Cụ bà U70 rời phố về làng mở trang trại trồng rau sạch
Với mong muốn trồng rau sạch cho con cháu sử dụng cũng như cung cấp cho thị trường sau này, bà Nguyễn Thị Bích Khương dù đã ở tuổi 70 vẫn quyết tâm rời phố về làng mở trang trại trồng rau sạch.
Bà Khương vui vẻ thu hoạch những mớ rau sạch do chính tay mình trồng.
Nhìn “cơ ngơi” rộng hàng trăm mét vuông với đủ mọi loại rau xanh tươi mơn mởn của cụ bà 70, ai cũng trầm trồ ao ước.
Bà Khương kể, nhà bà ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng với mong muốn trồng rau sạch cho con cháu sử dụng cũng như cho thị trường sau này, bà Khương đã rời phố về làng mở trang trại để trồng rau sạch.
“Nghỉ hưu, tôi thấy thời gian nhàn rỗi nhiều mà mình lại thích ăn rau. Mỗi lần ra chợ tôi phải đắn đo rất lâu khi chọn các loại thực phẩm nhất là rau. Tôi cứ sợ mua phải rau họ phun thuốc trừ sâu không sạch. Lúc đầu nêu ý tưởng các con đều sợ tôi vất vả nên không cho làm. Sau khi thuyết phục mãi các con cũng đã đồng ý”, bà Khương kể về lý do “khởi nghiệp” của mình.
Bà trồng nhiều loại rau khác nhau và trồng theo nhiều đợt để lúc nào cũng có rau sạch cung cấp cho gia đình, bạn bè và cho thị trường
Đầu năm 2015, bà được các con đưa vào Đà Lạt để tham quan, học hỏi các mô hình trồng rau thủy canh của bà con nông dân nơi đây.
“Nhìn những vườn rau xanh mơn mởn, không hóa chất, không độc hại tôi thích lắm, càng khiến tôi quyết tâm hơn”, bà Khương nói.
Video đang HOT
Sau khi đi tham quan về và có một ít kinh nghiệm, bà dồn hết số tiền lương hưu tích lũy được mấy năm qua cùng với sự hỗ trợ của các con, đầu tư trang trại rau thủy canh tại thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, cách nhà bà chừng hơn 10 km.
Sau khi lên ý tưởng, bà liên hệ với một công ty rau sạch ở TP Hà Tĩnh để lắp đặt, thiết kế, tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
“Việc đầu tư khá tốn kém nhất là hệ thống nhà kính, hệ thống dẫn nước, giàn đỡ, giá thể, máy bơm và hạt giống… Trong đó, nhiều thiết bị và hạt giống phải nhập từ nước ngoài”, bà Khương cho biết.
Rau trồng trong nhà của bà Khương đa số theo phương pháp thủy canh. Theo phương pháp này, gia đình không phải làm đất, không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại.
“Trồng rau thủy canh cần sự tỉ mỉ, chịu khó. Khâu khó nhất là ươm cây con. Sau đó, cây con đưa lên giàn sẽ mất vài ngày kiểm tra dung dịch và điều chỉnh nồng độ pH cho phù hợp”, bà Khương chia sẻ.
Bằng sự cần cù, sự say mê, những “đứa con” tinh thần của bà cũng đã cho ra sản phẩm, không chỉ tươi ngon mà còn sạch nữa
Sau hơn 1 năm với bao khó khăn, dự án rau sạch của bà đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Hiện vườn rau của bà có khoảng 20 giàn với hơn 3.000 cây và 300 củ, quả. Loại rau chủ yếu được trồng là cải ngũ sắc, cải bó xôi, xà lách Mỹ, dưa chuột…
“Phương pháp này có ưu điểm là hệ thống rất sạch sẽ, hạn chế tối thiểu việc sâu bệnh phát triển, không phải nhổ cỏ, tiết kiệm công hơn trồng trên đất thường”, bà Khương chia sẻ thêm.
Cụ bà 70 tuổi mong muốn, sau này khi đã có nhiều kinh nghiệm sẽ phát triển hơn nữa, cung cấp ra thị trường những loại rau, củ quả sạch, xuất xứ rõ ràng, giá cả phải chăng.
Bà Khương chia sẻ: “Nhìn vườn rau xanh tốt, không sâu bệnh, không dùng hóa chất tôi rất an tâm và vui lắm”.
“Tôi đang làm thủ tục kiểm định an toàn và truy xuất nguồn gốc. Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh cũng rất khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho tôi. Hy vọng một ngày không xa, những loại rau sạch của tôi sẽ cung cấp được ra thị trường”, bà Khương vui vẻ cho biết.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Chị Luyến "rau sạch" ở cao nguyên Mộc Châu
Nhắc đến cái tên "Luyến rau sạch" cả xã Đông Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) từ lãnh đạo cho đến người dân, không ai là không biết. Bà Luyến là người đầu tiên trồng rau sạch với quy mô lớn.
Bà đứng ra thành lập hợp tác xã rau an toàn VietGAP to nhất nhì ở Mộc Châu và lo khâu tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên. Nhiều người vui tính gọi bà Luyến là "bà trùm rau sạch" ở vùng cao nguyên quanh năm mát mẻ này.
Chúng tôi đến nhà bà Luyến vào một ngày đầu tháng 11. Trước cổng nhà bà Luyến, một tấm biển với dòng chữ "Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vietgap", được treo ngay ngắn. Lối đi từ cổng vào nhà bà Luyến dài khoảng 30m, đổ bê tông bằng phẳng. Hai bên ngõ là khu nhà lưới chắc chắn, với nhiều loại rau, củ, quả xanh tươi tốt. Bà Luyến đang cặm cụi tỉa lá bên những luống dưa chuột xanh rì, thẳng tắp. Cạnh đó là những luống đất phủ kín màu xanh của hành, xà lách...
Mỗi ngày, bà Luyến chuyển từ 2 - 3 tấn rau xanh các loại bằng ô tô của gia đình xuống Hà Nội để giao cho các siêu thị lớn
"Mộc Châu có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ... phù hợp cho trồng rau xanh cả năm. Tôi có ý tưởng trồng rau với quy mô lớn từ những năm 2000 nhưng ngặt nỗi chưa có điều kiện về tài chính, kĩ thuật nên đành phải gác lại..." - bà Luyến mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Mãi đến năm 2011, ý tưởng trồng rau sạch của bà Luyến mới trở thành hiện thực. Bà trồng 1 ha rau xanh các loại. Với suy nghĩ "một cây làm chẳng nên non", bà Luyến vận động một số hộ dân trong bản cùng làm, rồi thành lập nhóm liên kết trồng rau theo hướng an toàn VietGAP. Năm 2012, gần 10 ha rau của 25 thành viên trong nhóm của bà Luyến được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ViêtGAP. Nhóm trồng rau của bà Luyến "ăn nên làm ra" nên nhiều người tình nguyện xin vào.
Đến năm 2013, bà Luyến đứng ra thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn VietGAP, do bà làm giám đốc. HTX của bà có 35 thành viên tham gia trồng 14 ha rau an toàn.
HTX rau an toàn VietGAP do bà Luyến làm giám đốc, trồng rau xanh quanh năm. Các loại rau trái vụ cũng phát triển xanh tốt ở vùng cao nguyên Mộc Châu
Ngay từ những ngày đầu thành lập nhóm liên kết, bà Luyến đã nhiều lần vất vả ngược xuôi đi tiếp thị, chào hàng tại các siêu thị lớn ở Hà Nội.
Để HTX phát triển bền vững , bà lập kế hoạch sản xuất cụ thể đến từng thành viên. Bà trực tiếp quản lý ngay trên đồng ruộng, đôn đốc các hộ thành viên tuân thủ việc ghi chép sổ sách hàng ngày, sử dụng đúng chủng loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học.
"Vì xã viên đông, diện tích sản xuất lớn, sản lượng rau thu hoạch lên đến cả tấn mỗi ngày, nếu không có kế hoạch chi tiết sẽ dẫn đến việc trồng ồ ạt, khó cho khâu tiêu thụ. Tôi thường động viên các xã viên trồng rau bán ra thị trường cũng như trồng rau cho gia đình mình ăn. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc kích thích cho rau phát triển mà làm ảnh hưởng đến chất lượng rau và sức khỏe người tiêu dùng..." - bà Luyến cho hay.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm rau xanh các loại của HTX do bà Luyến làm giám đốc được thị trường chấp nhận, người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng bào tiêu sản phẩm với các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Metro, Vinmart, BigC...
Bà Luyến cho biết, tất cả xã viên HTX rau an toàn VietGap luôn tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" đó là đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng thời gian trong chăm sóc, phòng dịch bệnh cho rau
Bà Luyến đứng ra mua toàn bộ rau, củ quả của các xã viên HTX, sau đó cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội. Ngày nào cũng "đều như vắt chanh" bà Luyến cho người chở từ 2 - 3 tấn rau xanh về Hà Nội, giao cho các siêu thị lớn.
Ngoài cung cấp cho các siêu thị lớn dưới Hà Nội, do không đủ nguồn hàng nên bà Luyến chỉ nhận lời cung cấp rau cho một số trường học trên địa bàn huyện Mộc Châu.
Theo bà Luyến, hiệu quả kinh tế từ trồng rau sạch cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. "Từ ngày sản xuất rau sạch, tham gia Hợp tác xã, đời sống, thu nhập của gia đình tôi và các hộ xã viên tăng như "diều gặp gió". Trồng 1ha rau sạch, mỗi năm có thể "đút túi" hơn 400 triệu đồng..." - bà Luyến cười giòn tan.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Đảm đang trồng rau, quả mà có tiền tỷ "Trồng rau, trước là phục vụ cho gia đình mình, chứ ai lại nông dân mà bỏ tiền đi mua rau ngoài chợ...". Nghĩ là làm. Và giờ đây chị Nguyễn Thị Quý (TX.Đông Triều- Quảng Ninh) đang là chủ của hơn 4.000m2 diện tích đất trồng rau giống, rau sạch và cây ăn quả cho thu nhập gần 1 tỷ/năm. Dám nghĩ...