Cứ 3 hộ thoát nghèo thì một hộ vào nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm gần một sửa so với thời điểm năm 2010, nhưng thực chất họ chưa thoát ra được nghèo mà nằm ở cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới cao.
Sáng 15/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm báo chí về chính sách giảm nghèo bền vững nhân ngày Vì người nghèo. Báo cáo của Bộ cho biết, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân cả nước là 2%/năm; các huyện, xã nghèo giảm trên 5%/năm.
Đánh giá cao hiệu quả của những chính sách giảm nghèo thời gian qua, nhưng ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, thực chất giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, cận nghèo tăng. Nói một người thoát nghèo là thoát chuẩn nghèo, chứ không phải thoát nghèo đúng nghĩa, thành giàu.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho không như: gạo, vải mặc, dầu hỏa thắp sáng, cấp tiền… đã làm tăng tính ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới cao; cứ 3 hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo hoặc nghèo mới.
Video đang HOT
Lý giải điều này, ông Thi cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát sinh nghèo mới là do tách hộ. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố thiên tai, lũ lụt. Bình quân mỗi năm, Nhà nước trợ cấp lương thực cho 1,5-1,7 triệu lượt người, nhưng vào năm 2013 con số này lên 4,1 triệu.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: Nam Phương.
Chuẩn nghèo và cận nghèo không chênh nhau, nhưng những chính sách ưu đãi lại có sự khác biệt lớn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người không muốn thoát nghèo.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận, nghèo-cận nghèo không hơn nhau là mấy; nhóm cận nghèo thực ra vẫn nghèo. Nếu tính theo nhu cầu mức sống tối thiểu thì phần lớn người cận nghèo rơi xuống thuộc diện nghèo.
“Tuy nhiên vì nguồn lực kinh tế có hạn, nên các chính sách hỗ trợ đều ưu tiên vào chỗ khó khăn nhất, người nghèo nhất. Việc bình chọn xét duyệt ở dưới rất phức tap, quá nhiều ưu đãi không ai muốn ra khỏi diện nghèo, ra là mất bao nhiêu thứ. Một số chính sách hiện nay không khuyến khích được giảm nghèo”, thứ trưởng Đàm nhấn mạnh.
Theo ông, về cơ bản việc rà soát hộ nghèo các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh, nhưng một số địa phương làm chưa thực sự nghiêm túc, khách quan, công bằng, có địa phương thậm chí nghèo luân phiên nhau.
“68% dân số nước ta sống ở vùng nông thôn, thu nhập do làm nông nghiệp bấp bênh, thấp. Làm cả vụ mà chưa biết cuối vụ được gì, hằng ngày vác cuốc đi làm về không; làm công nhân đi làm ngày nào tính công ngày đấy. Thu nhập nông dân chỉ xung quanh đường nghèo”, thứ trưởng Đàm nói.
Hiện nay, Bộ Lao động đang phối hợp với các bộ ngành tổ chức 10 đoàn liên bộ đến các huyện nghèo đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo. Đồng thời xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại xác định người thuộc diện nghèo.
Nam Phương
Theo VNE