Cụ bà 76 tuổi lưu giữ hàng ngàn bức ảnh về Bác Hồ
Hai lần may mắn được gặp Bác Hồ, bà Nguyệt nhớ như in và lưu giữ từng khoảnh khắc đáng quý ấy đến tận bây giờ. Gần 40 năm sưu tầm, giờ đây bà Nguyệt đã có một kho báu tư liệu hình ảnh, chuyện kể về Bác.
Nếu ai có dịp một lần đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt (76 tuổi, nguyên Bí thư chi bộ khu phố 4, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy bộ sưu tập hiếm có về tư liệu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó được xem là một gia sản quý báu của người con miền Nam 2 lần may mắn gặp Bác Hồ.
Bà Nguyệt vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 12 tuổi, bà thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Năm 1955, bà cùng anh chị em tập kết ra Bắc và học Trường Học sinh miền Nam. Chỉ có 2 lần gặp Bác nhưng bà nhớ như in từng chi tiết cho đến tận bây giờ. Sau ngày giải phóng miền Nam, bà trở về miền Nam nhưng lòng luôn nhớ về miền Bắc, nhớ về hình ảnh vị Cha già kính yêu mà quyết định sưu tầm ảnh, các câu chuyện về Bác để thỏa nỗi nhớ mong.
Bà Nguyệt mở cuốn album lưu giữ hàng ngàn bức ảnh về Bác
Thế là cứ đợi dịp báo xuân ra, bà Nguyệt lại tìm đọc, cắt hình, nhờ người chụp lại những bức ảnh về Bác. Bất cứ lúc nào rảnh, bà lại tìm đến các tiệm sách cũ, lần giờ tìm kiếm. Những cuốn nào mỏng, bà Nguyệt cố gắng đọc hết, những cuốn nào dày, tác giả viết hay, bà Nguyệt cố gắng dành tiền ra mua.
Sau 37 năm miệt mài sưu tầm, bà Nguyệt đã có hơn 400 cuốn sách, hàng nghìn bài báo và khoảng 2.000 tấm ảnh về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Đặc biệt, bà có bộ sưu tập đầy đủ hình ảnh và những bức tranh phác họa về Bác từ thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành, suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, rồi hình ảnh Bác trở về Pắc Bó hoạt động ở chiến khu Việt Bắc và khi về Hà Nội gặp gỡ thiếu nhi, phụ nữ, bộ đội, các tầng lớp nhân dân…
Phía sau từng tấm ảnh bà ghi chú đầy đủ nội dung Bác đang làm việc gì, ở đâu, thời gian nào… rồi cho vào mỗi cuốn album là 300 tấm ảnh. Ngày 30/10/2013, bà đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở bến Nhà Rồng 6 cuốn album gồm 1.800 tấm ảnh về Bác Hồ và bức thư của Người gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc tháng 9/1954. Bà còn tặng nhiều sách báo, hình ảnh (bản photo) cho Thư viện phường Cô Giang để giới thiệu rộng rãi với người xem.
Video đang HOT
Mỗi khi kể chuyện về Bác, ánh mắt bà Nguyệt luôn rạng ngời, vui sướng
Qua những câu chuyện kể của bà, hình ảnh vị lãnh tụ hiện lên đẹp đẽ, giản dị, thật khiêm nhường và mẫu mực khiến người nghe ai cũng xúc động và say mê. Mỗi khi nhắc đến Bác, những ký ức tươi đẹp lại ùa về trong tâm trí bà, vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.
Ngọc Dung – Đình Văn
Theo Dantri
Hà Nội và những địa danh lịch sử
Trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9, khi các con đường đỏ rực cờ hoa chào mừng kỉ niệm ngày trọng đại của đất nước, chúng ta hãy cùng nhìn lại những địa danh, di tích của Hà Nội đã chững kiến nhưng thời khắc lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Quảng trường Ba Đình tại Hà Nội. Cách đây 69 năm, ngày 2/9/1945 Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vào năm 1975 Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trên Quảng trường Ba Đình. Đây là nơi là nơi gìn giữ lâu dài thi hài Bác để nhân dân cả nước và quốc tế có thể đến thăm viếng.
Đây là ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). Trước đây là cửa hàng buôn bán tơ lụa Phúc Lợi của gia đình cụ Trịnh Phúc Lợi. Cụ là một nhà tư sản yêu nước tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can lãnh đạo những năm đầu thế kỉ 20.
Tại nhà 48 Hàng Ngang, Bác Hồ đã đến ở và viết bản Tuyên ngôn độc lập từ ngày 25/8 đến 2/9/1945. Đây là căn phòng lớn trên tầng 2 được Bác dùng làm nơi tiếp khách.
Bộ bàn ghế Bác Hồ sử dụng trong những ngày soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang.
Nhà Hát Lớn và quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ngày 19/8/1945 nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trên cả nước.
Cũng trong ngày 19/8/1945 lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ Phủ khâm sai Bắc Kỳ số 12 phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội).
Nhà bà Hai Vẽ phường (Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội) là cơ sở hoạt động bí mật của Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) từ năm 1941 đến năm 1945.
Bà Hai Vẽ tên thật là Công Thị Lùn, chồng là ông Hai người làng Vẽ (Đông Ngạc - Từ Liêm). Do ông bà đều là người hiền lành tốt bụng, nhà cửa kín đáo gần bến đò bên sông Hồng nên Thường vụ Trung ương Đảng đã cử người tìm đến tuyên truyền giác ngộ, biến ngôi nhà của gia đình bà Hai Vẽ thành một nơi an toàn bí mật. Trong ảnh là căn nhà lá của bà Hai Vẽ vẫn được gìn giữ.
Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình - Hà Nội) được xây dựng trong triều Nguyễn, đây là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Hiện tại Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Khi người Pháp tiến phá Thành Hà Nội, cột cờ đã suýt bị phá hủy. Vào ngày 10/10/1954 lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc - tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội khi đoàn quân tiến về giải phóng Hà Nội.
Hữu Nghị
Theo Dantri
"Chúng ta còn nợ Người nhiều điều trong Di chúc!" "Nhìn lại sáu điểm lớn trong Di chúc Bác đặt ra cho Đảng, nhân dân ta phải làm thì thấy rõ hiện nay chúng ta vẫn đang nợ rất nhiều điều", GS.TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng nói. 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng trao đổi...