Cụ già 102 tuổi đi học
Hơn 100 tuổi, cụ Mã Tú Hiền ở Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc mới được tới trường lần đầu tiên. Dù chỉ ngồi học 23 phút, cụ vẫn rất hạnh phúc vì đã thỏa ước mơ của cả cuộc đời.
Học sinh 102 tuổi chăm chú lắng nghe thầy giảng bài. Ảnh: Sina.
8h20 ngày 31/3, cả lớp gồm 37 học sinh tại trường tiểu học Vĩ Tam Lộ im phăng phắc để chờ thành viên mới đến. Thầy giáo viết trên tấm bảng đen dòng chữ to: Chào mừng bà Mã.
Cụ già tóc bạc bước vào lớp trong sự đón chào của các cháu bé nhỏ. Cụ ngồi ở bàn thứ 3, cạnh một bé trai. “Học sinh” 102 tuổi mắt mở to, chăm chú lắng nghe và miệng luôn nở nụ cười. Cụ cũng giở sách, cầm bút chì và viết. Quyển vở của cụ ghi rõ tên Mã Tú Hiền.
Video đang HOT
Cụ Mã lần đầu tiên được cầm bút và viết trên vở học sinh. Cụ mang thêm một chiếc kính lúp để nhìn cho rõ chữ. Ảnh: Sina.
Theo Sina, dù chỉ ngồi học 23 phút, cụ Mã vẫn rất hạnh phúc vì thỏa ước mơ được tới trường. Cụ nói: “Cảm ơn thày giáo và các cháu. Các cháu hãy học thật tốt để kế nghiệp quốc gia”. Giọng của cụ nhỏ nhưng rất rõ ràng.
Cụ Mã sinh năm 1908 tại Tế Nam. Cụ học quay tơ từ lúc 13 tuổi và kết hôn ở tuổi 18. Khi có gia đình, cụ chỉ làm việc nội trợ và nuôi con. Các con của cụ đều tốt nghiệp đại học và có công việc tốt.
Theo Ngôi Sao
Làng sống thọ
"Quê tôi tuy nghèo nhưng nhiều người sống thọ, cả xã có gần 1500 hội viên hội người cao tuổi, trong đó có 350 cụ trên 80 tuổi, 135 cụ trên 85 tuổi...", Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc - huyện Diễn Châu, Nghệ An, tự hào kể.
Là xã nghèo, diện tích chưa đầy một cây số vuông nhưng dân số ở xã Diễn Ngọc lên đến hơn 20 ngàn người, sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển, diện tích đất nông nghiệp rất ít. Mặc dù vậy trong những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây không ngừng được nâng cao và vùng quê nghèo này cũng là nơi có nhiều người sống thọ bậc nhất ở xứ Nghệ.
Cả xã hiện có gần 1500 cụ là hội viên người cao tuổi, sinh hoạt ở 12 chi hội khác nhau với 12 câu lạc bộ dưỡng sinh, 12 câu lạc bộ văn nghệ.
"Người cao tuổi nhất xã là cụ Thái Thị Bích, năm nay đã 107 tuổi, ngoài ra, trong đại gia đình cụ Bích còn có 17 cụ khác đều trên tuổi 70", Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc - ông Vũ Sỹ An, 76 tuổi - phấn khởi kể.
Ông Vũ Sỹ An - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc - đang thăm hỏi cụ Thái Thị Bích (107 tuổi), nhiều tuổi nhất xã. Ảnh: Trường Long.
Cách Diễn Ngọc không xa, người dân xã Diễn Nguyên cũng tự hào với những kì tích sống thọ của các cụ cao niên. Trong dịp lễ Đại yến lão cho gần 1000 cụ cao tuổi năm 2010 vừa qua, ông Ngô Sỹ Hạnh, Chủ tịch xã đưa ra thống kê rằng, cả xã hiện có gần 1000 người trên tuổi 60, 160 cụ trên tuổi 80, gần 40 cụ trên tuổi 90 và 2 cụ đã sống qua 3 thế kỷ.
Ông Đàm Văn Hướng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Nguyên cho biết, cứ 5 năm một lần chính quyền địa phương đều mở đại lễ yến lão cho các cụ cao niên. Đây là dịp các cụ ông, cụ bà và con cháu, dâu rể trong toàn xã tề tựu về quê hương để chúc thọ ông bà, cha mẹ và người thân. Vào ngày đại lễ, các cụ sẽ được mặc những bộ đồ truyền thống làm bằng gấm lụa màu đỏ, vàng, được con cháu rước đến hội trường bằng lọng vàng, và được hàng trăm quan khách cùng người thân mừng trầu, chúc rượu thọ.
Lễ đại yến lão cho các cụ cao tuổi đã trở thành truyền thống ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Cảnh Yên.
Việc tổ chức ngày đại lễ là dịp để các cụ được gặp nhau, thăm hỏi chuyện trò và đã trở thành nét văn hóa truyền thống, người dân quê hương, dù đi đâu, về đâu đều nhớ đến ngày này.
"Nếu như dịp đại lễ 2005, cả xã chỉ có 9 cụ trên tuổi 90 thì đến năm 2010, con số ấy tăng lên 40. Chúng tôi đang sợ rằng trong dịp lễ tiếp theo, hội trường của xã sẽ không có đủ chỗ để các cụ ngồi", ông Hướng hóm hỉnh tâm sự.
Nói về nguyên nhân sống thọ của các cụ cao niên, ông Đậu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho rằng, ngoài việc đời sống vật chất tăng lên thì yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng. Hằng năm xã đều tổ chức đại yến lão mừng thọ cho hàng trăm cụ có tuổi chẵn; tất cả các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho người già đều được xã thực hiện đầy đủ, dân chủ và công khai. Chăm sóc, phụng dưỡng người già đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây...
Còn ông Vũ Sỹ An lại quả quyết rằng sở dĩ người dân quê mình sống thọ là bởi họ ăn rất nhiều cá: "sinh ra ở vùng biển nên thức ăn chủ yếu của họ là cá. Từ đời này qua đời khác, dù già hay trẻ, trong mọi bữa ăn của người dân quê tôi đều có cá".
Nhiều cụ cao tuổi thì lý giải rằng, thì sở dĩ người dân ở đây sống thọ là bởi ngay từ khi còn trẻ, họ đã được thử thách với sóng gió, bão bùng, con trai thì theo cha ra biển, con gái thì theo mẹ bán cá, đan lưới. Khi lớn lên họ đều trở thành những ngư dân dạn dày kinh nghiệm, phải có sức khỏe phi thường mới trụ được trước biển cả bao la.
Theo vnexpress
Vào 'xứ thần tiên' gặp người sống qua 3 thế kỷ Xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hoà Bình), được gọi là "xứ thần tiên" bởi ở mảnh đất mây ngàn gió núi này, những cụ già hưởng "tuổi giời" sống vắt qua vài ba thế kỷ rất nhiều. Ông Hà Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết, tuy cả xã chỉ có hơn 400 hộ gia đình nhưng các cụ...