Cụ bà 91 tuổi phát hiện mình “đã chết” khi làm lại căn cước công dân
Cụ Hoàng Thị Thử (SN 1932, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đi làm lại căn cước công dân (CCCD) thì phát hiện dữ liệu trên hệ thống tra cứu báo mình đã mất.
Vừa qua, báo VietNamNet nhận được thông tin phản ánh của ông Nguyễn Đình Tịnh (SN 1976, trú tại thôn Hưng Nam, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về việc gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm căn cước công dân (CCCD) cho mẹ đẻ của mình là cụ Hoàng Thị Thử.
Theo ông Tịnh, cụ Hoàng Thị Thử (91 tuổi, quê xã Cẩm Phúc, nay là xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) lấy chồng về xã Cẩm Hưng gần 70 năm trước. Ông bà có 6 người con, con đầu năm nay đã 66 tuổi, con út 47 tuổi. Hộ khẩu và chứng minh dân nhân mang tên cụ Thử được cấp lại vào năm 2018.
Cụ bà Hoàng Thị Thử (cùng chồng) phản ánh với PV VietNamNet về việc phát hiện mình đã mất và bị chuyển giới khi đi làm lại CCCD
Tháng 3/2021, cụ Thử cùng chồng và con trai đi làm CCCD tại điểm trường THPT Cẩm Xuyên. Tại đây, việc chụp ảnh, lấy vân tay và cập nhật thông tin dữ liệu vẫn diễn ra bình thường, không có gì trục trặc. Tuy nhiên, sau đó chỉ chồng và con trai được phát CCCD, còn cụ không có.
Sau đó, ông Tịnh trực tiếp đến Công an huyện Cẩm Xuyên để hỏi về CCCD của mẹ mình thì được trả lời là thông tin dữ liệu về cụ chưa có trên hệ thống, phải đưa cụ đến để làm lại.
Gần đây, do tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn, cần có CCCD để uỷ quyền cho con cái nhận tiền bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, vì thế, ngày 3/3, cụ Thử được ông Tịnh chở đến Công an huyện Cẩm Xuyên để làm lại CCCD.
“Khi họ mở máy ra để làm thì phát hiện 2 thông tin sai, giới tính là nam và hiện trạng đã chết nên không thể làm các thủ tục tiếp theo. Về nhờ công an xã kiểm tra lại, họ cho xem trực tiếp trên máy tính cũng có cùng hiện trạng đó”, ông Tịnh cho biết.
Video đang HOT
“Sau đó, tôi sang nhờ cán bộ tư pháp xã kiểm tra xem có hồ sơ khai tử mẹ mình không thì họ trả lời là chưa khai tử, hiện hàng tháng vẫn đang chi trả tiền bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi đầy đủ”, ông Tịnh thông tin thêm.
Chứng minh nhân dân của cụ Thử…
… và hộ khẩu mới được cấp năm 2018
Cũng theo ông Tịnh, sau đó Công an xã Cẩm Hưng hướng dẫn đến xã Nam Phúc Thăng xin giấy khai sinh để làm hồ sơ chuyển ra Hà Nội khôi phục thông tin cho mẹ.
Đến Nam Phúc Thăng, tư pháp xã yêu cầu về xã Cẩm Hưng xin trích lục mã định danh cá nhân để có cơ sở biết được bố mẹ bà là ai mới cấp được. Quay về Công an xã Cẩm Hưng thì được trả lời là hiện trạng đã chết nên không trích xuất mã định danh cá nhân.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại uý Lê Trường Giang, Phó trưởng Công an xã Cẩm Hưng xác nhận, cụ Thử vừa bị sai giới tính vừa sai dữ liệu trạng thái là đã chết.
Lý giải về việc cụ Thử đang sống mà trong hồ sơ lưu trữ thể hiện đã chết, đại uý Giang cho biết, thôn Hưng Nam được nhập lại từ 1/2 xóm 15 và toàn bộ xóm 16 nên khi làm sạch dữ liệu, có thể anh em xoá nhầm, hoặc có khả năng ở xóm đó có 2 bà, qua xác minh là đã mất nên có trạng thái như vậy.
Sau khi làm đề xuất ra Bộ Công an để khôi phục trạng thái thì phát hiện cụ bị sai cả giới tính.
Theo đại uý Giang, quá trình phát phiếu thu thập thông tin dân cư vào năm 2017, ở mục giới tính có người ghi vào có người không, dẫn đến việc dữ liệu có sai sót.
Trụ sở xã Cẩm Hưng, nơi để xảy ra những sai sót về thông tin dữ liệu của công dân
“Nếu nhập sai giới tính thì CCCD sẽ bị nhảy số. Theo quy định 3 số đầu (042) là mã tỉnh Hà Tĩnh, số thứ 4 là giới tính (những người sinh từ năm 1900 đến hết năm 1999 thì nam là 0, nữ là 1 – PV). Khi nhập giới tính của cụ Thử là nam thì nó sẽ nhảy ra số 0. Muốn sửa được số này thì phải làm hồ sơ gửi ra huyện, huyện tổng hợp gửi ra tỉnh rồi tỉnh chuyển dữ liệu ra C06 mới xoá được số này và cấp lại cho cụ số khác”, đại uý Giang nói.
Đại uý Giang cũng khẳng định: “Chủ trương của Bộ Công an là phải đảm bảo dữ liệu dân cư đủ, đúng, sạch, sống’, nghĩa là công tác làm sạch dữ liệu là công tác hàng ngày. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh đã không kể ngày đêm triển khai và được đánh giá rất cao. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi đã hướng dẫn cho công dân rất tận tình chu đáo để cấp CCCD cho cụ. Quá trình xử lý mất khoảng 1 tháng”.
Bộ Công an đề xuất cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), trong đó đề xuất khi đăng ký khai sinh thì cấp luôn căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi.
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, dự thảo bổ sung một số quy định như cấp CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, cấp giấy chứng nhận CCCD cho người gốc Việt Nam; phát huy giá trị, tiện ích của CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Bộ Công an đề xuất sửa Luật Căn cước công dân để có thể cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 6 tuổi.
Theo dự thảo, việc cấp CCCD cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật hiện hành.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất việc cấp CCCD cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì cấp CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Việc cấp CCCD cho đối tượng này sẽ không thực hiện việc thu nhận thông tin sinh trắc học. Với trẻ từ đủ 6 tuổi trở lên thì thủ tục cấp CCCD sẽ tiến hành thu nhận vào hệ thống dữ liệu về ảnh khuôn mặt.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ căn cước công dân.
Các thông tin về khai sinh, BHYT, BHXH, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, tình trạng hôn nhân và các lĩnh vực khác thuộc nội dung quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi được tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung gắn với CCCD sẽ giúp người dân giảm giấy tờ, thuận lợi hơn trong thực hiện giao dịch dân sự, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định chuyển tiếp, giới hạn giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân đã cấp trước đây muộn nhất đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Để phòng ngừa những rắc rối không cần thiết trong quá trình chuyển tiếp, dự luật quy định các cơ quan quản lý nhà nước không được đưa ra các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin với lý do người dân chuyển từ chứng minh nhân dân sang CCCD.
Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) cũng bổ sung quy định nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD phù hợp với định hướng quản lý CCCD.
Bỏ sổ hộ khẩu: Ngày D đã cận kề... Trước giờ "khai tử" sổ hộ khẩu (ngày 1.1.2023), nhiều địa phương vẫn còn khá băn khoăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân trong bối cảnh không phải cán bộ, công chức nào cũng được cấp quyền truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều thủ tục hiện cần xuất trình sổ hộ khẩu...