.
Tuy nhiên, mẹ của cậu bị chấn thương nặng hơn rất nhiều.
Ca mổ khẩn xuyên đêm
Chị T. là một trong những nạn nhân nặng nhất của vụ cháy được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Theo PGS.TS Vũ Hoàng Phương, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân T. được xác định bị đa chấn thương (chấn thương ngực, chấn thương gãy cột sống, vỡ lồng ngực, vỡ xương chậu và nhiều vết thương khác).
6 chuyên khoa của bệnh viện đã ngay lập tức được huy động để tiến hành hội chẩn cho bệnh nhân.
3h ngày 13/9, chị T. được đưa vào phòng mổ sau khi đã được tiến hành hội chẩn.
Chị T. bị gãy nhiều xương sau cú ngã (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
“Ca mổ cấp cứu lần một sẽ xử lý chấn thương cột sống cho người bệnh. Sau đó, ca mổ lần 2 sẽ xử lý các chấn thương khác”, PGS Phương cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, bệnh nhân khi vào viện vẫn tỉnh táo, nên bệnh viện cũng đã khai thác được tiền sử bệnh của bệnh nhân, do vậy các tổn thương cũng cơ bản được xử lý.
Khoảng 14h cùng ngày, chị T. được đưa ra khỏi phòng mổ chuyển sang khu vực hậu phẫu.
“Tôi được người nhà báo T. mổ xong lúc 13h45 nhưng vẫn tiếp tục phải lọc máu và thở máy. Việc phục hồi cũng phụ thuộc rất lớn và ý chí của em. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện”, chị N. nhớ lại.
Ca mổ được tiến hành lúc 3h ngày 13/9 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Đến thời điểm hiện tại, người phụ nữ này đã qua cơn nguy hiểm. Ca mổ giúp nối lại các phần xương bị gãy. Chị T. cũng đang được cho thở máy và sử dụng an thần, tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
“Cả gia đình xót xa vì hai mẹ con bị thương nặng quá lại mỗi người phải nằm một nơi, nhưng ngẫm lại gia đình chúng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều nạn nhân khác đã không qua khỏi. Giờ này chỉ mong sao hai mẹ con kiên cường vượt qua bệnh tật”, chị N. ngậm ngùi.
36 nạn nhân của vụ cháy đang được điều trị
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến chiều 14/9, vẫn còn 36 nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ đang điều trị tại các bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Hà Đông, Đại học Y Hà Nội và Quân y 103.
Trong số các bệnh nhân này, có 6 ca nặng, nguy kịch, chủ yếu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Số còn lại mức độ trung bình và nhẹ, nhiều ca sức khỏe ổn định.
Một nạn nhân của vụ cháy đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Nhật).
Vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Theo thống kê của Bộ Công An, đã xác định được 56 người tử vong trong vụ việc này.
Có không ít trường hợp nhảy xuống từ tầng cao nhưng vì vết thương quá nặng đã tử vong ngay tại hiện trường. Theo lời kể của một thân nhân, có cả đại gia đình 7 người sống tại 2 căn hộ ở tầng 8 của tòa nhà này đều không qua khỏi.
Trong tòa chung cư mini có 45 căn hộ, nhiều mái ấm với 3-4 người cũng không còn ai sống sót. Số phận của họ đã được định đoạt trong bối cảnh chung cư không thiết kế sẵn lối thoát hiểm và ngọn lửa dữ đã bịt kín lối ra vào.
Đã hơn 48 giờ trôi qua kể từ vụ hỏa hoạn kinh hoàng, tại nhiều bệnh viện trên khắp Thủ đô, các y bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức mình, để ngăn không cho thảm họa này gây thêm bất kỳ thiệt hại nào về người.
14
Chung cư mini nở rộ vượt tầm kiểm soát suốt hơn 10 năm qua, vì sao?
Bên cạnh sự mất cân đối về thu nhập và giá nhà hiện nay, việc nở rộ chung cư mini có nguyên nhân từ bất cập trong quy định pháp luật và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Vụ cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là hồi chuông cảnh báo tới những chung cư mini xây dựng vi phạm, đang hoạt động không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Sau sự việc, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM đang nhanh chóng tìm các giải pháp kịp thời ngăn chặn nguy cơ mất an toàn PCCC và nhiều hệ lụy khác từ các công trình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (hay gọi là chung cư mini). Đồng thời, xử lý trách nhiệm với các cá nhân, tổ chức có vi phạm liên quan.
Bất cập từ chính sách tới buông lỏng quản lý
Thực tế, hơn 10 năm nay chung cư mini được xây dựng nhiều, đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, việc xây dựng ngày càng nhiều chung cư mini như vừa qua đang tiếp tục gây ra quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ và rất nhiều hệ lụy khác.
Từ năm 2020, Bộ Xây dựng có văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (chung cư mini).
Thời điểm đó, ở một số địa phương tại các khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Các vi phạm chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.
Bộ này cảnh báo, thực trạng trên sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ; gây ách tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch...
Chung cư mini Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa xảy ra cháy là công trình được xây dựng sai phép, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (Ảnh: Ngọc Tân).
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) - việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.
Đơn cử, Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
"Quy định đó đã tạo cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mini, "chung cư hộp diêm", làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, làm phá vỡ quy hoạch, gây trở ngại cho công tác chỉnh trang đô thị", HoREA nêu.
Tiếp đó, theo ông Châu, thực trạng trên còn có nguyên nhân ở những hạn chế, bất cập trong công tác thực thi pháp luật. Cụ thể, tại các khu vực đô thị của một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
Chung cư mini nở rộ tại Hà Nội trong nhiều năm qua (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Bên cạnh đó, có hiện tượng cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép. Tiếp nữa, do lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, nhất là tại các huyện có dân số lớn (thậm chí tương đương dân số một tỉnh nhỏ) và đang có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, theo ông Châu, còn có nguyên nhân là các đầu nậu và một số doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, cá nhân, kể cả móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở thoái hóa biến chất, để thực hiện các công trình nhà "chung cư mini" trái phép, sai phép.
Từ những bất cập trên, Chủ tịch HoREA cho rằng, cần thiết bãi bỏ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở, vì đây là hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, chứ không phải là hoạt động "phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân".
Theo đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở nhằm mục đích kinh doanh (để bán, cho thuê...), thì phải lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định.
Mất cân đối giữa thu nhập và giá nhà
Bên cạnh những bất cập nêu trên, theo đánh giá của chuyên gia, việc chung cư mini nở rộ những năm qua cũng có nguyên nhân từ nhu cầu nhà ở lớn. Đáng chú ý, sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại các đô thị lớn Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng giá căn hộ. Việc sở hữu nhà ở của người dân sẽ càng "bất khả thi" khi khoảng cách này còn được nới rộng.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, phần lớn người dân đô thị tại Hà Nội, TPHCM chỉ có khả năng chi trả cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, căn hộ giá bình dân. Song hiện tại những căn hộ này lại đang có nguồn cung khá thấp.
Còn theo bà Giang Huỳnh - Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills TPHCM - phần lớn người dân chỉ có thể chi trả cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, căn hộ hạng C (bình dân).
"Hiện tại, những căn hộ vừa túi tiền có giá 2-4 tỷ đồng có nguồn cung khá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của người dân tại TPHCM. Trước đây, dòng sản phẩm 2-4 tỷ đồng chiếm tỷ lệ khoảng 60% trong nguồn cung của thị trường nhưng đến năm nay chỉ chiếm khoảng 25%, hạn chế nguồn cung cũng như cơ hội sở hữu nhà của người dân", bà Giang Huỳnh dẫn chứng.
Cũng theo vị chuyên gia này, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là mấu chốt trong việc thiết lập khả năng chi trả cho người dân trong vấn đề nhà ở. Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia khác nhau đã cho thấy những tác động tích cực của các giải pháp nhà ở đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Nỗi đau, dằn vặt tột cùng của bảo vệ trong vụ cháy làm 56 người tử vong Tinh thần hoảng loạn sau vụ cháy chung cư mini, ông Điền và bà Yên nhiều lần nói muốn đi theo con cháu. Họ trách chính mình là bảo vệ nhưng không cứu được người thân và người dân. Trong căn nhà tập thể của người thân trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), ông Ngô Phó Điền (66 tuổi) ngồi...