Cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần
Theo Báo cáo Sức khỏe tâm thần thế giới do WHO công bố năm 2022, rối loạn lo âu và trầm cảm là những rối loạn tâm thần phổ biến nhất.
Rối loạn lo âu và trầm cảm là những rối loạn tâm thần phổ biến nhất. (Nguồn: Healthline)
Nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tập trung thảo luận xung quanh chủ đề “Sức khỏe tâm thần là quyền phổ quát của con người” nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức, đồng thời thúc đẩy bảo vệ quyền về sức khỏe tâm thần.
Tuyên bố của WHO nhấn mạnh sức khỏe tâm thần đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người, đồng thời khẳng định mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khỏe tâm thần, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro về sức khỏe tâm thần và được điều trị, chăm sóc tốt.
Tuy nhiên, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và ngày càng nhiều thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề này.
Theo Báo cáo Sức khỏe tâm thần thế giới do WHO công bố năm 2022, rối loạn lo âu và trầm cảm là những rối loạn tâm thần phổ biến nhất; cứ 200 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Video đang HOT
Trong khi đó, Văn phòng khu vực châu Âu của WHO cũng cảnh báo hệ thống sức khỏe tâm thần của các quốc gia thành viên đang không phù hợp với tình hình thế giới hiện nay.
Theo cơ quan này, tỷ lệ người dân châu Âu mắc các bệnh liên quan sức khỏe tâm thần ngày càng cao, nhưng rất ít người nhận được bất kỳ hình thức chăm sóc hoặc hỗ trợ nào.
Tình trạng này càng trở nên tồi tệ do sự sụt giảm “đáng lo ngại” về số lượng nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khu vực.
Từ năm 2017 đến năm 2020, tỷ lệ nhân viên y tế lĩnh vực này đã giảm từ 50 trên 100.000 dân xuống còn khoảng 45.
Trước tình hình này, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần đầu tư và nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua nhiều loại hình hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới được tổ chức vào ngày 10/10 hằng năm nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội và người dân về tầm quan trọng và tính cấp bách của sức khỏe tâm thần, đồng thời phổ biến kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần
Tại Hội nghị Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hàng năm, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới.
Trong các bệnh không lây nhiễm, vấn đề rối loạn tâm thần rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Hoạt động tư vấn sức khỏe tâm thần cho người bệnh tại một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. (Ảnh minh hoạ)
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ước tính, cứ 8 người sẽ có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch COVID-19. Ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Một thực trạng nữa là trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
"Đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần" Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt, dân gian thường gọi là điên. Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 - 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
"Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.
Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu chung là "tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh".
"Bộ Y tế đang xây dựng Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần" để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tại Việt Nam, mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước có hai bệnh viện ở tuyến Trung ương là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cùng với Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh/thành phố có Bệnh viện Tâm thần, còn lại là Khoa Tâm thần trong Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội của tỉnh.
Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7). Với điều dưỡng, chỉ số này chỉ đạt 3, thấp hơn trung bình toàn cầu (3,8). 37 tỉnh thành, phố không có nhân viên tâm lý lâm sàng.
Đi khám vì ngứa ngáy, người phụ nữ bất ngờ với chẩn đoán của bác sĩ Người phụ nữ xuất hiện tình trạng ngứa ngáy và nhiều vết loét khắp người, không ngờ đi khám phát hiện bị bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn lo âu, đái tháo đường. Thông tin với VietNamNet, Bệnh viện Da Liễu Tp.HCM cho biết thời gian qua cơ sở này đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân gặp vấn đề về...