Cụ bà 71 tuổi mắc Covid-19 ở Hà Nội xin nhường máy thở cho chồng
Trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải chỉ định can thiệp nội khí quản gấp, bà Hạnh vẫn cố gượng dậy, thều thào xin bác sĩ nhường máy thở cho người chồng.
Trên trang cá nhân, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kể lại câu chuyện xúc động về cặp vợ chồng bệnh nhân Covid-19 nặng mà anh và các đồng nghiệp đang điều trị.
“Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường cho ông ấy.
Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng. Dù não bà có đang thiếu oxy, dù bà có đang thở “không ra hơi”, thì bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy.
Covid-19 thường có yếu tố gia đình. Một người bị là cả nhà bị. Gia đình ông bà cũng không ngoại lệ và cùng vào viện trong bệnh cảnh rất nặng. Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, tình trạng của ông bà đều xấu đi và bà có chỉ định can thiệp đặt ống thở máy.
Sau khi giải thích cho bà rằng can thiệp này giúp đảm bảo mức oxy cho cơ thể, bà nghĩ ngay đến việc sẽ nhường lại cho ông. Chúng tôi phải cố giải thích rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông nên tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà.
Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. “Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả hai ông bà”. Thoáng chốc, tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà…”
Buồng bệnh tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Chia sẻ với VietNamNet , bác sĩ Thiệu cho biết, nhân vật chính trong câu chuyện là bà Trần Thị Hạnh (71 tuổi), cùng chồng là ông Trần Ngọc Linh (72 tuổi), ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai ông bà được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 hôm 26/7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Đến ngày 2/8, bà Hạnh chuyển nặng, phải chuyển tuyến lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Diễn tiến của bệnh nhân xấu hơn trong những ngày tiếp theo, đáp ứng oxy không đủ, hình ảnh tổn thương phối rất nhiều.
Chiều tối 6/8, các bác sĩ đưa ra chỉ định đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy. Bà Hạnh khi ấy vẫn còn tỉnh táo, được giải thích kỹ về lý do cần can thiệp và những tình huống có thể xảy ra.
Video đang HOT
Bà vội hướng mắt về phía người chồng đang nằm cùng phòng điều trị. Trước đó vài tiếng, ông Linh cũng được chuyển từ y tế địa phương lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do tình trạng khó thở tăng nặng.
“Xin bác sĩ nhường cho chồng tôi thở máy. Tôi thấy vẫn khỏe nên chưa cần đến”, câu nói của bà Hạnh khiến bác sĩ Thiệu hơi sững người.
“Có thể vì nhìn thấy một số bệnh nhân diễn tiến nặng lên hoặc nhẹ đi được chuyển sang khoa phòng khác, bà nghĩ rằng phải có người không dùng nữa mới đến lượt mình, nghĩ trang thiết bị đang thiếu thốn nên muốn nhường điều tốt này lại cho ông. Khi chúng tôi giải thích ở đây không thiếu máy thở và chỉ định này cần thiết cho bà, chưa cần với ông, bà mới an tâm hơn để bắt đầu can thiệp”, bác sĩ Thiệu kể.
2 ngày sau, ông Linh cũng tổn thương phổi nặng hơn, buộc phải chỉ định đặt ống nội khí quản. May mắn, ông bà đều đáp ứng máy thở và tiến triển tốt. Đến ngày 12/8, họ cùng được rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy.
Bà Hạnh (bên trái)cùng chồng được các y bác sĩ Khoa Cấp cứu thăm khám, chăm sóc
Do phải dùng thuốc an thần lâu ngày hơn, bà Hạnh đến nay vẫn ở trạng thái kích thích mê man, chưa hoàn toàn tỉnh táo. Còn ông Linh đã tỉnh lại ngay sau khi cai máy vài tiếng.
Tối 12/8, khi đang chăm sóc cho ông, nữ điều dưỡng hỏi: “Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với bà không, để chúng cháu giúp”. Ông Linh thều thào, cố gắng nói nhưng không rõ tiếng. Cổ họng ông bị ảnh hưởng sau thời gian can thiệp thanh quản. Nữ điều dưỡng vội đưa cho ông một tờ giấy và chiếc bút.
Tay vẫn còn run rẩy, ông Linh chậm rãi viết từng dòng chữ: “71 năm. Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên”.
“Khi nhìn sang giường bà ở phía bên cạnh, nước mắt ông lăn dài trên má. Có lẽ, vì bà vẫn chưa tỉnh, ông nghĩ bà không qua được”, bác sĩ Thiệu kể.
Bức thư sau đó được nữ điều dưỡng mang đến bên giường bệnh, đọc cho bà Hạnh nghe. “Bà vẫn nằm mê man, nhưng khi nghe điều dưỡng đọc xong bỗng chảy nước mắt. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động”, bác sĩ Thiệu nhớ lại.
Bức thư người chồng gửi cho vợ
Hiện giai đoạn nặng nhất đã đi qua, cả ông Linh, bà Hạnh đều đang dần hồi phục. Gần đây, ông cũng hiểu được điều này nên an tâm hơn. Hai chiếc giường bệnh cách nhau vài mét, thi thoảng, ông lại cố ngoảnh dậy để xem các y bác sĩ thăm khám, chăm sóc cho bà ra sao.
“Ông có vẻ rất nóng lòng muốn được phụ chăm sóc cho bà. Nhưng vì sức khỏe chưa cho phép, bệnh nhân vẫn đang thở oxy nên không thể bước ra khỏi giường”, anh Thiệu nói.
Làm ở đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, anh Thiệu và các đồng nghiệp đã nhiều lần chứng kiến cảnh những gia đình “người đi, người ở”. Thậm chí, có gia đình 3 người cùng nhập viện nhưng chỉ 1 người được khỏe mạnh trở về. Bởi thế, việc cả ông Linh, bà Hạnh đều vượt qua “cửa tử”, có cơ hội đoàn tụ cùng nhau là niềm hạnh phúc rất lớn với các y bác sĩ.
“Theo dõi, chăm sóc người bệnh thời gian rất dài, chúng tôi thay đổi tâm trạng theo từng tiến triển của bệnh nhân, thấy diễn tiến tốt lên một chút đã mừng lắm. Nhất là khi chứng kiến bệnh nhân lên xe cấp cứu, được trở về nhà, với chúng tôi là sự động viên lớn nhất”, bác sĩ Thiệu tâm sự.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Hà Nội: Từ 12h trưa 25/5 dừng hoạt động nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu
UBND TP Hà Nội vừa có công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn TP đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.
Từ 12h ngày mai (25/5), TP quyết định tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới. Cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, nhanh hơn bằng nhiều hình thức thiết thực, phát huy tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, các khu chung cư, trên không gian mạng.
Hà Nội hôm nay đã cho phong tỏa nhiều khu dân cư do liên quan đến ca mắc Covid-19 mới.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát triển khai phương án bổ sung các khu cách ly tập trung để chủ động đáp ứng việc cách ly tập trung.
Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh.
Rà soát kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các lực lượng trong toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 từ tổ dân phố, thôn xóm, hộ gia đình, tổ sản xuất, nhất là các khu chung cư, khu nhà trọ, ký túc xá sinh viên, khu nhà ở học sinh, sinh viên...
Ổ dịch tại tập đoàn T&T được đánh giá phức tạp.
Giám sát, quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế tại cộng đồng, tuyệt đối không để xảy ra các ca bệnh mới phát sinh tại cộng đồng.
Thần tốc, truy vết, cách ly, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm nhanh, kịp thời để sàng lọc khi có ca bệnh mới phát sinh.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu, tất cả người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội: Thời điểm từ ngày 10-24/5 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5.
Từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...