Cụ bà bỏ quên ống thông niệu quản 9 năm trong người
Cụ bà 86 tuổi “ngại” đi tái khám, lâu dần quên mất trong cơ thể mình vẫn còn 1 ống thông niệu quản ( sonde JJ) và cuộc hẹn rút ống sonde với bác sĩ.
Ngày 4/3, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi bàng quang to bằng quả trứng trên bệnh nhân bỏ quên ống thông niệu quản (sonde JJ) 9 năm trong người.
Hình ảnh ống sonde JJ và sỏi bàng quang trong người bệnh nhân.
Theo đó, cụ bà H.T.H. (SN 1935, ngụ Đồng Tháp) được BV tuyến trước chuyển đến BVĐKTƯCT với chẩn đoán: nhiễm trùng niệu sỏi bàng quang còn ống sonde JJ đã bị đứt.
Bệnh nhân được tán sỏi niệu quản trái qua nội soi cách đây 9 năm tại một BV ở TP Hồ Chí Minh. Sau tán sỏi có đặt ống sonde JJ, BS dặn trở lại bệnh viện tái khám để rút ống sonde JJ.
Các BS lấy ống sonde JJ và sỏi bàng quang ra khỏi người bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân “ngại” đi tái khám, lâu dần quên mất trong cơ thể mình vẫn còn 1 ống sonde JJ và cuộc hẹn rút ống sonde JJ với BS. Từ đó, bệnh nhân thường xuyên đau hạ vị, tiểu gắt nhiều năm, tiền sử đái tháo đường týp 2 sáu năm.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu phát hiện còn ống sonde JJ niệu quản trái bị đứt ở vị trí bàng quang tạo thành sỏi bàng quang kích thước rất lớn (52×34mm) phần đầu trên ống thông có sỏi nhỏ bám.
Các BS phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ê kíp BSCK2 Nguyễn Phước Lộc BS Hoàng Duy Tân BS Lý Thị Băng Thanh thực hiện phẫu thuật lấy thành công sỏi bàng quang kích thước 5×4x5cm có đầu ống sonde JJ nằm bên trong rút thành công ống sonde JJ. Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, sinh tồn ổn định.
Sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định.
Theo BSCK2 Nguyễn Phước Lộc, ngày nay, ống sonde JJ được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của nội soi tiết niệu, sonde JJ được đặt để dẫn lưu niệu quản trong nhiều trường hợp sau mổ sỏi đường tiết niệu, tán sỏi thận qua da, sau tán sỏi niệu quản qua nội soi…
Tuy nhiên, thời gian rút sonde do BS chỉ định và thời gian đặt sonde JJ lưu trong niệu quản tùy theo loại, thường chỉ lưu được tối đa là 3, 6 tháng hoặc 1 năm.
“Người bệnh khi được điều trị ở bệnh viện cần chú ý tuân thủ lời dặn của BS và tái khám đúng hẹn, không chủ quan với sức khỏe của bản thân nhằm tránh các biến chứng đường tiết niệu do để ống thông quá lâu”, BS Lộc khuyến cáo.
Nửa đêm thức giấc đi vệ sinh, cụ ông bỗng đột quỵ nguy kịch
Giữa khuya thức dậy, cụ ông 84 tuổi bỗng đột quỵ, liệt nửa người. 5 giờ sau bệnh nhân mới được chuyển đến bệnh viện nhưng điều kỳ diệu là sau 10 phút cấp cứu, cụ được cứu sống và hồi phục gần như hoàn toàn.
TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng khoa Đột quỵ, Bệng viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám vận động cho bệnh nhân L.V.S - ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Chiều 1.3, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa can thiệp thành công cứu sống cụ ông 84 tuổi bị đột quỵ nặng với thời gian tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc trong 10 phút.
Kỳ diệu: 10 phút "giờ vàng" cứu cụ ông đột quỵ lúc nửa đêm
Trước đó, bệnh nhân L.V.S (ngụ tỉnh Bạc Liêu) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm, tăng huyết áp.
Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, cách nhập viện khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, tức giữa khuya, bệnh nhân đang ngủ thì thức dậy đi vệ sinh. Tuy nhiên, khi quay trở lại giường ngủ, ông đột ngột yếu liệt nửa người bên phải, lơ mơ. Gia đình có mời nhân viên y tế địa phương đến sơ cứu và sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Ngay khi tiếp nhận bệnh, các bác sĩ đã xác định thời gian từ lúc bệnh nhân khởi phát cơn đột quỵ đến lúc nhập viện là khoảng 5 giờ 30 phút. Kết quả chụp CT Scan não cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền từ vị trí hợp lưu đến đỉnh thân nền. Vị trí bị tắc có nguy cơ gây tử vong rất cao nếu không can thiệp tái thông mạch máu kịp thời. Trường hợp can thiệp muộn cũng để lại những di chứng rất nặng nề, có thể sống đời sống thực vật hoặc liệt tứ chi.
Sau hội chẩn, ê kíp can thiệp nội mạch do TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng khoa Đột quỵ, và BS.CK1 Trần Công Khánh, Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, đã tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. May mắn là chỉ trong 10 phút, các bác sĩ đã tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc và hút ra lượng nhiều huyết khối.
Hình ảnh mạch máu não của bệnh nhân đột quỵ L.V.S trước khi được can thiệp và sau khi được can thiệp tái thông hoàn toàn - ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Một điều kỳ diệu hiếm thấy là mặc dù bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu khá trễ nhưng hiện tại sau can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh táo, đã hồi phục gần như hoàn toàn và đang tiếp tục điều trị tại Khoa Đột quỵ.
Theo TS.BS. Hà Tấn Đức, tỷ lệ mắc đột quỵ não gia tăng theo tuổi, nhất là với những người già trên 80 tuổi. Người cao tuổi thường mắc nhiều loại bệnh lý khác nhau, trong đó chứng đột quỵ xảy ra khá phổ biến gây hậu quả nặng. Đột quỵ thiếu máu não cục bộ chiếm khoảng 80 - 85%, trong đó tỷ lệ người trên 80 tuổi chiếm trên 1/3 tổng số người bệnh đột quỵ được nhận vào viện và thường nặng nề hơn, hậu quả tồi tệ hơn (với cả hai tử vong và tàn tật) so với những người dưới 80 tuổi.
Tiên lượng hồi phục của đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian tái thông mạch máu bị tắc và vị trí bị tắc mạch. Tắc nghẽn cấp của động mạch cảnh trong, động mạch não giữa hoặc động mạch thân nền thường có tiên lượng xấu nếu không được tái thông kịp thời. Vì vậy, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
"6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề. Càng cấp cứu sớm, tỉ lệ hồi phục càng cao", BS Đức khuyến cáo. Cũng theo BS Đức, đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thường không có dấu hiệu báo trước.
Các triệu chứng gợi ý đột quỵ bao gồm đột ngột xuất hiện: méo miệng, liệt hoặc yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được. Khi có các triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để cấp cứu. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định phần lớn khả năng phục hồi của bệnh nhân.
Bị ong chích, cô gái bỗng suy hô hấp, suy tim nặng, nguy kịch Bị con ong chích vào bàn chân, cô gái 16 tuổi ở Cần Thơ bỗng sưng phù mặt rồi suy hô hấp, tím tái, suy tim nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân bị ong chích, đã biến chứng rất nhanh, sưng phù mặt, khó thở, tím tái và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ...