Cú bước hụt phía sau bom tấn đắt đỏ nhất thế giới cách đây 25 năm
“ Waterworld” là bộ phim tiêu tốn nhiều tiền của nhất tại thời điểm năm 1995. Song, tác phẩm giả tưởng thất bại tại phòng vé với nhiều lùm xùm ở hậu trường.
Steven Spielberg là nhà làm phim bậc thầy tại Hollywood và những lời khuyên của ông nên được lắng nghe. Có lẽ ngôi sao Kevin Costner và đạo diễn Kevin Reynolds thấm thía điều đó hơn cả sau dự án Waterworld (1995).
Lấy bối cảnh hậu tận thế khi băng ở cực Trái Đất tan chảy, bộ phim đưa người xem tới thế giới nay chìm trong biển nước. Tham vọng của ê-kíp là tạo ra một tác phẩm phiêu lưu hoành tráng, vừa mang phong cách Viễn Tây, vừa mang hơi thở viễn tưởng.
Nhưng Waterworld rốt cuộc chỉ được nhớ tới với khoản kinh phí khổng lồ cao hơn dự kiến khi ê-kíp muốn quay toàn bộ dự án ngoài biển thay vì những bể nước lớn trong phim trường, những cuộc cãi vã căng thẳng tới mức Costner tự mình thay thế Reynolds ở phòng dựng, và khoản doanh thu 265 triệu USD chẳng thấm tháp vào đâu nếu so với mức đầu tư sản xuất 175 triệu USD.
Mùa hè năm nay, Waterworld kỷ niệm 25 năm ra mắt khán giả. Ảnh: Outnow.
Một quyết định quá liều lĩnh
Nhân dịp Waterworld tròn 25 tuổi, nhà biên kịch Peter Rader có cuộc trò chuyện với trang Yahoo! Ông hồi tưởng: “Quyết định quay toàn bộ dự án ngoài môi trường nước thay vì trong phim trường quả là táo bạo”.
Steven Spielberg tạo ra tác phẩm kinh điển Jaws (1975) trước đó 20 năm với phương thức tương tự. Nhưng ông đã cảnh báo Kevin Reynolds về khó khăn trước mắt. Reynolds gọi điện thoại xin lời khuyên từ đàn anh, và câu trả lời là: “Đừng quay toàn bộ tác phẩm ngoài không gian nước! Cậu chỉ cần vài cảnh quay đơn giản thôi. Hãy thực hiện tất cả tại một bể chứa lớn”.
Peter Rader là một nhà biên kịch, đạo diễn phim Hollywood. Những năm gần đây, ông chủ yếu hoạt động với vai trò nhà sản xuất. Ảnh: Getty.
Song, bộ đôi Kevin không nghe theo lời khuyên ấy mà đưa toàn bộ ê-kíp tới vùng biển Thái Bình Dương gần quần đảo Hawaii (Mỹ). Quyết định chủ yếu đến từ nhà làm phim, và Costner ủng hộ ý tưởng đó. Họ muốn tạo ra một tác phẩm chân thực hết mức lấy bối cảnh trên mặt nước.
Thách thức lập tức xuất hiện khi một cơn bão bất ngờ tràn qua và phá tan bối cảnh mà ê-kíp đã dày công xây dựng cho khoảng 1/3 đầu phim. Rader kể lại: “Tôi ghé thăm trường quay ba tuần trước ngày bấm máy. Tuy nhiên, mọi thứ đã chìm xuống đáy biển. Tất cả phải làm lại từ đầu. Nhưng giông bão vẫn còn ở phía trước”.
Mối quan hệ giữa Kevin Costner và Kevin Reynolds dần trở nên căng thẳng. Cá nhân ngôi sao cảm thấy áp lực khi mình là nhân tố gánh vác trách nhiệm quảng bá dự án đúng vào thời điểm cuộc hôn nhân của ông đang đứng bên bờ tan vỡ. Costner bắt đầu can thiệp sâu hơn, thậm chí tới mức đẩy Reynolds ra khỏi phòng dựng.
Video đang HOT
Sau cùng, Waterworld ghi hình trong 166 ngày, tiêu tốn khoảng 175 triệu USD để thực hiện. Đó là con số cao kỷ lục đối với một bộ phim tại thời điểm năm 1995. Báo chí tranh thủ đưa tin, nhưng chủ yếu nhắc tới lùm xùm hậu trường. Theo Rader, truyền thông chỉ chờ đợi để “nuốt sống” bộ phim.
Giới phê bình quả là không thích Waterworld, nhưng phim vẫn dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ tuần ra mắt và kiếm gần 100 triệu USD tại quê hương. Có ý kiến cho rằng Waterworld không tệ như báo chí mô tả. Nhưng cá nhân Peter Rader vẫn cảm thấy hạnh phúc khi nhớ về quãng thời gian này. Ông đã tìm thấy người vợ tương lai – một phóng viên báo chí – tại buổi chiếu sớm và sự kiện thảm đỏ của Waterworld.
Sức mạnh của một ngôi sao
Peter Rader chấp bút kịch bản Waterworld từ năm 1986, nhưng phải trải qua rất nhiều thời gian các studio mới để ý tới nó. Theo ông, hồi thập niên 1980, nhiều kịch bản chịu ảnh hưởng từ Mad Max (1979) cùng The Road Warrior (1981), và Waterworld của nhà biên kịch không phải ngoại lệ.
Nhà sản xuất chuyên trị các bộ phim hạng B Brad Krevoy từng đề nghị Rader rằng nếu ông viết ra một kịch bản na ná Mad Max, cây bút có thể được mời làm đạo diễn. Peter Rader không thể bỏ qua lời mời hấp dẫn ấy và bắt đầu nghĩ tới bối cảnh đại dương.
Song, Krevoy sớm từ chối do nhà sản xuất cho rằng ý tưởng của Rader sẽ cực kỳ tốn kém. Bất chấp điều đó, Peter Rader vẫn quyết tâm xây dựng một kịch bản hoàn chỉnh, với ý nghĩ Harrison Ford – ngôi sao đang làm mưa làm gió với nhân vật Indiana Jones khi ấy – sẽ sắm vai chính trong đầu. Dĩ nhiên, ông không thể biết điều mình đang xây dựng sẽ có lúc trở thành bộ phim đắt đỏ nhất Hollywood.
Kevin Costner giúp dự án Waterworld lăn bánh, nhưng đồng thời gây ra xáo trộn cho toàn bộ dự án. Ảnh: Outnow.
Rader đã viết tổng cộng 7 kịch bản nháp cho Waterworld. Sau này, kịch bản hoàn chỉnh còn được thêm thắt, chỉnh sửa bởi bốn cây bút nữa, trong đó có Joss Whedon – tác giả hai tập Avengers đầu tiên.
Nhà biên kịch từng nghĩ ra nhiều chi tiết nhằm tri ân dòng phim Viễn Tây, như cho nhân vật chính cưỡi ngựa trên thuyền, hoặc các tình tiết liên quan tới thần thoại Hy Lạp. Song, mọi chuyện thay đổi khi Kevin Costner lưu tâm đến Waterworld.
Sự có mặt của ngôi sao hạng A khiến công việc của Peter Rader coi như chấm dứt. Ông hồi tưởng: “Tôi khi ấy hơi ngây thơ. Lúc Costner xuất hiện, tôi không tính đến chuyện mình sẽ bị thay thế”. Hai người thực tế chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp, mà chỉ có đạo diễn Kevin Reynolds gọi điện cho Rader.
Lúc ấy, Peter Rader muốn thành phẩm sẽ mang thông điệp về môi trường, báo động cách con người đang đối xử với Trái Đất. Nhưng Reynolds xem ra chỉ muốn đem đến một tác phẩm giải trí thuần túy.
Đoạn kết có hậu
Ba tháng sau khi Waterworld ra rạp, công viên Universal tại Hollywood trình làng khu vui chơi dựa trên tác phẩm và màn diễn Waterworld: A Live Sea War Spectacular nhằm tái hiện màn giao chiến hoành tráng trong phim. Sau 25 năm, liveshow vẫn có vài buổi diễn mỗi ngày.
Waterworld: A Live Sea War Spectacular sau đó được đưa tới công viên Universal tại Nhật Bản và Singapore. Thời gian tới, liveshow dự kiến có mặt tại địa điểm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Rader giải thích: “ Waterworld như thế cũng có chỗ đứng như Harry Potter hay Jurassic Park. Bộ phim có lẽ đã để lại ấn tượng khó quên cho nhiều khán giả, và những gì họ tái tạo tại các khu công viên quá ấn tượng”.
Khu giải trí Waterworld bên trong một công viên Universal. Ảnh: Universal.
Có một điều thú vị rằng Peter Rader và một nhà biên kịch nữa từng được Hiệp hội Biên kịch Mỹ tiếp cận. Hiệp hội cho rằng các tác giả kịch bản cũng nên được chia lợi nhuận từ những hoạt động ăn theo bộ phim, như liveshow của Waterworld. Họ muốn Rader và đồng nghiệp là trường hợp đầu tiên.
Sự thật thì liveshow dài hơn 20 phút của Waterworld tại công viên Universal chứa đựng nhiều câu thoại không nằm trong phim, nhưng lại từng xuất hiện tại một kịch bản không được sử dụng. Tiêu tốn khá nhiều thời gian, Rader cùng đồng nghiệp rốt cuộc cũng nhận được một khoản thù lao xứng đáng nhờ bằng chứng vững chắc.
Về phần Waterworld, kết quả phòng vé của bộ phim quả thực gây thất vọng. Nhưng theo tính toán của nhà sản xuất, doanh thu đến từ các định dạng băng đĩa và bản quyền truyền hình suốt 25 năm qua rốt cuộc cũng biến đây trở thành một dự án có lãi.
10 phim bom tấn hè gây ảnh hưởng bậc nhất
Các bộ phim bom tấn khởi chiếu trong dịp hè thường mang đậm tính giải trí. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của "Iron Man", "The Dark Knight" hay "Jaws" là không thể chối cãi.
Iron Man (2008): Marvel Studios mạo hiểm lựa chọn một siêu anh hùng khi ấy chỉ thuộc dạng "hạng B" để mở ra một vũ trụ điện ảnh hoàn toàn mới. Sau hơn 10 năm, đó là thương hiệu điện ảnh thành công nhất lịch sử, với hơn 20 tác phẩm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Rất nhiều hãng phim đã tìm cách xây dựng các vũ trụ điện ảnh như MCU trong nhiều năm qua. Nhưng đa số đều thất bại, bởi chiến lược của Marvel Studios rất dài hơi, và được tính toán trước 5 năm, hay thậm chí 10 năm. Đồng thời, Iron Man và MCU rõ ràng đã giúp nâng tầm phim siêu anh hùng trong mắt công chúng.
The Dark Knight (2008): Không ít tờ báo hay khán giả đến giờ vẫn coi The Dark Knight là một tuyệt tác, hay thậm chí là bộ phim dựa trên truyện tranh hay nhất mọi thời đại. Không đơn thuần thuộc dòng siêu anh hùng, phim mang đậm màu sắc hình sự với tính chân thực cao, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về tính thiện - ác. Các bom tấn sau này cũng tìm cách học hỏi The Dark Knight có thể kể tới Skyfall (2011) thuộc 007, hay thậm chí Black Panther (2018) của MCU.
Batman Begins (2005): Bộ phim Người Dơi đầu tiên của Christopher Nolan không hẳn là một cú hit lớn với doanh thu 373,5 triệu USD toàn cầu. Song, tìm cách kể lại nguồn gốc nhân vật nổi tiếng một cách chân thực trở thành phương án mà nhiều thương hiệu điện ảnh sau này học theo. Star Trek, Terminator, Sherlock Holmes, 007... đều đã thử sức. Có thành công, có thất bại, nhưng cách tái khởi động (reboot) thương hiệu của Nolan đã truyền cho các đồng nghiệp rất nhiều cảm hứng.
X-Men (2000): Sau Batman & Robin (1997), dòng phim siêu anh hùng trở nên nguội lạnh. Mọi thứ được nhen nhóm bởi Blade (1998), rồi bùng lên nhờ X-Men. Bộ phim năm 2000 đã mở ra thương hiệu kéo dài suốt 20 năm, và chuẩn bị có hình thù mới khi nằm trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Thành công của X-Men đã giúp hàng loạt dự án phim siêu anh hùng trong thập niên 2000 được "bật đèn xanh", như Spider-Man, Daredevil, Hulk, Hellboy...
Jurassic Park (1993): Cộng thêm các bản tái phát hành, tổng doanh thu của Công viên kỷ Jura đã vượt mức 1 tỷ USD. Tại thời điểm ra mắt, Jurassic Park là một kỳ quan điện ảnh với chất lượng hình ảnh, kỹ xảo và sản xuất vượt trội. Đạo diễn Steven Spielberg đã đặt ra tiêu chuẩn mới cho dòng phim bom tấn hè, mà ở đó, kỹ xảo hoành tráng gần như là yếu tố bắt buộc.
Terminator 2: Judgment Day (1991): Kẻ hủy diệt 2 được cho là bộ phim hè đầu tiên tiêu tốn 100 triệu USD để thực hiện. Và kết quả đạo diễn James Cameron thu được là hoàn toàn mỹ mãn. Một yếu tố giúp bộ phim trở nên đáng nhớ là phần kỹ xảo vi tính dành cho nhân vật người máy T-1000. Theo tạp chí Empire, chính thành công của Terminator 2 đã mở ra tương lai xán lạn cho ngành công nghiệp kỹ xảo hình ảnh suốt nhiều năm qua.
Die Hard (1988): Các người hùng cơ bắp thống trị màn bạc trong thập niên 1980, nên John McClane trở nên khác biệt. Do Bruce Willis thể hiện, chàng cảnh sát mẫn cán và gan dạ của New York không cao lớn, mà chủ yếu vận dụng trí thông minh để đối phó kẻ thù. Nhờ đó, đây trở thành nhân vật điện ảnh đáng nhớ của thập niên 1980. Những người hùng có dáng dấp bình thường nhưng rơi vào hiểm cảnh sau này là mô-tip thường xuyên được Hollywood khai thác, như ở Speed, Con Air, The Rock, Olympus Has Fallen, White House Down...
Top Gun (1986): Ra đời hồi mùa hè năm 1986, Top Gun là một tác phẩm giải trí đơn thuần. Tuy nhiên, đây là bộ phim biến Tom Cruise trở thành ngôi sao hành động hạng A và mở ra quãng thời gian huy hoàng đến nay vẫn chưa kết thúc đối với tài tử. Cách cố đạo diễn Tony Scott xử lý bom tấn gây ảnh hưởng tới phong cách của Michael Bay sau này. Và Jerry Bruckheimer từ đây trở thành nhà sản xuất "mát tay" bậc nhất Hollywood. Các tác phẩm lớn của ông sau đó có thể kể tới Bad Boys, The Rock, Con Air và loạt Pirates of the Caribbean.
Star Wars (1977): Chiến tranh giữa các vì sao được đánh giá là bộ phim quan trọng bậc nhất không chỉ đối với riêng mùa phim hè, mà toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh. Đi trước thời đại về mặt nội dung và kỹ xảo, Star Wars còn cho thấy "mỏ vàng" mà các hãng phim có thể khai thác từ các đồ vật ăn theo một tác phẩm điện ảnh. Cho đến giờ, đây vẫn là một trong những thương hiệu được ưa chuộng bậc nhất ở phương Tây.
Jaws (1975): Hàm cá mập của Steven Spielberg thường được coi là tác phẩm khai sinh ra khái niệm mùa phim hè, với cách phát hành rộng khắp trên toàn Bắc Mỹ và chiến lược quảng bá dài hơi. Kể từ thành công của Jaws, các hãng phim cứ thế học theo cách phát hành ấy. Dần dà, những mùa phim hè đầy ắp những bom tấn ra đời, khiến khán giả ngóng trông.
10 'bom xịt' tệ hại trong các mùa phim hè "Waterworld", "The Mummy" (2017), "The Lone Ranger" được nhớ tới như các bộ phim chiếu rạp mùa hè có doanh thu tệ hại, khiến studio gánh chịu khoản lỗ lớn. Speed Racer (2008): Bộ phim dựa trên thương hiệu hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản cùng tên gây tò mò khi do chị em đạo diễn Wachowski - những người vừa gặt...