Cụ bà 100 tuổi bán vé số mưu sinh bên lề xã hội
Con đàn cháu đống có nhà cửa đàng hoàng nhưng bà cụ gần 100 tuổi lại sống… bên hiên nhà một người con ruột. Bà cụ sống lầm lũi một mình, không muốn làm phiền đến con cháu.
Bà cũng không ngửa tay xin ai đồng nào mà đường đường chính chính sống bằng chính sức lao động của mình, dù sức khỏe của bà chỉ như cành khô trước gió…
Người bán vé số lớn tuổi nhất Long An
Ở TP Tân An, người dân đã quen với cảnh hàng chục người trong độ tuổi lao động dắt díu con cháu đi xin ăn khắp các con phố. Bờ kè, ghế đá công viên, hiên chợ, sạp thịt… là nơi để những con người hoàn toàn khỏe mạnh này trú ngụ về đêm. Họ không chịu lao động mà chọn cho mình một nghề ít vốn, ít tổn hao sức lực để mưu sinh. Thậm chí, có người còn xem đây như là một “nghề” dễ kiếm cơm khi sau mỗi cái Tết, số lượng người ăn xin ở thành phố này dường như muốn tăng lên, khi chính những người này rủ rê thêm những người khác gia nhập bang hội.
Đối lập với hình ảnh những người ăn xin nằm và vật khắp nơi là cảnh một cụ bà dáng người nhỏ thó, lưng còng tóc bạc tay run run cầm xấp vé số đi mời mọc từng người. Sống cả trăm năm, bà cụ đã quá già để có thể lao động. Người ta chỉ thấy cụ cầm gậy, đi từng bước – đúng hơn là dò dẫm từng bước trên đường, một phần vì đi không nổi, một phần vì đôi mắt đã mờ đục… Cứ chốc chốc, bà cụ lại ngồi bệt xuống đường, gục đầu vào 2 đầu gối tong teo rồi thở dốc. Không còn nhìn rõ, nghe rõ, nói cũng không ra hơi, bà mời mọi người mua vé số bằng cách chìa xấp vé số ra phía trước. Nếu ai mua thì họ tự lấy vé số, rồi đưa tiền cho bà.
Một lần, có đôi thanh niên nam nữ đang chạy xe tay ga đắt tiền thấy bà ngồi thở dốc bên lề đường. Xe đã trờ qua chừng chục mét nhưng cô gái ngồi phía sau bảo chàng trai dừng lại. Cô bước xuống xe và lấy tờ giấy bạc 10 ngàn đồng bỏ vào cái nón lá cũ nát của bà. Cô chưa kịp quay đi thì bà cụ đã run run cầm xấp vé số đưa cho cô gái. Cô gái lắc đầu xua tay, bà cụ rút ra một tờ vé số rồi dúi vào tay cô, thều thào: “Bà bán vé số chứ không xin tiền cháu ơi”… Lúc này, cô gái như chợt hiểu ra và “chữa cháy” bằng cách mua thêm một tờ vé số, cô giữ một tờ và tặng bà cụ một tờ. Thế nhưng, cô phải thuyết phục mãi bà cụ mới bằng lòng nhận vì bà bảo bà vẫn còn sức khỏe, vẫn còn có thể lao động.
Ở thành phố Tân An, người ta bảo rằng bà cụ này là người bán vé số thâm niên nhất và cũng là người bán vé số lớn tuổi nhất của tỉnh.
Tên cụ bà là Trần Thị Hy, quê ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Theo lời cụ, năm 2011 này cụ được 100 tuổi. Cụ sinh được 8 hay 9 người con, cũng không còn nhớ rõ, hiện tại thì có 2 người con còn sống, cũng đã trên 60 tuổi và không ở cùng cụ. Thời còn trẻ, cụ bà buôn bán ngoài chợ, còn chồng thì làm nghề mộc, họ sinh gần chục mặt con.
Cụ Hy trên đường đi bán vé số.
Cả hai thời kỳ chiến tranh, cả nhà cụ may mắn khi không ai bị tên rơi đạn lạc. Cha mẹ chịu thương chịu khó nên các con của cụ dù sinh ra trong buổi khó khăn nhưng ít có ai đau yếu, bệnh hoạn. Mấy chục năm trước, sau khi chồng chết, các con cũng đã có gia đình hết nên cụ chia hết tài sản cho các con, sau đó thì không ở với người nào mà tự làm thuê kiếm sống. Mấy người con của cụ nhiều người đã qua đời ở tuổi 60, hoặc 70, hoặc hơn cụ cũng không nhớ rõ. Hai người còn lại cũng đã trên 60, các cháu nội ngoại đều đã có gia đình.
Vài chục năm nay, sáng nào cụ cũng đến đại lý vé số nhận vé đem bán, cuộc sống lây lất bữa đói bữa no. Hơn 10 năm nay, tuổi đã quá cao, đau bệnh liên miên nên mỗi ngày cụ Hy chỉ có thể bán được vài chục tờ, tiền lãi hôm nào nhiều thì mua gói mì làm canh, còn không thì cụ mua ổ bánh mì gặm cho qua bữa.
Video đang HOT
Sống bên lề xã hội
Để xác minh tuổi thật của cụ, chúng tôi đã tìm tới UBND phường 2, TP Tân An. Một cán bộ ở đây cho biết, tuổi thật của cụ có thể khoảng 100 (vì căn cứ vào tuổi của những người con do cụ sinh ra). Tuy nhiên, tuổi theo thẻ căn cước của cụ thì là 98. Chúng tôi dò hỏi, nhiều người bán vé số ở Tân An khẳng định: “Bà cụ này là người bán vé số già nhất Long An. Năm nay đã gần 100 tuổi”. Cũng theo lời kể của những “đồng nghiệp” bán vé số, cụ Hy do già cả nên thường bị kẻ xấu lừa lấy mất vé số. Mỗi lần như vậy, cụ phải chạy vạy mượn tiền mua lại vé số rồi trả nợ dần. Sức yếu, cụ nhiều lần té ngã, mấy lần gãy tay phải nằm viện. Tuy nhiên, không phải lần nào cũng có tiền đi bệnh viện nên nhiều lúc bà cụ tự mua thuốc, rồi cứ thế đắp bừa lên vết thương. Trời thương, rồi cũng đến lúc lành. Cả 2 cẳng tay khẳng khiu của bà cụ vì vậy mà nhiều chỗ xương lành xong cứ cong cong quẹo quẹo do không được chữa trị đúng cách.
Mấy ngày liền, không nhìn thấy bà cụ bán vé số trên đường, chúng tôi hỏi thăm và tìm đến “nhà” cụ. Gọi là “nhà”, thực chất chỉ là mấy tấm tôn cũ gác tạm bợ bên hông căn nhà bê tông kiên cố của người con dâu (người con trai đã chết từ lâu) trong con hẻm 35, đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP Tân An. “Nhà” của cụ Hy không có vật gì đáng giá ngoài cái lò củi và mấy cái nồi cũ đã móp méo, sứt quai.
Những người hàng xóm cho biết, cụ Hy đi bán vé số thường đem theo cái giỏ bàng. Cụ cứ nhặt giấy vụn, bọc ny lông, giấy bìa đem về làm “củi” để nấu cơm. Cứ mỗi lần cụ “làm bếp”, khói lại bốc mù mịt. Nhiều hôm trời mưa, “củi” bị ẩm chỉ toàn khói, người ta lại thấy bà cụ ho như muốn long cả phổi vì “thổi lửa”. Năm 2010, cụ bệnh liên miên nhưng lại không dám nằm viện vì thẻ bảo hiểm bị cháy trong một lần thổi cơm. Khi chúng tôi hỏi, một cán bộ ở UBND phường 2 cho biết đến khi nghe cụ báo tin địa phương mới biết để xin cấp lại cho cụ thẻ mới.
“Nhiều lúc lễ, tết, anh em chúng tôi muốn thăm bà cụ thì phải tự góp tiền. Do bà cụ hộ khẩu chung với con, trong khi các con của bà ai cũng khá giả nên bà không thể xếp vào diện nghèo. Mà hễ không nghèo thì không được hưởng các chính sách của nhà nước”, vị cán bộ này chua chát nói. Cũng theo vị cán bộ này, không biết vì lý do gì mà cụ Hy dù con cháu rất đông, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, nhà cửa kiên cố nhưng cụ Hy vẫn sống trong túp lều dựng bên hiên nhà con dâu.
Nếu trời thương, xin cho tôi… chết sớm
“Nhà” không có toa lét, mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân cụ đều phải thực hiện ngoài đường… Nhiều lúc cụ bệnh, nằm liệt một chỗ cũng có mấy người cháu đến thăm nom đôi lần theo kiểu chiếu lệ rồi thôi. Con và cháu của cụ còn sống, nhưng người thì than nghèo, người thì bảo bà già trái tính trái nết không chịu ở với ai. Nhưng những người hàng xóm thì bảo rằng bà cụ tuy già và rất khổ nhưng rất tự trọng. Tuy nghèo nhưng bà chưa quỵt nợ ai bao giờ.
Nhiều lần, bà bệnh và đói nằm lả một chỗ, hàng xóm thương tình cho thức ăn chứ bà chưa bao giờ ngửa tay xin của bất kỳ ai một đồng nào, kể cả con cháu ruột thịt. Những người hàng xóm của cụ Hy kể lại, có lần họ đi thăm cụ ở bệnh viện đa khoa Long An và chứng kiến nhiều cảnh rất đau lòng. Hôm đó cụ bị té gãy xương vai. Nén đau, cụ vẫn cố giữa xấp vé số cất vào túi, hy vọng có thể trả lại cho đại lý.
Trưa ngày hôm đó, một cặp vợ chồng bảo là cháu cụ tới thăm. Chẳng những chẳng cho cụ đồng nào phụ tiền thuốc thang mà họ còn lục túi lấy xấp vé số bảo “bán giùm”, sau đó thì không thèm quay vô thăm cụ nữa. Tiền bán vé số, họ cũng không trả lại. Suốt mấy ngày nằm viện, những bệnh nhân khác rất ngạc nhiên khi thấy cụ chỉ ăn mỗi món bánh mì không mà không uống nước. Gặng hỏi, cụ mới nói thật là do té nằm một chỗ, tự cụ ngồi dậy đi vệ sinh không nổi nên không dám uống nước, sợ tiểu tiện ra giường bệnh bị bác sĩ rầy.
Biết hoàn cảnh cụ, một số người đi thăm nuôi bệnh nhân ở cùng phòng đã thuyết phục cụ… uống nước và hứa sẽ đỡ giúp cụ ngồi dậy mỗi khi cụ muốn đi vệ sinh. Hơn một tuần cụ nằm viện, mấy người già trong xóm thường xuyên ghé thăm, còn còn cháu trong nhà ghé được vài ba lần rồi không ai ghé nữa…
Cụ Hy trong “nhà” mình.
Nhiều người sống cùng xóm cụ Hy cho biết, đã mấy chục năm cụ Hy không biết Tết là gì. Ngày Tết, người ta ít ngồi quán cà phê hơn ngày thường nên cụ bán được rất ít vé số. Trước Tết, bao nhiêu nợ nần năm cũ cụ cũng phải lo thanh toán cho xong, nên những ngày Tết lại là những ngày túng thiếu nhiều nhất. Nhiều người ngao ngán cho cảnh sống của cụ, xuất viện xong thế nào cũng phải bám đường nhiều hơn, cố gắng bán được nhiều vé số hơn để có tiền trả nợ.
Trước Tết Tân Mão, cụ Hy lại bị ngã đến nay vẫn còn rất yếu. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi lại tới nhà thăm cụ lần nữa. Trong con hẻm 35 khá rộng, nhà các con cháu cụ Hy đèn đuốc sáng choang nhưng cửa thì đóng kín. “Nhà” cụ Hy thì có ánh sáng tù mu, cửa khép hờ. Nghe tiếng ho sù sụ, chúng tôi khẽ đẩy cửa bước vào. Bà cụ nằm co quắp trên mấy tấm gỗ kê sơ sài, tay cầm chay dầu xanh loại rẻ tiền vừa ho vừa thở. Thấy có người tới thăm, bà cụ chống tay ngồi dậy.
Tay run run đưa cho tôi chai dầu, cụ nhờ thoa dọc mạn sườn bên trái. Mạn sườn này bầm đen vì cụ lại vừa bị ngã ngày hôm trước. Có người thoa dầu dùm, đôi mắt mờ đục của cụ bà như sáng hơn một chút. Bà thều thào: “Mấy tháng nay tui nằm có một chỗ, ai cho gì ăn nấy. Nếu đợt này tui khỏe hơn, đi đứng lại được chắc tui phải đi bán vé số để tự lo cho mình. Còn nếu trời thương, thì thôi cho tui… chết sơm sớm để khỏi phiền bà con làng xóm”…
Theo Phunutoday
Đánh con tàn nhẫn chỉ vì 20.000 đồng
Đi bán vé số bị thiếu 20.000 đồng, hai chị em T. bị người cha dùng dây trói vào chân giường rồi lấy khúc cây gần bằng nắm tay đánh túi bụi.
Ngày 5.4, em Huỳnh Thị T. T, 16 tuổi, ngụ ấp Ninh Thọ, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đã phải bỏ nhà ra đi, trốn chui trốn nhủi trong nhà một người không quen biết. Khi chúng tôi gặp T, trên hai đùi, hai bắp chân và hai đầu gối của em còn chi chít vết roi. Em quệt nước mắt kể: "Em con cũng bị đánh y như vậy. Chỉ vì tụi con nộp tiền bán vé số thiếu 20.000 đồng".
Đùi trái, đùi phải của em T hằn rõ vết thương
Theo lời kể của cô bé tội nghiệp: nhà T. nghèo nhưng có tới 6 anh chị em. Anh lớn nhất của T. đã 22 tuổi, còn em út mới 6 tuổi. T. là con thứ tư trong gia đình, học hết lớp 6 là nghỉ, mấy năm nay cô bé ở nhà đi bán vé số dạo. Mẹ T. cũng đi bán vé số dạo ở tận Long An từ khoảng 5 năm nay, hai ba tháng mới về thăm nhà một lần.
Cha T. ở nhà trồng bắp và làm thuê. Mấy năm nay, chiều nào cũng vậy, cha T. dùng xe máy chở T., em gái và đứa em trai kế tên Huỳnh N. Tr. Gi, năm nay đã 12 tuổi mà "học hoài không lên khỏi lớp 1" và cả đứa em út tên Huỳnh T. B. L. còn đang học mẫu giáo đến các quán ăn, quán nhậu để bán vé số. "Cha thả tụi con ở gần quán, rồi đứng đó chờ. Tụi con bán xong, ra đưa tiền cho cha rồi cha chở đi bán ở quán khác"- T giải thích.
Hỏi nguyên nhân dẫn đến việc mấy chị em bị đòn lần này, T. cho biết: Chiều 5.4, cha T. đi trả tiền cho đại lý vé số, phát hiện bị thiếu 20.000 đồng. Tức giận, vừa về tới nhà, ông kêu chị em T. ra tra vấn: "Tại sao thiếu tiền? Đứa nào ăn cắp, không khai tao đánh tới chết". Hai chị em T. nói không biết tại sao. Theo T. suy đoán có lẽ tại đứa em út còn nhỏ, chưa biết mặt tiền, nên bị người ta gạt hay là nó thối lộn tiền cũng nên.
Thế nhưng cha T. thì không chấp nhận lý do gì, ông lấy dây cột bò trói chân hai chị em T. và Gi vào chân giường rồi lấy khúc cây gần bằng nắm tay đánh túi bụi. Sau đó, ông ta bảo hai đứa con tội nghiệp phải đi kiếm cho ra 20.000 đồng đó "không thôi tao bóp cổ chết mẹ luôn". Nhưng hai chị em T. biết tìm đâu cho ra. Chiều tối, khi được cha chở đi bán vé số, lợi dụng lúc cha đứng ngoài đầu hẻm chờ, T. thừa lúc ông sơ ý, cắm cổ chạy đại vô nhà người ta để trốn.
T cho biết hiện các vết thương của em vẫn còn rất đau nhức. Em dự tính xin chủ nhà cho ở ké vài ngày chờ cho bớt đau rồi sẽ... "trốn xuống Sài Gòn" kiếm việc làm thuê cho các quán ăn.
Hông trái của em Gi cũng bị bầm tím
Chị Lê Thị B. K. chủ quán ăn gia đình- nơi em T. "tị nạn" kể lại: "Có một lần, tôi đang ngồi trông chừng quán thì thấy con bé bị cha nó rượt chạy qua ngang trước cửa quán và dùng nón bảo hiểm phang nó. Sau đó, cha nó lên xe, chở hai đứa nhỏ em nó đi, bỏ nó đi bộ một mình. Chạy được một đoạn, không hiểu sao, ổng ngừng lại cho nó lên xe.
Nhưng khi nó ngồi lên xe, ổng lại cầm nón bảo hiểm táng vào đầu, lưng con bé hai cái. Mấy ngày sau, khi nó vào quán bán vé số, tôi mới hỏi thăm về việc nó bị đánh. Thấy tội nghiệp tôi mới dặn nó, nếu có bị cha đánh thì vào đây trốn. Thế là tối hôm qua, tôi đang bán thì nghe người nhà nói có một con bé bán vé số chạy trốn sau hè. Tôi kêu lên hỏi chuyện nó mới khóc, kể lại chuyện hai chị em nó bị cha đánh vì mất 20.000 đồng. Nó xin ở lại vài ngày nên tôi cho nó ở".
Phần vé số em T. bán chưa hết, vợ chồng chị K. phải chia nhau ra đi bán phụ và giữ hộ tiền cho em. Để tránh phiền phức, chị K. đã cẩn thận trình báo với Công an phường và Công an xã Ninh Sơn - nơi gia đình em T trú ngụ. Thương cô bé, chị K. cũng muốn giúp đỡ bằng cách nhận em vào phụ việc trong quán nhưng vì T. chưa tới tuổi trưởng thành nên chị cũng còn e ngại.
Chiều 6.4, chúng tôi cùng hai công an viên xã Ninh Sơn đến nhà T. thì thấy cha của em đang nằm đu đưa trên võng. Ông khai tên Huỳnh Ngọc Hùng, năm nay 43 tuổi, ông thừa nhận về việc đã trói và đánh hai con, biện minh là do mình nóng tánh.
Người cha bạo hành này vẫn còn tỏ vẻ rất hậm hực, kể lể: "Mỗi ngày, tôi nhận vé số, rồi chia ra cho ba đứa con đi bán. Bán xong, về nhà tôi lấy dây thun cột tiền lại thành từng xấp, mỗi xấp 100.000 đồng. Nhưng không hiểu vì sao, khi đến nơi trả tiền thì có hai xấp bị thiếu, mỗi xấp một tờ 10.000 đồng". Ông quả quyết là do mấy đứa con lấy cắp. Khi chúng tôi hỏi ông có bắt gặp tận tay không thì ông trả lời: "Không! Chỉ đoán vậy thôi".
Trận đòn không chỉ khiến một mình em T bị "bầm giập" mà cả Gi- cậu bé 12 tuổi cũng "te tua" theo chị bởi các vết thương trên mình. Cậu bé vén áo cho chúng tôi xem, bên hông trái của em còn hằn rõ vết bầm tím. Bên bắp chân phải của em cũng vậy. Những vết thương còn nhìn thấy khá rõ trên làn da non nớt.
Công an xã Ninh Sơn đã lập hồ sơ đề nghị xử phạt hành chính ông Hùng 1 triệu đồng về hành vi ngược đãi con, đồng thời đề nghị lãnh đạo xã chỉ đạo các đoàn thể, ngành chức năng có liên quan thường xuyên đến giáo dục, nhắc nhở ông Hùng không được tiếp tục vi phạm.
Theo Tây Ninh Online
Chuyện những người "trốn" Tết Sài Thành Cuối năm vật giá leo thang, công việc thất thường mà lương thưởng "bọt bèo", nhiều công nhân đành đón những chuyến xe về cố hương ăn tết sớm. Còn gần hai tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng tại các bến xe khách lớn nhỏ ở TP.HCM đã có khá nhiều hành khách tất tả đón xe trở lại quê nhà....