Cú liều lúc nửa đêm cứu chàng trai Sơn La khỏi ’sào huyệt’ của kẻ buôn người
H. được rủ sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, lương tháng 10-15 triệu đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận việc, H. nhận ra mình đang ở trong “sào huyệt” của những kẻ buôn người.
“Q., 18 tuổi, người miền Tây mới gọi cho tôi cách đây vài ngày từ một nơi xa xôi nào đó gần biên giới Myanmar – Thái Lan. Cách đây 8 tháng, Q. cầu cứu tôi lần đầu tiên sau khi nhận ra mình bị lừa sang đó với lời hứa hẹn công việc ổn định, lương cao.
Tôi hỏi: ‘Em có trốn ra được không?’. Q. bảo ‘không trốn được’. Từ đó đến nay, em vẫn ở trong đó. Chúng tôi cũng bất lực trước những cuộc gọi của em”.
Đó là câu chuyện của ông Đỗ Duy Vị – giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh ( Blue Dragon) với Q. – cậu bé bán vé số mà anh từng gặp cách đây 10 năm ở TP. HCM.
Q. chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân vẫn còn đang bị mắc kẹt bên kia biên giới, trong những “sào huyệt” của bọn mua bán người, nơi chúng bắt các nạn nhân phải đi lừa đảo người khác trên mạng, bị cưỡng ép lao động, bị đánh đập, bỏ đói, tra tấn như nô lệ…
Nếu không làm được việc, các nạn nhân có nguy cơ bị bán đi, sau đó có thể là chuỗi ngày bị bóc lột, đe dọa, thậm chí có thể bị ép bán nội tạng để trả chi phí chuộc mình ra khỏi nơi giam giữ.
Trong trường hợp của Q. – một cậu bé không có bố, mẹ mắc bệnh nan y, cậu chẳng thể gọi cho ai để gửi tiền chuộc sang, giúp mình thoát thân.
Q. không dám chạy trốn hoặc có thể không có cơ hội chạy trốn. Những người bị bắt về có thể bị chúng đánh đến chết.
Chàng trai – một trong những nạn nhân bị lừa sang Campuchia – đã được trở về quê nhà. Ảnh: Blue Dragon
May mắn hơn Q., khi tính mạng bị đe dọa, H. liều mình chạy trốn và được người của tổ chức Rồng Xanh đưa về Việt Nam.
H., 20 tuổi, đến từ Sơn La, là lao động tự do. Khi có người rủ sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, lương tháng 10-15 triệu đồng, không mất chi phí gì, H. ngay lập tức đồng ý.
Video đang HOT
Chỉ vài ngày sau, H. nhận ra mình phải đi lừa người ta gửi tiết kiệm lãi suất cao qua mạng. Không làm được việc, H. bị tính tiền ăn ở và nợ bọn chúng một số tiền lớn.
Liên lạc về gia đình ở Việt Nam, H. chỉ được gửi cho một ít tiền, đủ để kéo dài thời gian vì gia đình cậu ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Đến hạn trả nợ, thấy có nguy cơ bị chuyển sang khu vực tam giác vàng để bán cho chủ khác, H. sợ quá, làm liều.
Đêm đó, cậu nhảy qua bức tường 3m để ra ngoài và bị thương. H. cố lết đến một chỗ kín, nhắn tin, gọi điện về cho các nhân viên xã hội của Rồng Xanh. Sau đó, cậu được tổ chức tìm cách hỗ trợ trở về nước.
“Về đến đây, chúng tôi đưa em vào bệnh viện để băng bó luôn” – anh Nguyễn Quang Anh, nhân viên của Rồng Xanh kể lại.
Các nạn nhân của mua bán người qua biên giới thường rơi vào 2 trường hợp như của Q. hoặc H. Với Q., nếu em không thể chạy thoát ra khỏi “sào huyệt” của bọn chúng, cơ hội để trở về Việt Nam là rất khó.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Vị, vấn đề quan trọng hơn được đặt ra là: Sau khi được giải cứu, các nạn nhân sẽ làm gì tiếp theo để thay đổi cuộc đời mình?
“Có những nạn nhân bị lừa tới 2 lần, bởi vì sau khi về, họ vẫn mắc kẹt trong tình cảnh tuyệt vọng về sinh kế, nhà cửa… Họ chấp nhận liều mình một lần nữa, coi như là một canh bạc mới. Chừng nào họ còn chưa có việc làm ổn định, thì họ vẫn còn khao khát ra đi để kiếm tiền giúp bản thân và gia đình thoát khỏi đói nghèo.
Chúng ta phải ở trong hoàn cảnh của họ mới có thể hiểu được khi người ta bế tắc, người ta có thể làm mọi thứ, kể cả những hành động được báo trước là nguy hiểm tới tính mạng” – ông Đỗ Duy Vị chia sẻ.
Người phụ nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới cùng với con trai khi cậu bé mới được 1 tuổi. Bảy năm sau, hai mẹ con mới được giải cứu về Việt Nam. Ảnh: Blue Dragon
Theo CEO của Rồng Xanh, đó chính là lý do mà nếu chỉ cảnh báo, giải cứu thôi thì chưa đủ. “Phòng chống mua bán người không chỉ đơn thuần là tuyên truyền, chia sẻ hay giải cứu, mà còn là nâng cao nhận thức, tạo cơ hội việc làm, học tập, sinh kế… cho cộng đồng yếu thế và những người dễ bị tổn thương. Việc giải cứu nạn nhân về nhà sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như chúng ta không giúp họ giải quyết cái gốc của vấn đề. Và đó là câu chuyện dài hơi, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành”.
Ông Vị cho biết, hiện tại, Rồng Xanh đang cùng với ban ngành địa phương ở các tỉnh miền núi thiết lập, xây dựng các mô hình phòng chống mua bán người, bao gồm các hoạt động: hỗ trợ sinh kế, cấp học bổng, hỗ trợ người nghèo xây nhà, hỗ trợ việc làm… Sứ mệnh mà tổ chức đặt ra là chấm dứt nạn mua bán người ở Việt Nam.
Ông Đỗ Duy Vị – Giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh – cho rằng, vấn đề quan trọng hơn được đặt ra là: Sau khi được giải cứu, các nạn nhân sẽ làm gì tiếp theo để thay đổi cuộc đời mình? Ảnh: Nguyễn Thảo
“Những năm gần đây, nạn mua bán người có xu hướng tăng lên, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19. Số lượng nạn nhân liên lạc về, kêu cứu cao gấp nhiều lần so với thời gian trước đó. Điều này cũng là thách thức với chúng tôi về mặt nguồn lực để hỗ trợ các nạn nhân sau khi trở về.
Trước giai đoạn Covid-19, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, đến từ các tỉnh miền núi, gần vùng biên, là người dân tộc thiểu số. Nhưng thời gian gần đây, đặc điểm của nạn nhân thay đổi rất nhiều. Số lượng nạn nhân là đàn ông tăng lên. Hoàn cảnh, trình độ học vấn của nạn nhân cũng đa dạng hơn – có cả những người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp đi tìm việc làm, nhưng cũng có cả những người có học vấn cao. Hi hữu có trường hợp một bác sĩ cũng bị lừa sang bên kia biên giới với lời mời hấp dẫn về thu nhập. Tóm lại, bất kỳ ai có nhu cầu đi tìm việc làm ở nước ngoài đều có thể trở thành nạn nhân.
Về cơ bản, mua bán người là vấn đề nhức nhối không chỉ với Việt Nam, mà với thế giới nói chung. Trong những năm qua, tổ chức Rồng Xanh đã hỗ trợ giải cứu hơn 1.500 nạn nhân bị mua bán sang nước ngoài”.
- Ông Đỗ Duy Vị, Giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh, tổ chức phi chính phủ với sứ mệnh phòng chống nạn mua bán người.
Giăng bẫy "điều" ông trùm điều hành ổ nhóm lừa đảo trên mạng từ Campuchia về nước để bắt giữ
Từ Campuchia, Hoàng Phi Long điều hành, chỉ đạo nhóm đối tượng ở Lạng Sơn sử dụng ứng dụng gọi điện VOIP rồi giả mạo là nhân viên Tập đoàn Panasonic và một số nhãn hàng nổi tiếng để gọi điện, nhắn tin lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin, muốn tìm việc làm online kiếm thu nhập với lời mời chào hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao".
Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động, nhóm tội phạm xuyên quốc gia này đã chiếm đoạt của hàng ngàn nạn nhân trong toàn quốc với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đường dây tội phạm lừa đảo trên mạng xuyên quốc gia với thủ đoạn lừa đảo nhận nhiệm vụ, thưởng hoa hồng do đối tượng Hoàng Phi Long (SN 1997, HKTT tại Khu phố Hữu Vĩnh 1, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cầm đầu, điều hành từ Campuchia vừa bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn triệt phá thành công. Trung bình mỗi tháng, đường dây này đã lừa đảo chiếm đoạt từ 8,7 tỷ - 9 tỷ đồng của hàng ngàn bị hại trong toàn quốc.
Hành vi đáng ngờ hé lộ đường dây lừa đảo quy mô xuyên quốc gia
Qua trinh sát, nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, Vi Văn Tùng (SN 1993, HKTT tại Xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) có nhiều hành động đáng ngờ. Tùng thường xuyên liên hệ đến Siêu thị máy tính Lạng Sơn để thuê cài đặt lại hệ điều hành máy vi tính tại tòa nhà SH2.30 khu chung cư APEC - xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và mua sắm nhiều dây tai nghe (headphone) máy tính với định kỳ khoảng 1- 2 tháng/lần và lắp đặt nhiều camera giám sát tại địa chỉ trên.
Đối tượng cầm đầu Hoàng Phi Long bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ.
Hành vi, thái độ của Vi Văn Tùng có vẻ rất cẩn trọng, mang tính cảnh giác cao, hoạt động kín đáo, Tùng ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. Địa chỉ số nhà Tùng thuê đặt hệ thống máy vi tính cũng không có thông tin biển hiệu quảng cáo lĩnh vực kinh doanh...
Chính những hành động đáng ngờ này của Tùng đã nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các trinh sát Công an Lạng Sơn. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, các trinh sát xác định, tại căn phòng tầng 2 của tòa nhà SH2.30 nói trên có nhóm khoảng hơn chục thanh niên cả nam và nữ, độ tuổi từ 18 đến 27 sinh sống và làm việc cả ngày và đêm. Trong phòng lắp đặt khoảng 20 bộ máy tính để bàn, có cài đặt ứng dụng Wechat, Telegram và 1 ứng dụng có chữ Trung Quốc.
Qua công tác điều tra, xác định đây là nhóm đối tượng hoạt động tội phạm có tổ chức, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi hoạt động rộng, nhóm đối tượng thường sử dụng mạng xã hội Telegram, Wechat liên lạc. Mặt khác, trong căn phòng còn lắp đặt camera 360 để các đối tượng cầm đầu đường dây dễ dàng giám sát, quản lý kiểm tra các nhân viên làm việc cũng như theo dõi mọi động tĩnh tại phòng làm việc từ xa...
Để đảm bảo công tác đấu tranh triệt để với nhóm đối tượng này, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo và phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã thu thập, củng cố tài liệu, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng trên; xác định đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây lừa đảo trên mạng này chính là Hoàng Phi Long, tuy nhiên đối tượng Long đang cư trú, làm việc tại Campuchia.
Cơ quan Công an xác định, tuy không thường xuyên có mặt tại Lạng Sơn nhưng Hoàng Phi Long luôn chỉ đạo, điều hành từ xa đối tượng Vi Văn Tùng, Đỗ Thị Duyên và các đối tượng khác ở Lạng Sơn để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Để triệt phá bằng được đường dây tội phạm lừa đảo trên mạng xuyên quốc gia này, bằng các biện pháp nghiệp vụ Ban chuyên án và Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã khéo léo dùng kế "điệu hổ ly sơn" để đối tượng cầm đầu Hoàng Phi Long từ Campuchia trở về Việt Nam. Các trinh sát đã bắt giữ Hoàng Phi Long khi đối tượng này trở về Việt Nam và đang lẩn trốn tại khu vực huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, kịp thời ngăn chặn đối tượng này chuẩn bị trên đường ra sân bay Nội Bài để bay sang Campuchia.
Quá trình điều tra, bắt giữ 16 đối tượng khác có liên quan; tạm giữ 20 bộ máy tính, 20 điện thoại di động và một số tài liệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hơn 1.500 nạn nhân sập bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Theo tài liệu điều tra, Hoàng Phi Long trốn sang Campuchia đi làm thuê, và từng có gần 2 năm làm việc cho một công ty do người Trung Quốc điều hành, chuyên họat động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội ở Campuchia.
Sau một thời gian làm việc, thấy việc kiếm tiền kiểu này quá nhanh và dễ dàng, Long "học lỏm" được mánh khóe lừa đảo của các đối tượng rồi xin nghỉ việc, bỏ ra ngoài với ý định tự thiết lập đường dây "làm ăn" riêng. Sau đó, Hoàng Phi Long quay về Lạng Sơn kết nối với Vi Văn Tùng và Đỗ Thị Duyên, (SN 1992, trú tại xã Phả Lại, huyện Chí Linh, Hải Dương) để thiết lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Hoàng Phi Long giữ vai trò cầm đầu, điều hành từ Campuchia, còn Tùng và Duyên có nhiệm vụ thiết lập văn phòng, tuyển dụng và hướng dẫn nhân viên trong nội địa giả mạo là nhân viên Công ty Panasonic và một số nhãn hàng nổi tiếng để gọi điện, nhắn tin tìm những người nhẹ dạ, cả tin, muốn làm thêm kiếm thu nhập online với lời mời chào hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao" để lừa đảo.
Với thủ đoạn, yêu cầu các bị hại like và share video trên Youtube và yêu cầu khách hàng kết bạn Telegram, cung cấp tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Sau đó các đối tượng sẽ yêu cầu các bị hại nạp tiền để làm nhiệm vụ và hứa thưởng hoa hồng cao.
Sau khi bị hại đã nạp tiền vào các tài khoản do các đối tượng cung cấp và hoàn thành nhiệm vụ được giao, để tránh trả thưởng cho bị hại, các đối tượng sẽ cố ý bắt lỗi như "nội dung nạp tiền sai cú pháp", "quá trình làm nhiệm vụ sai" hoặc "yêu cầu nâng cấp tài khoản VIP"... để yêu cầu bị hại chuyển khoản nạp số tiền lớn hơn. Nhiều bị hại do tiếc khoản tiền đã nạp trước đó lại tiếp tục chuyển khoản nạp thêm theo yêu cầu cầu của Long và đồng bọn cho đến khi không còn khả năng thì bọn chúng sẽ chặn tài khoản, cắt mọi liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà bị hại đã chuyển.
Để tránh bị Cơ quan Công an phát hiện, sau khi nhận được tiền của các bị hại, các đối tượng sẽ mua tiền điện tử trên sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế OKX rồi tiếp tục bán số tiền ảo trên để lấy tiền thật, sau đó chuyển khoản về tài khoản ngân hàng do các đối tượng chủ mưu, cầm đầu quản lý. Nếu cần rút tiền mặt, bọn Long sẽ chuyển tiền cho các đối tượng khác để đổi tiền tại Campuchia.
Theo khai nhận của 3 đối tượng chủ mưu, cầm đầu Hoàng Phi Long, Đỗ Thị Duyên và Vi Văn Tùng, bằng thủ đoạn trên, chỉ trong khoảng gần 5 tháng từ tháng 2/2023 đến tháng 7/2023 bọn chúng đã lừa đảo, chiếm đoạt của khoảng 1.500 người tại Việt Nam với số tiền lừa đảo trung bình khoảng 8,7 - 9 tỷ đồng/tháng. Toàn bộ số tiền thu được từ lừa đảo Hoàng Phi Long và đồng bọn dùng tiêu xài cá nhân và đánh bạc, "trả lương cho số nhân viên", thuê, mua sắm vật dụng, phương tiện phục vụ lừa đảo ở Lạng Sơn và Campuchia.
Hiện, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố 3 đối tượng trên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục đấu tranh mở rộng
Trần tình của nạn nhân dính "bẫy" việc nhẹ, lương cao Chị K.M. (SN 1987, ngụ huyện Tân Biên) vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: M. rời quê đến TP Hồ Chí Minh để làm nhân viên cho các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, lương hơn 8 triệu đồng/tháng. M. còn phải gửi tiền về quê cho cha mẹ ruột chăm sóc đứa con vừa tròn 5 tuổi, phần còn lại trang...